Cuộn sách Biển Chết: Thương vụ triệu đô trên các mảnh giấy cổ

Bảo tàng Thánh kinh tại Washington D.C, Mỹ mới phải loại bỏ 5 mảnh giấy trong bộ sưu tập Cuộn sách Biển Chết do bị xác nhận giả mạo. Sự việc này chứng minh các nghiên cứu của nhiều chuyên gia quốc tế về tính đáng ngờ của các mảnh giấy được cho là từ Cuộn sách xuất hiện trên thị trường cổ vật cách đây gần 20 năm.



Bảo tàng Thánh kinh mở cửa vào cuối tháng 11 năm ngoái tại Washington D.C. (Nguồn: ABC News)


Hai chuyên gia có uy tín nghiên cứu về Cuộn sách Biển Chết – TS. Kipp Davis từ Viện Nghiên cứu Cuộn sách Biển Chết, Đại học Trinity Western, Canada và GS. Årstein Justnes từ Đại học Agder, Kristiansand, Na Uy – đã cảnh báo về sự tồn tại của các mảnh giấy giả mạo Cuộn sách Biển Chết và những hoạt động buôn bán trị giá hàng triệu đô la ăn theo nhu cầu săn tìm thánh vật của những người Tin lành giàu có tại Mỹ. Điều đó dẫn đến 90% trong số 75 mảnh giấy được bán từ năm 2002 có thể là đồ giả. Và 6 trong số 13 mảnh giấy do Steve Green, một đại gia bán lẻ và là người bảo trợ cho Bảo tàng Thánh kinh tại Washington D.C, mua lại cũng có khả năng là giả. Trị giá của những thương vụ này cũng gây sốc bởi mỗi mảnh giấy đó có thể được bán với giá trên 1 triệu USD.

Sức hút của Cuộn sách Biển Chết

Vào giữa những năm 1940, những người chăn cừu Bedouin tình cờ tìm ra các vò gốm chứa những cuộn giấy cổ ở hang Qumran, Palestine. Được gọi là Cuộn sách Biển Chết, các cuộn sách bản sao của Kinh thánh Hebrew này được viết chủ yếu bằng tiếng Do Thái và có niên đại từ ba thế kỷ trước Công nguyên đến thế kỷ I sau CN, sớm hơn 1.000 năm tuổi so với bất kỳ bản sao nào từng được biết đến trước đó.

Việc phát hiện Cuộn giấy Biển Chết là bước ngoặt trong nghiên cứu về kinh thánh cổ đại. Về mặt học thuật, các cuộn giấy đã cách mạng hóa hiểu biết của các học giả về thực hành tôn giáo và tín ngưỡng của đạo Do Thái cổ đại, theo sau là sự ra đời của Kitô giro.

Từ năm 1947 đến 1953, những người chăn cừu Bedouin sau khi phát hiện các cuộn giấy đã bán lại chúng cho một người thợ đóng giày kiêm nhà buôn cổ vật gốc Palestine là Khalil Eskander Shahin, có biệt danh là Kando. Đến lượt Kando bán lại các phần của cuộn giấy cho các viện bảo tàng và các nhà sưu tập cho đến năm 1970, khi việc buôn bán cổ vật tự do bị cấm bởi Công ước của UNESCO về tài sản văn hóa.

Nhưng do không chịu sự quản lý của Công ước, các mảnh giấy nhỏ vẫn tiếp tục được săn lùng. Năm 1993, nhà sưu tập cổ vật người Na Uy Martin Schøyen lần đầu tiên đặt vấn đề với Kando để tìm mua các phần cuộn giấy ông ta còn giữ và bắt đầu từ năm 2002, hàng chục mảnh vụn của các cuộn giấy bắt đầu gia nhập thị trường cổ vật sau khi William, con trai của Kando, mở khóa một hầm bạc gia đình ở Zurich.

Thị trường mới sinh vấn đề mới

Cùng thời điểm đó, cũng xuất hiện một nhóm những nhà sưu tầm cổ vật từ Mỹ, vốn đồng thời là những người Tin lành bảo thủ và mộ đạo, rất quan tâm đến các hiện vật có liên hệ đến lịch sử của Giê-su Kitô và sự ra đời của đạo Thiên Chúa. Mối quan tâm tôn giáo với các cuộn giấy tập trung vào phần văn bản trong các kinh thánh Hebrew. TS. Kipp Davis cho biết: “Từ điểm nhìn này về [các mảnh kinh thánh] đưa ta đến gần hơn việc trở thành một phần của, được cảm nhận và trải nghiệm cái gì đó gần gũi với Thiên Chúa và Giêsu Kitô.”

Cùng với Green và Bảo tàng Thánh kinh, từ năm 2009 đến 2014, một số mảnh giấy khác được mua lại cho Đại học Southwest dòng Báp-têm ở Missuri, Đại học Azusa Pacific, và Thư viện Thần học Lanier. Hoạt động mua bán nói trên mang dấu hiệu bất thường, theo GS. Årstein Justnes: từ năm 2002, tỷ lệ các mảnh giấy liên quan đến Kinh thánh xuất hiện trên thị trường bằng cách nào đó tăng từ khoảng 25% lên 86%. Theo ông, sự chênh lệch về tỷ lệ cho thấy ai đó đã và đang sản xuất các mảnh giấy hướng tới chính mong muốn của những người mộ đạo.

