Công ty cổ phần nông nghiệp
Một trong những nhược điểm lớn nhất trong phát triển các ngành kinh tế Việt Nam là sự tự phát trong nhân dân và sự thực hiện riêng lẻ của từng Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Kết quả của những cố gắng riêng lẻ không những không có tác dụng cộng hưởng mà nhiều khi triệt tiêu lẫn nhau. Hàng trăm thí dụ trong nông nghiệp Việt Nam từ hơn 30 năm nay đã chứng minh điều đó.
Vì vậy để góp phần thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về Tam nông của Đảng một cách thành công, Chính phủ cần điều hành với những tư duy mới hơn nữa về chính sách nông nghiệp của Việt Nam như trình bày trong mô hình Công ty Cổ phần nông nghiệp (CPNN) dưới đây.
Có thể nói thập kỷ 80 là giai đoạn quá độ chuyển từ mô hình tập trung quan liêu bao cấp sang mô hình hạch toán kinh doanh, phát triển kinh tế hàng hóa. Nhiều thành phần kinh tế cùng có chung một thị trường và hoạt động đan xen nhau, người nông dân được tự do đầu tư kinh doanh. Với những đổi mới trong cơ chế quản lý, nền kinh tế Việt Nam đã tiến lên, Nhà nước ngày càng thấy rõ vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và lương thực, góp phần tạo thêm việc làm, tăng lợi tức và sức mua, tiền tiết kiệm trong dân, tăng ngoại tệ và an toàn lương thực cho cả nước.
Tuy nhiên mặc dù sản lượng nông nghiệp của Việt Nam ngày càng tăng mạnh, khối lượng lúa xuất khẩu đã đến ngưỡng 7 triệu tấn từ năm 2010, nhưng oái oăm thay lợi tức nông dân nhất là những người trồng lúa không tăng tương xứng; đời sống đa số nông dân còn nghèo nàn. Trong khi giá lúa không tăng được bao nhiêu thì giá vật tư nông nghiệp tăng vụt họ cũng phải mua. Từ năm 2001 đến 2010 giá phân bón tăng gấp 4 lần; giá nông dược tăng gấp 2-3 lần; nhưng giá lúa gần như không tăng bao nhiêu1. Chúng ta có thể thấy rõ sự nghèo nàn này mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa: người nông dân nào cũng đều nôn nóng bán lúa cho nhanh để trang trải nợ nần, thương lái ép giá bao nhiêu cũng phải bán, ít ai muốn neo lúa chờ giá tốt hơn mới bán. Họ nghèo nên phải làm thế; nếu đã giàu thì không ai dại gì bán lúa khi bị ép giá. Do vậy sự đổi mới đã trải qua hơn hai thập kỷ rồi, người nông dân – những người trực tiếp làm ra hạt thóc phục vụ cho toàn xã hội và cho xuất khẩu- chiếm gần 78% dân số cả nước, từ ngàn xưa đến nay lúc nào mức thu nhập cũng đứng vào hàng thấp nhất so với những thành phần kinh tế khác. Thực tế cho thấy: dù giá lúa của nông dân có được Nhà nước bảo hộ đi nữa, thì bình quân thu nhập của nông dân trồng lúa chỉ đạt không quá 400 USD/người/năm2, trong khi dân thành phố đạt trên 2.800 USD/người/năm3.
Trước tình trạng này Đảng ta đã đề ra chính sách mới, thể hiện qua NQ26/TƯ7 (2008) tập trung đề cập đến nông nghiệp-nông dân-nông thôn rất phù hợp với thực tiễn kinh tế – xã hội nước ta hiện tại nhằm tạo chính sách mới cho nông dân được giàu lên và đưa nông nghiệp thực sự là mặt trận hàng đầu, làm nền tảng cho sự đổi mới trong phát triển kinh tế toàn diện của nước ta. Nghị quyết đã có, nhưng để thật sự làm tăng lợi tức của nông dân, và bộ mặt nông thôn sẽ khang trang hơn, kinh tế nông thôn sẽ đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, chúng ta cần có một quyết sách về một biện pháp đồng bộ để phát triển nông nghiệp và nông thôn, chấm dứt cách cũ hiện nay mạnh ai nấy làm, sẽ xoay trở tình thế nhằm nâng cao lợi tức cho nông dân trồng lúa, đem lại uy tín của hạt gạo Việt Nam, đưa nông nghiệp nước ta tăng trưởng nhanh và hiện đại hơn các nước chung quanh ta?
