Công nghiệp 4.0: Nắm bắt đột phá cho phát triển của Việt Nam
Không quá khi nói rằng: Đất đai là nguồn lực của thời kỳ nông nghiệp/ Sắt thép là nguồn lực của thời kỳ công nghiệp/ Dữ liệu là nguồn lực của thời kỳ thông tin.
Hình minh họa: Internet.
Năm 1983, quý vị chỉ có thể thực hiện cuộc gọi bằng chiếc Motorola DynaTAC 8000x, có chiều dài 33cm và trọng lượng 0,8kg. Giờ đây, chiếc iPhone6 chỉ nặng bằng khoảng 16% người anh em họ xa của nó từ 35 năm trước, nhưng lại có mức độ hữu ích lớn hơn gấp bội lần.
Tôi xin nêu một ví dụ khác. Ngân hàng Thế giới hiện đang hỗ trợ sáng kiến cho phép người nông dân sử dụng điện thoại thông minh, kết hợp với một thiết bị cảm biến tự động trên thửa ruộng của mình, để theo dõi mực nước trên đồng lúa. Khi mực nước xuống thấp, nông dân có thể sử dụng điện thoại thông minh để kích hoạt máy bơm. Nông dân cũng có thể đồng thời theo dõi từ xa nhiều thửa ruộng và trạm cảm biến. Công nghệ này giúp tăng năng suất nông nghiệp, tiết kiệm nước, giảm khí nhà kính và góp phần phát triển nông thôn ở Việt Nam.
Sự hội tụ của nhiều công nghệ đã thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, sản xuất và tiêu dùng. Đôi khi sự thay đổi này diễn ra từ từ, nhưng nó cũng có thể mang tính đột phá và trở thành thách thức thực sự. Nếu chúng ta thực sự có thể dự đoán điều gì trong thời đại thay đổi công nghệ nhanh chóng theo cấp số nhân này thì đó là: sự phát triển đột phá sẽ còn tiếp diễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trên thị trường lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo 56% lực lượng lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có nguy cơ cao sẽ bị thay thế bằng công nghệ trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới.
Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã thành công trong việc tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời giảm đáng kể tỷ lệ nghèo. Tuy nhiên, trong những năm tới, các công nghệ đột phá sẽ mang đến cả những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam để tiếp bước trên con đường thành công này.
Vào ngày 5 tháng 7, tại Hội nghị quốc gia về phát triển bền vững năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi cho các đại biểu: liệu Việt Nam đã sẵn sàng trước Công nghiệp 4.0 chưa. Tôi xin trao đổi nhanh về mức độ tiến bộ của Việt Nam dựa trên một số bảng xếp hạng quốc tế.
Về mặt áp dụng kỹ thuật số, Việt Nam có điểm mạnh nhưng cũng còn nhiều thách thức. Báo cáo Phát triển của Ngân hàng Thế giới năm 2016 về Lợi ích số xếp hạng Chỉ số Áp dụng Kỹ thuật số của Việt Nam ở mức 0,46 trên thang điểm 1. Mặc dù xếp cao hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trên toàn cầu, chỉ số này vẫn thấp hơn mức trung bình của khu vực.
Tỷ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam là 54%, và có tới 40% dân số Việt Nam sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy những con số này rất ấn tượng nhưng xếp hạng của Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực theo các thước đo về kỹ thuật số khác dựa trên một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức Alphabeta.
Để tiến lên phía trước, hoặc thậm chí có bước tiến nhảy vọt, Việt Nam phải nâng cấp cách thức chính phủ vận hành. Có ba mối quan hệ với chính phủ mang ý nghĩa quan trọng, đó là giữa các cơ quan của chính phủ (G2G), giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B), và giữa chính phủ với người dân (G2C). Công nghệ có thể hỗ trợ theo nhiều cách, nếu chúng ta có thể nắm bắt công nghệ một cách chiến lược để đảo ngược những thách thức tiềm ẩn đối với các mối quan hệ này.
Nhưng một mình công nghệ không thể giải quyết được vấn đề. Việc thuần túy đầu tư vào phần mềm hoặc phần cứng sẽ không cải thiện được khả năng vận hành của chính phủ. Chính phủ sẽ không thể là đối tác của Công nghiệp 4.0 nếu như bị mắc kẹt trong Bộ máy Quan liêu 1.0.
Câu hỏi lớn là LÀM THẾ NÀO?
Tôi tin rằng một công thức với ba yếu tố, tương tự như chiếc kiềng ba chân, có tầm quan trọng mật thiết với Công nghiệp 4.0 để thực sự giúp Việt Nam đạt được khát vọng phát triển của mình, đó là công nghệ, thể chế và con người.
