“Cuộc hôn nhân” nhà đầu tư – startup: Kỳ vọng gì từ hai phía? (Phần 2)

Với phần 2, sau khi phân tích kỳ vọng của startup, chúng tôi sẽ cùng bạn chỉ ra những sai lầm thường gặp phải trong “cuộc hôn nhân” này.

Bà Melissa Bradley (thứ 2 từ phải sang), một nhà đầu tư và là Đối tác Quản lý (Managing Partner) của Chương trình Phát triển Kinh doanh 1863 Ventures. Nguồn: Medium
Ở phần 1 chúng ta đã tìm hiểu về kỳ vọng của nhà đầu tư về doanh nghiệp, về người sáng lập, về sản phẩm dịch vụ v..v. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, startup thường có xu hướng phải đi tìm nhà đầu tư và thuận theo những mong muốn của nhà đầu tư hơn là chiều ngược lại. Startup có quyền lựa chọn nhà đầu tư cho mình không? Nếu chọn thì chọn như thế nào? Có nên đặt ra những kỳ vọng của chính mình khi gặp nhà đầu tư không? Câu trả lời là: Rất nên, thậm chí còn thực sự nên bình tĩnh trước khi nói lời đồng ý. Nói một cách hình ảnh thì, nếu bạn muốn kết hôn và bạn tin là mình có quyền lựa chọn thì hãy hỏi và tìm hiểu để lựa chọn, bởi thực tế đã chứng minh, đó có thể là một đám cưới mở ra cho bạn một chặng đường mới với người bạn đời ủng hộ và chia sẻ nhưng đó cũng có thể đó là một địa ngục mà việc thoát ra không hề đơn giản và có thể đánh mất của bạn nhiều cơ hội. Với phần 2, sau khi phân tích kỳ vọng của startup, chúng tôi sẽ cùng bạn chỉ ra những sai lầm thường gặp phải trong “cuộc hôn nhân” này.  

Hiểu mình – Bạn đã thực sự sẵn sàng cho cuộc chơi đầu tư?

Startup là ai trong con mắt nhà đầu tư? Thực tế không có một câu trả lời chính xác nào cho định nghĩa này vì mỗi nhà đầu tư sẽ có định nghĩa của riêng mình. Tuy nhiên, theo cách hiểu về startup – khởi nghiệp sáng tạo thì bạn thực sự cần phải có cái mới và trên con đường định hình cái mới thành một giá trị thực sự. Cái nhà đầu tư muốn nhìn thấy có thể cũng giống bạn, đó là giá trị đó sẽ nhân rộng ra và mang lại lợi ích cho nhiều người. Khi hiểu về cái mới và những giá trị mình đang có cũng như sẽ theo đuổi, bạn hãy đặt câu hỏi tiếp theo, bạn đã sẵn sàng cho cuộc chơi đầu tư? 

Bạn luôn phải hỏi mình câu hỏi này trước khi chính thức nói tôi cần nhà đầu tư. Theo bà Melissa Bradley một serial entrepreneur, một nhà đầu tư, một giáo sư, một nhà nghiên cứu và hiện là Đối tác Quản lý (Managing Partner) của Chương trình Phát triển Kinh doanh 1863 Ventures chia sẻ tại buổi tọa đàm tổ chức ngày 27.3.2019 tại Trung tâm Hoa Kỳ, trong khuôn khổ chương trình GIST của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – điều đầu tiên bạn cần chuẩn bị khi khởi nghiệp là tài chính. Ít nhất bạn cần chuẩn bị số tiền đủ để bạn có thể tồn tại trong thời gian đầu trước khi có thể gọi được vốn từ nhà đầu tư hoặc từ các nguồn khác như gia đình, bạn bè, vốn vay, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, v.v. Và ngay cả khi bạn cần tiền, hoặc rất rất cần tiền, đầu tư không phải là một phương án duy nhất để có tiền phát triển doanh nghiệp của bạn. Hãy tự hỏi mình: Còn nguồn nào khác để huy động vốn? Rủi ro của việc có nhà đầu tư là gì? Bạn có sẵn sàng từ bỏ một phần quyền sở hữu những gì bạn đang có hiện nay không? Bạn muốn đi bao xa trong câu chuyện này? Nếu đã xác định chính xác mình cần vốn đầu tư để phát triển kinh doanh và sẽ gọi vốn, điều đó đồng nghĩa với bạn bước chân vào một cuộc chơi gọi vốn liên tục. Dù muốn hay không, ngay từ bước đầu tiên, quan trọng nhất, tự bạn phải vạch ra lộ trình gọi vốn các vòng: vốn mồi, series A, B,C,  v..v. Trên thực tế, các vòng gọi vốn có thể thay đổi về thời gian, và lượng vốn cần gọi nhưng việc có một kế hoạch chứng minh, bạn đang chấp nhận cuộc chơi dài hạn. 

