Đề xuất mức học phí và gói tín dụng phù hợp

Để đáp ứng được nhu cầu xã hội trên cơ sở đào tạo sinh viên đại học theo cam kết chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, mức học phí tối thiểu phải gấp 2,5 lần hiện nay, tức là khoảng 25 triệu đồng/sinh viên/năm. Tuy vậy, đại bộ phận các gia đình nông dân khó lòng chi trả. Do đó, giải pháp khả dĩ để giải quyết vấn đề này là nhà nước cung cấp gói tín dụng sinh viên đủ lớn và hấp dẫn. (Phần cuối trong loạt bài “Đổi mới cơ chế tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo và công bằng xã hội trong GDĐH” của tác giả Trần Đức Viên).

Sinh viên Đại học Y dược Thái Nguyên thực tập công nghệ thông tin. Nguồn ảnh: Danviet.

Mức học phí bình quân hiện nay là 8-10 triệu đồng/sinh viên/năm. Nếu tính trung bình cho cả khóa học thì mức học phí khoảng 40 triệu đồng/sinh viên/khóa đào tạo. Tuy nhiên, mức học phí này được coi là không đủ để đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng trong bối cảnh hội nhập thị trường lao động quốc tế.

Để đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở thực hiện đào tạo sinh viên đại học theo cam kết chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, mức học phí tối thiểu phải gấp 2,5 lần hiện nay, tức là khoảng 25 triệu đồng/sinh viên/năm (khoảng 100 triệu đồng cho cả khóa học như đã phân tích ở trên). Tuy vậy, khả năng chi trả học phí cho con em của đại bộ phận các hộ gia đình nông thôn dường như quá sức so với mức học phí mới. Do đó, giải pháp khả dĩ để giải quyết vấn đề này là nhà nước cung cấp gói tín dụng sinh viên đủ lớn và hấp dẫn cho người học để họ có cơ hội đi học, sau đó ra trường đi làm việc và trích phần tích lũy được từ thu nhập để trả nợ.

Đối với sinh viên mới ra trường, thu nhập của họ nếu tính theo thang lương hiện nay thì gần như không có tích lũy để trả nợ. Điều này đặt ra vấn đề ai là người hưởng lợi nếu sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng nói riêng và nhu cầu xã hội nói chung. Rõ ràng, ngoài cá nhân sinh viên tốt nghiệp và gia đình anh ta thì bất cứ ai sử dụng lao động đều là người hưởng lợi vì chí ít là họ không phải mất chi phí đào tạo lại, hoặc chỉ chi phí tối thiểu cho đào tạo lại. Như vậy, trách nhiệm tham gia gói tín dụng sinh viên phải bao gồm cả nhà nước, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan khác.

Phương án vay trả

Giả định là, hộ gia đình của sinh viên chỉ có khả năng chi trả ở mức học phí như hiện nay, phần học phí tăng thêm để đảm bảo chất lượng đào tạo theo cam kết chuẩn đầu ra nhằm đáp ứng tốt nhu cầu xã hội phải được huy động từ gói tín dụng sinh viên của nhà nước.

Như là một điều kiện tối thiểu, gói tín dụng sinh viên cần được thực hiện dưới dạng ưu đãi cả về lãi suất và thời gian trả nợ. Theo đó, mức lãi suất tối đa chỉ nên áp dụng ở mức 2%/năm[1] và thời gian vay là 15 năm, trong đó có 5 năm ân hạn, tính từ ngày nhập học. Người vay bắt đầu trả nợ từ năm thứ 6. Nếu sau năm cuối được trả nợ vay ưu đãi mà người vay vẫn chưa trả hết, thì họ phải trả lãi theo tỷ lệ lãi bình quân tham chiếu của các ngân hàng thương mại.

Khi đó, mức tiền chi trả hằng tháng và mức thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp tối thiểu để đảm bảo duy trì cuộc sống và khả năng trả nợ được xác định như ở Bảng 3. Trong đó, mức chi tiêu cần thiết của sinh viên được xác định bằng mức lương tối thiểu hiện nay nhà nước đang quy định đối với vùng 3, hằng năm tính thêm 5% bằng mức tăng bình quân của chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Kết quả tính toán cho thấy so với mức lương hiện nay theo thang lương và mức lương cơ bản hiện hành (1,3 triệu đồng/hệ số), để đảm bảo duy trì cuộc sống tối thiểu và trả nợ “tín dụng sinh viên” theo cơ chế ưu đãi, mức thu nhập của sinh viên sau khi ra trường cần phải tăng thêm bình quân gần 100%, tức là thu nhập phải tăng gấp hai lần so với mức thu nhập theo thang lương và lương cơ bản như hiện nay.

