Đa dạng hóa đầu tư của Tập đoàn và DNNN:
Nguy cơ lãng phí nguồn lực quốc gia

Trong nền kinh tế hiện đại, đa dạng hóa đầu tư trở thành yêu cầu và xu hướng phát triển ngày càng đậm nét của các doanh nghiệp (DN) và tập đoàn kinh tế (TĐ) trên thế giới. Tuy nhiên, xu hướng này cũng có thể dẫn đến sự suy yếu hay sụp đổ của nhiều DN và TĐ, đặc biệt khi các hoạt động đầu tư này được tiến hành bằng vốn đi vay, trong khi thiếu cơ chế quy trách nhiệm và kiểm soát đầu tư hiệu quả ...

Đầu tư ra ngoài lĩnh vực truyền thống
Thực tiễn cho thấy, việc hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực cũng có tính hai mặt của nó: Một mặt, nếu DN đi đúng hướng và đầu tư có hiệu quả thì điều này sẽ giúp nâng cao vị thế của DN và đạt được những mục tiêu mới; mặt khác, nếu “chệch hướng” hoặc đầu tư có tính đầu cơ, chụp giựt, khai thác các cơ hội độc quyền ngắn hạn, không hiệu quả, thì hoạt động này có thể làm suy sụp hình ảnh, thậm chí đánh mất thương hiệu, gây ra những thiệt hại to lớn khó lường cho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Khi đa dạng hóa đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực mới mẻ, ít nhiều bản thân DN đánh mất đi lợi thế cạnh tranh vốn có của mình. DN rất dễ mắc sai lầm, thậm chí phải trả giá đắt do sự phân tán các nguồn lực, thiếu kỹ năng thẩm định công nghệ, thiếu các thông tin cập nhật, thiếu kinh nghiệm quản lý và phản ứng thị trường. Việc kiểm soát vốn vào hoạt động đa lĩnh vực là rất phức tạp, nếu làm không tốt thì sự thất thoát, lãng phí và khả năng đổ vỡ tài chính hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, với khả năng tài chính có hạn của mình, việc đầu tư vốn dàn trải sẽ buộc DN phải tìm đến các nguồn vốn mới, với những điều khoản thương mại ngặt nghèo. Điều này rất dễ đưa họ sa vào chiếc bẫy nợ nần…
 

Mỗi cái “bắt tay” của các tập đoàn đều là những con số đầu tư, kinh doanh không nhỏ.
Nhưng hiệu quả hoạt động thực sự lại là điều đáng bàn

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2008 và gần đây, sau khi thực hiện 135 cuộc kiểm toán tại 35 tỉnh thành ở 20 Bộ, 23 TĐ, nhiều tổng công ty (TCT) và tổ chức tài chính, cuối tháng 7/2009 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết luận với nhiều thông tin đáng chú ý. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), ngoài các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới viễn thông và công nghệ thông tin, còn mở rộng sang lĩnh vực gồm dịch vụ quảng cáo, kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng, viễn thông công cộng và cơ khí điện lực, còn đầu tư 3.590 tỷ đồng (chiếm 4,82% vốn chủ sở hữu) sang lĩnh vực bất động sản, tài chính-ngân hàng. Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) cũng không chịu bó khuôn trong lĩnh vực cao su, mà còn nhảy sang ngành cơ khí, quản lý khai thác cảng biển, vận tải, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ khách sạn, du lịch nội địa, quốc tế. TĐ Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) ngoài lĩnh vực chuyên sâu của mình, cũng đã đầu tư dịch vụ vận tải biển, thủy điện, tài chính, chế tạo cơ khí và dư nợ phải trả gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu; TCT Hàng hải (Vinalines) và TĐ Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư ra ngoài lĩnh vực chuyên môn lần lượt là 873,78 tỷ đồng (chiếm 11,8% vốn chủ sở hữu) 1.786 tỷ đồng (chiếm 16,15% vốn chủ sở hữu).

Lỗ  và Nợ
Vẫn theo kết luận nói trên của Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm tra của 224 đơn vị thành viên thuộc 16 TĐ&TCT cho thấy: số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ chiếm gần 10%. Chỉ riêng vụ đầu tư sản xuất điện thoại để bàn đã làm tổn thất khoảng 1.700 tỷ đồng cho một TĐ. Còn theo kết quả kiểm toán năm 2008, tổng số nợ của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lên tới 181.000 tỷ đồng. Năm 2008, nhiều DNNN có số nợ phải trả gấp nhiều lần số vốn chủ sở hữu. Trong số 70 TĐ&TCT có báo cáo, thì có 30 đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn vượt trên 3 lần, thậm chí nhiều doanh nghiệp vượt trên 20 lần, ví dụ như TCT Xây dựng công trình giao thông 5 (gấp 42 lần), TCT Xây dựng công trình giao thông 1 (gấp 22,5 lần), TCT Lắp máy Việt Nam-Lilama (gấp 21,5 lần), Vinashin (gấp 21,8 lần)… (xem box 1)
Những khoản cho vay của các công ty tài chính, ngân hàng có vốn góp của TĐ&TCT Nhà nước có nhiều rủi ro vì các điều kiện và thủ tục vay vốn rất đơn giản (như không bắt buộc phải có đủ tài sản đảm bảo cho khoản vay), chưa kể những khoản cho vay này còn có nhiều ưu đãi.

