Công nghệ pháp lý: Cơ hội nào cho Việt Nam?
Trong bối cảnh cả vấn đề làm luật và tiếp cận, thực thi luật đang gặp phải nhiều khó khăn, phức tạp với sự giúp đỡ của công nghệ pháp lý, cả hai đối tượng này đều có thể giảm thời gian, chi phí và công sức. Kể cả các công ty luật cũng sẽ nâng cao được hiệu quả và năng suất, chất lượng dịch vụ cung cấp đến khách hàng.
Việc đăng ký patent nhiều khi tốn kém và mất rất nhiều thời gian. TurboPatent giúp tự động hóa một phần quy trình này, giúp các nhà khoa học tiết kiệm chi phí thuê luật sư.
Legaltech ra đời bởi các áp lực về thời gian và chi phí của khách hàng ngày càng cao khiến các công ty luật, vốn là ngành chậm áp dụng công nghệ, phải tìm đến các công nghệ phù hợp để tăng hiệu quả công việc của mình. Mặc dù mới ra đời, ngành legaltech đã phát triển nhanh chóng cùng với việc áp dụng các công nghệ trong CMCN 4.0 như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI) và các dịch vụ về điện toán đám mây (cloud services). Ngày nay, các lĩnh vực cụ thể trong Legaltech bao trùm hàng loạt dịch vụ từ các nền tảng kết nối người có nhu cầu và các luật sư/công ty luật một cách nhanh chóng, đến các dịch vụ giúp các doanh nghiệp quản lý tài liệu pháp lý, bao gồm cả các bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả, và các dịch vụ nghiên cứu chính sách/văn bản pháp lý để phục vụ đưa ra các quyết định pháp lý một cách đúng đắn nhất.
Sự phát triển của Legaltech trên thế giới
Theo nghiên cứu của Laconia Capital Group, riêng tại Hoa Kỳ, thị trường kỳ vọng của ngành này được tính vào khoảng 15,9 tỷ USD, trong đó 6,5 tỷ USD là thị trường tiềm năng đến từ nhu cầu của các công ty luật và 9.4 tỷ USD đến từ nhu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn1. Hầu hết các khoản đầu tư vào ngành Legaltech tập trung tại Hoa Kỳ, với tổng số đầu tư năm 2018 là 1 tỷ USD (trên 40 thương vụ), vượt xa con số 233 triệu USD năm 2017 với 61 thương vụ2. Trong số đó, hơn 1/3, cụ thể là 362 triệu USD là các khoản đầu tư vào việc áp dụng AI trong legaltech, nhiều hơn cả tổng số đầu tư vào toàn ngành Legaltech năm 2017.
Một số công ty tên tuổi trong lĩnh vực Legaltech có thể nhắc đến TurboPatent, gọi được 3,25 triệu USD trong năm 2018 với việc áp dụng AI để hỗ trợ hoạt động viết đơn đăng ký sáng chế của các nhà nghiên cứu một cách tự động với giá rẻ bằng ½ so với giá thuê các công ty luật, và thời gian nhanh hơn nhiều lần3. LawGeex, gọi được 12 triệu USD, giúp các doanh nghiệp có thể kiểm tra các hợp đồng giao dịch một cách tự động (việc mà từ trước đến nay vẫn được làm bởi sức người, mất nhiều thời gian và không đảm bảo hoàn toàn chính xác), tiết kiệm được 80% thời gian và 90% chi phí so với việc kiểm tra hợp đồng bằng các dịch vụ tư vấn luật truyền thống4. Atrium, một startup trong lĩnh vực này mới chỉ hơn một năm tuổi, áp dụng công nghệ machine learning để giúp các startup số hóa các tài liệu pháp lý của mình, cũng vừa gọi được 65 triệu USD tiền đầu tư5. Hiểu được rằng startup là những doanh nghiệp chưa có nhiều năng lực tài chính để thuê các dịch vụ tư vấn luật một cách thường xuyên (vừa tốn kém, vừa có thể mất nhiều thời gian), Atrium giúp các startup chủ động được việc soạn thảo được các hợp đồng, tài liệu gọi vốn, tài liệu thẩm định đầu tư, v.v một cách nhanh chóng, minh bạch về giá thành và rẻ hơn nhiều so với các dịch vụ tư vấn luật thông thường. Mặc dù quy mô của những khoản đầu tư này không thể so sánh được với các khoản đầu tư mạo hiểm hàng trăm triệu USD cho đến hàng tỷ USD trong những ngành đã phát triển như e-commerce, logistics, fintech6 nhưng cũng cho thấy được tiềm năng lớn của một ngành mới nổi.
Tiềm năng để phát triển Legaltech tại Việt Nam
Tiềm năng để phát triển Legaltech ở Việt Nam đến từ sự phức tạp trong hệ thống quy định pháp lý, nhu cầu áp dụng luật của doanh nghiệp, sự phát triển của ngành tư vấn luật và tiềm năng sáng tạo của các startup trong việc giải quyết vấn đề này.
