Định giá startup ở giai đoạn đầu: Nghệ thuật hơn là khoa học

Đó là nhận định của Kendrick Nguyễn, đồng sáng lập Republic.co, công ty kêu gọi đầu tư từ cộng đồng (equity crowdfunding) tại Silicon Valley và từng làm việc tại AngelList, nền tảng kết nối startups, các nhà đầu tư và những người muốn làm việc cho những startup nổi tiếng nhất thế giới 1.

Các nhà đầu tư startup ở giai đoạn đầu, đặc biệt là những nhà đầu tư thiên thần nhắm vào việc trả lời hai câu hỏi khi đầu tư: những người sáng lập có “tố chất” không và startup có đang nằm trong xu hướng của tương lai hay không.

Trong thời gian làm việc tại AngelList, Kendrick Nguyễn đã đọc 1.500 bài thuyết trình của các startup và điểm mấu chốt ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư, theo anh, là con người vì “trong hàng triệu người mới có được một đội ngũ có tố chất “ngôi sao”, hiểu rõ họ đang làm gì”.

Ryu Hirota, chuyên viên (principal) của quỹ IMJ Investment Partners, Nhật Bản đưa ra tiêu chí cụ thể hơn khi nhà đầu tư đánh giá đội ngũ sáng lập doanh nghiệp: thứ nhất là đam mê, là mong muốn giải quyết vấn đề gì cho xã hội; thứ hai là khả năng triển khai ý tưởng thành hiện thực của họ. “Ý tưởng thì rẻ tiền thôi, ở đâu chẳng có, quan trọng là năng lực thực hiện.”

Một người khác, Nguyễn Ngọc Điệp, CEO của công ty VNP (tên gọi mới của Vật giá), đưa ra một tiêu chí “định lượng” hơn để đánh giá sự say mê của những người sáng lập, là làm việc như “đêm nào cũng mơ thấy có một đàn sói đuổi theo mình”, “nếu không làm việc trên 16 tiếng/ngày thì đừng có nói chuyện”.

Quá trình gọi vốn sẽ đơn giản hơn hoặc được định giá cao hơn nếu người sáng lập đã từng có công ty thoái vốn thành công hoặc đang là người đồng sáng lập của một công ty đã được đầu tư vài triệu USD. Tappy là một ví dụ như vậy: mới thành lập giữa năm 2014 và ngay một năm sau đó đã được mua lại bởi một công ty tại Silicon Valley với số tiền vài chục triệu USD dù sản phẩm mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. Một trong những lí do quan trọng là đội ngũ sáng lập Tappy là những người rất thành công trước đó2: Vũ Duy Thức, người sáng lập Kangtago, một công ty giúp cho người dùng quản lý mạng xã hội được Google mua lại; Lesile Ngan Nguyen, kỹ sư phần mềm từng phát triển sản phẩm cho Groupon, Box, Cisco; và Trương Thanh Thủy, người đồng sáng lập GreenGar và được 500 Startups đầu tư.

Tuy nhiên, Đỗ Hoài Nam, người đồng sáng lập Emotiv và SeeSpace tại Silicon Valley và hiện giờ là nhà đầu tư thiên thần năng động tại Việt Nam, chia sẻ rằng, anh và nhiều đối tác đầu tư khác lựa chọn xu hướng để đầu tư trước khi nhìn vào con người. “[Chúng tôi đầu tư vào các] xu hướng mà bây giờ chưa có thị trường nhưng với dự đoán, kinh nghiệm của mình ở nước ngoài thì nó sẽ có thị trường trong tương lai” và sau đó, mới nhìn đến “ai mà tôi cảm thấy tin tưởng là có khả năng thành công trong lĩnh vực đấy nhất”. Anh dẫn ra ví dụ về thương vụ gần đây của mình với việc đầu tư cho dịch vụ cung cấp nội dung video trên mạng của HD Việt vì theo anh, trong tương lai, việc người dùng rời bỏ TV để xem video trên mạng là xu hướng tất yếu. Không chịu sự cạnh tranh từ bất kì công ty truyền hình nào, gần như một mình một thị trường, HD Việt thu hút được hơn sáu triệu người dùng dịch vụ của mình chỉ trong vòng một tháng và khi thị trường bắt đầu thể hiện tiềm năng, Netflix chuẩn bị đến Việt Nam, các công ty tương tự bắt đầu chú ý và nhanh chóng mua lại HD Việt. Anh Nam thoái vốn với giá trị gấp năm lần so với số tiền đầu tư.

