Digitalis: Độc chất truyền cảm hứng cho van Gogh?
Cuộc đời và những kiệt tác nghệ thuật của danh họa van Gogh có quá nhiều điểm bí ẩn. Một trong số đó ẩn trong đóa hoa mao địa hoàng, vật trang trí trong bức chân dung bác sĩ Gachet. Nó có thể kể cho chúng ta một câu chuyện dài về độc chất và cái đẹp.
Trong phim Sòng bạc hoàng gia của serie phim Điệp viên 007, người ta nhớ đến cảnh chàng James Bond bất khả chiến bại loạng choạng rời ván bài poker với Le Chiffre chỉ sau một vài ngụm trong ly rượu martini nhìn bề ngoài không có vẻ gì đáng ngờ. Nhịp tim của anh bị rối loạn bởi độc dược đã đi vào mạch máu, vì vậy anh quyết định lập tức liên hệ về đại bản doanh của MI6. Trong tích tắc, họ đã kết luận là chàng điệp viên hào hoa 007 đang phải chịu đựng chứng nhịp tim nhanh trên thất (ventricular tachycardia VT), một dạng của nhịp tim bất thường, có thể do ngộ độc thực vật chứa độc chất digitalis.
Bond cận kề cái chết nhưng may mắn thoát cửa tử nhờ một cú sốc từ máy thử rung tim vào phút chót. Có thể từ đó, James Bond sẽ nhớ đến digitalis suốt đời.
Sự ranh mãnh hai mặt của digitalis
James Bond là một trong số những nạn nhân nổi tiếng của digitalis, loại độc chất có thể làm tim ngừng đập. Ít ai ngờ, những bông hoa mao địa hoàng hình chuông nhiều màu rực rỡ và trông có vẻ ngây thơ ngoài đồng cỏ lại chứa digitalis. Sự tồn tại của nó gắn liền với sự sống và cái chết bởi nó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều người và cũng cứu sống được nhiều người khác, tất cả đều nhờ vào hoạt chất digitalis của nó. Trong vòng hai trăm năm, kể từ khi William Withering – nhà thực vật học, hóa học, bác sĩ người Anh và là người nghiên cứu có hệ thống đầu tiên về hoạt tính sinh học của digitalis – ủng hộ việc sử dụng chúng vào năm 1775, nó đã được sử dụng để điều trị bệnh tim mạch, chứng động kinh. Sau này, khi có bằng chứng rõ ràng về tác dụng phụ của digitalis, việc sử dụng nó đã được thu hẹp trong những trường hợp được chỉ định phải theo dõi chặt chẽ.
Mặc dù được giới thiệu vào danh sách các liệu pháp điều trị khoảng hai trăm năm trước nhưng trong suốt quá trình này luôn đi kèm với những lời cảnh báo về khía cạnh chết chóc của nó: nhịp tim không đều và cuối cùng dẫn đến nhồi máu cơ tim là những gì khiến digitalis trở nên quá nguy hiểm. Trong hơn bốn trăm năm, các nhà dược học đã đưa cây mao địa hoàng vào danh sách cây độc nhưng sự độc đáo của mao địa hoàng khiến trong thế giới văn chương, digitalis đã được sử dụng như một món đồ đoạt mạng hoàn hảo, ví dụ ở các trang sách của Mary Webb, Dorothy Sayers và Agatha Christie.
Điều khiến mao địa hoàng trở nên nổi tiếng trong lịch sử bởi tính ranh mãnh hai mặt của nó, phó giáo sư Timothy Patrick Jenkins của Khoa Công nghệ sinh học và Y sinh, ĐH Kỹ thuật Đan Mạch, viết như vậy trên sciencenordic.com. Theo cái nhìn của ông, về tổng thể thì mao địa hoàng phân bố phổ biến khắp châu Âu, Mỹ, Canada; ngộ độc digitalis diễn ra rất chậm chạp vì tác dụng độc chất chỉ biểu hiện từ 30 phút đến hai giờ sau khi uống phải, triệu chứng của nó cũng tương tự nhiều chứng bệnh khác khiến khó nhận diện; ngộ độc sẽ dẫn đến đau tim và tử vong nhưng đau tim thường do nhiều nguyên nhân gây ra nên khó có thể quy cho nhiễm độc.
Dễ tiếp cận, khó lần ra dấu vết và dễ dẫn đến tử vong, digitalis quả là một độc chất được thiết kế một cách hoàn hảo nhưng digitalis cũng là người bạn của những trái tim ốm yếu và là một trong những loại thuốc điều trị bệnh tim lâu đời nhất thế giới.
