Doanh nghiệp trong đổi mới/sáng tạo: Những lực cản
Cuộc tọa đàm Doanh nghiệp KH&CN trong đổi mới sáng tạo được Tạp chí Tia Sáng tổ chức tại Bình Dương cuối tháng 3 vừa qua, là cơ hội để tập hợp những kiến nghị chính sách cấp bách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Hơn 20 gương mặt doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu trên cả nước với những thương hiệu lớn như gốm sứ Minh Long, cà phê Trung Nguyên, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, v.v, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, và các nhà quản lý, đã đến tham dự cuộc tọa đàm1 cùng GS. Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng CSKH&CN Quốc gia và Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhằm chia sẻ những suy nghĩ trăn trở, tìm kiếm những giải pháp giúp khắc phục hạn chế trong năng lực đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Theo PGS. Trần Đình Thiên, trong vòng 2 năm qua, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tụt 16 bậc trên bảng xếp hạng thế giới, với chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 98, và chỉ số trí tuệ doanh nghiệp đứng thứ 100. Năng lực công nghệ yếu hạn chế khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh về giá cả cũng như chất lượng. Đơn cử như trong ngành xuất khẩu gạo, năm 2012, Việt Nam tự hào là nước đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo, cao hơn Thái Lan tới 1 triệu tấn, nhưng doanh thu của chúng ta lại thua nước bạn tới 1 tỷ USD, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Nếu chỉ làm thuê cho nước ngoài mà không tự mình sáng tạo, các doanh nghiệp công nghệ trong nước sẽ chỉ là những người thợ gia công, không bao giờ theo kịp đà phát triển công nghệ của thế giới, và khoảng cách về công nghệ giữa trong nước với quốc tế sẽ ngày càng lớn, khiến dân tộc chúng ta lụn bại đi. Nhưng nếu tự mình sáng tạo và phục vụ đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp sẽ có sức sống để tồn tại, từ đó có thể tìm kiếm cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.
Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Công ty CP Giải pháp Tin học Tích hợp Mở – iNet Solutions |
Không chỉ vấp phải khó khăn trên thị trường thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp vất vả ngay trên sân nhà, do vừa yếu năng lực công nghệ, vừa hạn chế những năng lực khác như trình độ quản trị kinh doanh hay kỹ năng đàm phán. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp – BSA, đây chính là nguyên nhân khiến rất nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam không thể trụ được trên các kệ hàng siêu thị trong nước, và nhường vị trí cho các thương hiệu của các liên doanh với nước ngoài.
Nhà nước làm khó cho doanh nghiệp
Trong tình hình đó, môi trường kinh tế vĩ mô và thể chế quản lý của Nhà nước chưa tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bứt phá vươn lên, nếu không nói là một trở lực đáng kể. Ngoài những hệ lụy do phải chịu lạm phát, lãi suất cao – PGS. Trần Đình Thiên cho biết năm 2012, chỉ số về ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam bị tụt tới 40 bậc, rơi xuống thứ 116 trên thế giới – các doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc, rào cản trong thủ tục hành chính. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, về cơ bản tình trạng rào cản quan liêu gây vướng mắc cho các doanh nghiệp từ cuối thập kỷ 1990 đến nay vẫn chưa được cải thiện, nếu không nói là càng trầm trọng hơn do vấn nạn tham nhũng gia tăng khiến các doanh nghiệp ‘nản lòng’.
Một nguyên nhân cốt yếu của tình trạng quan liêu và lạc hậu trong quản lý hành chính ở Việt Nam, theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan, là các cán bộ quản lý yếu về trình độ và thiếu nghiêm túc cùng tinh thần kỷ luật trong công việc. Những yếu kém này kết hợp với cơ chế xin cho khiến nhiều chính sách của Nhà nước không đến được với doanh nghiệp, hoặc phải khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức mới được đáp ứng nguyện vọng. Ông lấy ví dụ trường hợp doanh nghiệp của ông đã phải mất tới 2 năm đi xin cơ duyệt cơ chế ưu đãi thuế cho sản phẩm tấm dán kính giúp chống bức xạ nhiệt và tiết kiệm 25% năng lượng chạy điều hòa – sản phẩm mà doanh nghiệp của ông tự nghiên cứu và chế tạo sản xuất.