Trước hết, về công nghệ, Việt Nam cần nắm bắt các giải pháp kỹ thuật số tích hợp.
Chính phủ cần áp dụng một cách tiếp cận toàn diện về cách công nghệ có thể hỗ trợ cải cách nhằm tác động và chuyển đổi những kết quả phát triển của mình.
Cơ sở hạ tầng có khả năng tương tác làm nền tảng sẽ tăng cường các mối quan hệ G2G, G2B và G2C, tối ưu hóa các khoản đầu tư của chính phủ và kết nối các cơ quan trung ương, các cấp chính quyền tại trung ương và địa phương.
Tôi xin lấy Estonia làm ví dụ. Quốc gia này đã khởi đầu như vậy khi bắt đầu hành trình kỹ thuật số của mình được gọi là e-Estonia. Kết quả đạt được là tăng GDP thêm 2%. Hệ thống này cho phép người dân Estonia thành lập doanh nghiệp chỉ trong vòng 18 phút. Với hơn 99% các dịch vụ công thực hiện trực tuyến, Estonia tự hào tiết kiệm được 800 giờ làm việc mỗi năm nhờ có e-Estonia. Một hiệu quả phụ đáng khâm phục khác là số sinh viên theo học nghề công nghệ thông tin ở Estonia tăng gấp đôi, cao hơn mức trung bình ở các nước OECD khác.
Một yếu tố quan trọng khác là dữ liệu mở. Dữ liệu được công khai và kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và giữa chính phủ với doanh nghiệp và người dân sẽ cho phép chúng được sử dụng tối ưu để đem lại nhiều lợi ích to lớn trong tương lai.
Không quá khi nói rằng: Đất đai là nguồn lực của thời kỳ nông nghiệp/ Sắt thép là nguồn lực của thời kỳ công nghiệp/ Dữ liệu là nguồn lực của thời kỳ thông tin.
Sáng kiến thành phố thông minh cho thấy sự công khai dữ liệu ở mức độ lớn hơn có thể nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính phủ trong việc tạo ra và duy trì cung cấp dịch vụ công. Tại Hà Nội, dữ liệu thời gian thực về giao thông công cộng và tình hình giao thông sẽ giúp tháo gỡ nhiều vấn đề đi lại làm đau đầu người dân. Dữ liệu không gian địa lý ở đồng bằng sông Cửu Long có thể dùng để cảnh báo sớm về lũ lụt hoặc nắng nóng. Và hiện nay ngành y tế cộng đồng có thể sử dụng các chương trình như PathoMap, cho phép người trả lời đầu tiên theo dõi và sau đó nhanh chóng ngăn chặn và loại bỏ các mối đe dọa dịch bệnh.
Dữ liệu mở cũng có ý nghĩa về kinh tế. Dữ liệu công khai tại EU đã tạo ra một thị trường về dữ liệu trị giá 55,3 tỷ Euro trong năm 2016, với mức tăng dự kiến là 37% trong giai đoạn 2016-2020.
Thúc đẩy công nghệ tài chính, hay còn gọi là Fintech, cũng có thể là công cụ để cải thiện các mối quan hệ G2B và G2C tại Việt Nam, nơi mà một phần lớn người dân ở độ tuổi trưởng thành vẫn chưa có tài khoản ngân hàng.
Thông qua fintech, các cộng đồng yếu thế và các nhóm dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa có thêm cơ hội tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm tài chính từ xa, với chi phí thấp hơn và tốc độ nhanh hơn. Cả Indonesia và Malaysia đều đã tiến xa trong việc tăng cường tài chính toàn diện, bao gồm việc cung cấp nhiều lựa chọn thanh toán bằng kỹ thuật số cho những khách hàng còn nhiều khó khăn. Thanh toán điện tử phải được hiện thực hóa để đảm bảo tài chính toàn diện đến với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, và cũng để khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về quê nhà.
· Ngoài ra, blockchain có thể được sử dụng để tăng hiệu quả và bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu. Ví dụ, quá trình thu thuế ở hầu hết các quốc gia đều yêu cầu dữ liệu cá nhân phải được truyền tải qua một số trung gian. Có những rủi ro trong quá trình này, dẫn tới không khuyến khích người dân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Trong những trường hợp như vậy, chính phủ có thể sử dụng blockchain để ghi lại dữ liệu giao dịch gắn với các mã số định danh duy nhất dựa trên sinh trắc học, nhờ đó loại bỏ việc phải đi qua nhiều trung gian và lặp lại các quá trình xác nhận.
