Đầu cơ là nguyên nhân đội giá lương thực?

Năm 2007-2008, thế giới chứng kiến tình trạng lương thực toàn cầu tăng giá đột biến dẫn tới bạo động và bất ổn xã hội ở 28 quốc gia trên thế giới. Câu hỏi đến nay vẫn ám ảnh các chuyên gia tới nay vẫn là về nguyên nhân của tình trạng này.

Cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng giá tăng cao và biến động mạnh sẽ trở thành hiện tượng thường thấy trên thế giới. Điều này quả là nguy hiểm với thế giới, khi mà gần một tỷ người vẫn đang sống thiếu đói.

Những quốc gia nghèo như Tajikistan, nơi người dân dùng tới 80% thu nhập để mua lương thực, sẽ là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Giá lương thực hiện nay đang ở mức 7% cao hơn so với một năm trước.

Có những nguyên nhân rõ rệt đằng sau hiện tượng này: thời tiết xấu, như nạn hạn hán ở Mỹ, hay nhu cầu mua nguyên liệu tăng cao ở ngành nhiên liệu sinh học, hoặc do sự thay đổi khẩu phần ăn ở người dân Ấn Độ và Trung Quốc khi họ chuyển sang thói quen ăn nhiều thịt hơn (cần tới 15 kg bột để sản xuất 1 kg thịt). Nhưng ngày càng nhiều các chuyên gia cho rằng những tác nhân này không đủ mạnh để lý giải xu hướng gia tăng giá lương thực trên thế giới kể từ sau năm 2000.

Thay vào đó, các chuyên gia đang trỏ ngón tay về phía các diễn viên trên thị trường tài chính, những người ngày càng tham gia nhiều hơn vào các thị trường nông nghiệp, đánh cược trên giá các loại hàng hóa. Yaneer Bar-Yam và Greg Lindsay của Viện New England Complex Systems khẳng định rằng các mô hình toán học cho thấy chỉ có sự đầu cơ mới lý giải được sự tăng giá ở mức độ như hiện nay.

Các nhà buôn bán luôn đầu cơ trên thị trường nông nghiệp tương lai, như họ vẫn làm với các thị trường hàng hóa khác như đồng hay dầu lửa. Những người có quyền lợi – những người sản xuất và mua hàng – dùng thị trường này để đánh cược về khả năng tăng hoặc giảm giá như một cách để bảo hiểm chống lại biến động giá. Nhưng sau năm 2000, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký Luật Hiện đại hóa Hàng hóa Tương lai, các ngân hàng đầu tư và tổ chức tài chính bắt đầu tham gia đánh cược như một cách đầu cơ thay vì bảo hiểm. “Trước kia chỉ có khoảng 12% người chơi là dân tài chính, ngày nay con số tăng vọt lên trên 60%”, theo lời Heidi Chow, một nhà hoạt động xã hội của Phong trào Phát triển Thế giới, một tổ chức có trụ sở tại Anh.

Tổ chức Foodwatch của Đức chỉ ra rằng đầu tư vào hàng hóa lương thực đã tăng vọt từ 65 tỷ USD lên 126 tỷ USD trong 5 năm qua. Đầu tư đầu cơ vào lương thực năm 2011 cao gấp 20 lần giá trị viện trợ lương thực của tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo Phong trào Phát triển Thế giới, tổ chức tài chính Barclays Capital kiếm được lợi nhuận ở mức 548 tỷ USD từ đầu cơ năm 2010.

Nhưng không phải ai cũng nhất trí. Ann Berg, chuyên gia về thị trường Chicago Mercantile Exchange, nay là cố vấn cho FAO, cho rằng không thể chứng minh đầu cơ là nguyên nhân gây tăng giá lương thực. Và mặc dù các nhà vận động và quản lý sẵn lòng áp dụng các hạn mức đối với đầu cơ lương thực, nhưng khó khăn lớn nhất cho các nhà quản lý là làm sao xác định mức đầu cơ nào là quá nhiều. Cho đến nay, vẫn không có định nghĩa nào cho biết mức đầu cơ nào là quá mức, dù ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng thao túng thị trường của các quỹ đầu tư.

Nguồn:

http://science.time.com/2012/12/17/betting-on-hunger-is-financial-speculation-to-blame-for-high-food-prices/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)