Dễ tiếp cận, khó lần ra dấu vết và dễ dẫn đến tử vong, digitalis quả là một độc chất được thiết kế một cách hoàn hảo. Lịch sử pháp y đã ghi nhận 10 trường hợp bị xét xử do dùng digitalis và vào năm 1930, một âm mưu lừa đảo các công ty bảo hiểm của các bác sĩ và luật sư bằng độc chất này đã được phanh phui, thậm chí dẫn đến một nạn nhân gián tiếp, một giáo sư ngành y đã tự sát dù vô tội. Hai trường hợp đáng chú ý khác là ở một bệnh viện tại Toronto năm 1980–1981, khi một y tá bị buộc tội giết bốn trẻ sơ sinh bằng digitalis; một trường hợp 26 người thiệt mạng năm 1935 ở Bỉ do một người phụ nữ có xu hướng giết bệnh nhân lớn tuổi.
Tuy nhiên, digitalis cũng là người bạn của những trái tim ốm yếu và là một trong những loại thuốc điều trị bệnh tim lâu đời nhất thế giới. Trên thực tế, nó là sự kết hợp của nhiều hợp chất khác nhau mà ngày nay được phân tách và sử dụng một cách đơn lẻ để điều trị nhiều chứng bệnh tim. Một trong số những hợp chất đó là digoxin, đã được WHO đưa vào danh sách như một loại dược chất thiết yếu vì lợi ích to lớn của nó trong việc điều trị những nhịp tim bất thường như suy tim sung huyết (nghĩa là tim không bơm máu hiệu quả), rung tâm nhĩ (nhịp tim không đều và quá nhanh) và các tình trạng nhịp tim khác…
Vấn đề lớn nhất của digoxin là cũng giống như mọi loại thuốc khác, nó có những hiệu ứng phụ. Để có được tác động hiệu quả lên tim, digoxin và các hợp chất liên quan tương tác với enzyme Na+/K+ ATPase, vốn là tương tác rất tiềm năng bởi Na+/K+ ATPase có mặt trong khắp cơ thể chúng ta. Thuận lợi này cũng dẫn đến mặt trái của nó: sự tương tác giữa thuốc và các enzyme có khắp mọi nơi trong cơ thể là nguyên nhân của hiệu ứng phụ. Các vấn đề chung nhất liên quan đến digoxin là sự buồn nôn và không còn cảm thấy ngon miệng nữa.
Đây là lý do vì sao bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng digoxin phải được theo dõi cẩn thận và số lượng thuốc giải độc digoxin đã được phát triển để chữa cho những người dùng quá liều.
Nhưng digoxin thì liên quan gì đến van Gogh, ngoại trừ sự xuất hiện của bông hoa mao địa hoàng trong tay bác sĩ Gachet?
Độc chất ảnh hưởng đến thị giác của van Gogh?
Chúng ta hãy cùng xem xét lại mối quan hệ giữa danh họa van Gogh và bác sĩ Gachet. Mặc dù ấn tượng ban đầu không tốt như một bức thư họa sĩ gửi em trai Theo “Anh nghĩ chúng ta không nên tin tưởng vào bác sĩ Gachet. Trước hết ông ấy ốm yếu hơn cả anh, anh nghĩ vậy. Giờ khi một người mù dẫn đường cho một người mù khác thì làm sao tránh khỏi việc rơi xuống mương được cơ chứ?” nhưng chỉ vài ngày sau, ông đã đổi ý như trong lá thư khác gửi em gái mình: “Anh đã tìm thấy một người bạn thực sự ở bác sĩ Gachet, có điều gì đó ở ông ấy gợi cảm giác thân thiết như ruột thịt, vì vậy bọn anh có nhiều điểm tương đồng về thể chất cũng như tinh thần”. Ngay trong một vài cuộc chuyện trò ban đầu, van Gogh đã nhận thấy khả năng cảm thụ cái đẹp của bác sĩ “tình cờ ông ấy cũng biết Bruyas của Montpellier 1 và có cùng cảm nhận như anh về Bruyas giống anh là ông ấy sẽ là một nhân vật quan trọng trong lịch sử nghệ thuật hiện đại”. Lúc đó, van Gogh đã quyết định vào một ngày nào đó sẽ vẽ chân dung bác sĩ.
