Con đường hình thành sản phẩm mới

Chiều cuối tuần, thứ bảy ngày 12/7 tại Café Olive, Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc kinh doanh của Công ty Misfit Wearables, kể tôi nghe về “núi” công việc cô đang thực hiện cấp tập để ngày 15/7, Misfit Wearables ra mắt website chính thức của sản phẩm Misfit Shine và theo dự kiến đến đầu tháng 8, sẽ được tung ra thị trường, phân phối chính thức như một trong những phụ kiện mới lạ dành cho điện thoại thông minh trong toàn hệ thống cửa hàng bán lẻ toàn cầu của một thương hiệu điện thoại danh giá bậc nhất hiện nay.

Misfit Shine (MS) là một sản phẩm nhỏ gọn như một đồng xu, mà bản thiết kế sản phẩm này từng được giới thiệu ra mắt bạn trẻ Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vào cuối tháng 4 năm ngoái, khi công ty đưa nhà quản trị hàng đầu thế giới là John Sculley, nguyên Tổng giám đốc của hãng công nghệ Apple và trước đó là Tập đoàn Pepsico, đến thăm Việt Nam theo lời mời của câu lạc bộ doanh nghiệp Dẫn đầu LBC. John Sculley chính là một trong ba người đồng sáng lập nên công ty Misfit Wearbles.

Mới tuần trước, báo chí khoa học của Hoa Kỳ vừa đưa tin: MS đoạt hai giải thưởng lớn là Red Dot và A’ Design Awards. Red Dot là giải do tổ chức Design Zentrum Nordrhein Westfalen của Đức trao cho sản phẩm đạt tiêu chí về chất lượng, sáng tạo, phù hợp nhu cầu và thân thiện môi trường. Còn A’Design Awards lại chấm về ý tưởng thiết kế và tính phù hợp người tiêu dùng toàn cầu.

Misfit Shine dùng để đo mức độ vận động cơ thể như số vòng quay khi đạp xe, số sải tay khi bơi, số bước đi trong ngày, nhờ đó người dùng có thể tự tin kiểm soát mức độ hoạt động của cơ thể khi chơi nhiều môn thể thao khác nhau. Misfit Shine là thiết bị đầu tiên trên thế giới tích hợp với smartphone chỉ đơn giản bằng cách đặt lên màn hình cảm ứng và dữ liệu sẽ tự động được chuyển qua, không qua bluetooth hay wifi…

Nếu ở thị trường Việt Nam việc sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ mới vừa mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm mà đáp ứng được nhu cầu thị trường các doanh nghiệp thường kết nối với các tổ chức nghiên cứu như các viện nghiên cứu và trường đại học, thì trong cuộc cạnh tranh ở thị trường toàn cầu, chị Kiều Trang cho biết, việc hình thành các sản phẩm công nghệ mới lại đang đi một con đường hơi khác. Bắt đầu từ vai trò thủ lĩnh thực chất của một nhân vật có tên chuyên môn là người đề xướng sản phẩm (product editor). Nhân vật này trước hết phải có tầm nhìn và am hiểu thị trường, hiểu sâu về dòng sản phẩm của nhu cầu tiêu dùng mục tiêu mà mình quan tâm. Sau đó, qua nghiên cứu sản phẩm, thị trường, người này xác định rõ sản phẩm thị trường cần có để được thị trường chấp nhận. Chính người đề xướng hay biên tập sản phẩm này, kẻ thủ đắc cả tầm nhìn dự báo xu hướng thị trường và cục diện cạnh tranh trước mắt và xa hơn của thị trường, sẽ đặt ra mọi yêu cầu cho nhóm kỹ sự thiết kế các lĩnh vực của sản phẩm.