Trước hết, sự phức tạp và thay đổi nhanh chóng của nhiều chính sách ở Việt Nam khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc áp dụng. Ví dụ điển hình là các chính sách về thủ tục hành chính liên quan đến thuế, giấy phép kinh doanh, đất đai, tín dụng v.v7. Thống kê của VCCI cho thấy, mặc dù đã có sự cải thiện về mặt thủ tục hành chính trong một vài năm trở lại đây, vẫn có đến 60% doanh nghiệp, trong tổng số 10.000 doanh nghiêp dân doanh được khảo sát, phàn nàn về việc xin giấy phép kinh doanh có điều kiện (các giấy phép con) đầy phức tạp, khó khăn8.
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, việc nộp đơn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng là thách thức khi không phải ai cũng có khả năng viết đơn bảo hộ, hiểu và theo đuổi được quá trình nộp đơn kéo dài, và nhiều doanh nghiệp thường xuyên phàn nàn về việc bị xâm phạm quyền, làm nhái sản phẩm, dẫn đến hệ lụy lớn về lợi nhuận và thương hiệu của mình9.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) hay những doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp nhỏ với nguồn lực tài chính và nhân lực còn thấp, việc tiếp cận với các chính sách mới, tuân thủ các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, cũng như xây dựng các văn bản pháp lý phức tạp để kêu gọi đầu tư, đáp ứng cả các quy định trong nước, nước ngoài lại càng là vấn đề lớn.
Người làm chính sách cũng gặp phải không ít khó khăn trong việc xây dựng chính sách của mình bởi khi có quá nhiều văn bản liên quan đến nhau, khó có thể nắm bắt và rà soát. Ví dụ là tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã nêu ra tình trạng chồng chéo của nhiều văn bản quy phạm pháp luật10. Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã chỉ ra 37 vướng mắc do chồng chéo về quy định pháp luật gây khó khăn cho các nhà đầu tư11. Lý do của những chồng chéo này, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ, một phần là do người làm luật thường tiếp cận theo ngành dọc còn nhà đầu tư/doanh nghiệp thì phải tiếp cận theo chiều ngang.
Cũng bởi sự phức tạp nói trên, ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp cận đến các dịch vụ tư vấn luật để có thể được tư vấn chính sách, pháp lý nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp mình12. Nhu cầu này đặc biệt tăng mạnh từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 200813. Tuy nhiên, các vấn đề cần tư vấn ngày càng phức tạp khiến các công ty tư vấn cũng cần liên tục tìm hiểu, cập nhật thông tin, kỹ năng, cần hiểu biết rõ về khách hàng của mình và thị trường của họ14. Việc cập nhật các chính sách mới ban hành là chưa đủ, mà các công ty tư vấn còn phải giúp được doanh nghiệp cập nhật những thông tin về các dự thảo văn bản pháp luật mới, có khả năng ảnh hưởng lớn đến khách hàng.
Techlaw.Fest 2018 tại Singapore nhằm thảo luận về công nghệ ảnh hưởng đến luật pháp ra sao. Nguồn: Viện Pháp lý Singapore
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ được hưởng lợi nhiều từ các công ty Legaltech. Với việc áp dụng công nghệ để thường xuyên rà soát, cập nhật các chính sách mới trong lĩnh vực mà mình quản lý, những nhà hoạch định chính sách trong bộ, ngành này sẽ có thể xây dựng những chính sách mà không trùng lặp, chồng chéo với các chính sách do các bộ, ngành khác xây dựng. Hơn nữa, việc biết được các dự thảo chính sách nào liên quan đến đối tượng quản lý của mình sẽ giúp các nhà hoạch định, chính sách có ý kiến góp ý cho các dự thảo đó một cách nhanh chóng, tránh những trường hợp chính sách đã được ban hành rồi, doanh nghiệp mới biết mình bị ảnh hưởng thì đã muộn. Ví dụ, khi có các dự thảo liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì ngay lập tức một sản phẩm Legaltech có thể cập nhật cho người làm chính sách về khởi nghiệp sáng tạo để có ý kiến góp ý nếu cần, bởi rất nhiều nhà đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đến từ nước ngoài và sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách trên.
Nói cách khác, cả vấn đề làm luật và tiếp cận, thực thi luật đang gặp phải nhiều khó khăn, phức tạp. Trong khi đó với sự giúp đỡ của công nghệ, cả hai đối tượng này đều có thể giảm thời gian, chi phí và công sức. Kể cả các công ty luật cũng sẽ nâng cao được hiệu quả và năng suất, chất lượng dịch vụ cung cấp đến khách hàng.