Nhà nghiên cứu đang xem xét một mảnh giấy trong Cuộn sách Biển Chết. Nguồn: DW

Vào cuối năm 2016, TS. Kipp Davis sau đó đã nhận lời mời từ ban Tu thư thuộc Viện Bảo tàng Thánh kinh, tham gia một nhóm chuyên gia của Viện Kiểm định và nghiên cứu vật liệu liên bang Đức (BAM) để kiểm tra 13 mảnh giấy từng được ông Green mua theo nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau. Họ dùng kính hiển vi kỹ thuật số 3D, hệ thống quét huỳnh quang tia X (XRF) và kỹ thuật phổ tán sắc năng lượng tia X (EDX) để phân tích thành phần vật liệu của mực viết, các lớp trầm tích bám trên giấy và thành phần hóa học của chúng.       

Trước đó, những nghiên cứu tổng quan thực hiện từ năm 2016 đã chỉ ra nhiều vấn đề với các mảnh giấy. Một mảnh giấy của bảo tàng chứa nội dung của Sách Nê-hê-mi có phần chữ Hebrew bị ngắt bởi một ký tự như chữ alpha trong tiếng Hi Lạp. Ký tự alpha đó đến từ dấu chú in trong một bản Kinh thánh Hebrew xuất bản năm 1937. Một mảnh giấy khác cũng cho thấy dấu vết ngụy tạo: “Ta có thể thấy rằng chữ viết tay [của những mảnh giấy nghi vấn giả mạo] là do dự hay cố tình nhái lại một mẫu nào đó,” Justnes nói. “Nó không giống chữ viết tay của người ghi chép. Chữ viết đó là của một bàn tay ‘ngây thơ’, thậm chí là của hai bàn tay. Vấn đề khác là một số mảnh giấy dường như không phải là một phần của một cuộn giấy. Có vẻ như các chữ cái được cố tình thu nhỏ lại để vừa với phần mép giấy.” Phân tích bằng thư pháp học của GS. Ada Yardeni – chuyên gia danh tiếng về cổ ngữ Hebrew – cũng xác nhận những nét chữ trên hầu hết các mảnh giấy đều có đặc điểm tương tự nhau, cùng được viết bằng một “cây bút sậy với ngòi bị mòn”.

Về những kết luận được giám định, TS. Davis nhận xét với The Guardian: “Trên thang đo về tính xác thực hiện vật, tôi xếp sáu mảnh giấy là giả mạo. Do đây là các hiện vật không có nguồn gốc thì có khả năng tất cả đều là giả mạo.”

Nghi ngờ về các mảnh giấy nhà Green sở hữu tiếp tục dấy lên khi các chuyên gia kiểm nghiệm các mảnh giấy từ các bộ sưu tập khác được mua về cùng thời kỳ. Davis, Justnes và 6 nhà nghiên cứu của BAM đã xem xét các mảnh giấy thuộc sở hữu của nhà sưu tập Na Uy Martin Schøyen – người sở hữu một trong những bộ sưu tập văn bản cổ lớn nhất thế giới – để chuẩn bị cho một cuộc triển lãm. Họ đã công bố phát hiện mới trên tạp chí Dead Sea Discoveries trong tháng 10/2017. Các kết quả được đưa ra đã gây chấn động: phân tích một mảnh giấy cho thấy lớp trầm tích đáng ra phải bám trên bề mặt giấy lại xuất hiện ở bên dưới lớp mực; mảnh giấy khác chứa các tinh thể muối cùng kích cỡ bám trên mặt giấy một cách nhân tạo với một tinh thể muối bị mực viết đáng ra phải có 2000 năm tuổi đè lên– điều không thể xảy ra nếu mảnh giấy đó là thật. Nhiều các mảnh giấy khác cũng bị viết đè lên.

Trong một thông cáo đưa ra vào tháng 10, Martin Schøyen đã thừa nhận, 15% các mảnh giấy được giao dịch trên thị trường gần đây là ngụy tạo, bao gồm cả những mảnh giấy thuộc quyền sở hữu của ông. Nhưng trong thông cáo khác gửi The Guardian, ông lại nghi ngờ về kết quả của việc kiểm tra mực trên các mảnh giấy: “Việc xác định những mảnh giấy của tôi là giả mạo dựa trên yếu tố mực viết có nguồn gốc hiện đại. Tuy nhiên, phân tích Carbon-14 không thể thực hiện được một cách tin cậy trên phần mực nhỏ như vậy.

Hiện tại, những bằng chứng chi tiết về sự giả mạo của các mảnh giấy được Justnes tập hợp và công khai trên blog The Lying Pen of Scribes của mình.

