Có một đế chế Hoa Kỳ không?

Hiện nay, vào đầu thế kỷ XXI này, Hoa Kỳ nổi lên như một "siêu cường số một" trên thế giới- điều này gần như đã được mọi người thừa nhận. Nhưng những câu hỏi được đặt ra ngay sau đó là cái gì đã làm cho Hoa Kỳ giữ được vị trí này? Vị trí ấy thể hiện cụ thể như thế nào? Nó có lợi hay có hại cho sự phát triển của các nước trên thế giới nói chung và cho chính bản thân nó nói riêng.

Trong lịch sử, chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ đã từng có những lúc mang tính chất đế quốc chủ nghĩa rõ rệt, và thậm chí cũng đã có lúc xâm chiếm đất đai nước khác, như J.P. Fichou nhận xét trong Văn minh Hoa Kỳ. Và đó thường là những hành động bành trướng dưới những nhãn hiệu “chủ nghĩa cứu thế”, “bảo vệ tự do”… Có lúc những quyền lợi của chủ nghĩa tư bản Mỹ phù hợp với lợi ích của các quốc gia nào đó, như trong trường hợp tham gia cuộc chiến tranh chống Phát xít và viện trợ “tái thiết” cho các nước bị chiến tranh tàn phá trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngay cả khi tiến hành “chiến tranh lạnh” chống Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, Mỹ vẫn nói đó là cuộc đấu tranh chống lại phần thế giới “sau bức màn sắt”, chống lại “thế giới tội ác”. Nhưng từ sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ ở Liên Xô và một loạt nước Đông Âu, chủ nghĩa bành trướng Mỹ lại càng tăng lên, dưới danh nghĩa “thế giới một cực” và “siêu cường duy nhất”.
Cũng phải nói rằng có khá nhiều người Mỹ tin vào sứ mệnh cứu thế của mình một cách chân thành. Hình như đó là một hành trang tinh thần không thể thiếu, khiến họ gắn bó về mặt tiềm thức với chủ nghĩa bành trướng. Ngay từ giữa thế kỷ XIX, khoảng một trăm năm sau khi lập quốc, trong “Tuyên ngôn Định mệnh” (Manifest Destiny, 1845) do John O’Sullivan thảo ra, đã nói rõ rằng cuộc cách mạng toàn cầu nhằm thiết lập một xã hội mới sẽ nẩy sinh tại Hoa Kỳ do ý muốn của Chúa, mà Chúa tất nhiên đứng ở bên người Mỹ. Và trong Lời tuyên thệ nhậm chức của mình, các Tổng thống Mỹ không quên nhấn mạnh “vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ”. Không phải mọi người Mỹ đều tin vào chủ nghĩa bành trướng ấy. Trong giới lãnh đạo nước Mỹ, cũng có những chính khách chủ trương “chủ nghĩa biệt lập” chống lại chủ nghĩa bành trướng. Đặc biệt, vị Tổng thống đầu tiên của nước này, George Wasshington đã cảnh báo dân Mỹ (năm 1796) hãy chuyên lo khai thác tài nguyên đất nước, đừng dại mà dính vào những tranh chấp liên miên của các nước Châu Âu. Và trong một thời gian khá dài, đúng là Hoa Kỳ đã đứng ngoài cuộc trước các cuộc chiến tranh giữa các nước đó, với một quan niệm là Hoa Kỳ đã được hai đại dương (Đại Tây dương và Thái Bình dương) bảo vệ.
Nhưng nhìn chung, chủ nghĩa biệt lập dần dần bị từ bỏ, nhường chỗ cho “chủ nghĩa can thiệp”. Nhân danh những “lợi ích sống còn” của Mỹ, chính quyền nước này tự coi mình có quyền và “nghĩa vụ” can thiệp vào các nước và các khu vực được coi là đụng tới những “lợi ích” đó. Danh sách các nước và các khu vực này khá dài và chưa ra khỏi ký ức mọi người.
Vào đầu thế kỷ XXI được kỳ vọng như thế kỷ “hòa bình và hợp tác” này,  nhiều người tưởng rằng “chủ nghĩa can thiệp” Hoa Kỳ sẽ giảm bớt phạm vi và cường độ. Nhưng tình hình diễn ra ngược lại. Đặc biệt, từ sau cuộc tiến công của bọn khủng bố vào chính nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001, “chủ nghĩa can thiệp” lại đạt tới những qui mô chưa từng thấy với sự hình thành Mặt trận chống khủng bố thế giới do Mỹ đứng đầu. Phải thừa nhận rằng vấn đề chống khủng bố, do phù hợp với những yêu cầu an ninh của toàn thế giới trước mối đe dọa nghiêm trọng của một chứng “ung thư” đối với cơ thể loài người, đã được sự đồng tình rộng rãi từ các nước phát triển phương Tây đến các nước Hồi giáo. Có thể nói, với việc đứng đầu mặt trận chống khủng bố ấy, vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới đạt tới một trình độ chưa từng thấy. Nhưng vì đằng sau những hành động chống khủng bố, người ta thấy khá rõ thiên hướng bành trướng của Hoa Kỳ nên vai trò này đang bị đặt thành vấn đề. Dư luận thế giới vừa thông cảm với người Mỹ như những nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và tích cực ủng hộ Mỹ chống khủng bố – một nhiệm vụ không dễ dàng gì ngay cả đối với một nước giàu mạnh nhất thế giới- lại vừa phải dè chừng chủ nghĩa bành trướng Hoa Kỳ. Bên dưới bản đồ “khủng bố và chống khủng bố” ở Trung Cận Đông, chẳng hạn, hiện rõ bản đồ các ống dẫn dầu đã có và có thể có đang hấp dẫn các giới khai thác và kinh doanh dầu mỏ nước Mỹ.
