Đã sút bóng nhưng vẫn chưa ghi bàn
Nhiều quan chức nhà nước cho rằng kinh tế đã có nhiều dấu hiệu sáng sủa, quí sau cao hơn quí trước, nhưng nếu nhìn vào “nồi cơm” ngân sách thì thấy tình hình hoàn toàn ngược lại. Ngân sách chưa bao giờ khó khăn như năm nay.
Hết hiệp 1, tức sáu tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam vẫn chưa làm bàn (xem TBKTSG số ra ngày 27-6-2013). Nửa hiệp 2 trôi qua, các cầu thủ đã bắt đầu phát bóng và đá về cầu môn, song thế trận toàn cục vẫn còn rất khó khăn. Có thêm tín hiệu hồi phục nhưng còn quá sớm để nghĩ đến thắng trận.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (24-9) cũng như của Tổng cục Thống kê (28-9), nền kinh tế đã có một số tiến bộ nhất định. Trong 15 chỉ tiêu của kế hoạch 2013, dự kiến có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, ba chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng GDP, tổng đầu tư toàn xã hội và tạo việc làm.
Bức tranh kinh tế từ những con số
Sau chín tháng, GDP tăng trưởng 5,14%, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (5,5%) nhưng cao hơn 0,04% so với cùng kỳ năm 2012 (5,1%). Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng nông nghiệp và công nghiệp – xây dựng tiếp tục giảm sút so với năm 2011 và 2012, chỉ có dịch vụ tăng cao hơn năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn năm 2011. Điều này cũng phù hợp với chỉ số PMI (do Ngân hàng HSBC công bố) liên tục âm trong bốn tháng, từ tháng 5-8, tuy mức độ giảm sút thấp dần hơn tháng trước.
Xuất khẩu tăng 15,7%, chủ yếu nhờ khu vực đầu tư nước ngoài tăng 22,4% trong khi khu vực trong nước chỉ tăng 4,4%, trong đó chỉ riêng điện thoại di động của Samsung đã chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tương ứng, khu vực trong nước chỉ tăng 5,3% về nhập khẩu trong khi khu vực đầu tư nước ngoài tăng 24,8%. Các con số này cho thấy khu vực kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn và thành tích xuất khẩu chủ yếu là của đầu tư nước ngoài.
Lạm phát tháng 9 tăng lên 1,06%, tăng 6,3% so với cùng kỳ, đẩy kỳ vọng lạm phát cả năm lên khoảng 7,5%, vẫn thấp hơn năm trước. Tỷ giá với đồng đô la Mỹ được giữ ổn định là một tiến bộ.
Đầu tư nước ngoài tăng mạnh cũng là một biểu hiện tích cực. Chín tháng đã thu hút được 15 tỉ đô la Mỹ vốn cam kết, tăng 36,1%, trong khi đó vốn thực hiện ước đạt 8,6 tỉ đô la, tăng 6,4%. Hàng loạt dự án đầu tư vào casino ở Vân Đồn, Tuần Châu (Quảng Ninh), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Phú Quốc (Kiên Giang) với số vốn lên đến vài tỉ đô la cho mỗi công trình thu hút sự quan tâm sâu sắc của công luận với những ý kiến rất khác nhau.
Đã có những tín hiệu ban đầu về hồi phục niềm tin như số doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập tăng 10,8% tuy số vốn đăng ký giảm 21,6%. Trong chín tháng có 11.299 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong khi những doanh nghiệp còn tồn tại chỉ hoạt động với 30-40% công suất. Nếu tính 150.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay và bình quân mỗi doanh nghiệp giảm 20 người thì số người mất việc làm và thu nhập đã lên đến 3 triệu người.
Tuy vậy, tỷ lệ thiếu việc làm vẫn thấp một cách đáng ngạc nhiên, chỉ 3,67% ở thành thị. Điều này cho thấy có thể khu vực kinh tế phi hình thức đã giúp người lao động tạm thời tìm được việc làm.