“Là một người vô cùng yêu nghệ thuật, có một bộ sưu tập tranh Ấn tượng và bản thân ông ấy cũng là một nghệ sĩ” như lời nhận xét của họa sĩ Ấn tượng Emile Bernard, một người bạn của van Gogh, bác sĩ Gachet kết thân với nhiều họa sĩ thời bấy giờ như Camille Pissaro, Gustave Corbet, Paul Cezanne, biết Claude Mont, Auguste Renoir hay nhà văn Victo Hugo. Chính Pissaro đã giới thiệu bác sĩ Gachet cho Theo để điều trị cho van Gogh, người bị chẩn đoán mắc bệnh động kinh trong thời kỳ sống ở miền Nam nước Pháp. Bác sĩ Gachet, vốn vẫn cho mình là người hay u uất, đã chẩn đoán cho van Gogh là sầu muộn (melancholic) và ngay lập tức bị danh họa cuốn hút. Từng làm luận án tốt nghiệp trường Y Montpellier về trầm cảm vào năm 1858 nên ngay lập tức, ông cảm nhận được biểu hiện của nó ở van Gogh và coi đó là một phần làm nên phẩm chất thiên tài của họa sĩ (bác sĩ Gachet cũng nhận xét về một số nghệ sĩ có biểu hiện của trầm cảm như Paul Cezanne và Honoré Daumier – họa sĩ, biếm họa, nhà điêu khắc).
“Đồng bệnh tương liên, đồng khí tương cầu”, những gì bác sĩ Gachet chẩn đoán van Gogh cũng là điều mà họa sĩ cảm nhận được ở bác sĩ. Trong một bức thư gửi em trai, van Gogh cho rằng “Khi ông ấy nói về bộ sưu tập tranh của mình, niềm vui đã đem đến một nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt sầu muộn của ông ấy”. Một trong những thứ, ngoài thuốc men, mà bác sĩ Gachet đã làm cho van Gogh là những lời khuyên “phải tiếp tục làm việc thật hăng vào, và đừng nghĩ gì về tất cả những điều tồi tệ trong quá khứ”. Mỗi tuần một hai lần, van Gogh đến chơi nhà bác sĩ, “một căn nhà toàn màu đen, chỗ nào cũng đen, ngoại trừ những bức họa Ấn tượng”.
Sự gắn kết giữa van Gogh và bác sĩ Gachet đã vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường của bệnh nhân – nhà điều trị. Đó là lý do danh họa đã vẽ ba bức tranh bác sĩ Gachet, trong đó một bức chân dung có hai phiên bản, cùng được vẽ vào tháng 6/1980. “Bức chân dung bác sĩ Gachet sẽ cho em thấy một cái đầu đội mũ trắng rất đẹp, rất sáng, một cái áo khoác màu xanh sẫm và những ngọn đồi màu xanh cobalt, nó khiến cho khuôn mặt trở nên nhợt nhạt hơn, bất chấp sự thật là khuôn mặt được màu gạch của tóc tôn lên. Đôi tay, đôi tay của một bác sĩ, còn nhợt nhạt hơn cả khuôn mặt. Trước ông ấy là một cái bàn kê ngoài vườn có những cuốn sách màu vàng và bông hoa mao địa hoàng màu tía”.
Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bông mao địa hoàng này cũng còn hàm ý về phương thuốc mà bác sĩ Gachet dùng để chữa trị cho van Gogh bởi vào cuối thế kỷ 19, mao địa hoàng luôn có mặt trong các phương thuốc chữa trầm cảm có nguồn gốc thảo dược.
Bông hoa mao địa hoàng trong cả hai bức chân dung đều có hàm ý về nghề nghiệp của bác sĩ Gachet. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bông mao địa hoàng này cũng còn hàm ý về phương thuốc mà bác sĩ Gachet dùng để chữa trị cho van Gogh bởi vào cuối thế kỷ 19, mao địa hoàng luôn có mặt trong các phương thuốc chữa trầm cảm có nguồn gốc thảo dược. Có lẽ, chúng ta nên nhớ trong hồ sơ bệnh án của van Gogh ghi lại ông bị chẩn đoán là có xu hướng tự hủy, trầm cảm, điên… Các nhà nghiên cứu đã suy luận và tìm thấy mối liên hệ giữa hậu quả của việc dùng mao địa hoàng với sự thay đổi màu sắc ở người bệnh bởi đây cũng là thời kỳ màu vàng tràn ngập trong các bức họa của van Gogh. Theo quan điểm của họ, tình yêu với màu vàng này ở van Gogh thật bất thường, nó phi tự nhiên và có nhiều điểm tương đồng với xanthopsia, một chứng bệnh thể hiện một dạng sắc tố, một dạng bất thường về thị giác, trong đó có vật thể dường như bao giờ cũng được tô đậm bằng màu vàng.