Để có thể đề xuất một quyết sách như thế, trước tiên chúng ta cần phân tích bối cảnh nông thôn hiện nay từ khâu sản xuất nông nghiệp –lấy cây lúa làm điển hình- cho đến khâu tiêu thụ lúa gạo để thấy được những bất cập của cách “mạnh ai nấy làm” trong suốt quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, và sau đó chúng tôi đề xuất một biện pháp đồng bộ với tư duy lãnh đạo nông nghiệp đổi mới tạo ra nông thôn đổi mới với những nông dân và doanh nghiệp đổi mới.
BỐI CẢNH NÔNG THÔN SẢN XUẤT LÚA NGÀY NAY
Nhìn một cách tổng quát cảnh “mạnh ai nấy làm” chúng ta thấy: Đảng cho ra Nghị quyết 26 về Tam nông ai muốn triển khai thế nào thì tùy; Nhà nước tiếp thu NQ26 chỉ thị cho các Bộ ngành lập kế hoạch triển khai (thí dụ Bộ NN& PTNT lập chương trình hàng trăm tỉ đồng để mỗi năm đào tạo 1 triệu nông dân mà không chắc họ sẽ áp dụng ở đâu sau khi được đào tạo); Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đến phiên mình cũng chỉ đạo cho các ban ngành cấp mình mạnh ai nấy lập kết hoạch riêng của ban ngành mình); các doanh nghiệp cũng tự lo kết hợp với thương lái để mua hàng chục mặt hàng nguyên liệu từ nông dân; và nông dân cũng tự lo cho mình là chính. Tất cả họ không ráp vào nhau được. Người chịu thiệt thòi là nông dân. Một cách cụ thể hơn, chúng ta có thể thấy diễn biến như sau:
Trồng lúa. Từ khi có “khoán 100” (năm 1981) rồi đến “khoán 10” (năm 1988) nông dân cả nước phấn khởi tự do canh tác trên thửa đất khoán riêng của nhà mình, thoát khỏi ách hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất.
Ngành khoa học nông nghiệp đã và đang nghiên cứu để cung cấp cho nông dân giống mới, năng suất cao, ngắn ngày, kháng rầy nâu, và những biện pháp canh tác hiện đại từ bón phân, bảo vệ thực vật, tưới tiêu khoa học, cho đến những kỹ thuật sau thu hoạch và chế biến. Nhưng trong thực tế nông dân mạnh ai nấy sản xuất, một cách rất tự phát, muốn trồng giống nào thì trồng, muốn bón phân thế nào thì bón, không hoàn toàn nghe theo hướng dẫn kỹ thuật. Vì sao thế? Người ta trồng nhưng không biết ai sẽ mua, và mua với giá bao nhiêu! Nhà nước từ Trung ương đến làng xã khuyến cáo nông dân sản xuất, nhưng không ai dám chỉ cụ thể cho nông dân là ai sẽ mua sản phẩm của họ, mà chỉ giao cho doanh nghiệp một cách chung chung, không chỉ đích danh doanh nghiệp nào. Trong khi đó các doanh nghiệp thì chỉ biết đối tác với hàng trăm thương lái (bạn hàng xáo) của mình mà không cần biết gì đến nông dân. Do đó mà mỗi người nông dân trồng lúa đều phải chọn giải pháp sản xuất nào ít rủi ro nhất: vì vậy người này trồng giống A, người kia trồng giống B…; và họ dùng kỹ thuật theo ý họ. Kết quả là trên cùng cánh đồng có hàng chục giống lúa, hàng chục kiểu trồng gây ra nhiều tình huống sâu bệnh lan tràn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm, môi trường không gian trên mặt ruộng chứa nhiều khí thải nhà kính góp phần tệ hại hơn cho sự biến đổi khí hậu.