Sau khi đã thực sự xác định được mình cần đầu tư, bạn sẽ phải đưa ra những thông tin cụ thể cho nhu cầu số tiền bạn cần. Điều này giúp nhà đầu tư hiểu được tiền của họ sẽ đi vào đâu và thúc đẩy doanh nghiệp của bạn ở khía cạnh nào vào thời điểm này. 

Hiểu người – Bạn đã hiểu gì về nhà đầu tư?

Cũng giống như nhà đầu tư tìm hiểu về startup, startup cũng cần tìm hiểu về nhà đầu tư. Thông thường, thông tin về những nhà đầu tư thiên thần sẽ được chính họ công khai chia sẻ, những doanh nghiệp họ đã và đang đầu tư, những lĩnh vực mà họ quan tâm và quy mô đầu tư của họ. Còn với một thị trường mà thông tin đang thiếu sự minh bạch, cách tốt nhất để bạn tìm hiểu về nhà đầu tư chính là hỏi họ và hỏi những doanh nghiệp đã từng được họ đầu tư như một hình thức đối chứng. Dưới đây là một số câu hỏi bạn nên tìm hiểu hoặc hỏi trực tiếp nhà đầu tư và một số lý giải tại sao bạn phải hỏi những câu hỏi đó. 

– Anh chị dự định đầu tư tối đa vào công ty tôi là bao nhiêu? Câu hỏi giúp bạn xác định xem đây có phải là nhà đầu tư phù hợp với nhu cầu của bạn không? Quá lớn hay quá nhỏ đều không phù hợp. Câu hỏi này bạn nên hỏi ngay từ đầu, thậm chí trước khi gặp gỡ. 

– Quá trình due diligence (tạm dịch là: thẩm định để đầu tư) của anh chị sẽ diễn ra như thế nào?: Câu hỏi giúp bạn hình dung quá trình diễn ra để tiến đến việc bạn nhận được tiền của nhà đầu tư sẽ như thế nào, liệu nó có phức tạp hoặc quá đơn giản không. 

– Nhà đầu tư thiên thần nào anh chị ngưỡng mộ? Tại sao? Câu hỏi này đương nhiên cho bạn hiểu rất nhiều về nhà đầu tư, những giá trị họ theo đuổi và những giá trị đó có phù hợp với bạn hay không. 

– Anh/chị đã đầu tư bao nhiêu startup rồi? Họ là những ai? Kinh nghiệm đầu tư làm nên một nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

– Ở những doanh nghiệp này anh chị làm gì cho họ ngoài góp vốn?: Nếu bạn đang tìm kiếm những nhà đầu tư không chỉ mang lại cho bạn tiền thì đây là một câu hỏi quan trọng. Nên ghi nhớ rằng bên cạnh lĩnh vực chuyên môn với những khách hàng tiềm năng, họ còn có thể mang lại cho bạn những hiểu biết về đặc thù của ngành, thị trường và những xu hướng, thông tin quý giá. 

– Lĩnh vực chuyên môn/Kinh nghiệm của anh/chị thuộc ngành nào?: Nhà đầu tư chuyên nghiệp thường đầu tư những lĩnh vực họ hiểu rõ để giảm thiểu rủi ro. Vì vậy, hỏi để tìm ra điểm tương đồng giữa lĩnh vực chuyên môn của họ với ngành mà startup của bạn đang hoạt động là cần thiết.

