Định hướng phát triển công nghệ của Đài Loan
Trung tâm Hỗ trợ đánh giá khoa học và công nghệ - VISTEC (nay được đổi tên thành Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ)  vừa tổ chức một khóa học ngắn hạn cho các cán bộ quản lý của Bộ KH&CN và các đơn vị trực thuộc tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan (ITRI). Tia Sáng đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc VISTEC về khóa học, về sự thành công của Viện ITRI, về định hướng  phát triển công nghệ của Đài Loan và những bài học đối với Việt Nam.
Xin bà cho biết ý tưởng hình thành chương trình học tại ITRI?
Chúng tôi chủ động đề xuất khóa đào tạo ngắn (10 ngày với 50 giờ học) này nhằm cung cấp và cập nhật kiến thức về quản lý và phát triển công nghệ một cách có hệ thống, từ lựa chọn vấn đề nghiên cứu, quá trình thực hiện, cho đến khi kết thúc nghiên cứu, ra kết quả và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu cho các cán bộ thuộc Bộ KH&CN và các đơn vị thành viên. Tham gia khóa học có 15 cán bộ thuộc Công nghệ cao, Vụ KHCN các ngành Kinh tế – Kỹ thuật, Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định công nghệ, Vụ Kế hoạch- Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan như Viện Ứng dụng công nghệ, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Cục Ứng dụng và Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ.
Tại sao Viện lại lựa chọn Viện ITRI và con đường phát triển công nghệ của Đài Loan đã được tiến hành như thế nào?
Đài Loan có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước. Vào những năm 70, nền kinh tế của Đài Loan nói chung chỉ bao gồm các doanh nghiệp gia đình quy mô nhỏ. Thiết bị và năng lực trong các trường đại học phục vụ nghiên cứu cơ bản yếu và hầu hết doanh nghiệp không có bất cứ khái niệm nào về R&D (nghiên cứu phát triển). Con đường phát triển của Đài Loan đã trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu nền kinh tế dựa vào nông nghiệp (1973-1985), tiếp đó là các ngành công nghiệp nhập khẩu công nghệ, sản xuất dựa vào nhân công giá rẻ (1985-1994) và giai đoạn ba là chuyển đổi các ngành công nghiệp nội địa, tăng cường định hướng đổi mới sáng tạo (1994-2002), hiện nay đang chuyển sang phát triển nền công nghiệp giá trị cao, xây dựng kinh tế dựa vào tri thức. Đài Loan đã tiến hành các bước đi rất bài bản và quyết liệt, tạo ra sự chuyển đổi phi thường, đưa nền kinh tế từ một mô hình dựa vào nông nghiệp sang một đất nước công nghiệp trong vòng 30 năm.
ITRI hiện là một trong những trung tâm sáng tạo công nghệ lớn nhất của Đài Loan, với hơn 1.000 patent mỗi năm. Trong ảnh có khẩu hiệu: “Sáng tạo cho một tương lai tốt đẹp hơn” của ITRI |
Nói về năng lực khoa học, Đài Loan không mạnh, xuất phát điểm của họ cũng không cao, và tiềm lực khoa học sẵn có không nhiều. Do vậy, họ đã chọn hướng đi sát với thực tế để phục vụ sự phát triển. Họ tận dụng triệt để thành tựu KHCN của các nước khác để đem về ứng dụng cho mình. Đây là những kinh nghiệm phát triển KHCN rất quí báu, đặc biệt với giai đoạn Việt Nam đang muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào cuộc sống như hiện nay.
Cần lưu ý rằng, các hoạt động KHCN của Đài Loan thực sự gắn kết và đóng góp cho phát triển kinh tế, một phần quan trọng là nhờ có chiến lược phát triển công nghiệp rõ ràng.
Các viện nghiên cứu ở Đài Loan có mối liên hệ thế nào với Chính phủ?
