Để phép màu xảy ra!

Lần đầu tiên Việt Nam có ngày Khoa học và Công nghệ (18/5/2014) – “sự kiện không phải dành cho một giới, cho một lĩnh vực mà dành cho tất cả những ai có tinh thần sáng tạo, yêu khoa học... ở mọi thành phần trong xã hội. Từ những nông dân có sáng kiến tới những doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ những người làm công tác nghiên cứu ở các Viện, Trường,... tới những học sinh sinh viên đam mê khoa học và sáng tạo,...” – Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết.

Nhân dịp này, Bộ KH&CN và Hội HVNCLC đã tổ chức Diễn đàn Quốc tế về Kinh Doanh Sáng tạo lần 1 với sự tham dự của Đại sứ Thuỵ Sĩ tại Việt Nam Andrej Motyl, các chuyên gia và doanh nghiệp đến từ Israel, Mỹ, Thái Lan, Đức, Việt Nam,… cùng chia sẻ những kinh nghiệm họ đã đổi mới sáng tạo như thế nào để duy trì, phát triển và cạnh tranh được trong môi trường kinh doanh toàn cầu ngày càng khắc nghiệt.

Họ đã làm điều đó như thế nào?

Theo thống kê của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2013, Thuỵ Sĩ là quốc gia đứng thứ nhất về sáng tạo trên thế giới. Chia sẻ với Diễn đàn, Đại sứ Thuỵ Sĩ tại Việt Nam – ông Andrej Motyl – cho biết – ngay trong và sau thế chiến II, nhờ ở thế trung lập, Thuỵ Sĩ đã trở thành điểm đến của nhiều tài năng, nhất là những người Do Thái tị nạn trốn khỏi Đức, Pháp, Ý…

Bắt đầu từ đây, Thuỵ Sĩ trở thành điểm thu hút và hội tụ nhân tài. Với diện tích rất nhỏ, dân số ít và không phải là nước giàu có về tài nguyên thiên nhiên, nhưng Thuỵ Sĩ đã biến tận dụng chất xám của những người tị nạn và nhập cư, thúc đẩy sự tương tác giữa các nền văn hoá và giao thương giữa các quốc gia. Tính đến nay, Thuỵ Sĩ là đất nước có số doanh nghiệp toàn cầu trên đầu người cao nhất thế giới. Các doanh nghiệp Thuỵ Sĩ cũng chú trọng và đầu tư vào những trung tâm nghiên cứu và phát triển để sử dụng nguồn chất xám đã hội tụ, điển hình là những trung tâm R&D nổi tiếng toàn cầu tại Thuỵ Sĩ như của Novartis, Nestle,…

Ông Andrej Motyl cũng chia sẻ câu chuyện ĐMST của trường Đại học Bách khoa vùng Lausanne (EPFL) với những dự án “khủng” đầu tư vào ĐMST như dự án nghiên cứu não người với mức đầu tư 1 tỷ USD,… đã trở thành trường ĐH nổi tiếng trong cộng đồng dân cư nói tiếng Pháp với mô hình kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Viện – Trường khi các DN có thể đặt ngay văn phòng, trung tâm nghiên cứu của họ tại trường.

Mối liên kết chặt chẽ giữa Doanh nghiệp và Viện – Trường – lực đẩy của đổi mới sáng tạo và tạo ra những thần kỳ kinh tế như Hàn Quốc (với viện KHCN Hàn Quốc – KIST), Singapore (với những Viện- trường tự định vị là Doanh nghiệp tri thức như ĐHQG Singapore NUS) cũng là chia sẻ của TS Giáp Văn Dương. Ông cho rằng chính mối liên kết này một cách tự nhiên và là nhu cầu tự thân của cả hai phía với sự hỗ trợ tạo dựng môi trường để thúc đẩy thông qua hành chính và luật pháp của Chính phủ là một trong những yếu tố quan trọng đã giúp Hàn Quốc và Singapore đạt những bước tiến dài về ĐMST và trở thành những nền kinh tế phát triển vượt bậc. Theo bảng xếp hạng của Bloomberg về 50 quốc gia sáng tạo nhất năm 2014, cả hai quốc gia này đều nằm trong Top Ten.

