Đặt cược cả Trái đất vào sự rủi ro
Cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima của Nhật Bản và cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ là hai thảm họa có cùng nguyên nhân: Các nhà quản lý và các nhà chính trị lừa dối xã hội về nguy cơ rủi ro của những thảm họa này. Họ không chỉ vô trách nhiệm trong nhiệm vụ của mình mà còn là những kẻ trục lợi từ việc duy trì nguyên trạng. Họ tiếp tay cho việc hình thành và duy trì một hệ thống giúp họ kiếm tiền đồng thời bảo vệ họ khỏi bị truy tố, một hệ thống nhằm xã hội hóa các tổn thất và tư nhân hóa những thắng lợi. Họ đặt cược cả Trái đất trong canh bạc lợi cho số ít và chắc chắn thiệt hại cho tất cả.
Tất nhiên trong một chừng mực nhất định thì không thể so sánh thảm họa động đất, một sự cố làm 25.000 người chết và mất tích với khủng hoảng tài chính trong đó chẳng có sự quy trách nhiệm nào với những thiệt hại đau sót nào về vật chất. Nhưng khi nói đến nguyên liệu hạt nhân bị tan chảy tại nhà máy điện Fukushima thì cả hai sự kiện đã xuất hiện một vấn đề chung.
Các chuyên gia của cả ngành hạt nhân và tài chính đều đảm bảo với chúng ta rằng công nghệ hiện đại đã loại trừ được tất cả những rủi ro thảm họa. Nhưng qua hai vụ việc trên chứng tỏ họ đã sai. Rủi ro không chỉ vẫn tồn tại mà những hậu quả của chúng còn lớn đến nỗi có thể dễ dàng xóa sạch những lợi ích mà những người đứng đầu lĩnh vực này từng quảng bá.
Trước Đại Suy thoái, những người có uy tín kinh tế lớn của Mỹ, từ người đứng đầu Quỹ dự trữ Liên bang cho đến lãnh đạo các tập đoàn tài chính khổng lồ đều khẳng định rằng chúng ta đã học được việc khống chế rủi ro. Những “phát kiến sáng tạo” tài chính như công cụ phái sinh và hợp đồng hoán đổi tín dụng đã phân tán sự rủi ro ra khắp cả nền kinh tế. Bây giờ chúng ta biết rằng họ đã không chỉ đánh lừa cả xã hội mà thậm chí còn đánh lừa chính họ nữa.
Rốt cuộc là các thầy phù thủy tài chính này đã không hiểu sự phức tạp của rủi ro. Đơn cử sự nguy hiểm xuất hiện trong trường hợp “phân phối bất thường” (fat-tail distributions). Đây là một khái niệm thống kê đôi khi còn được gọi là “thiên nga đen”1 (black swan), chỉ những sự cố hiếm khi xảy ra nhưng mang lại hậu quả nghiêm trọng. Những sự cố được giả định là xảy ra một lần trong một thế kỷ hoặc thậm chí một lần trong quãng thời gian tồn tại của vũ trụ thì lại xảy ra trong từng thập kỷ. Tệ hại hơn nữa, không chỉ tần suất của những sự cố kiểu này được ước tính thấp đi mà những tổn thất vô cùng lớn mà những sự cố ấy gây ra cũng được ước tính như vậy. Điều này gần giống với những tổn thất do sự cố tan chảy các thanh nhiên liệu hạt nhân nguy cơ thường trực dai dẳng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Nghiên cứu về kinh tế học và tâm lý học giúp chúng ta hiểu tại sao việc quản lý rủi ro lại tồi tệ như vậy. Chúng ta có quá ít cơ sở thực chứng để đánh giá những vụ việc hiếm khi xảy ra, cho nên khó có thể có những ước tính sát thực. Trong bối cảnh ấy, những suy nghĩ quá bay bổng có thể xuất hiện, những suy nghĩ đó gây ra cho người khác tổn thất, thì họ lại ủng hộ việc tự dối mình. Một hệ thống nhằm xã hội hóa các thua thiệt và tư nhân hóa những lợi nhuận sẽ đương nhiên là hệ thống ấy không chủ trương khống chế rủi ro.
Thực tế, toàn bộ khu vực tài chính luôn tồn tại thịnh hành vấn đề chủ-tớ và ngoại ứng. Các tổ chức xếp hạng uy tín thường có động cơ xếp hạng cao cho các loại chứng khoán nhiều rủi ro được các ngân hàng đầu tư là phía trả tiền cho các tổ chức xếp hạng này phát hành. Những người thế chấp khởi thủy không phải chịu hậu quả từ việc làm vô trách nhiệm của họ và kể cả những người tham gia vào việc cho vay tiền một cách tà tâm, hoặc tạo ra và bán ra thị trường những chứng khoán được thiết kế với dụng ý để chộp giựt đều làm theo cách có thể bảo vệ họ khỏi bị truy tố dân sự và hình sự.