Đài Loan cũng mời nhiều chuyên gia quốc tế giúp họ trong việc lựa chọn công nghệ. Nhưng quan điểm cuối cùng của họ vẫn là: đối với các vấn đề hoạch định chính sách trong nước thì người Đài Loan mới là những người thực sự hiểu các vấn đề của mình nhất.
|
Các viện nghiên cứu ở Đài Loan không phải là tổ chức Nhà nước, mà chỉ nhận sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng và tài chính. Nhà nước cũng không bao cấp toàn bộ, hằng năm có hỗ trợ một phần kinh phí thường xuyên (dựa vào kết quả hoạt động) và cấp kinh phí nghiên cứu thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu (tài trợ theo cơ chế cạnh tranh). Đồng thời, các viện nghiên cứu cũng phải tìm nguồn thu khác từ khu vực công nghiệp, từ bản quyền sáng chế của họ…
Đó là những tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận. Thông thường Chính phủ sẽ ủy nhiệm cho các viện nghiên cứu tiến hành thực hiện các dự án nghiên cứu và kết quả sẽ ứng dụng vào các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế. Mặt khác, các viện nghiên cứu cũng đề xuất lên Chính phủ các chính sách cần thiết để phát triển KHCN.
Thế còn quan hệ của các viện nghiên cứu với doanh nghiệp?
Điều này phụ thuộc vào chính sách vĩ mô về phát triển doanh nghiệp để cạnh tranh theo đúng nghĩa đen của nó, có nghĩa là giúp doanh nghiệp làm ra được các sản phẩm có khả năng cạnh tranh ở cả thị trường nội địa và thị trường thế giới, chứ không phải chỉ ở các chính sách bảo hộ các sản phẩm nội địa. Chúng tôi nhận thấy, một trong những vấn đề cốt lõi mang lại sự thành công cho Đài Loan chính là sự cạnh tranh. Nó len lỏi trong mọi hoạt động của xã hội. Bản thân từng người, từng đơn vị muốn tồn tại và phát triển đều buộc phải cạnh tranh. Chính từ sự cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải quan tâm tới sự sáng tạo và đề xuất nhu cầu về công nghệ để đặt hàng cho các viện nghiên cứu. Các viện nghiên cứu hỗ trợ cho các ngành công nghiệp thông qua các hoạt động như nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, nâng cấp công nghệ, mời các doanh nghiệp cùng tham gia hợp tác nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến công nghệ, phát triển hệ thống phòng thí nghiệm mở, hỗ trợ nhân lực công nghệ và giúp đào tạo cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp…
Chiếc màn hình LCD 56 inch lớn nhất thế giới năm 2009 cũng là một trong những sáng chế của ITRI |
Trước đây, Đài Loan cũng đã thực hiện việc giao nhiệm vụ (từ trên xuống) cho các viện nghiên cứu. Nhưng họ đã thay đổi, hoạt động của các viện nghiên cứu chủ yếu phải dựa vào yêu cầu từ thực tiễn (từ dưới lên). Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, năng lực nghiên cứu của các viện phải thực sự mạnh. Thí dụ, viện ITRI có riêng một “Creativity Lab – Bộ phận nghiên cứu sáng tạo”, với đầy đủ không gian, thiết bị cần thiết, được thiết kế đặc biệt nhằm kích thích việc đưa ra các ý tưởng ứng dụng công nghệ cho các doanh nghiệp và có một “Hệ thống phòng thí nghiệm mở” nhằm tạo ra một kênh mở rộng công nghệ và đưa công nghệ chuyên nghiệp từ tất cả lĩnh vực lại với nhau để tạo nguồn phục vụ cho công nghiệp.
Đài Loan cũng là một trong các quốc gia thành công về ươm tạo doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dựa vào công nghệ nói riêng. Trong các trường đại học và viện nghiên cứu thường có các Trung tâm ươm tạo. Viện ITRI cũng có một Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, với đội ngũ cán bộ là 500 nguời. Sứ mạng của Trung tâm là thu hút, hỗ trợ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp mới có định hướng công nghệ cao. Khi doanh nghiệp trưởng thành thì nó tách ra hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào viện nữa. Thời gian ươm tạo thường không quá 3 năm.
Qua mô hình phát triển công nghệ của Đài Loan, Việt Nam có thể học hỏi được những gì?
Là các chủ thể đóng góp chủ yếu cho cả hai khâu sáng tạo và chuyển giao các công nghệ mới, sự phát triển của các tổ chức nghiên cứu và công nghệ lớn đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách khoa học và công nghệ ở phần lớn các quốc gia. Khi Đài Loan xây dựng chính sách phát triển các viện nghiên cứu, họ đã xem xét rất kĩ mô hình của nhiều nước, nhưng không bê nguyên một mô hình nào, mà nghiên cứu lựa chọn và tổng hợp lại để xây dựng nên mô hình đặc trưng riêng của họ.