Một ví dụ tuyệt vời khác là an toàn thực phẩm. Gần đây Walmart đã bắt đầu sử dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trước đây, chuỗi cửa hàng này phải mất tới 6,5 ngày để truy xuất nguồn gốc của những sản phẩm kém chất lượng, nhưng bây giờ chỉ cần 2,2 giây khi sử dụng công nghệ blockchain.
Thứ hai là thể chế – Chính phủ cần đưa các thể chế vào hoạt động và tinh giản quy trình hoạt động của mình để tạo điều kiện đổi mới.
Tất cả các chức năng của điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị khác chỉ có thể hoạt động khi có nền tảng tổ chức và quy trình phù hợp. Các điều kiện này bao gồm khung tương tác số hoá, quy trình quản lý tài sản kỹ thuật số, và bảo vệ quyền riêng tư.
Cách đây không lâu, các thuê bao của Vinaphone, Mobifone và Viettel chỉ có thể kết nối với nhau với chi phí rất cao. Và đó chính là cách mà hiện nay các cơ quan chính phủ đang cùng nhau chia sẻ dữ liệu!
Một ví dụ điển hình là sự phân tán trong các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, trong đó cơ sở dữ liệu của các cơ quan và thậm chí trong một cơ quan chính phủ không thể kết nối được với nhau. Thách thức này đã được Chính phủ Việt Nam thừa nhận, và gần đây Chính phủ đã đề xuất xây dựng và kết nối 6 cơ sở dữ liệu quốc gia. Rào cản hiện nay chính là thiếu hệ thống mã số định danh quốc gia đủ mạnh và chúng tôi hoan nghênh những giải pháp gần đây của chính phủ để đẩy nhanh việc thực hiện cải cách mã số định danh quốc gia.
Về khía cạnh này, cả Ấn Độ và Thái Lan đều đang phát triển nhanh chóng dựa vào mã số định danh duy nhất trên cơ sở sinh trắc học, một yếu tố không thể thiếu của quản trị điện tử trong kỷ nguyên mới này. Làm thế nào để có thể cấp quyền truy cập vào dịch vụ công cộng kỹ thuật số, nếu quý vị không thể xác định được chính xác danh tính một người hay một công ty? Ở tầm phát triển với mức độ cao, Ấn Độ đã đăng ký cho 1 triệu người dân mỗi ngày nhờ vào các công nghệ mới. Với tốc độ đó, Việt Nam có thể hoàn thành đăng ký kỹ thuật số cho toàn bộ dân số của mình trong 3 tháng.
Nhận dạng và dữ liệu số cũng làm phát sinh những vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của nhà nước và cá nhân. Các tổ chức có thể thực hiện bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu, thúc đẩy giao dịch điện tử và phân tích dữ liệu đối với hàng hóa công cộng sẽ là chìa khóa để Việt Nam thu được nhiều lợi ích nhất.
Các tổ chức hoặc quy trình thể chế không tạo ra và cũng không lường trước được những công nghệ có tính đột phá, nhưng chúng là công cụ hữu hiệu để nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như giảm nhẹ những thách thức đến từ công nghệ đột phá.
Và thứ ba là con người – Việt Nam phải đầu tư vào kỹ năng và sức khỏe của lực lượng lao động trong tương lai.
Năm 1999, Bộ Lao động Hoa Kỳ đã dự đoán 65% học sinh tiểu học cuối cùng sẽ làm những công việc chưa hề được phát minh ra. Và năm ngoái, theo Dell Technologies, con số này đã tăng lên 85%. Chúng ta đang nhìn vào tương lai với nhiều loại hình công việc còn chưa được biết đến ở thời điểm hiện tại.
Về nguồn nhân lực, Việt Nam có vị thế rất tốt. Việt Nam đã đạt được kết quả tốt về giáo dục phổ thông, phản ánh qua những kết quả cao trong các đánh giá quốc tế như PISA và Young Lives, và có một thế hệ trẻ năng động, có thể nắm bắt và thích nghi với thay đổi. Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ 7 về cải thiện chỉ số Bảo hiểm y tế toàn dân.
Nhưng dân số của Việt Nam đang già đi. Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đạt mức cao nhất vào năm ngoái và hiện đang giảm xuống. Đến năm 2050, dự kiến cứ 5 người Việt Nam sẽ có 1 người ở độ tuổi trên 65.
Một thách thức quan trọng đối với Việt Nam là chỉ có 8% lực lượng lao động có giáo dục đại học, và tỷ lệ này không đủ để thực hiện bước nhảy vọt trong Công nghiệp 4.0. Người lao động cần được trang bị đúng các kỹ năng cần thiết để vượt lên trên làn sóng công nghệ này.
