Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam: Xác định ưu tiên và thay đổi hệ thống tài trợ

Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index-GII) là bảng xếp hạng năng lực của các quốc gia trên thế giới về đổi mới sáng tạo do Đại học Cornell (Mỹ) kết hợp với Đại học ISEAD (Pháp) và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO ban hành với 82 tiêu chí. Đầu năm 2017, chính phủ đã ban hành nghị quyết 19 để phân công cho từng bộ, ban ngành đề xuất phương án tăng điểm của 82 chỉ tiêu này với hi vọng Việt Nam sẽ tăng hạng trong những năm tới. Tuy nhiên, có nên lấy GII làm chỉ dấu cho phát triển chính sách? Tia Sáng đã có buổi trao đổi với ông Svend Otto Remøe, cố vấn đặc biệt của Hội đồng nghiên cứu Na Uy (RCN) về vấn đề này.


Ở nước nào thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chiếm phần lớn thị trường. Vấn đề là Nhà nước làm thế nào để sử dụng các công cụ và hỗ trợ tài chính để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của họ. Ảnh: Nhà máy sản xuất gốm sứ của Minh Long I. Nguồn: Tạp chí Nội thất. 

Gần đây Chính phủ Việt Nam đang rất chú ý đến Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu. Theo quan sát và kinh nghiệm của ông thì một quốc gia nên nhìn vào chỉ số kiểu này như thế nào? 

Tôi thấy đây là vấn đề khá nan giải. Có rất nhiều ví dụ cho thấy những chỉ tiêu của GII không mấy ý nghĩa về mặt định hướng chính sách. Chẳng hạn như chỉ tiêu về số lượng sáng chế, không phải lúc nào cũng quan trọng đối với năng lực đổi mới sáng tạo của một quốc gia. Nó còn phụ thuộc vào khả năng sử dụng những sáng chế đó của nền kinh tế và nền công nghiệp của tại nước này. Ví dụ, một quốc gia có một nền công nghiệp theo ngành dọc đã phát triển rất mạnh mẽ (chẳng hạn như Đức với ngành sản xuất ô tô) thì đúng là họ sẽ có rất nhiều sáng chế liên quan nhưng nếu một quốc gia xác định tập trung vào phát triển nông nghiệp hoặc dựa vào tài nguyên thiên nhiên thì số lượng sáng chế sẽ thấp hơn nhiều. 

Cứ lấy những tiêu chí đó làm mục tiêu phấn đấu thì dễ quá. Nhưng điều quan trọng là người ta phải nhìn những gì đằng sau đó và xem xét một cách cẩn trọng nền tảng kinh tế – xã hội có khiến cho những tiêu chí đấy có nghĩa hay không. Rất có thể với một quốc gia nào đó, việc hạ thấp tầm quan trọng của một chỉ tiêu này và nâng tầm quan trọng của chỉ tiêu khác lại là điều cần thiết. 

Chẳng hạn, có một cuộc chạy đua giữa nhiều quốc gia châu Âu trong việc tăng tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong GDP. Ở Việt Nam, con số đấy là 0.6%, ở Singapore là 2.1% và Phần Lan, khá cao là 3.1%. Tiền dành cho R&D là sự đầu tư. Việc dồn rất nhiều tiền vào nghiên cứu cơ bản thì đơn giản nhưng nếu các nghiên cứu này hoàn toàn không có liên hệ gì với nền kinh tế, với nhu cầu xã hội của Việt Nam thì lợi nhuận đem lại sẽ thấp hơn chúng ta nghĩ. Với Việt Nam, câu hỏi đặt ra là bạn phải ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nào? Còn nếu chỉ muốn tăng tiền đầu tư cho khoa học nhằm tăng một chỉ tiêu trong GII? Thế thì chẳng khôn ngoan chút nào cả. 

Ở Việt Nam gần đây, đổi mới sáng tạo thường được gắn liền với khởi nghiệp. Ý kiến của ông thế nào?