Tuy nhiên, việc thay đổi hệ thống lương sẽ ảnh hưởng sâu rộng và to lớn đến toàn xã hội; vì vậy, để có thể hoàn vốn cho Quỹ tín dụng sinh viên trong điều kiện chế độ lương như hiện nay[2], chúng tôi kiến nghị: trong thời gian học đại học (không tính thời gian kéo dài do người vay không hoàn thành chương trình đào tạo) và 5 năm sau ngày tốt nghiệp (như là thời gian ân hạn của khoản vay ưu đãi) người vay không bắt buộc phải trả nợ, bắt đầu từ năm thứ 6, sinh viên vay vốn và gia đình họ bắt đầu phải trả tối thiểu 6 triệu đồng/năm chưa bao gồm tiền lãi (10 năm x 6tr/năm = 60 triệu đồng); Số tiền trả nợ hằng năm bắt đầu từ năm thứ 6, bao gồm cả nợ gốc và lãi tiền vay, được xác định cụ thể như ở Bảng 3. Phương thức trả là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc khấu trừ tự động vào lương và các khoản thu nhập có tính chất lương của họ để chuyển cho Quỹ tín dụng sinh viên. Việc thu nợ này còn có thể được thực hiện qua hệ thống thuế của nhà nước. Tình trạng vay vốn và hoàn trả này được tích hợp trong thể căn cước/CMTND, chính quyền địa phương và cơ quan/tổ chức nơi người vay làm việc có trách nhiệm đôn đốc và nhắc nhở người vay hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Quỹ Tín dụng sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp làm việc cho khối cơ quan, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi có thu nhập từ 7 triệu đồng/tháng trở lên. Nhà nước quy định các sinh viên này có thu nhập tối thiểu 7 triệu đồng/tháng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác ngoài khu vực nhà nước.


Bảng 3. Phương án vay và trả nợ của sinh viên sau khi tốt nghiệp (10 năm – Đơn vị tính: Đồng)

Tổ chức thực hiện

            Có thể theo hai cách:

    Thời gian chuẩn bị cần 2-3 năm để làm công tác tuyên truyền, thu nhận và xử lý các ý kiến phản biện xã hội, hoàn thiện dự án, sau đó cho thực hiện.
    Để tránh những thay đổi đột ngột, trong thời gian 3-5 năm đầu, Chính phủ có thể vẫn khống chế mức học phí trần (ví dụ mỗi năm học phí được tăng tối đa 25%), đồng thời cho phép mức trần này tăng dần theo từng năm; mặt khác, chính phủ cũng quy định mức học phí tối thiểu, tránh tình trạng ‘phá giá’ học phí có thể xảy ra, ví dụ thấp nhất là 20 triệu đồng/năm học. Để điều tiết linh hoạt và phù hợp với tình hình kinh tế, mức trần trên-dưới trong ngắn hạn có thể gắn với GDP đầu người.

Đối với các chính sách khác, cần áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ dài hạn và điều chỉnh theo từng năm căn cứ trên tình hình thực tế. Trong ba kênh hỗ trợ chính của nhà nước, cần chuyển dần từ kênh thứ nhất (hỗ trợ trực tiếp cho các trường) sang hai kênh kia (học bổng, tín dụng sinh viên và tài trợ nghiên cứu khoa học).

Lộ trình tăng học phí nhất thiết phải được song hành với yêu cầu tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của các trường đại học, vì chỉ có như vậy thì nhà nước, sinh viên, và xã hội mới có điều kiện giám sát và đảm bảo nguồn tài chính tăng thêm được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Trách nhiệm

Thiếu sự chia sẻ và đồng thuận của xã hội, ngành giáo dục không thể làm gì khác hơn là duy trì những gì mình đang có. Tìm kiếm một giải pháp tài chính phù hợp cho các trường đại học công lập là vấn đề bức xúc nhất hiện nay để thực hiện Quyết định 09 và Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.