Một số đơn vị thua lỗ nhiều trong năm 2006 là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam lỗ lũy kế đến tháng 12/2007 là 23,4 tỷ đồng, Tổng công ty xây dựng Sài Gòn lỗ 90,4 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – 93,4 tỷ đồng và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 lỗ 102,7 tỷ đồng… Các Tổng công ty khác như Khánh Việt, Địa ốc Sài Gòn, tuy số lãi theo báo cáo là trên 600 tỷ đồng, nhưng số nợ phải trả hơn 4.600 tỷ đồng, chiếm lần lượt là 40 và hơn 60% tổng nguồn vốn. Như vậy, mặc dù lợi nhuận trước thuế, theo báo cáo của kiểm toán, đạt gần 1.800 tỷ đồng, nhưng số nợ phải trả quá lớn.
————————–
Tập đoàn Dầu khí đầu tư 5.780 tỷ đồng, trong đó ngân hàng 1.100 tỷ đồng, công ty Chứng khoán 76,5 tỷ đồng, công ty Tài chính 4.005 tỷ đồng, công ty Bảo hiểm 570 tỷ đồng, Quỹ đầu tư 29 tỷ đồng; Tập đoàn công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam đầu tư 1.894 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực ngân hàng 344 tỷ đồng, bảo hiểm 1.462 tỷ đồng (Bảo Việt), quỹ đầu tư 88 tỷ đồng… Bên cạnh đó, tình trạng DNNN thành lập quá nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác hẳn với lĩnh vực sản xuất kinh doanh trước đây ngày càng phổ biến…

Đáng quan ngại hơn, một số TĐ&TCT đã dành một lượng vốn khá lớn đầu tư vào ngân hàng, bảo hiểm hoặc mua bán cổ phiếu trên thị trường… Điều này dễ dẫn đến đổ vỡ dây chuyền khi mất khả năng thanh toán. Theo báo cáo của 70 TĐ&TCT, thì có tới 28 đơn vị hoạt động đầu tư chứng khoán, thành lập công ty chứng khoán, đầu tư vào công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm với tổng giá trị đầu tư là 23.344 tỷ đồng, chiếm 8,7% vốn chủ sở hữu và 20% tổng số vốn đầu tư ra ngoài. (xem box 2)
Có thể nói, những hoạt động đầu tư “năng động quá mức”, mang tính tranh thủ khai thác các cơ hội độc quyền hoặc lợi ích ngắn hạn của các DNNN này, nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt, thì rất dễ trở thành những “trái bom hẹn giờ” có sức công phá mạnh, gây tổn thất nặng nề, thậm chí là những đổ vỡ toàn diện khó lường cho đời sống kinh tế-xã hội đất nước. Bài học nhãn tiền mới đây của nền kinh tế Mỹ có thể nói là một ví dụ sinh động nhất. Còn ở Việt Nam, tiêu cực gây thất thoát một số lượng lớn vốn của Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa của một số “Đại gia” vừa được khui ra liệu có phải là phần nổi của tảng băng chìm và coi là “ngòi nổ” cho việc phát hiện ra hàng loạt các vụ tiêu cực nhạy cảm khác?

Nhập nhèm và thiếu trách nhiệm
Đặc biệt, sự sai lệch, không phản ánh đúng thực tế tài sản, doanh thu và kết quả kinh doanh là hiện tượng khá phổ biến trong báo cáo tài chính của nhiều đơn vị. Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, những khiếm khuyết nói trên lại tập trung ở nhiều “ông lớn” như TKV, EVN, Vinalines, Lilama, Sabeco (TCT Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn)…
Vì lý do này, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2007 thêm 4.166 tỉ đồng (chủ yếu từ các khoản thuế và phí, lệ phí); đề nghị giảm chi ngân sách Nhà nước 2.731 tỉ đồng (gồm chi sai, quyết toán sai chế độ, không đúng nguồn kinh phí…).
Trong năm  qua, các DNNN chiếm giữ tới hơn 50% tín dụng đầu tư Nhà nước, 70% tổng dư nợ quốc gia và hơn 80% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại. Hiệu quả đầu tư của các TĐ, TCT và DNNN nói chung cả trong và ngoài nước đều không cao, và thường là thấp nhất nếu so với các mức đầu tư và kinh doanh tương tự của tư nhân hoặc các nhà đầu tư nước ngoài. 
Tình trạng trên có nhiều lý do, nhưng trong đó phải kể đến đặc điểm của chủ sở hữu. Chủ sở hữu là Nhà nước thường dẫn đến cảnh “cha chung không ai khóc”. Chưa kể tới cơ chế tuyển dụng lao động, cơ chế quản lý vốn đầu tư (bao gồm cả việc lựa chọn lĩnh vực kinh doanh) thường bị áp đặt hoặc dễ dãi, gắn với lợi ích cục bộ, thậm chí do lợi ích cá nhân và phe nhóm, lợi dụng vốn Nhà nước để “đánh quả” và trục lợi. Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc cơ chế ra quyết định đầu tư vừa phức tạp, chậm trễ, vừa lỏng lẻo, theo chủ nghĩa hình thức, tạo nhiều cơ hội cho tham nhũng phát sinh, phát triển…
Thực tế đang cho thấy để giữ vững sự an toàn và ổn định  hệ thống, cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội, cần có những cảnh báo cấp thiết về việc phải ngăn chặn kịp thời sự “liên minh” có thể (hoặc đã) xảy ra giữa một số TĐ&TCTNN với các ngân hàng thương mại Nhà nước và các quan chức có liên quan trong việc vay và cho vay vốn, đầu tư chéo, đầu tư đa ngành có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng, nhưng lại mang đậm tính đầu cơ, trục lợi cá nhân hoặc phe nhóm, lũng đoạn thị trường và lãng phí các nguồn lực quốc gia. Thực tế cũng cho thấy để xứng đáng là trụ cột quốc gia và tấm gương sáng trong nền kinh tế, cần có những đổi mới căn bản hơn nữa về cơ chế kiểm soát và phân định, xử lý trách nhiệm thích đáng trong đầu tư, nhất là đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính trị chủ yếu của các DN và TĐ…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)