Thu hoạch lúa. Đến khi nông dân thu hoạch lúa, ai cũng muốn bán liền tại ruộng cho thương lái, không thể chờ đến khi lúa có giá cao. Hàng triệu tấn lúa mới gặt, ít phương tiện phơi sấy hiện đại, chỉ được phơi sơ trên sân hẹp hoặc trên mặt đường lộ rồi bán liền, phẩm chất hạt lúa tiếp tục bị giảm trong suốt giai đoạn sau thu hoạch. Lúc này các doanh nghiệp phải có đủ tiền mặt trả cho đội quân thương lái đi mua lúa, gây nên một áp lực rất lớn về tiền mặt, thường Chính phủ phải lệnh cho các ngân hàng giải ngân cho các doanh nghiệp vay mua lúa. Mỗi khi bán lúa cho thương lái, đôi khi được giá thì nông dân quá hạnh phúc, nhưng thường là bị ép giá, người dân chỉ biết trông chờ vào Chính phủ cứu vớt, nhưng Chính phủ lại giao quyền cho Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA – thực chất là Tổng Công ty lương thực Vinafood) định đoạt. Kinh nghiệm nhiều năm nay, những giá lúa do VFA quy định thường chỉ bảo vệ lợi ích của Vinafood để họ cạnh tranh bán rẻ cho thương lái quốc tế, mà coi nhẹ lợi ích của người nông dân phải cực khổ một nắng hai sương làm ra hạt lúa. Người trồng lúa mua đứt bán đoạn với thương lái, nhìn hạt lúa mình ra đi mà không có gì trở lại. Nếu giá lúa có tăng mấy ngày sau khi bán, thì cái tăng đó thương lái hưởng trọn, nông dân không hưởng được gì.
Hàng chục giống lúa thương lái mua vào, được họ trộn chung, phơi sấy qua loa, cho máy bóc vỏ trấu thành gạo nguyên liệu, rồi họ bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc các nhà máy lau bóng gạo, sẵn sàng chờ lệnh đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu để đưa ra bến cảng. Vì cách làm bát nháo như thế nên đến bây giờ gạo VN xuất khẩu vẫn không có thương hiệu danh tiếng, khách hàng mở bao gạo ra thấy nhiều thứ gạo lẫn lộn trong ấy. Dĩ nhiên họ phải trả giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan. Có thể thấy là phần lớn các công ty lương thực không có vùng nguyên liệu lúa, không hợp đồng với nông dân. Và Vinafood lại càng không có nông dân trồng lúa, không có vùng nguyên liệu nào để họ bảo đảm chất lượng và khối lượng lúa cần thiết, nhưng họ lại có quyền bán gạo khối lượng lớn không thương hiệu.
Hậu quả. Với hệ thống sản xuất lúa và thu mua tiêu thụ lúa như thế gạo xuất khẩu của VN luôn luôn thua kém gạo Thái Lan, không thương hiệu, chất lượng không ổn định, mất uy tín trên thị trường quốc tế. Nông dân VN trồng lúa luôn chịu rủi ro, thiệt thòi. Thậm chí có lúc giá gạo quốc tế tăng cao, nhưng nông dân bắt buộc phải bán giá thấp vì có lệnh “tạm ngưng xuất khẩu”; hoặc có lúc Hiệp hội lương thực VFA cho “giá sàn cao hơn giá quốc tế” không công ty tư nhân nào dám mua lúa để xuất khẩu, ngoại trừ các công ty lương thực của Nhà nước tha hồ mua vô với giá rẻ dưới chiêu bài “mua lúa tạm trữ cho dân”. Nếu chúng ta tiếp tục để nông nghiệp sản xuất như thế này thì chắc chắn nông dân sẽ không thể giàu, như đã chứng minh trong suốt hơn 30 năm qua. Ngày xưa các nước đế quốc bắt dân nô lệ thuộc địa sản xuất nguyên liệu nông sản cung ứng cho các doanh nghiệp đế quốc chế biến và làm giàu. Ngày nay trong một nước Việt Nam XHCN nhưng nông dân trồng lúa vẫn suốt đời làm thuê, sản xuất lúa cho các doanh nghiệp làm giàu, còn nông dân tiếp tục nghèo mãi, khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa thêm. Chúng ta không thể để tình trạng này kéo dài mãi được.