Vậy mao địa hoàng là nguyên nhân ư, cái gì có thể giải thích cho điều đó? Nồng độ cao của enzyme đích trong digoxin được tìm thấy trong các tế bào hình nón trong võng mạc của mắt. Đó là những tế bào đem lại cho chúng ta sự nhận biết về màu sắc. Dù hiếm nhưng một số người dùng digoxin và những loại thuốc liên quan có thể phải chịu đựng chứng rối loạn thị lực xanthopsia: mọi vật trước mắt trở nên mờ mịt hoặc mọi vật đều chuyển sang màu vàng. Thi thoảng, họ nhìn thấy có những quầng màu sắc bao bọc quanh các điểm sáng. Hiếm hơn là ảnh hưởng đến kích thước đồng tử như giãn đồng tử, thậm chí co giãn không đều.
Do vậy, tiến sĩ hóa học Kathryn Harkup – người viết cuốn sách bán chạy A is for Arsenic: The Poisons of Agatha Christie (A là Arsenic: Những vụ đầu độc của Agatha Christie) – đã có đề xuất thú vị: ảnh hưởng của nhiễm độc digitalis có thể là nguyên nhân dẫn đến “thời kỳ vàng” của van Gogh, một trong số đó là bức Đêm đầy sao với bầu trời ngoạn mục và kỳ vĩ, chân dung bác sĩ Gachet và rất nhiều bức có quầng sáng hiển hiện. Người ta còn thấy một manh mối khác là một vài bức chân dung tự họa của van Gogh trong thời kỳ này có cặp đồng tử không đều. Có lẽ là hiểu biết về digoxin còn quá ít ỏi ở thời điểm đó khiến bác sĩ Gachet đã điều trị lầm lạc đến quá liều cho bệnh nhân đặc biệt của mình chăng? Phó giáo sư Timothy Patrick Jenkins nhận xét là ranh giới giữa điều trị và nhiễm độc digoxin rất mong manh. Trên thực tế, liều lượng digoxin đủ sức gây độc cho bệnh nhân chỉ gấp 1,6 lần liều điều trị, nghĩa là dùng quá liều tối thiểu cũng có thể gây ra tình trạng ngộ độc nặng.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vì ảnh hưởng của digitalis trong hoa mao địa hoàng mà van Gogh mắc chứng yêu thích màu vàng và thích vẽ các quầng màu vàng bao bọc quanh các điểm sáng, ví dụ như bức “Đêm đầy sao” và “Những cây oliu”.
Tuy nhiên, giả thuyết chỉ là giả thuyết vì không ai có bằng chứng đích xác về việc van Gogh dùng digoxin. Không có dòng nào trong hồ sơ bệnh án ghi lại là ông được điều trị theo cách như vậy. Mặt khác, Doğaç Demir ở trường Đại học Marmara (Thổ Nhĩ Kỳ) trong bài viết “Van Gogh and the obsession of yellow: style or side effect” (Van Gogh và nỗi ám ảnh của màu vàng: phong cách hay hiệu ứng phụ) xuất bản trên tạp chí Eye, cũng chỉ ra có nhiều manh mối cho thấy van Gogh không hề bị ảnh hưởng của digoxin, dù ông từng phải chịu đựng nhiều vấn đề về sức khỏe khác nhau. Thứ nhất là bác sĩ Gachet là người dùng thuốc hết sức cẩn trọng, thậm chí còn viết một bài báo khoa học về liều lượng digoxin trong điều trị nên không có chuyện ông cho van Gogh dùng thuốc quá liều. Thứ hai, van Gogh chỉ được bác sĩ Gachet chăm sóc có hai tháng, một quãng thời gian chưa đủ dài để phát triển thành bệnh xanthopsia. Và cuối cùng là màu vàng là màu vẽ ông yêu thích trong suốt quãng thời hoạt động nghệ thuật của mình, mặc dù ông không sử dụng digoxin.
