Đảo ngược tín hiệu não sai hướng để điều trị trầm cảm
Việc sử dụng các xung từ trường mạnh áp vào da đầu để kích thích não có thể giúp nhiều bệnh nhân trầm cảm nặng cảm thấy dễ chịu hơn trong khi các phương pháp điều trị tiêu chuẩn đã thất bại. Tuy nhiên, cơ chế kích thích từ trường xuyên qua sọ (TMS) để thay đổi não bộ và làm “tiêu tan” trầm cảm như thế nào cho đến nay vẫn còn là một dấu hỏi.
Mới đây, nghiên cứu do các nhà khoa học của Stanford Medicine dẫn đầu đã phát hiện ra, phương pháp điều trị này hoạt động bằng cách đảo ngược hướng của các tín hiệu não bất thường. Kết quả nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí PNAS 1.
“Cho đến nay, giả thuyết hàng đầu là các kích thích từ trường có thể thay đổi dòng hoạt động thần kinh trong não”, Anish Mitra – nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về tâm thần học và khoa học hành vi, cho biết. “Nhưng thành thật mà nói, tôi đã khá hoài nghi. Vậy nên tôi muốn kiểm tra giả thuyết ấy”.
Ông đã phát triển một công cụ toán học để phân tích hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) – thường được sử dụng để xác định vị trí các vùng hoạt động trong não. Phân tích mới đã sử dụng những khác biệt nhỏ về thời điểm giữa việc kích hoạt các khu vực khác nhau của não để tiết lộ hướng của hoạt động đó.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, Mitra đã phối hợp với các cộng sự và phó giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi – người đã nâng cao việc sử dụng kích thích từ tính, được cá nhân hóa cho từng giải phẫu não của bệnh nhân, để điều trị trầm cảm nặng. Phương pháp điều trị đã được FDA chứng nhận này, được gọi là liệu pháp điều hòa thần kinh Stanford (SNT), kết hợp các công nghệ hình ảnh tiên tiến để “hướng dẫn” các kích thích có các mẫu xung từ tính liều cao. So với kích thích từ tính TMS truyền thống – vốn yêu cầu phải kích thích hàng ngày trong vài tuần hoặc vài tháng – phương pháp Stanford này sẽ được tăng tốc theo thời gian với 10 phiên mỗi ngày và chỉ kéo dài trong năm ngày.
“Đây là thử nghiệm hoàn hảo để xem liệu kích thích từ trường xuyên não có khả năng thay đổi cách tín hiệu truyền qua não hay không”, Mitra – tác giả chính của nghiên cứu cho biết. “Nếu thử nghiệm này không làm được, thì sẽ không có thử nghiệm nào làm được”.
Các nhà nghiên cứu chọn ra 33 bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm và kháng lại các phương pháp điều trị. Trong số đó, 23 người được điều trị bằng phương pháp SNT và 10 người được điều trị bằng phương pháp giả SNT nhưng không có kích thích từ tính. Sau đó, nhóm nghiên cứu so sánh dữ liệu từ những bệnh nhân này với dữ liệu của 85 người đối chứng khỏe mạnh không bị trầm cảm.
Khi phân tích dữ liệu fMRI trên toàn bộ não, họ nhận thấy có một mối liên kết đặc biệt nổi bật. Trong bộ não bình thường, thùy đảo trước – một vùng tích hợp các cảm giác của cơ thể – gửi tín hiệu đến một khu vực chi phối cảm xúc – vùng vành cung vỏ não trước trán.
“Vùng vành cung vỏ não nhận thông tin này về cơ thể – giống như nhịp tim và nhiệt độ – và sau đó quyết định cách cảm nhận dựa trên tất cả các tín hiệu ấy”, Mitra nói.
Tuy nhiên, ở 3/4 số người tham gia bị trầm cảm, luồng hoạt động thông thường ấy đã bị đảo ngược: Vành cung vỏ não phía trước gửi tín hiệu đến thùy đảo phía trước. Trầm cảm càng nặng, tỷ lệ tín hiệu đi sai đường càng cao.
“Có thể thấy, ‘người gửi’ và ‘người nhận’ tín hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong việc khiến cho một người bị trầm cảm”, Mitra cho biết. “Giống như là ngay từ đầu cảm giác của bạn đã được quyết định, và sau đó bạn cảm nhận tất cả mọi thứ thông qua ‘tấm lọc’ ấy. Thậm chí cả những thứ mà bệnh nhân thường cảm thấy thú vị thì khi bị trầm cảm, bỗng nhiên chúng chẳng còn đem lại niềm vui cho họ nữa”.
Khi bệnh nhân trầm cảm được điều trị bằng phương pháp SNT, dòng hoạt động thần kinh chuyển sang hướng bình thường trong vòng một tuần, trùng hợp với khoảng thời gian họ không cảm thấy trầm cảm.
Những người bị trầm cảm nặng nhất – với các tín hiệu não bị định hướng sai nhất – có nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ việc điều trị này.
Kim Dung tổng hợp
Nguồn:https://med.stanford.edu/news/all-news/2023/05/depression-reverse-brain-signals.html
————————————————
1.https://www.pnas.org/doi/10.1073/pnas.2218958120
(Visited 1 times, 1 visits today)