Song trường hợp của Tập đoàn Mỹ Lan vẫn có thể được coi là may mắn, nếu so sánh với quãng thời gian 9 năm (và vẫn đang tiếp tục kéo dài) mà Công ty Vắcxin và Sinh phẩm số I đã và đang trải qua với mong muốn chính đáng là sản phẩm vắcxin cúm A/H5N1 do công ty tự độc lập nghiên cứu được các cấp thẩm quyền trong nước chấp thuận. Đây là sản phẩm đã được thử nghiệm lâm sàng thành công, thậm chí gần đây còn được đối tác Mỹ quan tâm tìm cách cùng liên doanh đầu tư nghiên cứu triển khai, nhưng đến nay công nghệ này vẫn chưa được chấp thuận ở trong nước. “Chúng tôi cũng đã hết cách”, TS. Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc công ty thất vọng chia sẻ.
Những điểm sáng R&D
Hiện nay, doanh nghiệp trong nước đang đối diện với sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa Trung Quốc, điển hình như bản kẽm kém chất lượng từ Trung Quốc trợ giá được nhập khẩu vào Việt Nam bán với giá 3.1 USD/m2, trong khi giá hợp lý (giá thành sản xuất cộng chi phí khác) phải từ 4 USD trở lên. Nguyên nhân vì các doanh nghiệp Trung Quốc được chính phủ của họ trợ giá 13%. Điều này là một bất lợi và gây sức ép lên doanh nghiệp trong nước. Câu hỏi đặt ra là nhiều nước trên thế giới hiện nay đã xây dựng chính sách thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc nhưng vì sao Việt Nam vẫn chưa có chính sách để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nước để chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh này? Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang bị điều tra chống bán phá giá từ nhiều nước mà nguyên nhân không nhỏ là do các đại lý Trung Quốc nhập hàng Trung Quốc vào Việt Nam và xuất bán giá rẻ cho các nước khác. Năm 2013, chúng tôi nhận được giấy báo từ Thổ Nhĩ Kỳ – thị trường chiếm 40% hàng xuất khẩu của Mỹ Lan – cho biết Việt Nam bị áp thuế chống phá giá, mà nguyên nhân vì các hãng sản xuất của Trung Quốc cho nhập hàng vào Việt Nam để tái xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm né mức thuế chống phá giá 35 – 37% mà Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng với hàng xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc. Như vậy, chúng ta không chỉ bị điều tra về vấn đề bán phá giá mà doanh nghiệp trong nước còn gặp khó khăn khi mất dần thị trường trong và ngoài nước, và bị hàng kém chất lượng của Trung Quốc đội mác và xuất bán sang nhiều nước. TS. Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan |
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn khách quan và chủ quan, vẫn có những điểm sáng là các doanh nghiệp Việt Nam liên tục nỗ lực vươn lên, tìm cách đầu tư tự nghiên cứu làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm được thị trường chấp nhận và đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài. Trong số đó có những thương hiệu còn khá trẻ, ví dụ như An Sinh Xanh, Thiên Dược, hay iNet Solutions (Công ty CP Giải pháp Tin học Tích hợp mở), hoạt động trong những thương hiệu giàu sức sống trong các lĩnh vực rất khác nhau: An Sinh Xanh tự nghiên cứu ra những thiết bị vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy có tính năng vượt trội so với nước ngoài, Thiên Dược nghiên cứu làm thảo dược trị khối u, còn iNet Solutions tạo ra các phần mềm quản lý hữu hiệu trên nền tảng mã nguồn mở phục vụ nhiều đối tượng khác nhau2, từ các doanh nghiệp tới khối các cơ quan quản lý Nhà nước.