Ấn tượng ban đầu của tôi về hoạt động của các viện nghiên cứu ở Đài Loan là những người đứng đầu đều được đào tạo rất tốt từ phương Tây, nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Đây lại là điểm rất yếu của nhiều cán bộ khoa học VN.
Thứ hai, Đài Loan có chính sách đầu tư rất thỏa đáng cho công tác nghiên cứu và phát triển, từ năm 2000 đã là 21% GDP. Họ thành lập các viện nghiên cứu với hơn 1000 tiến sĩ có năng lực thực chất. Và một điểm rất quan trọng trong nhận thức, là viện nghiên cứu của họ thành lập ra để hỗ trợ công nghệ, làm cầu nối công nghệ cho doanh nghiệp, chứ không phải cạnh tranh công nghệ với doanh nghiệp. |
Vấn đề đầu tiên mà Đài Loan đã nhìn ra và tiến hành thành công là nâng cao chất lượng nghiên cứu trong các viện và trường đại học. Đài Loan đã giải quyết bài toán này bằng cách thu hút được lực lượng người Đài Loan ở nước ngoài về. Một chuyên gia Đài Loan chia sẻ với tôi về chuyện thu hút nhân tài từ nước ngoài về. Theo ông, tiền lương không phải là mấu chốt. Một khi đất nước còn chưa phát triển, không ai đòi hỏi một khoản lương tương đương với các nước giàu cả. Nhưng khi mời họ về, hãy nói với họ là đất nước đang cần tới họ và Chính phủ có thể cố gắng tạo điều kiện cho họ. Các nhà khoa học thường ít đặt vấn đề tiền lương lên hàng đầu. Điều mà họ quan tâm là có môi trường thuận lợi để phát huy chuyên môn của họ, có điều kiện đủ sống cho gia đình và có môi trường cho con cái họ được học hành.
Ở Đài Loan, khi các nhà nghiên cứu giỏi về nước làm việc, Chính phủ tạo điều kiện để họ mang cả gia đình về, cung cấp cho họ không gian sáng tạo và môi trường làm việc tự do. Có một đặc thù rất riêng của Đài Loan là các viện nghiên cứu có chế độ ưu đãi ban đầu cho các cán bộ giỏi từ nước ngoài về làm việc bằng cách tặng họ một số cổ phiếu của những công ty công nghệ. Đây cũng chính là một trong những sức hút để người làm nghiên cứu cống hiến nhiều hơn cho các doanh nghiệp công nghệ.
Đồng thời với việc thu hút lực lượng người Đài Loan từ nước ngoài về, họ cũng có chương trình cử cán bộ đi đào tạo ở các nước tiên tiến. Về chủ trương, hiện nay chúng ta cũng đang làm như vậy. Nhưng hiệu quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào cách tuyển lựa người đi học, và việc sử dụng sau khi được đào tạo.
Đài Loan cũng mời nhiều chuyên gia quốc tế giúp họ trong việc lựa chọn công nghệ. Nhưng quan điểm cuối cùng của họ vẫn là: đối với các vấn đề hoạch định chính sách trong nước thì người Đài Loan mới là những người thực sự hiểu các vấn đề của mình nhất.
Xin cảm ơn bà.
Linh Thủy và Thanh Hà thực hiện
Vài số liệu về ITRI (Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan) Các cơ sở chính: Khu Kung-fu: thành lập năm 1936 Khu Hsinchu Chung Hsing: thành lập năm 1975 Khu Công viên Khoa học Taiwan: thành lập năm 2002 Công viên thiết kế vi mạch Nankang: thành lập năm 2004 Công viên Sáng tạo miền Nam: thành lập năm 2004 Nguồn lực & hoạt động Đội ngũ R&D: 5.711 người; Ph.D: 1.158 người (20,3%) Masters: 3.141 người (55%) Tổng số sáng chế đã thực hiện: 14.027 Công ty Spin-offs: 162 (Số liệu tính đến 31/8/2010) Nguồn thu chính trong năm 2009 |