Điểm nổi bật của quí 3 là sự khởi động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho bất động sản và các nỗ lực thoái vốn, tái cấu trúc các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
Chờ “nụ hôn hồi sinh” từ VAMC
Chưa có thông tin cụ thể về sức khỏe của từng ngân hàng thương mại và bức tranh sở hữu chéo vẫn là một “mê hồn trận” gồm cả vốn thực và vốn ảo. Trong tình hình đó, nhiệm vụ của VAMC thật nặng nề và nan giải: chỉ có 500 tỉ đồng vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước ứng, không có vốn ngân sách nhà nước ứng trước, để giải quyết khối nợ khổng lồ đó là hoàn toàn không dễ dàng. Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu VAMC phải báo cáo kế hoạch xử lý nợ lên Ngân hàng Nhà nước, trong trường hợp đặc biệt, phải có ý kiến của Thủ tướng.
Các doanh nghiệp và ngân hàng có nợ xấu đang mong chờ VAMC như chàng hoàng tử trong truyện cổ tích cho “nụ hôn hồi sinh” nhưng “nụ hôn” đó đang bị ràng buộc bởi khá nhiều quy định hành chính. Lãnh đạo một tổ chức tài chính quốc tế trong chỗ riêng tư thậm chí đã cho rằng đây là một biện pháp trấn an tâm lý chứ chưa phải là biện pháp tài chính để giải quyết đồng bộ, từng bước số nợ xấu này.
Ước tính chi phí để tái cấp vốn cho các ngân hàng giải quyết nợ xấu có thể lên đến 10% GDP. Và vai trò của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa được giải quyết trong khi kinh nghiệm quốc tế cho thấy khối đầu tư nước ngoài có thể mua từ 50-65% nợ xấu của một quốc gia.
Bất động sản: giải ngân gói cho vay quá chậm
Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng để trợ giúp mua nhà ở xã hội đã được triển khai với tốc độ khác nhau. Số 30% của gói này đã được nhanh chóng cấp cho các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng lựa chọn trong khi trợ giúp tín dụng cho tư nhân diễn ra chậm với nhiều thủ tục phức tạp.
Tính đến ngày 31-8, kết quả đã cho 331 khách hàng vay được 105 tỉ đồng. Với tốc độ này, để giải ngân hết số 21.000 tỉ đồng sẽ phải mất nhiều năm và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thúc giục phải tăng tốc giải ngân gói này. Trong khi đó, các thông tin từ thị trường bất động sản vẫn tiếp tục là những thông tin giảm giá, phá đáy và chưa có một giải pháp toàn diện. Giả định như sẽ giải quyết được khối bất động sản ứ đọng này trong 5-10 năm, nhưng nếu không có những cải cách về pháp lý cho thị trường bất động sản, quản lý và giám sát một cách hữu hiệu từ năng lực tài chính và kỹ thuật của nhà đầu tư, quy định về huy động vốn của khách hàng, các biện pháp kinh tế chống đầu cơ… thì có gì bảo đảm rằng trong tương lai lại không tái xuất hiện một cuộc khủng hoảng bất động sản với những nhà đầu cơ mới.
Trong khi đó, việc tái cơ cấu các tập đoàn và tổng công ty nhà nước cũng gặp không ít khó khăn. Thoái vốn diễn ra rất chậm, khung khổ pháp lý đối với doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng, Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước vào doanh nghiệp đã được lùi lại trong khi những bước đi đầu tiên xử lý khối nợ khổng lồ của Vinashin mới chỉ bắt đầu.
Tất cả cho thấy càng đi vào giải quyết thì khó khăn càng xuất hiện cụ thể với quy mô lớn hơn và phức tạp hơn dự kiến ban đầu. Rất cần sự quyết đoán của nhà chỉ huy, biện pháp cải cách và tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa.
* Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: Quan trọng là phục hồi động cơ tăng trưởng
Hiện nay có hai luồng ý kiến, một là kích cầu từ đầu tư công bằng cách nới mức độ bội chi và hai là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô. Theo tôi, cả hai luồng ý kiến này đều không mang tính khoa học và cũng không hẳn mang tính chất của các nhà quản lý. Thậm chí có ý kiến để ủng hộ luồng ý kiến thứ nhất phát biểu, mang tính “quân sư” cho Quốc hội và Chính phủ, là vẫn lấy tiền ngân sách đầu tư nhưng không gọi là đầu tư công nữa mà gọi bằng tên khác cho “lành”! Về nguyên tắc, mọi sự can thiệp vào phía cầu cuối cùng đều dẫn đến sự thay đổi ở phía cung (sản lượng và giá trị gia tăng). Nếu phía cung khỏe mạnh thì gia tăng cầu cuối cùng sẽ kích thích sự tăng trưởng ở phía cung. Nhưng nếu sản xuất trong nước yếu kém thì mọi sự gia tăng từ phía cầu sẽ dẫn đến tăng giá và thâm hụt thương mại mà thôi. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu tuần rồi ở Huế, bài tham luận của nhóm nghiên cứu của Harvard rất hay và ấn tượng. Trong bốn động cơ liên quan đến tăng trưởng, ba động cơ “nội” đang trục trặc, chỉ có một động cơ “ngoại” là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chạy tốt. Theo nhóm nghiên cứu này, ba động cơ nội trục trặc là do bị ảnh hưởng của thể chế trong nước, động cơ ngoại chạy tốt do không bị hoặc bị ảnh hưởng rất ít của thể chế trong nước. Như vậy, khi đã xác định được sự đình trệ của khu vực sản xuất trong nước là do thể chế thì các nhà hoạch định chính sách cần cải thiện thể chế, không chỉ là giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà chính là đối xử công bằng, minh bạch và sòng phẳng với khu vực tư nhân và nông nghiệp. Điều này không tốn kém nhưng cũng rất khó khăn vì phải tái cơ cấu cách nghĩ! Việc đạt được thành tích tăng trưởng thực sự không quan trọng bằng việc phục hồi ba động cơ nội * Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Dũng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Nợ đọng xây dựng cơ bản là nút thắt Kích cầu ở thời điểm hiện tại nguy hiểm ở chỗ lạm phát ở Việt Nam rất nhạy cảm với việc nới lỏng tài khóa, tiền tệ, trong khi đó những yếu kém về cơ cấu làm cho hiệu quả đầu tư công thấp, thất thoát lãng phí chưa được thay đổi, thể chế kinh tế chưa “dung hợp” cũng như tâm lý lạm phát còn nặng nề. Thứ nữa là hệ phương trình tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô hiện nay có quá nhiều điều kiện ràng buộc như ngân sách khó khăn, nợ công cao và có xu hướng tăng, tiền lương tối thiểu chưa đảm bảo mức sống, lộ trình điều chỉnh giá năng lượng, y tế, giáo dục còn tiếp tục, năng lực thực thi chính sách kém… làm cho những “đáp án” về chính sách hạn hẹp hơn bao giờ hết. Trong lúc khó khăn thế này có thể nới bội chi và tăng phát hành trái phiếu nhưng phải kiểm soát rất chặt và đảm bảo mục đích rõ ràng là giải quyết phần nợ đọng xây dựng cơ bản vì đây là nút thắt của nợ dây chuyền và ngân sách bây giờ không biết lấy đâu ra mà trả. Doanh nghiệp nợ thuế một ngày là phải trả lãi nhưng chính quyền có khối nợ quá lớn mà doanh nghiệp không biết kêu ai. Trong những năm qua tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu là đóng góp của vốn đầu tư mà đỉnh điểm là từ năm 2007-2011. Trong khi đó, đóng góp của yếu tố tăng năng suất (TFP) lại ngày càng đi xuống, thậm chí đạt mức âm trong năm 2008-2010. Do tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư nên khi tỷ lệ đầu tư/GDP từ mức trên 40% những năm trước, đột ngột giảm xuống chỉ còn 33,53% năm 2012 và khoảng 30% trong chín tháng đầu năm 2013 làm tăng trưởng GDP giảm mạnh. Như vậy, về mặt lý thuyết khuyến nghị tăng đầu tư để cải thiện tăng trưởng là có lý, nhưng thực tế việc làm này lại hàm chứa nhiều rủi ro. Thực vậy, tỷ lệ tiết kiệm nội địa ở Việt Nam chỉ quanh mức 26-30% GDP, tức là thấp hơn nhiều với tỷ lệ đầu tư. Một phần rất lớn vốn đầu tư vào nền kinh tế là dòng vốn từ bên ngoài. Đây cũng là lý do chính khiến cho nhập siêu của Việt Nam luôn ở mức cao trong những năm trước đó. Tỷ lệ đầu tư hiện nay cũng là môt tỷ lệ rất cao so với các quốc gia khác và cao hơn tỷ lệ tiết kiệm nội địa. Do vậy, một khi chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách để tăng đầu tư thì sẽ làm tăng nhập siêu, tỷ giá mất ổn định và lạm phát sẽ quay trở lại do tiền được bơm ra nền kinh tế. |