Không chỉ các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp, mà một số doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn với thương hiệu từ lâu đã được biết đến rộng rãi cũng rất cố gắng trong đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ nhằm tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Điển hình như Công ty TNHH Minh Long I, tấm gương của những nỗ lực tự tìm tòi học hỏi không ngừng nhằm làm chủ và hoàn thiện công nghệ một cách toàn diện trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ3, hay Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, doanh nghiệp đã mạnh dạn thành lập riêng một trung tâm R&D, nơi tập hợp những chuyên gia từ các trường và viện nghiên cứu, những người không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn đáng kể thời gian và tài lực trong đầu tư nghiên cứu cải tiến công nghệ, mà cả trong công tác đào tạo nâng cao trình độ nhân lực4.
Tập đoàn Trung Nguyên cũng đang lên kế hoạch thành lập một Viện Nghiên cứu Cà phê Toàn cầu nhằm tăng cường khai thác giá trị gia tăng chiếm giữ các phân đoạn cao trong chuỗi giá trị cà phê trên thị trường thế giới. Thông qua Viện, Trung Nguyên mong muốn tập hợp được những nhà khoa học, chuyên gia có trình độ và uy tín cao, thành một hội đồng khoa học đủ năng lực để xây dựng các chuẩn mực làm cơ sở đánh giá các nghiên cứu và phát kiến trong các lĩnh vực liên quan của ngành cà phê.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, với sự phát triển của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia và sắp tới nếu Quỹ Đối mới KH&CN Quốc gia đi vào hoạt động, chắc chắn Nhà nước có thể hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp triển khai các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Về lâu dài, có thể Nhà nước sẽ thành lập cả Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và những công nghệ đã được ươm tạo. Việc ra đời và phát triển những quỹ này sẽ không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp về vấn đề nguồn vốn, mà còn đem lại những địa chỉ tin cậy về thẩm định, đánh giá các dự án nghiên cứu công nghệ, làm cơ sở để các doanh nghiệp cân nhắc, lựa chọn đầu tư.
Nhưng trước khi có được những kết quả nghiên cứu đáp ứng nhu cầu mong muốn, các doanh nghiệp cần tìm được những nhà khoa học có năng lực, nhiệt huyết, sự nhạy bén, và lòng kiên trì – những phẩm chất rất thiếu ở các tổ chức nghiên cứu Việt Nam lâu nay vốn quen với cơ chế bao cấp từ Nhà nước. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong số 400 viện nghiên cứu của Nhà nước, hiện có rất ít các viện tạo ra được những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn mà các doanh nghiệp đòi hỏi. Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Saigon Food chia sẻ từ kinh nghiệm của bà rằng đa số các tổ chức nghiên cứu của Nhà nước chỉ tìm cách hợp tác với doanh nghiệp trong ngắn hạn nhằm kết thúc một đề tài nghiên cứu cụ thể nào đó, mà ít quan tâm tới việc đồng hành cùng doanh nghiệp để có thể triển khai được sản phẩm ra thực tiễn đời sống.
Kiến nghị của các chuyên gia
Ngay từ năm 1968 Malaysia đã có chủ trương trở thành nước đứng đầu thế giới về sản xuất dầu cọ – sản phẩm đáp ứng nhu cầu con người trong các xã hội hiện đại, nơi người tiêu dùng mong muốn những sản phẩm dầu ăn không có cholesterol. Chính phủ Malaysia đã triển khai thực hiện mục tiêu chiến lược này với chính sách đồng bộ, có sự phân công phân nhiệm rõ ràng, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách vay tiền Ngân hàng Thế giới; Bộ Nông nghiệp lo quy hoạch vùng trồng dầu cọ và thu thập các giống dầu cọ, nghiên cứu thử nghiệm xem giống nào phù hợp nhất với điều kiện của Malaysia; Bộ Thương mại đi đàm phán, khuyến mãi sản phẩm dầu cọ khắp nơi trên thế giới; Chính phủ có chính sách giảm thuế cho người đang trồng cao su chuyển sang trồng cọ dầu. Người dân chưa có việc làm được tạo điều kiện vay vốn, được giao giống sản xuất, tới khi thu hoạch và sản phẩm được đưa vào nhà máy thì họ bắt đầu được trừ nợ.