MỘT LỐI RA CHO NÔNG DÂN TRỒNG LÚA: CÔNG TY CỔ PHẦN NÔNG NGHIỆP (CPNN)
Nghị quyết 26 của Hội nghị TW7 (Khóa X) là một cứu tinh cho nông dân trồng lúa VN. Để Nghị quyết trở thành hiện thực một cách bền vững chúng ta phải mạnh dạn tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn bộ tổ hợp nông dân và các công ty cung cấp vật tư đầu vào, và công ty chế biến tiêu thụ đầu ra sẽ hình thành một Công ty CPNN tại từng vùng qui hoạch.
Mục tiêu của một Công ty CPNN
1- Tổ chức nông dân thành những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất hoặc cụm sản xuất lúa nguyên liệu, hoặc một nông sản khác, theo phương thức hiện đại, đạt mọi tiêu chuẩn thị trường cạnh tranh để cung cấp cho doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với giá trị tối hảo.
2- Gắn kết chuỗi giá trị sản xuất nông sản, từ nguyên liệu đến thành phẩm có thương hiệu mạnh đưa ra thị trường, để lợi tức được phân bổ hợp lý cho các thành phần tham dự, trong đó bảo đảm nông dân luôn luôn có cơ hội tích lũy lợi tức trong khi doanh nghiệp cũng bảo đảm mức thu nhập.
Tổ chức xây dựng Công ty CPNN– chuyên sản xuất gạo có thương hiệu cạnh tranh
Việc hình thành công ty CPNN sẽ được lần lượt thực hiện sáu bước cơ bản sau đây (xem sơ đồ Hình 1):
HÌNH 1. Biện pháp đồng bộ thực hiện quyết sách mới rất thực tế về TAM NÔNG: liên kết bốn nhà theo “chuỗi giá trị gia tăng.” |
1- Xâu mối các thành phần của hệ thống chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp là vai trò chủ đạo của chính quyền địa phương – tốt nhất là cấp tỉnh, có thể là từ bộ phận chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Đơn vị này chính là nhạc trưởng cấp tỉnh, có nhiệm vụ tổ chức xây dựng hệ thống. Việc điều hành hệ thống sẽ do một doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm phụ trách, Nhà nước không nhúng tay làm trực tiếp.
2- Qui hoạch vùng sản xuất lúa: đây là vùng có lợi thế trồng loại lúa mà một doanh nghiệp có thị trường cần có nguyên liệu để sản xuất. Đây là công việc cần sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp chế biến. Lực lượng khoa học tham gia xây dựng qui trình VietGAP hoặc GlobalGAP để đào tạo nông dân làm theo một cách triệt để trong quá trình sản xuất lúa nguyên liệu của hệ thống.
3- Lập kế hoạch tổng thể phát triển vùng qui hoạch: từ sản xuất nguyên liệu đến phân phối sản phẩm có thương hiệu ra thị trường. Trên cơ sở đó, lập dự án xây dựng hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây cũng là công việc cần sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và một doanh nghiệp trung tâm bao gồm các bộ phận vật tư và dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến và phân phối tiêu thụ đầu ra của sản phẩm.