Bác sĩ Gachet là người dùng thuốc hết sức cẩn trọng, thậm chí còn viết một bài báo khoa học về liều lượng digoxin trong điều trị nên không có chuyện ông cho van Gogh dùng thuốc quá liều. Các bức chân dung của bác sĩ Gachet cũng vậy, nó ẩn chứa rất nhiều suy ngẫm của van Gogh mà rất có thể ông còn chưa kịp nói hết với ai.
Bản thân tiến sĩ hóa học Kathryn Harkup cũng nhận thấy điều đó. Cô cho rằng những suy luận thú vị về bệnh tật của van Gogh và việc điều trị bệnh cho ông đến nay cũng vẫn chỉ là phỏng đoán thuần túy. Van Gogh có thể không được điều trị bằng digitalis và có lẽ, việc màu vàng nổi trội trong các bức họa của ông đơn giản là bởi ông thực sự yêu thích nó và ảnh hưởng của những xoáy màu sắc quanh các ngôi sao mà ông vẽ cũng đơn giản là ông thích thế. Kích thước đồng tử không đều trong bức tự họa cũng có thể là kết quả của một nét cọ trượt.
Nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận với nhau là cần phải có thêm rất nhiều bằng chứng để dẫn đến kết luận ảnh hưởng của digoxin với sự yêu thích màu vàng của van Gogh. Ví dụ van Gogh được biết đến là người uống rất nhiều rượu absinthe (không đủ để dẫn đến ảnh hưởng của màu vàng) cũng như sử dụng nhựa thông (có thể ảnh hưởng đến thị giác như không phải liên quan đến màu). “Bất kể nguyên nhân nào dẫn đến các sự lựa chọn nghệ thuật cụ thể của van Gogh thì chúng ta vẫn có thể hiểu rõ giá trị của những kiệt tác mà ông sáng tác trong một cuộc đời ngắn ngủi và bi kịch”, TS. Doğaç Demir nhận xét.
***
Van Gogh rất ưng ý với cả hai bức chân dung bác sĩ Gachet bởi đã khắc họa được nét riêng biệt của bác sĩ và dĩ nhiên bác sĩ Gachet cũng hoàn toàn bị bức chân dung này cuốn hút. Không ai ngờ chỉ sáu tuần sau khi hoàn thành cả ba bức chân dung của bác sĩ Gachet, van Gogh đã tự tử bằng súng và qua đời vài ngày sau. Những bức họa này đã vĩnh viễn đưa bác sĩ vào lịch sử nghệ thuật. Đáng chú ý là ngay sau khi van Gogh tự tử, ông đã kịp ký họa bằng chì hình ảnh van Gogh đang hấp hối trên giường chết, cặp mắt nhắm nghiền… Hiện bức họa này được treo ở Bảo tàng D’Orsay.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật xuất sắc đều có một câu chuyện bí ẩn của riêng nó. Các bức chân dung của bác sĩ Gachet cũng vậy, nó ẩn chứa rất nhiều suy ngẫm của van Gogh mà rất có thể ông còn chưa kịp nói hết với ai. Một trong những bức thư cuối cùng của cuộc đời mình, ông viết “Anh đã hoàn thành chân dung bác sĩ Gachet với gương mặt biểu hiện một nét sầu muộn, có thể giống như một cái cau mày, nhăn mặt với ai thấy nó… Buồn nhưng tao nhã, sáng sủa và thông minh, đó là cách nhiều bức chân dung đã được họa lại… Nhiều người thế hệ sau có thể sẽ dành thời gian ngắm bức họa, và có lẽ là khao khát được ngắm nhìn nó sau cả trăm năm nữa”.□
Tô Vân tổng hợp
Nguồn: https://sciencenordic.com/health-heart-nature/introducing-the-poison-that-inspired-van-gogh-and-almost-killed-james-bond-digoxin/2060566
https://www.theguardian.com/science/blog/2017/aug/10/it-was-all-yellow-did-digitalis-affect-the-way-van-gogh-saw-the-world#:~:text=unequal%2Dsized%20pupils.-,The%20effects%20of%20digitalis%20intoxication%20have%20been%20suggested%20as%20the,him%20holding%20a%20foxglove%20flower.
——————————–
1. Alfred Bruyas, con trai của một chủ ngân hàng giàu có ở Montpellier, là một nhà sưu tầm nghệ thuật và là bạn của nhiều nghệ sĩ quan trọng trong thời đại của mình, trong số đó có Gustave Courbet. Sau này, ông trao tặng bộ sưu tập của mình cho Bảo tàng Fabre ở Montpellier.