Legaltech không phải chưa hề có mặt tại Việt Nam. Một trong những công ty đang cung cấp dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu chính sách/văn bản pháp luật rất phổ biến hiện nay là thuvienphapluat, với số lượng văn bản được số hóa và cho phép khách hàng cập nhật lên đến hơn 300.000 văn bản được truy cập miễn phí, trong số đó hơn 11.000 văn bản đã được dịch sang tiếng Anh. Không có các thông số chính thức về mặt đầu tư hay kết quả kinh doanh của thuvienphapluat nhưng có thể thấy rất nhiều người kể cả ở cơ quan nhà nước hay khu vực tư nhân, sinh viên khoa luật tại các trường đại học hầu hết đều sử dụng dịch vụ của thuvienphapluat. Nhưng ngành này còn rất nhiều tiềm năng phát triển khi chưa có sự tham gia của các công nghệ AI hay machine learning như các startup Legaltech trên thế giới. Về tiềm năng, Việt Nam đã có những startup áp dụng công nghệ AI, machine learning, cloud computing, big data trong các lĩnh vực khác nhau như fintech, logitistics, edtech,…, do đó việc triển khai các công nghệ này vào Legaltech để giải quyết vấn đề của thị trường không phải là điều quá khó khăn.
Với sự áp dụng của các công nghệ mới để tự động hóa quá trình tiếp cận, phân tích thông tin về các văn bản pháp luật, áp dụng các quy định mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kết nối người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật và người có thông tin, có khả năng tư vấn, hi vọng rằng các startup Việt có thể bắt đầu tham gia vào nền công nghệ mới nổi – Legaltech – để hỗ trợ không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, các công ty tư vấn luật mà cả các cơ quan nhà nước có thể nâng cao năng lực rà soát, xây dựng các văn bản mới và đưa các văn bản này đến với người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả. Tại Hội nghị TechLaw.Fest tại Singapore vào tháng 4, 2018, đã có một hackathon để tìm kiếm các giải pháp Legatech cho ngành tư vấn luật và các doanh nghiệp, trong đó một công ty áp dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử đảm bảo giảm thiểu chi phí và tăng tính hiệu quả cho các giao dịch online đã thắng cuộc15. Có chăng ngành Legaltech Việt Nam nên khởi động bởi một hackathon tương tự?
Công nghệ pháp lý hay còn gọi là “Legaltech” là một trong những ngành công nghệ mới nổi trên thế giới cùng với ngành công nghệ tài chính (fintech), công nghệ bảo hiểm (insuretech) công nghệ giáo dục (edtech), v.v. Công nghệ pháp lý và công nghệ quy định (regulation technology hay gọi tắt là regtech) mặc dù tên gọi gần giống nhau nhưng lại có hàm ý khác nhau. Trong khi Regtech là ngành công nghệ hướng tới mục tiêu chính là giải quyết các vấn đề về áp dụng quy định pháp lý trong ngành tài chính, ngân hàng, Legaltech hướng tới giải quyết các vấn đề pháp lý rộng lơn của các công ty luật và các khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn luật.
Tài liệu tham khảo:
1https://legal-tech-blog.de/wp-content/uploads/2018/05/Laconia-Capital-Group_-Legal-Tech-Industry-Landscape.pdf
2 https://blog.lawgeex.com/legaltech-hits-1-billion-investment-as-lawyers-embrace-automation/
3 https://turbopatent.com/
4 https://www.lawgeex.com
5 https://techcrunch.com/2018/09/10/atrium-legal/
6 https://news.crunchbase.com/news/a-brief-look-at-2018s-largest-funding-rounds/https://assets.kpmg/content/dam/kpmg/xx/pdf/2018/07/kpmg-venture-pulse-q2-2018.pdf
7 http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/43000-doanh-nghiep-dang-gap-kho-khan-co-phai-vi-giay-phep-con-post178775.gd
https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/chinh-sach-thue-thay-doi-nhieu-gay-kho-khan-cho-doanh-nghiep-58154.html
https://baomoi.com/doanh-nghiep-gap-kho-khan-do-tinh-trang-tinh-nham-thue/c/28755939.epi
8 http://enternews.vn/doanh-nghiep-tiep-tuc-phan-nan-ve-giay-phep-con-140260.html
9 https://bnews.vn/con-khong-it-doanh-nghiep-gap-kho-khan-vuong-mac-ve-chinh-sach/83317.html
10 https://baomoi.com/tinh-trang-chong-cheo-trong-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat/c/27198509.epi
11 https://nld.com.vn/thoi-su/luat-chong-cheo-kim-h
12 http://enternews.vn/doanh-nghiep-manh-hon-khi-co-tu-van-luat-139285.html
13 http://htt.edu.vn/soi-dong-thi-truong-dich-vu-phap-ly-o-viet-nam/
14 http://www.misa.com.vn/tin-tuc/chi-tiet/newsid/7437/Nhung-cach-ton-tai-cua-cac-cong-ty-tu-van-luat
15https://www.opengovasia.com/blockchain-based-technology-for-secure-digital-signatures-wins-legal-tech-hackathon-in-singapore/