4- Tổ chức nông dân kết hợp nhau trong những hình thức hợp tác phù hợp: tất cả nông dân canh tác trong vùng đã được qui hoạch sản xuất trước tiên phải được thuyết phục về tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thị trường hội nhập, và cần thấy rõ tại sao làm ăn cá thể là không còn phù hợp nữa trong thời đại kinh tế thị trường. Mục đích sau cùng là để họ tự giác hợp tác với nhau một cách dân chủ và bình đẳng cùng sản xuất lúa nguyên liệu theo dự án đã được Nhà nước duyệt. Nông dân sẽ được huấn luyện thật kỹ về qui trình sản xuất lúa nguyên liệu nông sản theo đúng tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP đã được các nhà khoa học xác định. Đây là công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT kết hợp với Liên minh HTX và Hội Nông dân của tỉnh. Mỗi nông dân xã viên có thể mua cổ phần của công ty bằng sản phẩm lúa của mình thay vì bằng tiền. Một chính sách mới, đặc biệt áp dụng cho nông dân tham gia Công ty CPNN, cần được Nhà nước ban hành: cho nông dân xã viên được mua cổ phiếu liên tục sau mỗi mùa thu hoạch sản phẩm (vì mua một lần thì nông dân không có vốn để mua). Một cơ chế cần được sự đồng tình của nông dân là cho Công ty trả tiền chậm 10-15 ngày. Đây là biện pháp hiệu quả để giảm áp lực tiền mặt tại thời điểm thu hoạch. Công ty bảo đảm vào thời điểm trả tiền cho nông dân, giá lúa phải bằng hoặc cao hơn giá ở thời điểm nông dân giao lúa cho công ty cộng với lãi suất 10-15 ngày. Để thực hiện được chính sách bảo hộ giá cho nông dân như vậy, chúng tôi đề xuất thêm một chính sách mới kế tiếp của nhà nước: sử dụng một quỹ kích cầu cho các Công ty CPNN để bù lỗ cho công ty để bảo đảm giá lúa cho nông dân như phác họa trên đây. Hiện nay tất cả các quốc gia mạnh trên thế giới như Mỹ, Nhật, Khối EU đều trợ cấp cho nông dân họ hàng trăm tỷ USD mỗi năm, thì việc Chính phủ VN trợ cấp chút ít cho giá lúa của nông dân hội viên HTXNN vẫn phù hợp với cách làm quốc tế.
5- Xây dựng khu công nghiệp của công ty. Đây là trung tâm đầu não của Công ty CPNN, bao gồm sân phơi, máy sấy, nhà kho, nhà máy xay xát chế biến gạo thành phẩm, chế biến các nông sản khác, nhà máy phát điện bằng ga trấu, cửa hàng vật tư, cửa hàng bách hóa, v.v. Đây là phần đầu tư của các doanh nghiệp thành viên của công ty, hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch bảo đảm không thất thoát khối lượng và chất lượng sản phẩm.
6- Thành lập bộ phận phân phối gạo thành phẩm. Những sản phẩm đạt chất lượng sẽ được phân phối ra thị trường cao cấp hoặc xuất khẩu; sản phẩm không đạt chất lượng có thể được để lại phân phối trong địa phương hoặc bán tại chỗ.
Điều hành hệ thống
Khi lãnh đạo doanh nghiệp đã xác định thị trường và sản phẩm đầu ra, thí dụ một loại gạo hạt dài để dùng làm gạo đăng ký thương hiệu “Ngọc Miền Tây”, bộ phận nông nghiệp của Công ty sẽ tham khảo các nhà khoa học xác định giống lúa thích hợp và qui trình GAP tương ứng. Mọi nông dân xã viên sẽ được đào tạo theo đúng qui trình GAP đó (đúng tinh thần NQ 26) và được tạo điều kiện vay vật tư để trồng trọt. Tất cả các khâu chăm sóc phải theo đúng qui trình, có kiểm tra thường xuyên. Đến khi thu hoạch khối điều hành nhà máy chế biến sẽ đưa phương tiện tới tận đồng ruộng của xã viên đem về phơi sấy và chế biến.