Để tiếp tục đi trước và nắm bắt những dịch chuyển trong đổi mới sáng tạo, việc quảng bá hiểu biết về kỹ thuật số có ý nghĩa quan trọng, đến cả lực lượng lao động trong khu vực công hiện nay, để có thể đáp ứng những yêu cầu về kỹ thuật số mới phát sinh.
Trong nhiều trường hợp, để làm được điều này cần thay đổi về tư duy và bước ra khỏi lối mòn. Quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và người dân để thúc đẩy sự tham gia, sáng tạo và đổi mới của họ trong các dịch vụ công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho lực lượng lao động trong khu vực nhà nước để theo kịp tốc độ số. Cũng cần một khuôn khổ xã hội để đảm bảo những người mất việc vẫn có thể tồn tại và bước vào nền công nghiệp tương lai của cách mạng 4.0.
Ví dụ, Trung Quốc đã có thể phát triển nhanh chóng với dịch vụ y tế kỹ thuật số, giúp tăng cường khả năng tiếp cận, và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế. Kết quả này được tạo ra từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong nước (5-10 tỷ USD), định giá IPO nhiều hứa hẹn và khả năng của khu vực công trong việc tích hợp nhanh chóng các yếu tố đổi mới vào mô hình cung cấp dịch vụ. Những sáng kiến dịch vụ y tế kỹ thuật số này bao gồm Robot – một hệ thống y tế từ xa (telemedicine) giúp tăng cường tính hữu dụng của chăm sóc y tế ở cấp phòng khám cơ sở tại tỉnh An Huy, hoặc nền tảng WeDoctor cung cấp quyền truy cập trực tuyến cho các chuyên gia y tế, và cũng có thể hẹn lịch khám bệnh trực tiếp.
Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam gia nhập nền Công nghiệp 4.0. Nhãn mác “Sản xuất tại Việt Nam” phải nhanh được thay thế bằng “Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam”. Điều này có nghĩa là Việt Nam không chỉ tạo ra lao động chi phí rẻ, mà cũng đầu tư vào công nghiệp của tương lai. Cũng rõ ràng rằng lợi ích lớn nhất từ công nghệ mới sẽ đến với những xã hội và công ty không khăng khăng tiếp tục xu hướng quá khứ mà có thể thích nghi và hướng công dân của mình tới những ngành công nghiệp đang lên, như rô bốt chẳng hạn.
Cho phép tôi quay lại chiếc điện thoại của chúng ta. Tôi hy vọng bài diễn thuyết của tôi đủ thú vị để quý vị rời mắt khỏi điện thoại thông minh của mình. Nhưng có lẽ quý vị là một công chức nhà nước, và đang sử dụng điện thoại của mình để tìm kiếm thông tin về trợ giúp xã hội cho người nghèo và cận nghèo ở vùng núi phía Bắc chăng? Với một cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp được kết nối với hệ thống mã số định danh duy nhất, quý vị có thể làm điều này cho dù đang ngồi tại bàn làm việc hay tại Diễn đàn cấp cao về Công nghệ 4.0. Hay có lẽ quý vị là một nhà kinh doanh đang tham gia đấu thầu của chính phủ hoặc nộp thuế bằng điện thoại? Có thể quý vị đang gửi hướng dẫn cho một người họ hàng ở vùng xa xôi hẻo lánh, đang cần thanh toán tiền điện bằng điện thoại? Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng đó chính là tương lai của Việt Nam.
Nhưng cho dù quý vị làm bất cứ điều gì, chúng ta không được quên việc củng cố những nền tảng cơ sở. Để Công nghiệp 4.0 mang lại lại lợi ích cho Việt Nam, trước tiên chính phủ phải đảm bảo một môi trường quản lý thân thiện, thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất. Điều này bao gồm duy trì ổn định vĩ mô, tăng cường khả năng thích ứng, tính bền vững, tận dụng một cách hiệu quả những công nghệ cơ bản đã tồn tại từ Công nghiệp 3.0.
Tôi xin kết thúc bài phát biểu của mình bằng việc chia sẻ với quý vị một T.I.P (mẹo) để hiện thực hoá tương lai này.
· Thúc đẩy công nghệ (Technologies) để tận dụng đổi mới sáng tạo;
· Đưa vào hoạt động và củng cố nền tảng thể chế (Institutions);
· Đầu tư vào con người (People) của ngày hôm nay và tương lai.
Chúng ta có một câu nói tiếng Việt rất hay “hãy xắn tay áo và LÀM NGAY.
Ousmane Dione (Giám đốc Quốc Gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)