– Kế hoạch thoái vốn của anh/chị là trong bao lâu?: Câu hỏi giúp bạn xác định đây là nhà đầu tư chơi cuộc chơi dài hạn hay ngắn hạn. 

Một số quan sát 

Thực tiễn làm việc với các startup đã tiếp nhận đầu tư gồm cả những thương vụ thành công và không thành công, chúng tôi thấy rằng, ở một hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ như Việt Nam, hiểu sai về kỳ vọng của nhà đầu tư từ phía startup và/hoặc có những kỳ vọng sai lầm từ chính các nhà đầu tư có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn cho cả hai. Có thể tóm tắt trong một số điểm sau đây về sai lầm thường gặp từ cả hai phía:

Startup:

1.Không tìm hiểu và khi gặp không đặt câu hỏi: Với những quy định khá mở như đã nói ở phần 1, việc mang danh nhà đầu tư thiên thần, nhưng không phải là thiên thần ở Việt Nam không phải hiếm. Trong khi đó, với hiểu biết lơ mơ, các startup cũng mặc nhiên đưa mình vào vị thế thấp hơn so với những nhà đầu tư thiên thần mà họ gặp. Không ít startup hồn nhiên tin rằng, những doanh nhân thành đạt là nhà đầu tư thiên thần, họ có rất nhiều tiền và có thể đầu tư vào doanh nghiệp của mình. Sự hồn nhiên này dẫn đến sai lầm thường gặp phải là không tìm hiểu kỹ và cũng không đặt câu hỏi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam, theo Andrew J Scott, chỉ 2% những sáng lập viên đặt câu hỏi ngược lại với các nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư tiềm năng. Đây là một sai lầm trầm trọng vì bạn tự đánh mất quyền và vị thế của mình trong đầu tư. Startup dường như quên mất rằng, đây là quan hệ đôi bên có lợi, bạn không “xin” tiền mà đang tìm kiếm những người cùng bạn khiến đồng tiền của họ và ước mơ của bạn sinh sôi nảy nở và phát triển cùng nhau mà thôi. 

2. Rất cần tiền nên chấp nhận thật nhanh và mọi điều kiện để nhận được tiền đầu tư: Thông thường, một nhà đầu tư rót tiền nhanh chưa hẳn đã là một nhà đầu tư tốt vì chưa có thời gian tìm hiểu. Bạn quyết định nhanh cũng có thể là một bất lợi cho bạn khi chưa hiểu rõ kỳ vọng của nhà đầu tư. Term sheet (Điều khoản đầu tư) là thứ vô cùng quan trọng quyết định chất lượng của mối quan hệ. Nếu bạn đặt bút ký vào một bản term sheet lỏng lẻo, đơn giản thật nhanh miễn là có tiền sớm có nghĩa là bạn đang tự đe dọa tương lai của chính mình. Nhà đầu tư có thể trở thành một ông chủ của bạn trong doanh nghiệp của chính bạn. Bên cạnh đó, không ít startup chấp nhận mất hơn 30% cổ phần cho nhà đầu tư thiên thần, sai lầm này dẫn đến việc không thể gọi vốn cho những vòng sau. 

3. Kỳ vọng nhà đầu tư sẽ tham gia trực tiếp vào công việc kinh doanh: Đừng quên, một nhà đầu tư chuyên nghiệp không chỉ đầu tư cho một startup, bạn chỉ là 1 trong hàng chục những thương vụ đầu tư của họ. Việc kỳ vọng này không chỉ gây ra thất vọng cho chính bạn mà còn làm nhà đầu tư nản lòng vì bạn không thể tự chủ động tổ chức công việc kinh doanh của mình. 

4. Kỳ vọng tiền của nhà đầu tư sẽ giải quyết mọi vấn đề: Đừng quên bạn đang tham gia vào một cuộc chơi dài hạn. Số tiền “vốn mồi” ở giai đoạn đầu này chỉ giúp bạn giải quyết một hoặc một vài vấn đề bức thiết nhất mà thôi. Nếu không làm rõ điều này, chính bạn sẽ gặp rắc rối khi chi tiêu số tiền không có trọng tâm sau này. Đó là chưa nói tới, có thể nó sẽ là bất lợi cho bạn khi không giúp nhà đầu tư thiên thần hiểu rằng, số tiền họ đầu tư cho bạn chỉ là một phần nhỏ trong cả một câu chuyện lớn mà thôi.
 

