Đề xuất giải pháp giúp nâng cao hiệu quả của các dự án trồng rừng

Các nhà khoa học đã phát hiện hai yếu tố chính cản trở sự thành công của các dự án trồng cây gây rừng

Chiến dịch trồng cây quy mô lớn ở Ethiopia đã giúp nước này trồng được 4 tỷ cây con vào năm 2019. Trong ảnh, người dân đang tham gia chiến dịch trồng cây ở thủ đô Addis Ababa vào ngày 28 tháng 7 năm 2019. Ảnh: Getty Images

Với mong muốn giảm thiểu tình trạng hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và các hậu quả bất lợi khác do biến đổi khí hậu gây nên, gần 200 quốc gia đã cam kết thực hiện mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất từ đây đến 2100 tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp. Theo Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, để đạt được mục tiêu đó, các quốc gia sẽ phải hành động ngay lập tức để giảm phát thải khí nhà kính (GHG) trên quy mô lớn và loại bỏ GHG khỏi khí quyển.

Hiện tại, chiến lược loại bỏ GHG hiệu quả và có khả năng mở rộng nhất là trồng nhiều cây xanh thông qua hoạt động trồng cây gây rừng hoặc tái trồng rừng – một “giải pháp khí hậu tự nhiên” (natural climate solution – NCS) để loại bỏ carbon dioxide trong khí quyển thông qua quá trình quang hợp và cô lập carbon trong lòng đất.

Bất chấp tiềm năng của các dự án NCS trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, thất nghiệp và các vấn đề xã hội khác; các nhà hoạch định chính sách, nhà tài trợ và người dân vẫn thờ ơ với chúng và cho rằng hiệu quả mà chúng mang lại không cao. Nhằm nâng cao tiềm năng ứng dụng của các giải pháp này, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn và MIT gần đây đã nghiên cứu cách các nhà khoa học môi trường, các bên liên quan tại địa phương và các nhà tài trợ dự án suy nghĩ về rủi ro, lợi ích của các dự án NCS, từ đó phân tích mức độ tác động của những suy nghĩ đến mục tiêu và hiệu suất của dự án. Theo đó, họ đã khảo sát và tham khảo ý kiến ​​của hàng chục chuyên gia và tổ chức uy tín trong các lĩnh vực sinh thái, tài chính, chính sách khí hậu và khoa học xã hội.

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Frontiers in Climate, đã phát hiện hai yếu tố chính cản trở sự thành công của các dự án NCS dựa trên lâm nghiệp.

Yếu tố cản trở đầu tiên nằm ở nhận thức của các nhà tài trợ. Họ e ngại các rủi ro có thể xảy đến, và điều này đã tác động tiêu cực đến mục tiêu loại bỏ carbon, phục hồi hệ sinh thái, tạo việc làm và các mục tiêu môi trường và xã hội khác trong dự án NCS được chọn. Họ lo lắng về các rủi ro trong quá trình trồng (ví dụ: Liệu cây mới trồng có tồn tại và phát triển không?), rủi ro chính trị (ví dụ: Họ có được quyền trồng cây ở khu vực đó không?); và rủi ro về uy tín (ví dụ: Liệu dự án có bị xem là một cách thức “tẩy xanh” (greenwashing) hay không, hay dự án có đáp ứng được những lợi ích về môi trường và xã hội như đã hứa?). Các nhà tài trợ đang tìm kiếm lợi nhuận tài chính cho khoản đầu tư ban đầu của họ cũng lo ngại về độ tin cậy của các phương pháp giám sát, báo cáo và xác minh phức tạp được áp dụng trong quá trình định lượng mức độ loại bỏ carbon khỏi khí quyển, tăng đa dạng sinh học, cũng như các chỉ số khác về hiệu suất dự án.

Thứ hai, rất khó để những dự án NCS hoạt động hiệu quả nếu các cộng đồng địa phương liên quan không được trao quyền sở hữu và thực hiện dự án.

“Nếu các dự án này được thực hiện đúng cách, chúng sẽ tác động tích cực đến tiến trình phát triển bền vững và giúp trao quyền chủ động cho cộng đồng địa phương”, Bonnie Waring, tác giả chính của nghiên cứu, giảng viên cao cấp tại Viện Grantham về Biến đổi khí hậu và Môi trường, Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết.

Dựa trên các cuộc khảo sát và tham vấn với các chuyên gia NCS, các bên liên quan và những nhà tài trợ, nhóm nghiên cứu đã nêu bật một số khuyến nghị. Các khuyến nghị bao gồm khuyến khích các nhà tài trợ đánh giá các dự án dựa trên hoạt động quản lý nội bộ chặt chẽ; sự chung tay của chính quyền khu vực và quốc gia; đảm bảo quyền sử dụng đất, lợi ích, cho cộng đồng địa phương, đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các thành viên cộng đồng từ nhiều nhóm kinh tế xã hội; cải thiện độ tin cậy và khả năng kiểm chứng hiệu quả giảm phát thải của dự án; duy trì đối thoại cởi mở và chia sẻ chi phí, lợi ích giữa những nhà tài trợ, các bên thực hiện và hưởng lợi từ các dự án này.

Anh Lưu lược dịch

Nguồn: How forests can cut carbon, restore ecosystems, and create jobs

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)