Cô kỹ sư ‘tâm thần’ đông trùng hạ thảo
Xem lý lịch của Trúc, thấy khá…giản đơn. Tốt nghiệp ĐH Hồng Bàng, TP.HCM, Trúc trở thành kỹ sư môi trường, làm việc cho bệnh viện… tâm thần TP Cao Lãnh.Tuy nhiên, niềm khát khao khởi nghiệp thì phi thường.
Hiện nay, dự án Đông trùng hạ thảo của Đinh Thị Thanh Trúc được tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ, phát triển thành điểm để du khách tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất và dùng thử sản phẩm. Tại cuộc thi dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4 năm 2018, do trung tâm BSA, tập đoàn Trung Nguyên, công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long, cùng các đối tác chiến lược tổ chức, diễn ra vào tháng 10 tới, đông trùng hạ thảo sẽ là một trong những dự án đáng gờm nhất.
“Mình còn trẻ, còn sức thì phải thử dù thành công chỉ là 1% đi chăng nữa”, đó là những tâm sự chân thành của Đinh Thị Thanh Trúc, một kỹ sư môi trường làm việc tại bệnh viện tâm thần Cao Lãnh, Đồng Tháp trong lớp huấn luyện khởi nghiệp do chương trình Sáng tạo khởi nghiệp của trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức cuối tháng 6 vừa qua tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp…
Bị xem là “kẻ điên”
Trúc bảo cô mới khởi nghiệp được hai năm nay, nhưng “thành tích” thì ai nghe cũng… nể. Với sản phẩm trà và thực phẩm chức năng từ đông trùng hạ thảo, Trúc cùng người chồng làm kỹ sư điện có thu nhập kha khá. Trúc khiêm tốn nói mình tới lớp học để trang bị thêm kiến thức; kết nối với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, mong được tư vấn cụ thể cho dự án.
Ở TP Cao Lãnh, trong lớp huấn luyện hôm đó, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp xem Trúc là tấm gương để học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp. Xem lý lịch của Trúc, thấy khá…giản đơn. Tốt nghiệp ĐH Hồng Bàng, TP.HCM, Trúc trở thành kỹ sư môi trường, làm việc cho bệnh viện… tâm thần TP Cao Lãnh.Tuy nhiên, niềm khát khao khởi nghiệp thì phi thường. Không muốn tuổi thanh xuân qua đi vô nghĩa, Trúc quả quyết mình phải làm điều gì đó xứng đáng, có ích. Và, ước mơ mở một trang trại sản xuất nấm sạch để phục vụ cho người tiêu dùng được cô kỹ sư trẻ sinh năm 1990 này nghĩ tới đầu tiên.
Ban đầu, Trúc cùng chồng là Phạm Đình Chương đầu tư trồng nấm linh chi và sau đó là cà chua đen. Vì “non người trẻ dạ”, hơn nữa khí hậu không thích hợp và phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đang bán khá nhiều trên thị trường, nên vợ chồng Trúc thất bại. Trong câu chuyện với chúng tôi, Trúc hào hứng coi việc “vỡ mộng” ngay từ đầu khởi nghiệp là bài học vỡ lòng, giúp cô đúc kết, rút ra kinh nghiệm chứ không nhụt chí, bỏ cuộc.
Và không từ bỏ đam mê, Trúc tiếp tục tìm kiếm thông tin, nghiên cứu nhu cầu thị trường và quyết định chọn đông trùng hạ thảo để thử sức lần nữa. “Có được ý tưởng, vạch ra kế hoạch cụ thể nhưng lần này, điều cản trở chính là người thân, gia đình”, Trúc kể lại quá khứ hai năm trước khi bắt tay làm đông trùng hạ thảo. Gia đình phản đối cô tiếp tục bỏ tiền làm khởi nghiệp, vì từng hai lần thất bại, có người còn bảo cô “khùng điên”… nhưng điều đó không làm cô nản. Trúc chia sẻ: “Mình còn trẻ, còn sức thì phải thử dù thành công chỉ có 1% đi chăng nữa”. Thế rồi Trúc lên TP.HCM học và nghiên cứu kỹ cách sản xuất loại thảo dược này, sau đó cùng chồng bắt tay vào thực hiện và cho ra kết quả mỹ mãn. Từ đó, gia đình tin tưởng và ủng hộ, thậm chí còn giúp có nguồn vốn để đầu tư máy móc, nhà xưởng…
Chỉ là mới bắt đầu!
Con đường khởi nghiệp không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Dù đã có kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, nhưng đối với vợ chồng Trúc, việc làm đông trùng hạ thảo cũng gặp không ít khó khăn.
Đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng phòng thí nghiệm, 300m2 nhà xưởng, cùng máy móc thiết bị… nhưng sau một mẻ nấm đầu tiên thành công, tưởng rằng “ngon lành” thì khó khăn bắt đầu ập đến. Trong hơn nửa năm 2016, nấm liên tục bị hỏng do bệnh, khiến vợ chồng Trúc nhiều phen khóc cười!
Giải pháp được vợ chồng Trúc bàn tới là nghiên cứu kỹ loại thảo dược này và tìm chuyên gia nhờ hỗ trợ, hướng dẫn.Trúc còn tìm đến các chuyên gia trong ngành đông y, các giảng viên ở trường đại học tại Cần Thơ, Đồng Tháp, TP.HCM nhờ họ tư vấn, hướng dẫn.Đây là giai đoạn hai vợ chồng trẻ chạy đôn chạy đáo, vừa lo cho công việc hiện tại, vừa tìm cách cứu trại nấm.Đầu tiên, cô bảo phải lắp đặt hệ thống máy lạnh, máy phun sương làm mát. Các khâu sản xuất từ cấy phôi, chăm sóc nấm đến thu hoạch được thực hiện kỹ lưỡng hơn, do đó, bước đầu tỷ lệ giống cấy đạt hơn 95%.
Kết quả những vụ thu hoạch tiếp theo thành công ngoài sức tưởng tượng. Đông trùng hạ thảo do Trúc sản xuất được gửi đi kiểm nghiệm tại tổng cục Tiêu chuẩn do lường chất lượng, cho thấy hàm lượng dược chất khá cao. Sau đó, sản phẩm còn được cục An toàn thực phẩm – bộ Y tế cấp chứng nhận đạt chuẩn, đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Trúc đầu tư thêm các thiết bị, máy móc chuyên dụng như hấp tiệt trùng, máy sấy, tủ cấy vi sinh, máy phun sương tạo độ ẩm… Hiện, Trúc đã thành lập công ty TNHH An An Đồng Tháp, cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm như: đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy khô dạng sợi, bột đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo và nhất là trà đông trùng hạ thảo dạng sợi và dạng túi lọc. Thời gian tới, Trúc tâm sự, sẽ đầu tư máy móc, công nghệ để sản xuất một số sản phẩm khác từ đông trùng hạ thảo như mật ong đông trùng hạ thảo, dấm đông trùng hạ thảo…
Theo chia sẻ của Đinh Thị Thanh Trúc, đông trùng hạ thảo đang mang lại cho gia đình lợi nhuận mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng, cao gần gấp ba lần mức lương của vợ chồng cộng lại. Ngoài ra, doanh nghiệp khởi nghiệp An An Đồng Tháp của Trúc còn tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho ba lao động địa phương, với mức thu nhập 3,5 – 4 triệu đồng/tháng.
bài, ảnh Anh Tuấn (theo TGTT)
Nguồn: Thegioihoinhap