Cụm/khu công nghiệp: Cần giảm sự lệ thuộc vào Nhà nước

Tại hội thảo về phát triển cụm/khu công nghiệp tổ chức ngày 22/11 tại Hà Nội, một số chuyên gia đã nhấn mạnh ngày càng phải chú trọng tới vai trò của địa phương và công ty tư nhân trong việc thiết kế và thực thi các chính sách về cụm ngành công nghiệp và hạn chế tối đa những can thiệp thiếu thực tế từ trên xuống bởi điều đó có thể “bóp chết” tính sáng tạo và sức mạnh của doanh nghiệp.

Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức nhằm góp ý cho Đề án Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị. Tham gia hội thảo có nhiều chuyên gia về chính sách cụm công nghiệp và chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Đại diện tổ biên tập đề án, TS. Trần Kim Hào cho biết, đến tháng 6/2011, cả nước đã có 260 khu công nghiệp (KCN) ở 57 tỉnh thành với tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 46.000 ha, trong đó có 174 KCN đã đi vào hoạt động tới tổng diện tích 43.000 ha, 86 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng. Dù đã có những tác động tích cực tới mặt bằng kinh tế của tỉnh, của vùng và cả nước nhưng việc phát triển KCN, CCN vẫn còn nhiều hạn chế như:

•    Các KCN, CCN phát triển tràn lan, dàn trải, thiếu quy hoạch và chiến lược phát triển hữu hiệu; quá trình xây dựng diễn ra chậm chạp.

•    Sự phát tiển KCN, CCN còn thiếu bền vững do chưa tạo ra giá trị gia tăng cao, vẫn còn gây nên một số tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường đối với khu vực dân cư liên quan.

•    Mối liên kết giữa các CCN, KCN còn lỏng lẻo, ít có tác động liên kết tới các doanh nghiệp trong và ngoài cụm.

Theo TS. Trần Kim Hào, nguyên nhân của những bất cập, yếu kém đó là do chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của công nghiệp; chính sách công nghiệp còn mang tính can thiệp quá mức trong khi chưa tính đến các điều kiện chủ quan và khách quan một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, năng lực của doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các định hướng phát triển chủ yếu mà Đề án này đề đạt là: xây dựng một cơ quan quản lý chính sách cụm liên kết ngành, phân định chức năng quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành cụm liên kết ngành đi liền với đó là kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động của các cụm ngành.

Đưa ra gợi ý cho quá trình xúc tiến phát triển cụm ngành công nghiệp tại Việt Nam, GS. Nicola Coniglio, Đại học Bari Aldo Moro của Ý, chỉ ra những nhân tố quan trọng trong thiết kế và thực thi chính sách cụm ngành công nghiệp. Ông cho rằng chính sách công nghiệp phải xác định và điều chỉnh được những rủi ro của thị trường. Trên hết, để làm được điều đó, các nhà hoạt định chính sách phải có kiến thức về điều kiện của từng địa phương đặt cụm/ ngành công nghiệp. Để giảm thiểu rủi ro thất bại của chính sách, cách tiếp cận “từ trên xuống” sẽ không hiệu quả nếu không có sự tham gia của các công ty tư nhân cũng như các bên liên quan tại địa phương. Hay nói cách khác, ngày càng phải chú trọng tới việc hoạch định chính sách “từ dưới lên” và coi trọng vai trò của các địa phương, các công ty tư nhân. Mặt khác, chính sách nên tập trung vào “nhu cầu chung” hơn là bao cấp các công ty và cần phải tránh “bị thâu tóm” bởi các lợi ích cá nhân.

Bà Tea Petrin, Trưởng nhóm chính sách cụm công nghiệp ở Liên minh châu Âu thuyết trình về các vấn đề phát triển cụm ngành từ khía cạnh nhà hoạch định chính sách và đưa ra một số bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm của các nước EU. Bà cũng cho rằng cụm ngành phải là công cụ xúc tiến năng lực cạnh tranh và tăng trưởng. Trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, những động lực và các nhân tố chính chi phối tăng trưởng là: các công ty kinh doanh, việc hình thành kỹ năng (đầu tư cho giáo dục); năng lực quản lý công nghệ; thu xếp các vấn đề về tổ chức và thể chế. Do đó, để đạt mục tiêu rút ngắn khoảng cách năng suất và năng lực cạnh tranh, một chính sách tích cực cần tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp đồng thời giảm thiểu những rủi ro của chính sách cho các doanh nghiệp. Trong cơ cấu thực thi không thể thiếu vai trò của các cơ quan chuyên trách về kinh tế, nông nghiệp và cơ quan nghiên cứu khoa học nhưng phải giảm cách lập kế hoạch, thực hành chính sách kiểu “từ trên xuống”, thay vào đó là cách tiếp cận “từ dưới lên”.

Bà Tea Petrin nhấn mạnh, cụm ngành là một trong những công cụ then chốt để củng cố hoặc tăng cường năng lực cạnh tranh ở cấp kinh tế vi mô bởi chúng tạo nên những điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt cho việc chia sẻ ý tưởng và cơ hội kinh doanh mới. Chính sách của nhà nước là cách hiệu quả nhất trong việc tạo ra một môi trường cạnh tranh rộng lớn và lành mạnh nhưng việc thiết kế chính sách phải từ các tiếp cận thực tế, liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể trong nước. Nhưng quan trọng hơn cả, các công ty trong cụm ngành mới chính là yếu tố chi phối căn bản; vì thế sự lệ thuộc cố hữu vào hỗ trợ của Nhà nước sẽ “bóp chết” tính đổi mới, sức mạnh của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

GS. Giorgio Simonetto, Giám đốc điều hành của vùng thương mại Veneto – khu vực hậu cần lớn thứ hai ở châu Âu, đem tới bài học từ chính sách phát triển cụm công nghiệp của Ý. Chính sách của chính quyền đối với vùng Veneto chủ yếu nhằm vào xúc tiến phát triển hệ thống sản xuất khu vực, xác định cách hỗ trợ phát triển tại địa phương, tạo thuận lợi “từ dưới lên” giữa các cơ quan xúc tiến phát triển địa phương. Về mặt quản lý chung, khu công nghiệp Veneto được tự do thiết lập mà không chịu sự áp đặt của các nhà chức trách nhưng các công cụ chính sách phải chặt chẽ; về mặt tài chính, kinh phí không bị phân tán đến từng doanh nghiệp mà hỗ trợ cho các dự án chung. Các yếu tố để phát triển bền vững các mô hình cụm ngành ở Veneto là: chuyên môn hóa trong sản xuất, lực lượng lao động trình độ cao; sự tự điều phối nội vùng và xúc tiến ra bên ngoài của các công ty tham gia.

Tác giả