Điều này dẫn chúng ta đến câu hỏi tiếp theo: liệu còn những sự cố “black swan” sắp xảy ra chăng? Thật không may là hầu hết trong số những rủi ro ghê gớm mà chúng ta đang gặp phải hiện nay không phải là những sự cố hiếm hoi. Những rủi ro này có thể được khống chế với chi phí rất nhỏ hoặc không tốn kém gì. Nhưng để làm được điều đó thì sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những người đang trục lợi từ nguyên trạng.
Trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến hai trong số những rủi ro lớn nhưng chẳng có gì đáng kể được tiến hành để khống chế tình trạng ấy. Một số quan điểm còn cho rằng cách thức xử lý cuộc khủng hoảng vừa qua có thể làm tăng sự rủi ro cho một thảm họa “tan chảy” tài chính trong tương lai.
Những ngân hàng “quá to đến mức không thể thất bại” (too-big-to fail) và những thị trường mà họ tham gia hiện nay hiểu rằng họ có thể trông chờ vào sự cứu trợ nếu gặp vấn đề rắc rối. Hậu quả của tình trạng “rủi ro đạo đức” này là những ngân hàng ấy có thể vay bằng các điều khoản ưu đãi, cho phép họ có lợi thế cạnh tranh không dựa trên ưu thế kinh doanh mà dựa trên sức mạnh chính trị. Trong khi một số rủi ro quá mức đã giảm thì việc cho vay có tà ý và việc mua bán chứng khoán phái sinh ngoài sổ sách, ngoài quy chế vẫn tiếp tục. Cơ cấu khuyến khích sự lạm dụng rủi ro vẫn thực sự tồn tại và hầu như chẳng có gì thay đổi.
Cũng như vậy, khi mà nước Đức đóng cửa những lò phản ứng hạt nhân cũ thì ở Mỹ và nhiều nơi khác, nhiều lò phản ứng được thiết kế giống như lò bị tan chảy ở Fukushima vẫn tiếp tục vận hành. Sự tồn tại của ngành hạt nhân phụ thuộc vào những trợ cấp công cộng bị che dấu, đó là các chi phí mà xã hội gánh chịu khi thảm họa hạt nhân xảy ra, cũng như các phí tổn để loại bỏ chất thải hạt nhân chưa xử lý – điều mà chưa có lời giải. Như vậy là chẳng còn gì để nói đối với chủ nghĩa tư bản bất kham này!
Đối với hành tinh này, còn có thêm một rủi ro nữa có cùng đặc điểm như hai rủi ro trên và hầu như chắc chắn xảy ra, đó là sự nóng lên và biến đổi khí hậu toàn cầu. Nếu có những hành tinh khác nữa mà chúng ta có thể chuyển đến ở với chi phí thấp trong trường hợp dự đoán trên của các nhà khoa học xảy đến thì sẽ có người lập luận rằng đây là rủi ro đáng chấp nhận. Nhưng không có hành tinh nào để thay thế và như vậy rủi ro này không chấp nhận được.
Chi phí cho việc giảm bớt phát thải trở nên nhỏ bé khi so sánh với những rủi ro tiềm tàng mà thế giới phải đối mặt. Điều này vẫn đúng kể cả khi chúng ta không tính tới rủi ro hạt nhân (chi phí trong lĩnh vực này luôn bị tính thấp). Chắc chắn rằng các công ty than đá và dầu lửa sẽ phải gánh chịu và các nước có lượng phát thải lớn như Mỹ sẽ phải chi trả cao hơn so với những nước có cách sống ít hoang toàng hơn.
Tóm lại, những người đánh bạc ở Las Vegas mất nhiều hơn là thắng. Với tư cách là một xã hội, chúng ta đang đánh bạc với các ngân hàng khổng lồ, các cơ sở năng lượng hạt nhân và với Trái đất của chúng ta. Giống như ở Las Vegas, có rất ít người may mắn, đó là những ông chủ nhà băng, người đã đặt cược nền kinh tế của chúng ta vào sự rủi ro, và những ông chủ cơ sở năng lượng hạt nhân, người đã đặt cược Trái đất của chúng ta vào sự rủi ro. Nhưng chúng ta là một xã hội, giống như toàn bộ những kẻ đánh bạc ở mặt bằng chung và chắc chắn là sẽ thua thiệt.
BÙI ĐẠI DŨNG dịch
————-
* Joseph E. Stiglitz: giáo sư Đại học Columbia, một nhà kinh tế học lỗi lạc của thế giới, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001.
2 “Thiên nga đen”: Một khái niệm do Nassim Nicholas Taleb, một nhà triết học người Mỹ gốc Li băng đưa ra năm 2007 chỉ một sự cố xảy ra có độ lệch vượt ra ngoài phân phối xác suất thông thường, là trường hợp cực kỳ khó dự đoán (ND).