Theo dấu chân của William Kando

Công bố của Justnes với một hội nghị các học giả ở Berlin năm 2017 nhận định, kể từ năm 2002, hơn 75 mảnh giấy trong Cuộn sách Biển Chết chưa từng được biết đến trước đó đột ngột xuất hiện trên thị trường cổ vật. Hầu như tất cả chúng đều có liên hệ tới William Kando – đôi khi trực tiếp, đôi khi chỉ hời hợt. “Tại sao kết nối Kando lại quan trọng đến thế? [Bởi vì] trên thực tế, liên hệ với gia đình Kando là cách duy nhất để biện minh cho nguồn gốc các mảnh giấy mới vào bộ dữ liệu [học thuật] gần 50 năm kể từ lần cuối người ta tìm thấy một cuộn giấy nào.”

Gia đình Green chưa cho tiết lộ nguồn gốc của 13 mảnh giấy họ sở hữu, nhưng điều tra của The Guardian cho rằng gần một nửa số đó được mua từ William Kando, và chính Steve Green đã đến thăm hầm bạc của nhà Kando ở Zurich để xem các mảnh giấy. Tương tự là trường hợp của Schøyen và một người mua khác, Dorothy Patterson – người đã mua các mảnh giấy tặng cho trường Đại học Southwest dòng Báp-têm.

Từ cửa hàng của mình ở Đông Jerusalem, William Kando dứt khoát phủ nhận việc liên quan đến bất kỳ mảnh giấy giả mạo nào– dù qua trao đổi trực tiếp hay qua trung gian – kể cả ông có biết hay không đi nữa. Ông mô tả những học giả dám đặt câu hỏi về các mảnh giấy đó là “ngớ ngẩn” và có ý đồ xấu.

Khi trả lời phỏng vấn của The Guardian, Kando thừa nhận việc mình đã bán 7 mảnh giấy cho Steve Green để đổi lấy 40 triệu đô la cho mỗi mảnh giấy như Green đã đề nghị. “Không có chuyện chúng tôi bị lừa,” Kando nhấn mạnh. “Những mảnh giấy này là [thật] 100% còn các thông tin kia đơn giản là sự xuyên tạc.”

Yêu cầu sự minh bạch

Sau tuyên bố của Bảo tàng Thánh kinh về việc rút các mảnh giấy giả mạo khỏi trưng bày, chúng đã được thay thế bằng các mảnh giấy khác chưa được kiểm định, đi kèm với lưu ý cho khách tham quan. GS. Michael Langlois từ Đại học Strasbourg, Pháp – người tham gia nghiên cứu bộ sưu tập Schøyen – bình luận, bước đi đó của Bảo tàng Thánh kinh chỉ có ý nghĩa tình thế. “Liệu điều này có nghĩa là các mảnh giấy còn lại là thật không? Không. Bởi vì chúng chưa trải qua các giám định tương tự.” Langlois nhận xét: “Tôi giữ nguyên quan điểm rằng 13 mảnh giấy của bảo tàng là ngụy tạo, nên câu chuyện này chưa thể kết thúc.”

Từ phía Bảo tàng, TS. Jeffrey Kloha, quản lý Bảo tàng cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã hi vọng kết quả sẽ khác, nhưng đây là cơ hội để giáo dục công chúng hiểu được về tầm quan trọng của việc thẩm định các hiện vật tôn giáo dưới quy trình chặt chẽ, và cam kết của bảo tàng về tính minh bạch.”

Đây cũng không phải rắc rối đầu tiên mà Bảo tàng Thánh kinh gặp phải từ khi thành lập đến nay. Cuộc săn tìm thánh vật của bảo tàng cũng đã đẩy họ tới một số rắc rối với pháp luật Mỹ. Được biết đến nhiều nhất là vụ kiện hồi tháng 7 năm ngoái, khi Bảo tàng này phải hoàn trả khoảng 5.500 hiện vật khi được xác định đã bị mua bán bất hợp pháp từ Iraq.

Theo sau vụ việc này, các đơn vị sở hữu khác của các mảnh giấy bắt đầu thực hiện các giám định riêng. TS. Davis trả lời trên The Times of Israel: “Trường Southwest tổ chức chương trình [giám định] riêng, và cũng gửi các mảnh giấy cho BAM để kiểm tra và chúng tôi vẫn đang chờ đợi kết quả của họ.”

Nhưng những kiểm nghiệm này đáng ra không cần phải diễn ra nếu hoạt động buôn bán các mảnh giấy có được sự minh bạch cần thiết. Justnes và TS. Khảo cổ Josephine Rasmussen khẳng định qua trao đổi với The Times of Israel: “Cần công khai toàn bộ lịch sử sở hữu và nguồn gốc của hiện vật của các bảo tàng và các nhà sưu tập. Chúng ta có thể dùng những biện pháp kiểm chứng vật lý để xác định tính chân thực của hiện vật nhưng cách làm này vẫn không thể chứng minh được sự hợp pháp và tính đạo đức của việc sở hữu đó. Do vậy, hiện vật vẫn bị coi là đáng ngờ cho dù nó có là đồ thật hay không.”¨

Tuấn Quang tổng hợp

Nguồn: Dead Sea Discoveries, The Guardian, Times of Israel, National Geographic, The Conversation.
 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)