Chuyên gia về ĐMST đến từ Israel, bà Daphna Murvitz đã chia sẻ lịch sử tính bằng thập kỷ của Israel từ những năm 1950s tới những năm 2000s thông qua các cột mốc là những dịch chuyển về KHCN và ĐMST. Một đất nước không có tài nguyên, khắc nghiệt, dân số ít, nhỏ bé, nằm trong lòng những quốc gia đối đầu về cả văn hoá và tôn giáo,… thứ duy nhất Israel có thể khai thác chỉ là chất xám của chính mình. Theo bà, công thức sáng tạo của Israel chính là sự kết hợp giữa Tinh thần Doanh nhân, Hệ thống giáo dục, Sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro, Luôn kết hợp Kinh tế và xã hội và quan trọng nhất là luôn coi Trở ngại là lực đẩy. “Trở ngại không phải là rào cản, chính trở ngại tạo ra những cơ hội sáng tạo” – bà cho biết. Chỉ trong vòng vài thập kỷ, ngày nay, Tel Aviv – thủ đô của Israel đã trở thành trung tâm R&D và ĐMST lớn thứ hai thế giới, chỉ sau thung lũng Silicon của Mỹ. Về phía chính phủ, Israel luôn sẵn sàng chia sẻ rủi ro với DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp – coi đây là đối tượng để hỗ trợ tài chính, pháp lý, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và đặc biệt chú trọng hợp tác Công – Tư giữa chính phủ và DN. Israel cũng có một hệ thống giáo dục đặc biệt “khiến Israel trở nên độc đáo” (Bill Gates) khi chú trọng đầu tư vào con người từ cấp thấp nhất “ngay cả nhà trẻ mẫu giáo cũng được trang bị công nghệ cao nhất. Triết lý của chúng tôi là Dám thử thách, Dám thay đổi”, bà Daphna chia sẻ.

Con đường duy nhất giúp DN cạnh tranh và phát triển

Cho dù Chính phủ có tạo ra những điều kiện tốt nhất giúp ĐMST hay không, thì DN vẫn phải tự mình tìm những con đường riêng – vì chính ĐMST giúp tạo ra động lực phát triển và cạnh tranh cho DN. “Lịch sử của chúng tôi là lịch sử của đổi mới sáng tạo” – ông Katsuyasua Kato – Chủ tịch HĐQT của Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam chia sẻ. Được thành lập từ năm 1899, trải qua hơn trăm năm lịch sử với giá trị cốt lõi “Go For It” (Làm tới đi) đã thể hiện tinh thần luôn sẵn sàng tìm kiếm cơ hội và thử nghiệm điều gì đó mới mẻ. Xuất thân từ một nhà máy nhỏ bán rượu wishkey, hiện Suntory đã trở thành một tập đoàn nước uống và thực phẩm toàn cầu với doanh thu 20 tỷ USD (năm 2013). Niềm tự hào của tập đoàn này không chỉ nằm ở những con số như phát minh 133 sản phẩm mới mỗi năm mà còn ở những hiện tượng như “hoa hồng xanh” – thứ tưởng chừng phi lý và không thể – nhưng trên thực tế, bông hoa hồng màu xanh thực sự (blue rose) đầu tiên của thế giới đã nở ra trong phòng thí nghiệm của Suntory vào năm 2009 – trở thành một minh chứng tuyệt vời rằng mọi điều không thể đều có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta sáng tạo không ngừng. Ngày nay, Suntory có ba viện nghiên cứu lớn tại Nhật Bản và được xếp hạng thứ 8 trong danh sách các công ty được ngưỡng mộ nhất TG của Fortune năm 2013.

Đại diện của Misfit Wearables – một doanh nghiệp mới khởi nghiệp của nhóm doanh nhân Việt tại thung lũng Silicon với đội ngũ R&D và phần mềm tại Việt Nam – anh Trịnh Hoàng lại chia sẻ một công thức thành công khác khi kết hợp được chất xám, sự đa dạng và khác biệt giữa các nền văn hoá, môi trường,… với tinh thần lắng nghe, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm để tạo ra những sản phẩm sáng tạo. Anh Hoàng cho rằng, chính sự khác biệt, “độ vênh” giữa các nhóm làm việc đã tạo ra cơ hội để ĐMST. Với lợi thế này, sản phẩm của Misfit Wearables thậm chí đã khiến nhiều đối thủ danh tiếng toàn cầu danh tiếng hơn như Nike phải “đóng cửa” dòng sản phẩm tương tự của họ tại nhiều thị trường. Hiện sản phẩm của Misfit Wearables đã được bán trên toàn cầu , cả trong mạng lưới của hàng Apple trên các nước và nòng cốt đội ngũ sáng tạo chính là các bạn trẻ Việt Nam.

Câu chuyện được mọi người lý thú, hào hứng nhất là chuyện một người Việt Nam đã mua một thị trấn Hoa Kỳ. Với triết lý đơn giản hơn, nôm na là “Tiền ít nhưng muốn hít thơm”, ông Phạm Đình Nguyên chia sẻ lại cách làm tiếp thị sáng tạo của thương hiệu cà phê PhinDeli khi quyết định mua lại một thị trấn của Mỹ để quảng bá cho một sản phẩm – ý tưởng mà ông đã chợt có khi đã tìm hiểu rất kỹ về những cách quảng bá thương hiệu thật ít tiền nhưng hiệu quả. Ông cho rằng kênh internet và mạng xã hội là những công cụ mà DN nên tận dụng một cách sáng tạo để tối đa hoá hiệu quả quảng bá.

