DN điện tử Việt: Tồn tại hay không tồn tại
Không chỉ yếu về sản xuất, hiện nay, những chương trình khuyến mãi, quảng cáo rầm rộ về hàng điện tử đều của các tập đoàn lớn nước ngoài, còn các doanh nghiệp Việt chỉ làm lẻ mẻ nên khó tìm khách hàng.
Gần đây, công ty Viết Sơn (TP.HCM) đã đầu tư dây chuyền sản xuất máy tính bảng công suất 10.000 chiếc/tháng tại Bình Dương. Theo ông Nguyễn Văn Minh, giám đốc Viết Sơn, cuối tháng 8 sẽ xuất xưởng những sản phẩm đầu tiên với thương hiệu Rosa. Ông Minh khoe, hiện các đại lý đã đặt hàng với số lượng khoảng 1.000 chiếc.
Ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và thiết kế vi mạch (ICDREC) cho biết, ICDREC đang cùng với các đối tác (chưa tiết lộ danh tính) đang tính tới chuyện đầu tư nhà máy sản xuất mặt hàng điện kế điện tử vì với mặt hàng này, cả nước có 27 triệu khách hàng, riêng TP.HCM là 2 triệu. Ông Hoàng tính toán, nguồn vốn để xây dựng nhà máy sản xuất điện kế điện tử ước chừng 70 tỉ đồng.
Năm 2011, Viettel đã đầu tư nhà máy sản xuất các thiết bị di động. Giám đốc công ty thông tin M1 (Viettel) Nguyễn Cao Sơn cho biết, năm 2013, nhà máy đã sản xuất 3 triệu thiết bị di động. Trong đó có 1,2 triệu máy điện thoại di động, chủ yếu là dòng máy phổ thông giá rẻ dành cho thị trường trong nước và những quốc gia có mạng Viettel như Haiti, Đông Timor, Lào, Campuchia… Cũng theo ông Sơn, trong năm 2014, nhà máy sẽ sản xuất 4 triệu thiết bị, trong đó có 2,5 triệu chiếc điện thoại di động, còn lại là các sản phẩm điện tử như: máy thu phát vô tuyến điện, thiết bị giám sát nhà trạm BTS, thiết bị giám sát hành trình V-tracking cho ôtô và M-tracking cho xe máy… với tỷ lệ nội địa khoảng 35%.
Một số doanh nghiệp “lão làng”, từng được xem là “xương sống” của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam như VTB vừa sản xuất những mặt hàng âm thanh như loa, ampli, máy tính để bàn vừa phân phối các sản phẩm tin học như Samsung, HP… Belco, ngoài những mặt hàng truyền thống như tivi đèn hình (CRT), loa, ampli… gần đây nhảy sang sản xuất mặt hàng mới: camera, đầu ghi hình. Maseco Phú Nhuận vẫn còn trung thành với thế mạnh của mình là sản xuất đầu karaoke, loa, mới nhất là thiết bị kết nối internet chạy hệ điều hành Android dành cho tivi LCD… để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.
Đặt gia công – tham gia cuộc chơi toàn cầu?