Lúa của nông dân giao cho công ty sẽ được cân và đo độ ẩm, qui về khối lượng chuẩn 14% độ ẩm, và được sấy đúng kỹ thuật trước khi được bóc vỏ trấu để bảo quản, chờ chế biến thành phẩm.
Chia lãi
Đến cuối niên vụ công ty sẽ tính toán doanh số cả năm, xác định tiền lãi để chia cho các thành viên cổ đông. Mỗi nông dân cổ đông sẽ được chia lãi theo số cổ phần của họ và đồng thời được hưởng một số tiền thưởng tính trên lượng lúa đã bán cho công ty. Như thế, nông dân tham gia công ty sẽ luôn luôn được lãi, hoàn toàn khác với nông dân cá thể mua đứt bán đoạn cho thương lái không được chia lãi gì hết. Chính sách này sẽ đổi đời nông dân, người tham gia làm chủ Cty, luôn gắn bó với Cty.
Quyền được xuất khẩu gạo
Hợp phần quan trọng trong biện pháp đồng bộ này là quyền được xuất khẩu sản phẩm gạo của các Công ty CPNN. Hằng năm Nhà nước ấn định lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam căn cứ trên diện tích và sản lượng gạo của từng tỉnh. Sau khi trừ ra phần đóng góp vào khối lượng an toàn lương thực của cả nước, mỗi tỉnh sẽ dư ra bao nhiêu tấn gạo thì được quyền xuất khẩu khối lượng đó, không cần phải qua phê duyệt lần thứ hai của Nhà nước nữa. Trên cơ sở đó các Công ty CPNN của tỉnh sẽ an tâm sản xuất để xuất khẩu. Đây là biện pháp bảo đảm khuyến khích cho sự phát triển nông nghiệp một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “miệng lưỡi” phải về nông thôn đầu tư thật sự.
NHỮNG TRỞ NGẠI ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ MỚI
Trở ngại lớn nhất trong việc thực hiện biện pháp đồng bộ mới mẻ trong nông nghiệp này là không có quyết tâm chính trị thật sự của cả 3 thành phần nòng cốt: nhà nông, nhà doanh nghiệp và Nhà nước để thực hiện theo hướng nêu trên đây. Cần có chương trình đồng bộ mới tiến hành được, trong đó nhà doanh nghiệp phải có được thị trường đầu ra ổn định; Nhà nước mạnh dạn ban hành chính sách khuyến khích; và nông dân phải khắc phục tập quán cũ, phải học trở thành nông dân đổi mới, triệt để làm theo qui trình kỹ thuật GAP, chứ không thể làm theo ý mình.
Một trở ngại không kém quan trọng nữa là sự có mặt của hàng trăm, hàng ngàn thương lái (bạn hàng xáo) cung cấp gạo nguyên liệu cho các công ty xuất khẩu gạo, và hàng trăm đại lý phân bón và thuốc trừ sâu bệnh, liệu họ có chịu tham gia vào các hợp tác xã hoặc cụm sản xuất hay không?
Quyết tâm của Đảng và Nhà nước giao quyền xuất khẩu gạo cho nơi nào làm ra hạt gạo sẽ là một quyết tâm chính trị lịch sử để chấm dứt cuộc sống khốn khó của nông dân dưới chính thể xã hội chủ nghĩa. Bằng không, thì sự phê duyệt của VFA sẽ tiếp tục là một trở ngại lớn đối với các HTX lúa gạo, những công ty xuất khẩu nhỏ, chỉ sản xuất vài trăm tấn gạo đặc sản có thương hiệu, như gạo Tứ Quý của Liên minh Công ty ADC và HTXNN Mỹ Thành, Cai Lậy, Tiền Giang, và tất cả các Công ty CPNN sẽ được thành lập sau này.