Bao nhiêu tiền là đủ cho nghiên cứu phát triển?

Từ bộ đo đổi mới sáng tạo i2metrix, các chuyên gia của BSA và trung tâm DHVP sau khi phỏng vấn sâu 21 doanh nghiệp đã tìm ra một điều thú vị: không cứ nhất thiết là phải nhiều tiền mới có thể nghĩ đến đổi mới sáng tạo. Có những sáng kiến được đưa ra mà không tốn đồng nào, chỉ cần biết cách huy động mọi nguồn chất xám từ bên trong. Chẳng hạn, công ty SGfood tổ chức các cuộc thi nấu ăn từ sản phẩm của chính công ty này và phát hiện ra những công thức mới cho sản phẩm mới, công ty Thiên Long thời kỳ đầu liên tục tìm ra những điểm có thể cải tiến trong việc sản xuất của mình chỉ từ ý kiến của các anh công nhân…

Các đại diện tới từ Công ty Thiên Long, Bóng đèn phích nước Rạng Đông,… cũng chia sẻ họ luôn dành ít nhất 2% doanh thu mỗi năm để tái đầu tư vào R&D và ĐMST. Theo ông Cô Gia Thọ, TGĐ Thiên Long, ngân sách R&D không chỉ đầu tư vào khoa học, công nghệ, mà còn cần phải tập trung vào quản trị và công ty đã nhận thức và làm tốt điều này ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thành từ công ty An Phú Đà Lạt cũng chia sẻ sự đeo đuổi cách làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp, khoa học, theo những chuẩn mực cao nhất của quốc tế,… mà giờ đây An Phú Đà Lạt đã có những sản phẩm rau quả thâm nhập được vào những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật,…

Bộ công cụ giúp DN đo lường ĐMST

Vậy làm thế nào để DN có thể đo lường được năng lực ĐMST của mình để biết “đi đâu về đâu” trên con đường phát triển? Ông Trần Trí Dũng, đại diện của nhóm nghiên cứu công cụ đo lường i2metrix đã giới thiệu bộ thước đo mới mẻ này – hiện đã được thử nghiệm với 21 DN Việt Nam và mong muốn nhiều DN nữa sẽ tiếp tục tham gia để kết quả sẽ được báo cáo tại các Diễn đàn về ĐMST trong khu vực và quốc tế. Ông Dũng cũng đưa ra những cảnh báo về những sai lầm của DN trong việc đầu tư vào ĐMST như “Lời nguyền tài nguyên khi DN đầu tư quá nhiều vào khâu đầu vào, công cụ,…” mà quên mất việc đầu tư vào con người. Tuy nhiên, ngay cả khi đầu tư vào con người, thì cách làm thế nào để đúng và hiệu quả, cũng là một thách thức đối với DN. Cũng như những chia sẻ của ông Kato, bà Daphna, ông Dũng cho rằng ĐMST không phải là phép màu chỉ qua một đêm có thể thay đổi được tất cả – mà nó đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục, cam kết,… của DN cũng như của quốc gia.

TS Dolly Sampson – một chuyên gia về học thuật của nhóm xây dựng i2metrix đến từ Thái Lan cũng chia sẻ kinh nghiệm ĐMST khi kết hợp chặt chẽ giữa Viện-Trường với DN. Bà cho rằng không chỉ sinh viên có thể học hỏi từ DN, mà DN cũng có thể học hỏi và có được nhiều ý tưởng sáng tạo, mới mẻ từ sinh viên. Yếu tố cốt lõi theo bà chính là việc liên kết mạng lưới – luôn luôn tìm kiếm và mở rộng mạng lưới từ cả phía Viện-trường và DN một cách chủ động.

Một hành trình mới

Diễn đàn Quốc tế về Kinh doanh Sáng tạo được kỳ vọng trở thành diễn đàn thường niên về trao đổi các ý tưởng, giải pháp giúp kinh doanh sáng tạo, mong muốn đưa ra những kiến nghị, đề xuất,… với Chính phủ và các cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho ĐMST được nuôi dưỡng và phát triển – để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đạt được trình độ KHCN ngày càng cao, ứng dụng được vào việc tạo ra những sản phẩm chất lượng, cạnh tranh,… nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp tham gia TPP và AEC,… hội nhập sâu hơn vào TG. Bộ trưởng Nguyễn Quân cam kết “DN được đặt vào vị trí quan trọng hơn bao giờ hết trong hoạt động KHCN của Bộ KHCN. DN vừa là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ, vừa là chủ thể của thị trường đổi mới công nghệ, là địa chỉ tin cậy để ứng dụng những kết quả nghiên cứu KHCN”. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tình yêu khoa học được nuôi dưỡng đều là niềm hy vọng cho bất kỳ quốc gia nào”.

Tác giả