Đầu tư cho tương lai

Hướng đi của các không gian làm việc chung (co-working space) tại Hà Nội là xây dựng một cộng đồng những người làm việc tự do và các start-ups để có thể liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.  

Không chỉ là một chỗ ngồi giá rẻ

Thông thường, những người làm việc tự do (freelancer) và các công ty khởi nghiệp (startup) chọn co- working space vì chi phí thấp. Xuất hiện ở Hà Nội chưa đầy hai năm nay, số lượng cũng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là những không gian yên tĩnh ở Tây Hồ hoặc trung tâm thành phố với giá cho thuê từ một đến hai triệu một tháng cho một chỗ ngồi, có những nơi còn miễn phí toàn bộ trà và cà phê cho người tới làm việc. Tuy nhiên, những người thành lập không gian làm việc chung chưa bao giờ muốn xây dựng co-working space như một văn phòng cho thuê giá rẻ mà muốn sử dụng nó để kết nối cộng đồng những người tài năng và sáng tạo.

Clickspace là một trong những co-working space đầu tiên ở Hà Nội, nằm trong một biệt thự bốn tầng yên tĩnh có sân, vườn, chỗ để xe rộng rãi trên đường Tô Ngọc Vân. Hiện có 24 người trả tiền hằng tháng để làm việc tại đây, trong số đó, có hai startup của Việt Nam và hơn 10 freelancers người nước ngoài.

Người đồng sáng lập Clickspace, Jason Lusk, trước đây từng là phó chủ tịch hãng quảng cáo độc lập lớn thứ hai nước Mỹ, Cramer-Krusselt. Tới Việt Nam, ông mở công ty quảng cáo Clickable và mời chính những người ngồi làm việc ở Clickspace tham gia các dự án của mình. Ông chia sẻ: “Tôi muốn xây dựng ở Clickspace một công ty về marketing và không gian này tạo điều kiện để tôi có thể kết nối với những người giỏi nhất.”

Theo khảo sát của trang thông tin về co-working space Deskmag cho thấy, trong số 2007 người tham gia khảo sát, 71% trả lời rằng họ tăng khả năng sáng tạo từ khi tham gia vào một co-working space trong khi 62% cho rằng, họ làm việc hiệu quả hơn ở co-working space. Ngay cả các công ty như Google, Amazon, Twitter và một nửa các công ty lọt vào top 500 công ty giàu có nhất thế giới (500 Fortune) đều đặt chỗ tại các co-working space để các nhân viên của mình tới làm việc.

Khác với Clickspace, Hub.it là một không gian làm việc chung dành cho giới khởi nghiệp về công nghệ. Người sáng lập Hub.it là một doanh nhân khởi nghiệp người Singapore, Bobby Liu. Ngay từ khi thành lập, ông đã muốn xây dựng một vườn ươm công nghệ dựa trên không gian này. Bobby Liu cho biết, thông qua co-working space, ông có thể tập hợp những người trẻ khởi nghiệp tài năng và sáng tạo vẫn đang làm việc tại nhà hoặc ở các quán cà phê trên khắp thành phố: “Xây dựng một không gian phù hợp cho phép họ tập trung hơn vào những gì mình đang làm là nhiệm vụ của một co-working space. Bên cạnh đó, là một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam qua co-working space, chúng tôi có thể phát hiện đâu là những người giỏi và những ý tưởng tốt”. Trước khi thành lập Hub.it, ông dành hơn nửa năm để xây dựng mạng lưới bao gồm các nhà đầu tư ở châu Á và các doanh nhân khởi nghiệp thành công mà những công ty khởi nghiệp ngồi làm việc tại Hub.it có thể xin ý kiến tư vấn bất kỳ lúc nào.

Nhìn về tương lai

“Phải tìm kiếm cộng đồng của mình trước và sau đó mở co-working space chứ không phải làm theo hướng ngược lại,” Bobby Liu nói. Đồng tình với Bobby Liu, Jason Lusk cũng thừa nhận rằng, do chưa có cộng đồng từ trước nên Clickspace đã gặp rất nhiều khó khăn về tài chính trong nửa năm đầu và lí do ông không đóng cửa lúc đó chỉ vì ông là “một kẻ ngoan cố”.

“Một thực tế khá mệt mỏi khi làm freelancers là không có ai trao đổi ý tưởng với mình cả. Tuy nhiên, co-working space có thể tạo ra những cách thức hoặc ngẫu nhiên khuyến khích mọi người phản hồi ý tưởng của nhau. Đó có thể là thông qua những khóa học, buổi hội thảo hoặc đơn giản chỉ là vươn người qua bàn của người ngồi cạnh và xin ý kiến của họ,” Jason Lusk nói. Theo ông, điều tuyệt vời nhất là khi mỗi thành viên trong co-working space đứng ra chia sẻ kinh nghiệm với những người khác, nhưng “điều đó cần thời gian”.

Hub.it từ khi mới mở đã thu hút sự chú ý từ cộng đồng khởi nghiệp nhờ những buổi hội thảo và hướng dẫn quy mô nhỏ. Bobby Liu  thường xuyên hợp tác với nhóm Google Business Group để tổ chức các buổi tư vấn miễn phí về phát triển kinh doanh dựa trên các dịch vụ của Google; chương trình tăng tốc khởi nghiệp Topica Founder Institute cũng tổ chức những buổi đánh giá ý tưởng và mô hình các startups tại đây. Bên cạnh đó, Bobby Liu còn tổ chức các buổi chia sẻ giữa những người làm việc ở Hub.it và các doanh nhân khởi nghiệp thành công. Trong một năm hoạt động, có gần 10 startups từng tới đây làm việc,  nhưng để duy trì một không gian mà mọi người sẵn sàng hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, cần có sự thay đổi dần về ý thức của họ. Bobby Liu cho biết: “Khi một startup lần đầu đến Hub.it, tôi phải hướng dẫn họ, giới thiệu họ với các startup khác, cho họ thấy các startups khác làm việc ra sao để họ cảm thấy được chào đón, và thấy mọi người ở đây đều niềm nở không hề lo lắng “che giấu” ý tưởng.”

Hầu hết các sáng lập viên của những co-working space tại Hà Nội đều chia sẻ họ không sống nhờ vào kinh doanh không gian làm việc chung. Jason Lusk cho rằng, mở ra co-working space là một sự đầu tư cho tương lai bởi những người sáng lập nhận thức được tầm quan trọng của co-working space đối với các freelancer và co-working space trên thế giới: “Tôi phải tin vào điều đó, ngay cả khi chưa có gì thực sự diễn ra cả.”

Khởi nghiệp là dồn hết nguồn lực mình có để tạo ra giá trị cho xã hội. Nhưng ở Việt Nam, nguồn lực ấy bị lãng phí vì chi phí dành cho văn phòng quá lớn. Chẳng hạn, một start-up có năm người muốn thuê một văn phòng ở Hà Nội sẽ phải trả khoảng 10 triệu/tháng, đó còn chưa kể là phải đặt cọc sáu tháng và trả trước ba tháng. Họ còn phải mua cả bàn ghế, lắp đặt internet… nên co-working space sẽ khiến mọi thứ đơn giản hơn.” – Đỗ Hoài Nam, cựu CEO của Emotiv System, người đồng thời mở cửa văn phòng của mình ở Hà Nội cho các start-ups mà anh đầu tư cùng làm việc. 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)