Không, nó lớn hơn rất nhiều. Dĩ nhiên tinh thần khởi nghiệp của cá nhân thì rất quan trọng nhưng giá trị nó tạo ra thì ít ỏi thôi. Những công ty khởi nghiệp rất thành công như Google hay Facebook chỉ là ngoại lệ. Đổi mới sáng tạo là năng lực có thể tự làm mới mình của một nền kinh tế thông qua việc doanh nghiệp kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc nhận những lợi ích từ khách hàng, từ nhà cung cấp…mang lại để liên tục tạo ra những công nghệ mới, sản phẩm mới, quy trình sản xuất mới…Đổi mới sáng tạo còn là quá trình những khám phá mới đi từ các nghiên cứu và phát triển được đẩy ra thị trường như thế nào. Nó là sự vận hành của cả một bộ máy lớn và đó là lí do cần một điều kiện khung (điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, luật pháp…) thật tốt để các công ty có thể đi đúng đường. 

Khi nói về mối quan hệ giữa giới học thuật và giới doanh nhân ở Việt Nam, người ta thường nói rằng hầu hết các công ty ở Việt Nam đều là vừa và nhỏ, rất khó có khả năng tài chính để đổi mới công nghệ và các công ty lớn thì đều không quan tâm đến nghiên cứu và phát triển hoặc nếu có thì họ không tin vào năng lực của các viện, trường ở Việt Nam

Ở nước nào thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chiếm phần lớn thị trường. Vấn đề là Nhà nước làm thế nào để sử dụng các công cụ và hỗ trợ tài chính để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của họ. Ở nhiều nước, họ hỗ trợ kinh phí cho các mạng lưới kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực với các trường đại học và viện nghiên cứu. Ở Na Uy, có chương trình đào tạo tiến sĩ kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học, theo đó, nghiên cứu sinh được trường đại học cấp bằng nhưng việc nghiên cứu hoàn toàn  được thực hiện trong khối tư nhân. 

Cách này cũng có thể áp dụng với các công ty lớn. Để phá vỡ định kiến của các công ty này thì không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn cả của các trường đại học. Các giáo sư nếu chỉ ẩn mình trong tháp ngà nghiên cứu thì dễ quá, họ nhận tài trợ của nhà nước là để giúp cộng đồng phát triển. Chúng tôi gọi đấy là nhiệm vụ thứ ba của trường đại học – đổi mới sáng tạo, bên cạnh hai nhiệm vụ còn lại là giảng dạy và nghiên cứu. 

Ý ông là những nhà khoa học phải đi vào doanh nghiệp sao? 

Đúng rồi. Tôi nghĩ thế. Họ phải học cách làm điều đấy. Họ phải có phản ứng gì chứ. Nhưng cũng cần phải tạo ra nhu cầu thị trường. Ở Na Uy, chúng tôi đưa ra một phương thức gọi là đổi mới sáng tạo có địa chỉ người dùng (user-oriented innovation). Theo đó các công ty nhận tiền từ ngân sách để mua và sử dụng các nghiên cứu từ trường đại học. Tức là mình bắt buộc các công ty trong một số ngành nhất định phải hợp tác với viện trường. 

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không cần nhiều nghiên cứu và phát triển mà có thể chỉ là giải quyết vấn đề kỹ thuật mà thôi. Trong trường hợp này thì có thể triển khai một chương trình ở quy mô địa phương, kết nối để các giáo sư có thể tư vấn cho doanh nghiệp. Đây cũng là cách đưa những kiến thức từ trường đại học ra ngoài thực tế. Các nhà khoa học chỉ dừng lại ở công bố quốc tế cũng tốt nhưng một quốc gia như Việt Nam cần nhiều hơn thế, nó cần sự kết nối giữa hoạt động nghiên cứu với thực tế của các doanh nghiệp. Vả lại khi bước ra môi trường ứng dụng như vậy lại khơi gợi những ý tưởng tốt cho những nhà khoa học quay trở lại nghiên cứu ở các trường đại học. Điều này diễn ra rất thường xuyên ở nhiều nước.

