Đo lường sự đồng thuận toàn cầu về việc sử dụng AI có đạo đức

Để kiểm tra tình trạng đạo đức AI trên toàn cầu, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Brazil đã thực hiện đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp các hướng dẫn sử dụng AI. Kết quả được xuất bản trên tạp chí Patterns ngày 13/10.


“Thiết lập các hướng dẫn đạo đức và cấu trúc quản trị rõ ràng cho việc triển khai AI trên khắp thế giới là bước đầu tiên để tạo ra lòng tin, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo phân phối công bằng lợi ích của AI”, nhà khoa học xã hội và đồng tác giả James William Santos đến từ Đại học Công giáo Rio Grande do Sul, cho biết.

Nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào các hướng dẫn của Bắc Mỹ và châu Âu. Điều này đã thúc đẩy nhóm nghiên cứu tìm kiếm và đưa vào các quan điểm đạo đức AI từ các khu vực khác như châu Á, châu Mỹ Latinh, châu Phi v.v.

Để xác định xem có sự đồng thuận toàn cầu về sự phát triển và sử dụng AI có đạo đức hay không, các nhà nghiên cứu đã xem xét các hướng dẫn chính sách và đạo đức được công bố từ năm 2014-2022. Trên cơ sở đó, họ xác định được 200 tài liệu liên quan từ 37 quốc gia và sáu châu lục, viết hoặc dịch sang năm ngôn ngữ khác nhau (tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha). Các tài liệu này bao gồm các khuyến nghị, hướng dẫn thực hành, khung chính sách, các mốc pháp lý và bộ quy tắc ứng xử. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích tổng hợp tài liệu để xác định đâu là những nguyên tắc đạo đức phổ biến nhất, mức độ phân phối toàn cầu của chúng và đánh giá sự thiên kiến dựa trên loại hình tổ chức hoặc người tạo ra tài liệu. 

Họ phát hiện các nguyên tắc phổ biến nhất là tính minh bạch, bảo mật, công bằng, quyền riêng tư và trách nhiệm giải trình, xuất hiện lần lượt trong 82,5%, 78%, 75,5%, 68,5% và 67% tài liệu. Các nguyên tắc ít phổ biến nhất là quyền lao động, tính trung thực, quyền sở hữu trí tuệ và quyền trẻ em/thanh thiếu niên, xuất hiện trong 19,5%, 8,5%, 7% và 6% tài liệu.

Theo các tác giả, những nguyên tắc kể sau nên đáng được chú ý nhiều hơn. Ví dụ, tính trung thực – ý tưởng cho rằng AI nên cung cấp các thông tin đúng – ngày càng trở nên quan trọng khi những công nghệ AI tạo sinh như ChatGPT được đưa vào sử dụng rộng rãi. Và vì AI có khả năng thay thế người lao động và thay đổi cách chúng ta làm việc, cần phải có các biện pháp để tránh thất nghiệp hàng loạt hoặc độc quyền máy móc trong một ngành lao động. 

Các tác giả lưu ý, hầu hết (96%) các hướng dẫn mang tính “quy phạm”, tức mới chỉ đưa ra các quy tắc, giá trị đạo đức cần được xem xét trong quá trình phát triển và sử dụng AI. Chỉ có 2% hướng dẫn đề xuất phương pháp thực tiễn để thực hiện AI có đạo đức, và chỉ 4,5% đề xuất các quy định ràng buộc về mặt pháp lý cho AI. 

Các nhà nghiên cứu cũng xác định một số thiên kiến về nơi tạo ra các hướng dẫn và ai tạo ra chúng. Các tác giả chấp bút có sự chênh lệch giới tính lớn. Tuy 66% mẫu tài liệu không có thông tin tác giả nhưng trong số các tài liệu còn lại thì hơn 2/3 tác giả là nam (549 nam, 281 nữ). Về mặt địa lý, hầu hết các hướng dẫn đến từ các quốc gia ở Tây Âu (31,5%), Bắc Mỹ (34,5%) và Châu Á (11,5%), trong khi chỉ 4,5% tài liệu bắt nguồn từ Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương cộng lại. 

Sự mất cân đối trong phân phối có thể do hạn chế về ngôn ngữ và quyền truy cập công cộng, nhưng nhóm nghiên cứu nói rằng những kết quả này cho thấy nhiều phần của Nam bán cầu không được đại diện trong những diễn ngôn toàn cầu về đạo đức AI. Trong một số trường hợp, sự thiếu vắng này còn bao gồm tiếng nói từ những quốc gia tham gia nhiều vào nghiên cứu và phát triển AI, chẳng hạn như Trung Quốc có sản lượng nghiên cứu liên quan đến AI tăng hơn 120% từ năm 2016 – 2019.

Cùng với việc kết hợp nhiều tiếng nói hơn, các nhà nghiên cứu nói rằng những nỗ lực trong tương lai nên tập trung vào cách thực hiện các nguyên tắc đạo đức AI. □

Trang Linh 

Nguồn: https://techxplore.com/news/2023-10-global-consensus-ethical-ai.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)