GS. Võ Tòng Xuân |
GS. Võ Tòng Xuân cho rằng cách đầu tư của Nhà nước cho KH&CN đa phần mang tính dàn trải và manh mún như hiện nay khiến các doanh nghiệp khó tận dụng được kết quả nghiên cứu. Vì vậy, Bộ KH&CN phải là cơ quan đóng vai trò thẩm định, xâu chuỗi các kết quả nghiên cứu, nhằm xây dựng được quy trình nghiên cứu và phát triển đạt tới sản phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng cao nhất. Ông cho rằng không chỉ Bộ KH&CN mà bản thân Chính phủ phải làm chính sách KH&CN với tầm nhìn ‘chuỗi giá trị gia tăng’ như vậy, ví dụ như có thể học tập kinh nghiệm chiến lược phát triển ngành sản xuất dầu cọ ở Malaysia.
Kiến nghị này của GS. Võ Tòng Xuân phần nào có sự tương đồng với Chương trình Phát triển Sản phẩm Quốc gia đến năm 2020 mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng theo Quyết định 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu không chỉ phát triển ra tới các sản phẩm, mà còn xây dựng được thành những thương hiệu mạnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc Chương trình đặt mục tiêu tới năm 2015 sẽ phát triển thành công 6 sản phẩm đầu tiên (bao gồm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; thiết bị siêu trường, siêu trọng; sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải, sản phẩm vắc-xin phòng bệnh cho người và vật nuôi; sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng) có thể là khá tham vọng, và cũng chưa rõ đâu là cơ sở tính toán cho thấy những sản phẩm này đem lại giá trị gia tăng cao nhất (ngoại trừ lĩnh vực sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng mang tính hiển nhiên).
Theo PGS. Trần Đức Viên, trước mắt Nhà nước nên hướng tới hỗ trợ những thương hiệu mạnh sẵn có trong nước, nhằm giúp những thương hiệu này vươn ra toàn cầu. Đồng thời, cần thúc đẩy tiềm lực nghiên cứu trong nước bằng cách 1: chính sách giáo dục đào tạo phải gắn với mục tiêu của chính sách phát triển khoa học và công nghệ, trong đó có mục tiêu quan trọng là đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp; 2: đặt ra yêu cầu những doanh nghiệp và tổ chức nhập khẩu công nghệ phải có lộ trình tiến tới làm chủ công nghệ được nhập khẩu; 3: có chính sách động viên khuyến khích mọi ý tưởng công nghệ hữu ích, kể cả những ý tưởng ‘Hai Lúa’, nhằm tạo sân chơi bình đẳng và tăng cường động lực đổi mới sáng tạo trong toàn dân.
Chính phủ nên tận dụng các hiệp hội của doanh nghiệp để nhận biết rõ hơn những vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Để khuyến khích doanh nghiệp làm giàu bằng tiến bộ khoa học-công nghệ thay vì đầu cơ khai thác tài nguyên và những quan hệ lợi ích nhóm, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Nhà nước cần ‘cải cách cơ bản động lực và hành vi của thể chế, ví dụ như cải cách chính sách thu hồi đất và đánh thuế vào đầu cơ bất động sản, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh bằng cách kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.
Các chuyên gia cùng chung quan điểm rằng để có một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Nhà nước phải khuyến khích cạnh tranh tự do, trong đó giải pháp quan trọng nhất là giảm thiểu cơ chế xin cho. Càng duy trì cơ chế xin cho Nhà nước càng tạo ra những đặc quyền méo mó, tính minh bạch và công bằng càng thấp, và càng không thể đạt được một môi trường cạnh tranh tự do như chúng ta mong muốn, PGS. Trần Đình Thiên nhận định.
————-
1 http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=109&CategoryID=4&News= 6211
2 http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID= 2&News=5743
3 http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID= 2&News=6151
4 http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News= 6212&CategoryID=2