Khi nhóm kỹ sư nhận yêu cầu, chẳng hạn như với Misfit Shine phải đẹp như một món trang sức để người thích đeo trên tay, hay cài lên ve áo (đàn ông), phải không bị ngấm nước, dù ở độ sâu 100 mét. Sản phẩm này phải không tốn pin vì không ai muốn phiền hà đôi ngày sạc pin một lần (hay chắc chắn là sẽ quên sạc pin). Món “trang sức” này có thể tương tác ngay với chiếc điện thoại iPhone, thậm chí phải trả lời thắc mắc là nếu đặt trên mặt chiếc iPhone, liệu nó có thể làm trầy mặt kính chiếc điện thoại? Câu trả lời đầu tiên của họ thường là: “Khó lắm! Không thể làm vậy được đâu”! Nhưng rồi với “tài” của người kinh doanh, một quá trình tương tác gay go diễn ra và cuối cùng, từ chỗ cảm nhận ban đầu là “khó lắm, không thể làm được” thì sau đó, họ “chưa từng bao giờ làm không được”.
Sau việc hoàn thành khâu thiết kế sản phẩm, là việc chọn chất liệu, chọn nơi sản xuất như thế nào để đáp ứng được cùng lúc bốn yêu cầu: bảo đảm bí mật, không bị ăn cắp kiểu dáng công nghệ; sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất; giá xuất xưởng rẻ nhất và cuối cùng là đủ sức sản xuất qui mô lớn khi sản phẩm được thị trường chấp nhận. Misfit Wearables nhận thấy sản xuất ở Trung Quốc là đạt yêu cầu, nhưng không đáp ứng yêu cầu không bị giả kiểu dáng công nghệ nên cuối cùng chọn Hàn Quốc.

Từ những lô hàng sản xuất với số lượng vài ba ngàn đến sản xuất đại trà theo qui mô công nghiệp hiện đại, cạnh tranh tốt trên thị trường là một bài toán có quá nhiều thông số và ẩn số. Và để giải được bài toán này cần có sự hợp tác, chia sẻ của những nhà nghiên cứu khoa học, kỹ sư giỏi. Nhưng dường như yếu tố đó lại chưa phải là yếu tính của người Việt Nam.

Từ khi bắt tay vào làm Misfit Shine, một nửa thời gian của cặp vợ chồng Kiều Trang – Sonny Vũ, với Sonny Vũ là product editor và Kiều Trang là người điều phối hệ thống và kinh doanh, là sống và làm việc 50% thời gian ở Việt Nam. Vì sao? Misfit Wearables đặt phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam với đội ngũ 30 kỹ sư trẻ tài năng, đảm trách ba khâu: thiết kế công nghệ cảm ứng cao cấp, thiết kế phần mềm và phát triển hệ thống dữ liệu cung cấp cho người tiêu dùng. Kiều Trang nhấn mạnh, đây là những người trực tiếp thiết kế sáng tạo sản phẩm chứ không phải làm gia công theo thiết kế có sẵn. Vì vậy họ phải là những kỹ sư trẻ say mê công nghệ, có khả năng cập nhật liên tục công nghệ mới của thế giới, không sợ những đỉnh núi cao và đáy vực sâu, đủ thông minh, đủ tình yêu, đủ sức khỏe thế chất và trí não để đeo đuổi đến cùng và có một sự nhạy cảm bản năng với đòi hỏi ác nghiệt của cạnh tranh thị trường. Nói ngắn gọn là họ có đầy đủ các khả năng và tố chất thích hợp với những sản phẩm công nghệ mới.

Những kỹ sư trẻ gắn bó với nhau trong một nhóm, gọi là một team. Mỗi người chuyên một lĩnh vực nhưng tất cả hòa làm một để cùng giải các bài toán như tìm nguyên liệu thích hợp nhất, giải đáp các tính năng về âm thanh, về điện năng, về tốc độ, về tính tiện dụng… tối ưu. Cuộc đua sống còn đã diễn ra thầm lặng ngay từ vạch xuất phát, khi việc thiết kế sản phẩm và sản xuất lô hàng thử nghiệm đầu tiên còn nằm trong vòng bí mật, giai đoạn mà những rủi ro rình rập do nguy cơ có những nhà kinh doanh khác nhìn xa hơn, thực dụng hơn, thông minh hơn có thể đưa ra được sản phẩm đẹp hơn, tiện dụng hơn và giá “mềm” hơn. Chưa hết, chặng đường biến những công nghệ tốt thành nhưng sản phẩm công nghệ xuất sắc thì còn gay go và mới lạ nữa, bởi lẽ khi đó là có bàn tay “lông lá” của thị trường can thiệp. Bàn tay này lại rất kỳ quái, khắc nghiệt, rất khác biệt và không bao giờ nhân nhượng so với quán tính nghĩ suy, làm việc và mong muốn của nhà nghiên cứu khoa học. 

Đón dọc:

Bài 2: Tương quan giữa công nghệ và thị trường qua Misfit Shine

Bài 3: Mô hình đưa sản phẩm cộng nghệ mới ra thị trường toàn cầu, những gợi ý cho Việt Nam.

Tác giả