Dù không có nhà máy trong nước nhưng từ năm 2010, người tiêu dùng trong nước đã nhận diện nhiều nhóm hàng, từ kỹ thuật số, công nghệ thông tin, điện lạnh, điện tử, như: điện thoại di động, máy tính để bàn, tivi LCD, quạt máy, máy lạnh, tủ lạnh, nồi cơm điện… do các doanh nghiệp trong nước như Mobiistar, Q-Mobile, FPT, Thiên Hoà, Bách Khoa… sản xuất bằng hình thức đặt hàng gia công tại các nhà máy ở Trung Quốc. Hiện nay chưa có thống kê doanh số của nhóm hàng này nhưng tỷ lệ về số lượng xuất hiện tại các siêu thị điện máy lớn khoảng 10%, còn tại các cửa hàng nhỏ tỷ lệ nhóm hàng này lên tới 50 – 60%, chủ yếu là các mặt hàng điện thoại di động, quạt máy, loa, ampli, nồi cơm điện, tivi CRT…
Theo các chuyên gia, hàng gia công hiện có hai dạng. Dạng thứ nhất là mua sản phẩm nguyên chiếc từ các nhà máy của Trung Quốc, sau đó dán nhãn riêng. Dạng thứ hai là tham gia vào thiết kế sản phẩm, chọn linh kiện, liên kết với các doanh nghiệp phần mềm trong nước để gia tăng chất xám Việt… Ông Ngô Nguyên Kha, tổng giám đốc Mobiistar cho rằng, không riêng gì doanh nghiệp Việt, mà nhiều thương hiệu lớn như Asus, Dell, Acer… cũng mua hàng từ các nhà cung cấp linh kiện khác để đặt hàng gia công sản phẩm. “Vấn đề quan trọng là nhà sản xuất phải biết được chất lượng linh kiện đó như thế nào để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Nếu làm ra được linh kiện tham gia vào cấu thành sản phẩm là điều tuyệt vời, còn nếu không phải tạo uy tín với các đối tác của mình. Đó là cách thể hiện năng lực sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp Việt”, ông Kha chia sẻ. Cùng quan điểm trên, ông Minh của Viết Sơn thừa nhận: “Nếu đấu phần cứng với các thương hiệu toàn cầu, doanh nghiệp Việt sẽ chết rất nhanh. Để tồn tại, phải biết tranh thủ đối tác cũng như tạo được sắc thái riêng”. Ông Hoàng của ICDREC nhận xét, gia công hay sản xuất không quan trọng mà điều cốt yếu là doanh nghiệp phải nắm được công nghệ lõi, tuỳ thuộc vào độ lớn của sản phẩm trên thị trường mà tính toán phương thức sản xuất gia công hay đầu tư nhà máy.
Chòi đạp trên sân nhà vẫn khó
Trong vài năm gần đây, doanh số “miếng bánh” thị trường điện tử, điện gia dụng Việt Nam khoảng 5,5 – 6 tỉ USD/năm. Còn giá trị của hàng do doanh nghiệp sản xuất, giới chuyên gia nhận định, tổng doanh thu của các doanh nghiệp điện tử Việt (sản xuất nội địa và gia công) ước chừng 6.000 tỉ đồng, trong đó, nhóm hàng sản xuất tại các nhà máy trong nước ước chừng 3.000 tỉ đồng.
Gần đây, nhóm hàng điện thoại di động và nghe nhìn đã có những bước đột phá về thiết kế, chất lượng và cấu hình sản phẩm. Ông Hoàng tự tin sản phẩm điện kế điện tử và khoá điện tử của ICDREC “không hề thua kém các sản phẩm của nước ngoài về thiết kế, độ bền và tính năng nhưng giá chỉ bằng 1/2”. Còn ông Kha không giấu vẻ tự hào về dòng smartphone mới – Prime 508 với cấu hình mạnh (bộ xử lý lõi 8) và vật liệu cao cấp (kính cường lực Dragontrail của Asahi Glass và Gorilla thế hệ thứ 3 của Corning)…
Nhưng đó chỉ là nỗ lực của một vài doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài và vững bền thị trường trong nước. Còn theo đánh giá chung của giới am hiểu, sản phẩm điện tử Việt dù có giá rẻ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của giới thu nhập thấp nhưng về chất lượng và mẫu mã vẫn ở từ mức trung bình trở xuống. Hiểu được “thân phận”, địa bàn chính của nhóm hàng Việt là các cửa hàng nhỏ, vùng quê hoặc những địa bàn vùng ngoại ô của các đô thị. “Các nhà sản xuất trong nước rất khó khăn trong hướng tìm đầu ra sản phẩm. Cũng có một vài doanh nghiệp chi tiền để tiếp thị nhưng phần đông hiện nay hữu xạ tự nhiên hương. Vấn đề là xạ đâu mà có hương”, ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật của Soncamedia, bình luận.