KẾT LUẬN
Trong những năm tới lúa gạo vẫn còn là một nhu cầu rất lớn cho tình hình an toàn lương thực thế giới mà cũng chính là hàng hóa sở trường phổ biến nhất của đại đa số nông dân Việt Nam cung cấp cho xuất khẩu. Nhà nước cần sớm tổ chức lại hệ thống sản xuất lúa gạo Việt Nam theo mô hình Công ty CPNN. Người nông dân Việt Nam vốn tính cần cù, lao động giỏi và sáng tạo, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của thị trường và đạt lợi tức ngày càng tăng nếu được tạo điều kiện gia nhập Công ty CPNN. Đây là một sự đổi mới cơ bản trong chính sách nông nghiệp của ta để thật sự chấm dứt thời kỳ nông dân làm tôi mọi để cho các doanh nghiệp làm giàu, chuyển sang thời kỳ nông dân làm chủ doanh nghiệp cổ phần để ngày càng đạt lợi tức cao hơn.
————-
1 Vũ Duy Thanh (Điều tra nhanh nông thôn, tháng 10-2010). Trung Tâm NC Phát triển nông thôn, Đại học An Giang.
2 Tổng hợp nhiều nguồn và điều tra nhanh nông thôn của tác giả.
3 Đảng bộ TPHCM. 2010. Báo cáo Đại hội Đại biểu lần thứ IX, ngày 5-10-2010.
4 Đào Hồng Hạnh. 2007. Dấu xưa Nam Bộ. TP Hồ Chí Minh: NXB Văn Nghệ.
Ngược dòng lịch sử từ thời Nguyễn#4, vào năm 1789 Chúa Nguyễn Ánh cho phép cư dân miền Tây lần đầu tiên xuất khẩu 264.000 lít gạo cho Thái Lan khi nước này bị nạn đói trầm trọng. Sau đó hệ thống kênh đào được nhà Nguyễn thực hiện đến khi nước Pháp đô hộ phát triển thêm kênh đào vừa tạo phương tiện thông thương vừa mở rộng diện tích trồng lúa. Từ 1930 Việt Nam là quốc gia cung cấp gạo danh tiếng (gạo Sài Gòn) cho các nước láng giềng như Philippines, Indonesia, và nhiều nước châu Âu và châu Phi. Đến năm 1968 Việt Nam ngưng xuất khẩu gạo vì chiến tranh khốc liệt. Mãi đến tháng 9 năm 1989, Việt Nam mới tham gia trở lại thị trường xuất khẩu gạo sau hơn 20 năm dừng xuất khẩu. Từ đó mỗi năm đã tăng dần lượng gạo xuất từ mức 2 triệu đến nay đạt gần 7 triệu tấn gạo/năm, đứng hàng thứ hai các quốc gia xuất khẩu gạo thế giới. Nhiều nước đã ngạc nhiên trước sự kiện này, nhất là các nước đang bao vây kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ. Vào năm 1989 ấy, rất nhiều người đặt câu hỏi: làm sao Việt Nam đã xuất khẩu được trên 1,76 triệu tấn gạo trong khi chỉ hai năm trước đó Chính phủ Việt Nam còn kêu gọi quốc tế cứu trợ lương thực cho đồng bào một số tỉnh miền Bắc và miền Trung? Ngoài các lý do như nông dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật và một số biện pháp liên hoàn như : giống mới ngắn ngày năng suất cao, đẩy mạnh làm thủy lợi để mở rộng diện tích cao sản, tăng thêm phân bón cùng các vật tư nông nghiệp khác, phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cây trồng,… song lý do bao trùm nhất là sự đổi mới chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp. Đó là chính sách giao quyền sử dụng ổn định và lâu dài đất canh tác cho từng hộ gia đình nông dân, chính sách về giá nông sản và các vật tư nông nghiệp, ổn định giá trị của đồng tiền Việt Nam, v.v… |