Để đảm bảo giải pháp được thực hiện thành công, cần có sự tham gia trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước:

– Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí tín dụng hỗ trợ sinh viên. Nhu cầu vay vốn tín dụng của sinh viên được chúng tôi xác định trên cơ sở dự báo xu hướng gia tăng của số sinh viên có nhu cầu vay vốn hằng năm từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18/5/2006 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Ngoài ra, số lượng sinh viên có nhu cầu vay vốn học tập khi mở rộng đối tượng vay vốn cũng đã được dự kiến trên cơ sở tham chiếu kết quả của một số thống kê về nhu cầu sinh viên vay vốn ở một số trường đại học, cao đẳng. Theo đó, số sinh viên vay vốn dự kiến năm học 2017-2018 là 187.595 sinh viên. Trên cơ sở kết hợp số liệu xác định nhu cầu vay vốn và phương án vay nợ của sinh viên đã tính ở Bảng 3, quy mô gói tín dụng được xác định như ở Bảng 4, khoảng hơn 30 ngàn tỷ đồng[3].


Bảng 4. Dự kiến kinh phí gói tín dụng và phương án sử dụng theo năm (Đơn vị tính: Đồng)

– Bộ Nội vụ nghiên cứu phương án tính lương của sinh viên ra trường làm việc cho nhà nước và doanh nghiệp tại Việt Nam đáp ứng khả năng hoàn trả nguồn vốn vay (Bảng 3) dự kiến khoảng 7 triệu đồng/tháng. Những trường hợp làm việc cho công ty/chính phủ/tổ chức nước ngoài cần cam kết có xác nhận của đơn vị tuyển dụng trả số tiền vay theo lộ trình.

– Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất mức học phí sàn phù hợp (dự kiến tăng lên khoảng 20-25 triệu/năm học, gấp 2,5 lần hiện nay) đồng bộ cho các trường đại học và cao đẳng; chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số và các sinh viên ra trường về vùng khó khăn công tác (có thể các sinh viên này chỉ trả 50-70% tiền vay so với sinh viên khác). Bộ Tài chính cũng xây dựng phương án sử dụng nguồn kinh phí thu hồi (có thể tái sử dụng vào nguồn tín dụng hỗ trợ giáo dục cho các năm tiếp theo).

– Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành đồng thời các giải pháp để phối hợp với giải pháp tăng học phí nhằm nâng cao chất lượng đạo tạo bao gồm: tái cơ cấu hệ thống giáo dục đai học, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, phân luồng giáo dục[4], quốc tế hóa giáo dục đại học, tự chủ đại học, kiểm định chất lượng, giám sát chuẩn đầu ra, v.v…

– Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, Ngân hàng và doanh nghiệp, các trường nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý tài chính cho vay – thu hồi khoản vay. Nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia từ khi sinh viên bắt đầu vào học đại học, sinh viên ra trường và công tác để quản lý nguồn lực và hỗ trợ việc thu hồi kinh phí của Quỹ tín dụng sinh viên.

Chúng tôi đề xuất áp dụng thí điểm phương án và giải pháp học phí mới trên cả nước trong vòng 10 năm (đủ hai thế hệ sinh viên đại học ra trường có việc làm) và đảm bảo một số sinh viên áp dụng thí điểm đầu tiên đã tham gia trả nợ, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả của đề xuất này.

——–

Chú thích:

[1] Như lãi suất WB áp dụng cho các dự án ODA ở Việt Nam.

[2] Theo số liệu điều tra của HVNNVN, chỉ có 20% sinh viên ra trường làm việc cho khối nhà nước, 80% làm việc cho khối tư nhân và các tổ chức nước ngoài hay có yếu tố nước ngoài. Nhà nước có thể quy định mức lương tối thiểu các doanh nghiệp phải trả cho sinh viên mới ra trường là 7 triệu đồng/tháng. Trên thực tế, các sinh viên tốt nghiệp từ HVNNVN làm việc cho khối tư nhân có thu nhập khởi điểm cao hơn 7 triệu đồng/tháng.

[3] Nhà nước có thể đề nghị các tổ chức quốc tế như WB, ADB,… hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi này.

[4] Chính sách học phí mới tự nó sẽ có khả năng phân luồng rất mạnh, học sinh và gia đình họ sẽ tự biết nên đi học công nhân kĩ thuật, trung cấp, cao đẳng hay đại học.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)