Nhà đầu tư

1.Muốn thu hồi vốn thật nhanh: Khởi nghiệp là một cuộc chơi dài hạn. Nếu nhà đầu tư nào đó nói với bạn họ sẽ thoái vốn trong khoảng 3 năm thì đó là báo động đỏ. Theo Francesca Warner- Đồng sáng lập và CEO của Diversity VC. Vương quốc Anh, họ không chấp nhận được rủi ro của việc đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, họ không thực tế và sẽ khó giúp bạn có một hợp tác thuận lợi. 

2. Không tự mình làm due diligence: Một nhà đầu tư thiên thần sẽ tự mình thẩm định startup trước khi họ đầu tư, đó là quá trình giúp họ gia tăng trải nghiệm và giúp họ hiểu về startup mà mình đầu tư. Không tự thẩm định doanh nghiệp mình sẽ đầu tư hoặc đồng hành về cả người đứng đầu, đội nhóm, sản phẩm dịch vụ cho đến sức khỏe của doanh nghiệp v..v. là sai lầm dẫn đến những thất bại trong đầu tư.

3. Muốn sở hữu và thâu tóm hơn là giúp startup phát triển: Một thực tế ở Việt Nam theo quan sát của một số nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm đến từ Mỹ, các nhà đầu tư thiên thần bản địa chuyên nghiệp và thực sự là những nhà đầu tư thiên thần không nhiều. Không ít những nhà đầu tư được gọi là thiên thần đang cố gắng sở hữu hơn và thâu tóm với giá rẻ vào giai đoạn đầu của những startup hơn là thực sự đầu tư vào những doanh nghiệp này. Họ thường đòi mức cổ phần khống chế cho khoản tiền mình đầu tư, can thiệp rất sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Về lâu dài, sai lầm này không chỉ dẫn đến việc startup không phát triển được mà thậm chí, chính họ cũng mệt mỏi một khi danh mục đầu tư nhiều lên. 

Có một điểm thú vị là đầu tư thiên thần ở Mỹ được nhận định là sự giao thoa giữa nhà đầu tư và một cố vấn, có lẽ cũng sẽ đúng với bối cảnh ở Việt Nam. Không chỉ là những người đến sớm để chấp nhận rủi ro cùng bạn, họ còn là những người mang lại cho bạn những giá trị giúp bạn tiến gần hơn đến ước mơ của mình. Với các nhà đầu tư, để thực sự trở thành thiên thần và mang lại lợi nhuận từ chính khoản đầu tư của mình, họ cũng cần chuẩn bị về cả năng lực tài chính và tư duy. Thay cho lời kết, những người viết bài này muốn chia sẻ với bạn câu chuyện chúng tôi được nghe từ chính người sáng lập Raegan Moya-Jones của Aden + Anais từng phát triển thương hiệu của mình từ con số không đến doanh nghiệp triệu đô và bị đẩy ra khỏi doanh nghiệp của mình. Raegan chia sẻ, gặp được những nhà đầu tư thiên thần trong cuộc đời cô là một may mắn, họ thực sự là thiên thần, tôn trọng tầm nhìn và giá trị bạn mang lại, hỗ trợ bạn, kết nối bạn với những bạn hàng và mạng lưới có giá trị. Còn nếu vội vàng với những thương vụ đầu tư chỉ tập trung vào tiền, có thể bạn cũng giống cô, bị đẩy ra khỏi doanh nghiệp chính mình tạo dựng và bắt đầu lại từ đầu với con số 0. 

————

Tài liệu tham khảo:

https://medium.com/7percent/questions-startup-founders-should-ask-angel-investors-and-vcs-but-rarely-do-3cbb08faad09

https://medium.com/@checkwarner/a-guide-to-angel-investors-part-ii-the-questions-to-ask-angels-before-taking-their-40c067f7a09c

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)