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đang tỏ ra lo ngại trước sức bành trướng của chủ nghĩa tư bản Mỹ, nhất là khi sức mạnh kinh tế của nó lại gắn liền với sức mạnh quân sự. Giới lãnh đạo nước này có ý thức rất rõ về điều này, khi họ tự coi là nước có sức mạnh quân sự không có đối thủ. R.Raas, Phó Giám đốc Học viện Brooking khẳng định: “Một thực tế hiển nhiên là Hoa Kỳ là nước hùng mạnh nhất không ai sánh kịp”. Và nhà chính trị học Ch. Krauthammer còn nói rõ hơn: “Có thể trong các thế hệ tương lai sẽ xuất hiện những cường quốc vĩ đại có thể sánh ngang với Hoa Kỳ. Nhưng không phải bây giờ. Không phải trong thập kỷ này… Có thể có ai đó nghĩ rằng dân chủ và toàn cầu hóa làm thay đổi chính trị thế giới, họ tán tụng “thế giới một cực” trong đó Hoa Kỳ giữ vai trò bá chủ, vì theo họ, trong thế giới một cực, các cuộc xung đột mới nảy sinh sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn, có hiệu quả hơn so với những hệ thống kém tập trung hơn.
Cuộc sống cho thấy thế giới một cực với vai trò bá chủ của Hoa Kỳ không mang lại sự yên ổn cho toàn thế giới, nhất là khi Hoa Kỳ tự cho phép mình phân chia thế giới thành hai phần: thân Mỹ và chống Mỹ. Hôm nay, nước này bị coi là kẻ thù của Mỹ, ngày mai lại đến lượt một nước khác cho dù có cơ sở hay không có cơ sở. Tham vọng bá chủ của Hoa Kỳ đi ngược lại với các quá trình củng cố chủ quyền quốc gia, cũng như với quá trình toàn cầu hóa mang tính chất dân chủ ngày càng mạnh mẽ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trạng thái một cực là ít ổn định nhất, vì sự tập trung to lớn vào một cực đe dọa các quốc gia khác và buộc các quốc gia này phải có những nỗ lực để phục hồi sự cân bằng. Chính người Mỹ cũng đang nghi ngờ về điều này. Nhà nghiên cứu Mỹ G.Wills viết: “Tại sao các quốc gia khác lại buộc phải nghe theo sự lãnh đạo của Mỹ mà không phải là sự lãnh đạo quốc gia họ?”. Đa số các nhà phân tích khẳng định rằng, một cực là ảo tưởng, đó là thời điểm ngắn ngủi không thể kéo dài được lâu và cuối cùng sẽ nhường chỗ cho đa cực.
Vai trò bá chủ của Hoa Kỳ không chỉ bị nghi ngờ và chống đối từ bên ngoài. Nó còn vấp phải tâm trạng không hài lòng ở trong nước. Tuy hiện nay, nhiều người Mỹ, nhất là trong các giới có thế lực chính trị và kinh tế đang tỏ ra hài lòng với vị trí đứng đầu thế giới của Mỹ, nhưng đa số dân Mỹ đang băn khoăn: liệu có nên hy sinh về người và của cho vai trò bá chủ ấy không. Họ không bằng lòng với “gánh nặng” tổ chức các lực lượng quốc tế ở những phạm vi rộng lớn trên thế giới. Người Mỹ muốn tăng thêm những chi phí về phục vụ y tế hơn là ném tiền vào ngân sách quân sự phình lên chưa từng thấy từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Có người dự đoán rằng đến năm 2020, sự ủng hộ bên trong đối với vai trò đứng đầu thế giới của Mỹ sẽ bị suy giảm mạnh mẽ.
Trở lại câu hỏi đặt ra ngay ở đầu bài: Có một đế chế Hoa Kỳ không? Có thể trả lời rằng: đúng là đang có một xu hướng “đế chế” như vậy. Dù đó là xu hướng thiết lập “đế chế cưỡng bức” hay “đế chế nhân từ” thì cũng vẫn là đế chế, nghĩa là một sự bảo hộ và áp đặt của một “siêu cường” đối với phần thế giới còn lại. Nhưng có thể tin chắc rằng trong thời đại ngày nay, xu hướng đế chế không có tương lai. Thế giới muốn nhìn thấy một nước Mỹ hùng mạnh góp phần tích cực hơn vào việc giải quyết những vấn đề toàn cầu nóng hổi, như ngăn chặn sự suy thoái của môi trường sinh thái, xóa bỏ nạn nghèo đói ở những vùng rộng lớn trên hành tinh, thúc đẩy tiến bộ khoa học- công nghệ, thúc đẩy các quá trình toàn cầu hòa theo hướng dân chủ… Một nước Mỹ như vậy sẽ vừa quan tâm đến tương lai của thế giới, vừa chú trọng giải quyết những vấn đề cơ bản trong nước để nước Mỹ có thể được tôn trọng như một quốc gia đi đầu trong nền văn minh mới của loài người.

Minh Hiền 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)