Đăng ký nhóm nghiên cứu mạnh: Mạo hiểm nhưng cần thiết

Là một trong ba đề xuất nhóm nghiên cứu mạnh đợt đầu của Quỹ Nafosted, chúng tôi biết quyết định của mình có phần mạo hiểm nhưng để có được những công bố tốt về những vấn đề chuyên sâu trong lĩnh vực Y sinh thì việc trở thành nhóm nghiên cứu mạnh và được Quỹ đầu tư là một giải pháp hữu hiệu.


TS. Hoàng Văn Tổng.

Xác định hướng nghiên cứu: Khi bắt tay vào kế hoạch hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, chúng tôi cho rằng, đây là yếu tố quan trọng bởi nhóm nghiên cứu mạnh cần phải xác định rõ hướng nghiên cứu mang tính dài hạn và chuyên sâu, đồng thời hướng nghiên cứu đó cần phải mới, không chỉ mới với Việt Nam mà phải mới ở cả trên thế giới. Có làm được như vậy thì các nghiên cứu ở Việt Nam mới có khả năng phát triển và các sản phẩm là các bài báo khoa học mới tiếp cận được với các tạp chí khoa học uy tín quốc tế.

Trong quá trình thực hiện các nghiên cứu ở lĩnh vực Y sinh, chúng tôi nhận thấy còn quá nhiều vấn đề đặt ra về mối tương tác giữa các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng với cơ thể vật chủ cần phải được tìm hiểu rõ, đặc biệt là sự đáp ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể, những cơ chế tiến triển của bệnh khi virus xâm nhập vào cơ thể. Vì thế, chúng tôi đã xác định, nhóm nghiên cứu của mình sẽ tập trung vào nghiên cứu về vai trò, chức năng và cơ chế bệnh sinh của các con đường tín hiệu tế bào (như con đường tín hiệu JAK/STAT/SOCS) khi cơ thể phản ứng lại sự xâm nhiễm của virus (như virus viêm gan B, D, C và E), sự tiến triển của các bệnh lý về gan như xơ gan, ung thư gan ở những bệnh nhân bị nhiễm virus. Đi sâu vào nghiên cứu theo hướng đi này, chúng tôi sẽ có cơ hội hiểu rõ các yếu tố di truyền cũng như miễn dịch của cơ thể, của các tác nhân gây bệnh, qua đó có thể tìm ra những mắt xích quan trọng liên quan đến cơ chế bệnh sinh. Đây sẽ là những kiến thức hết sức có giá trị trong chẩn đoán, tiên lượng bệnh và điều trị bệnh mà chúng ta có thể áp dụng ngay ở Việt Nam.

Đội ngũ nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã kết nối và tập hợp được một số nhà khoa học ở Việt Nam có kinh nghiệm hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực nghiên cứu, điển hình là PGS. TS. Nguyễn Lĩnh Toàn, một trong những chuyên gia của Việt Nam trong nghiên cứu về các bệnh lý gan cũng như các mô hình ung thư thực nghiệm. Tham gia nghiên cứu còn có các thành viên chủ chốt là các nhà khoa học được đào tạo cơ bản và chuyên sâu ở nước ngoài, có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và các lĩnh vực liên quan như dịch tễ học và công nghệ sinh học.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác quốc tế ở Đại học Tübingen, Viện Robert Koch (Đức), quy tụ được nhiều nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực vi sinh học, bệnh học, truyền nhiễm và ung thư. Trong một thời gian dài, hai bên đã làm việc cùng nhau và triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về cơ chế phát triển của bệnh và xuất bản một số công bố trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành.

Kết hợp nghiên cứu với đào tạo: Ngoài các thành viên nghiên cứu chủ chốt (postdoc) thì đội ngũ bao gồm các nghiên cứu sinh, học viên cao học sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với một nhóm nghiên cứu mạnh, nhất là ở các lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm. Chính vì vậy nhóm nghiên cứu của chúng tôi rất chú trọng lựa chọn, đào tạo và tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia đề tài.

Khó khăn luôn ở phía trước

Chúng tôi đã tiên liệu một số khó khăn sẽ gặp phải như sự cạnh tranh của rất nhiều nhóm nghiên cứu khác trong cùng lĩnh vực ở trên thế giới; định hướng nghiên cứu có thể bị ảnh hưởng do tính mới của các mục tiêu nghiên cứu có thể bị mất đi; nguồn kinh phí do Quỹ Nafosted hỗ trợ không đủ để thực hiện các kỹ thuật hiện đại; môi trường làm việc ở Việt Nam khác xa với môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp trên thế giới. Bên cạnh đó còn rất nhiều những khó khăn chưa thể lường trước được về mặt kỹ thuật, phương pháp cũng như cách thức tổ chức nghiên cứu…

Một thực tế quan trọng trong nghiên cứu khoa học cơ bản và nhất là với những hướng mới hoặc đi đầu trong một lĩnh vực nào đó là người nghiên cứu có thể giống như “cầm đèn đi trong đêm”. Do đó, ngoài sự định hướng nghiên cứu tốt, cần có khả năng giải quyết và tháo gỡ trong từng tình huống gặp phải trong suốt quá trình nghiên cứu, tìm tòi. Chính vì vậy, với quyết tâm và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học tập cũng như làm việc ở môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, tôi mới tự tin với quyết định đăng ký nhóm nghiên cứu mạnh, dù đây thực sự là một quyết định có chút mạo hiểm.
—————–
* TS Hoàng Văn Tổng, Trung tâm nghiên cứu Sinh Y Dược học, Học viện Quân y.

Từng tiếp xúc với các nhóm nghiên cứu đi đầu trong một số lĩnh vực nghiên cứu về Y-Sinh học, tôi nhận thấy nguồn lực của các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Thông thường các nghiên cứu cơ bản mang tính chuyên sâu và các nghiên cứu với những giả thiết mang tính đột phá trong các nghiên cứu thực nghiệm thì kinh phí đầu tư cần thiết rất lớn. Tuy nhiên so với các chương trình nghiên cứu khoa học khác của Nhà nước và Bộ KH&CN thì nguồn tài trợ về kinh phí của Nafosted cho từng đề tài nghiên cứu cơ bản còn rất khiêm tốn.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)