Có rất nhiều cách để thúc đẩy sự hợp tác này, chính phủ có rất nhiều công cụ để triển khai nếu họ thực sự muốn làm chứ không phải là giấu mình sau những chỉ tiêu của GII. Họ phải nhìn xa hơn, và xem xét xem liệu có công cụ nào có thể dùng để khuấy động sự năng động, sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và viện, trường. Vấn đề là chính phủ có sẵn sàng làm không? Có muốn xác định thứ tự ưu tiên của các ngành không? 

Đổi mới sáng tạo như ông nói ở trên là một sự vận hành của một bộ máy lớn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội…Vậy thưa ông, cơ quan nào chịu trách nhiệm xây dựng điều kiện khung cho đổi mới sáng tạo?

Đổi mới sáng tạo không chỉ là trách nhiệm của Bộ KH&CN mà còn là của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp…Vì vậy, tạo ra điều kiện khung cho đổi mới sáng tạo là trách nhiệm của toàn chính phủ. Nếu điều kiện khung càng kém thì nền kinh tế càng không có khả năng sử dụng các nghiên cứu khoa học. Điều đó, về lâu dài khiến việc đầu tư cho R&D chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ. Đó là lí do tôi thấy rằng tăng mấy chỉ số mà không xác định những lĩnh vực ưu tiên để năng lực của khu vực nghiên cứu ăn khớp với khu vực tư nhân thì chẳng đi đến đâu cả. 

Ông có nghĩ rằng việc đổi mới sáng tạo của một quốc gia nên được dẫn dắt bởi một bộ không? 

Có vẻ như Bộ Tài chính đóng một vai trò lớn vì họ nắm giữ việc chi tiêu ngân sách nhưng các bộ khác cũng phải có những chính sách tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo phát triển trong lĩnh vực của mình. Một vài năm trước, Na Uy ra đời chính sách đổi mới sáng tạo toàn diện, trong đó tất cả các bộ ngành phải xác định vai trò của mình trong đó. Khi đó, các bộ nhận ra họ có thể làm được rất nhiều, có thể là một cách gián tiếp như cải thiện bộ máy và môi trường pháp lý. Cuối cùng, các bộ sẽ được Thủ tướng phân công nhiệm vụ và rà soát lại những hoạt động họ đang làm để đảm bảo chính sách hiện tại hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phù hợp với Bộ Khoa học và giáo dục. 

Từ kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, theo ông vấn đề lớn nhất trong chính sách đổi mới sáng tạo của Việt Nam có phải là xác định lĩnh vực ưu tiên đầu tư? 

Đúng, nhưng ngoài ưu tiên ra còn có vấn đề về cấu trúc của hệ thống tài trợ nghiên cứu nữa. 

Việc sắp xếp lại hệ thống tài trợ nghiên cứu là nhiệm vụ hàng đầu, đó là làm thế nào để có rất ít các quỹ đầu tư nhưng mỗi quỹ lại rất lớn (theo tôi thì Nafosted nên lớn gấp 10 lần bây giờ) để họ có thể chuyên nghiệp hóa, có trách nhiệm và đáng tin cậy hơn. Và để có thể làm điều này một cách hiệu quả, Bộ KH&CN sẽ chịu trách nhiệm về chính sách vận hành quỹ còn cơ quan quản lý quỹ thì có toàn quyền trong việc triển khai và báo cáo lên bộ định kỳ. Việc này có vẻ phụ thuộc vào văn hóa. Ở nhiều nước, chính phủ kiểm soát (việc chi tiêu ngân sách cho KH&CN) rất chặt và can thiệp sâu vào hoạt động tài trợ. Điều đó thật là thảm họa. Đó là dấu hiệu của việc thiếu niềm tin. 

Ngoài ra, không cần cố gắng phân định rạch ròi giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Giờ này ai còn quan tâm giữa cơ bản và ứng dụng nữa chứ? Điều quan trọng là nghiên cứu đấy có tốt và có ý nghĩa đối với Việt Nam hay không. Các nghiên cứu chất lượng cao có thể là sự pha trộn giữa cơ bản và ứng dụng hay liên ngành. 

Xin cảm ơn ông! 

Hảo Linh thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)