Xuất sắc chỉ là điều kiện cần để được đầu tư

Startup có thể có một đội ngũ tài năng và những dữ liệu chứng tỏ quá trình tăng trưởng đều đặn về doanh thu, khách hàng hay người dùng của họ. Tuy nhiên, điều đó không bảo đảm rằng startup đó có thể nhận được vốn đúng lúc. Thời điểm và tốc độ gọi vốn đóng vai trò sống còn đối với startup, vì nếu quá muộn, họ có thể bị đối thủ qua mặt hoặc trường hợp xấu nhất là họ thất bại trước khi nhận được tiền.

Quá trình gọi vốn cần được chuẩn bị kĩ lưỡng và công phu, nhiều bước “rào trước đón sau” mà anh Đỗ Hoài Nam gọi đây là khâu “dọn bàn ăn”, nghĩa là “kết nối, trò chuyện với nhiều nhà đầu tư để họ hứng thú với việc mình đang làm nhưng lại không tiết lộ cụ thể mình làm gì và bao giờ mình gọi vốn. Dần dần, một cộng đồng các nhà đầu tư sẽ chú ý đến mình”. Anh nói: “Với các nhà đầu tư, tìm được công ty đúng là khó thật đấy nhưng nếu tìm được rồi thì họ rất sợ bị tuột tay. Trường hợp xấu nhất của họ không phải là công ty họ đầu tư thất bại mà là họ không tiêu được tiền. Nếu hiểu được tâm lý đấy thì chỉ bắt đầu gọi vốn khi họ quan tâm đủ nhiều đến công ty của mình”. Và khi thông báo gọi vốn là ngay lập tức phải có một loạt các quỹ đầu tư mạo hiểm “xếp hàng”. Việc “dọn bàn” như vậy cần diễn ra trước ít nhất thời điểm gọi vốn là sáu tháng.

Vậy làm thế nào để “dọn bàn” cho tốt?

Thứ nhất, startup không nên cố gắng mất thời gian thuyết phục những người không tin mình (non-believer) mà phải tìm kiếm những người tin mình (believer). “Lúc nào cũng sẽ có những người như thế” – anh Nam nói. Thứ hai, quan trọng hơn, phải có kế hoạch gọi vốn dài hạn, hay nói cách khác, phải xác định được những bước ngoặt mà công ty cần trải qua để đi đến thành công. Để đi từ bước ngoặt này đến bước ngoặt khác thì công ty cần bao nhiêu tiền? “Trước khi gọi vốn, bạn phải chuẩn bị kế hoạch chi tiêu ít nhất 15 tháng sau khi được nhận tiền đầu tư” – Kendrick Nguyễn chia sẻ.

Việc gọi vốn thành công cho vòng đầu tư đầu tiên có thể khiến cho các startup gọi vốn ở các vòng sau dễ dàng hơn. “Lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng, uy tín lớn sẽ đem lại giá trị tăng thêm cho công ty, đồng thời tạo nhiềm tin với những quỹ đầu tư mạo hiểm đến sau” – Kendrick Nguyễn nói thêm.  

Tuy nhiên, để đàm phán với nhà đầu tư, những nhà sáng lập không chỉ cần các kế hoạch cho công ty hay kỹ năng giao tiếp, thuyết phục người khác mà còn cần hiểu biết về việc gọi vốn: lựa chọn hình thức gọi vốn nào (đầu tư để lấy cổ phần hay nợ chuyển đổi3), sau khi đầu tư thì phân chia cổ phần ra sao (chia cổ phần cho nhà đầu tư và cho những người đồng sáng lập như thế nào để các bên đều hài lòng cho đến những vòng gọi vốn sau. Anh Đỗ Hoài Nam cho rằng với những công ty có sáu người sáng lập, nếu cổ phần chia đều cho tất cả thì những vòng gọi vốn sau, có khả năng giá trị cổ phần của mỗi người chẳng còn bao nhiêu. Không ít trường hợp những người sáng lập bỏ công ty khi gọi vốn thành công).

“Tôi đã gặp rất nhiều bạn: ý tưởng tốt, con người tốt, nhiệt huyết làm việc 16 -18 tiếng/ngày, vắt hết cả sức lực vào sản phẩm nhưng khi nói thì các bạn lại không biết tỉ lệ cổ phần là gì, tính toán như thế nào. Nhà đầu tư và startup không nói cùng một ngôn ngữ rất khó làm việc với nhau, giải thích cái này lại nảy sinh ra khái niệm khác các bạn không hiểu. Chỉ một hai tiếng là tôi thấy nản rồi” – anh Đỗ Hoài Nam nói.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)