Doanh nhân Nhật Bản muốn tung hê lối cũ
Nhiều doanh nhân Nhật Bản đang có xu hướng tung hê lối làm ăn kiểu truyền thống để có thể bành trướng ra thế giới bên ngoài.
Tiếng Anh là ngôn ngữ chính
Ông Hiroshi Mikitani, “sếp” của hãng Rakuten, chỉ thị mọi nhân viên của hãng phải coi tiếng Anh là ngôn ngữ của doanh nghiệp vì “Chỉ có như vậy chúng ta mới phá vỡ được cái vỏ của mình.”
Tỷ phú 47 tuổi này giải thích một cách đơn giản vì sao biểu tượng công nghiệp Nhật Bản giờ đây bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu: “Giá như mọi nhân viên của Sony hay Panasonic đều biết tiếng Anh thì họ đã hơn hẳn Samsung. Tiếng Anh là công cụ có vai trò quyết định trong quá trình toàn cầu hóa.” Khi dùng tiếng Nhật, người ta có thể khôn khéo né tránh một điều gì đó, nhưng với tiếng Anh, buộc phải dứt khoát trả lời có hay không.
Có lẽ ở Nhật Bản không nơi nào có mức độ “Anh ngữ hóa” cao như doanh nghiệp Rakuten.
Cách đây hai năm, ông Mikitani đã yêu cầu các nhân viên ở Nhật phải học tiếng Anh để giao lưu làm họ vô cùng ngạc nhiên. Sau đó, ông cho tiến hành kiểm tra trình độ tiếng Anh của họ. Các nhà quản lý nói tiếng Anh chưa tốt đều phải bổ túc ngoại ngữ, nếu không muốn bị mất việc.
Việc đầu tiên được áp dụng là các buổi họp giao ban hàng tuần đều dùng tiếng Anh. Mọi bảng hướng dẫn trong khuôn viên doanh nghiệp chỉ ghi tiếng Anh. Thậm chí thực đơn ở căng tin cũng dùng mỗi tiếng Anh.
Giờ đây cabin dành cho phiên dịch tại phòng họp của Hội đồng quản trị và hội đồng hành chính bị để trống. Trình độ tiếng Anh của nhân viên được đánh giá tốt tăng từ 29 lên 84%.
Nhờ trình độ Anh ngữ tăng nên từ năm 2010 doanh nghiệp thương mại điện tử này đã mở rộng hoạt động ở 13 nước và đang chuẩn bị bành trướng ra nước thứ 14. Mặc dù doanh thu của hãng mới ở mức 4 tỷ Euro và lợi nhuận đạt 743 triệu Euro, chưa thấm vào đâu so với Amazon hay Ebay nhưng ông Mikitani có tham vọng biến Rakuten thành một “chợ internet lớn nhất thế giới”.
Đoạn tuyệt với truyền thống
Rakuten thuộc một nhóm ít những CEO đang có xu hướng muốn tung hê lối làm ăn kiểu Nhật Bản để có thể bành trướng ra thế giới bên ngoài. Họ đề bạt cán bộ theo năng lực, tuyển dụng người nước ngoài, chấp nhận sự thăng tiến của phụ nữ và lên kế hoạch sáp nhập với đối thủ.
Đồng thời các doanh nhân này cũng không e ngại khi phê phán thẳng thừng những vấn đề liên quan đến đất nước mình. Howard Stringer, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sony, mới đây đã chỉ trích lối suy nghĩ hướng nội của giới quản lý bậc trung. Nhiều doanh nhân trẻ thì coi nền kinh tế biển đảo của Nhật bản đang ở trong ngõ cụt của sự tiến hóa và cảnh báo: Nhật Bản không thể cứ bám mãi vào việc xuất khẩu hàng hóa chất lượng cao.
Yoshikazu Tanaka, 35 tuổi, nói “Nhiều người Nhật không hiểu được rằng, chúng tôi chỉ có thể tồn tại, nếu dám đương đầu với cạnh tranh quốc tế”. Tanaka là ông chủ của mạng xã hội Gree chuyên cung cấp trò chơi miễn phí dành cho Smartphone và đang nỗ lực để đến cuối năm 2013 thu hút được một tỷ người sử dụng trên toàn thế giới, tăng gấp năm lần so với hiện nay.
Một thí dụ khác, Tadashi Yanai và đế chế hãng may mặc Fast Retailing đã thành công rực rỡ với chuỗi cửa hàng Uniqlo dựa trên sự đoạn tuyệt kép với thông lệ. Yanai cắt quan hệ với các nhà buôn trung gian trong hệ thống bán lẻ vì qua họ giá sản phẩm đội lên quá cao. Ông đảm nhiệm khâu tự sản xuất quần áo. Đồng thời ông đập tan gông xiềng được coi là thiêng liêng ở Nhật Bản – chỉ thực hiện sản xuất ở trong nước – và cho gia công các sản phẩm của hãng ở Đông Nam Á. Nhờ đó Yanai xây dựng được một phân khúc mới về sản phẩm may mặc giá rẻ ở Nhật Bản. Giờ đây Fast Retailing đang triển khai các chi nhánh ở Thượng Hải, Paris, New York và tới đây cả ở Berlin. Đến năm 2020 riêng ở Châu Á sẽ có khoảng 2.000 cửa hàng Fast Retailing mới. Cả ông Yanai cũng coi tiếng Anh là ngôn ngữ của tập đoàn.
Xuân Hoài dịch