Đổi mới sáng tạo qua mua sắm công hiệu quả và công bằng

Chính phủ Mỹ không có chủ đích sử dụng mua sắm công để thúc đẩy đổi mới nhưng nhờ thiết lập nguyên tắc hiệu quả chi phí và cạnh tranh công bằng, hoạt động mua sắm công ở Mỹ đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm cấp tiến thành công.


Ngoài bộ tiêu chuẩn mua sắm công liên bang FAR thì các cơ quan có thể tự đề ra quy định mua sắm công của ngành mình. Ví dụ như Quy định mua sắm của Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh – HHSAR. Ảnh: Một bệnh viện công ở Mỹ. 

Cứ mười năm một lần, Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ lại tổ chức điều tra dân số toàn quốc. Trước năm 1960, công việc này khá vất vả khi các điều tra viên phải sử dụng bản đồ giấy chỉ dẫn khu vực và đi gõ cửa từng nhà. Nhà cửa, đường xá thay đổi mỗi năm và bản đồ giấy nhanh chóng lỗi thời. Cùng với đó việc mã hóa các thông tin theo cách thủ công đã dẫn tới những khó khăn khi phải sử dụng cùng lúc nhiều loại bản đồ khác nhau. Cục nhận thấy rằng cần có một bản đồ tốt hơn, thống nhất về quy mô và ở dạng số hóa, và có ý tưởng sử dụng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – GIS). Sau hai lần thử nghiệm công cụ GIS tương đối thành công vào năm 1970 và 1980, Cục tham vọng xây dựng một cơ sở dữ liệu không gian điện tử quốc gia nhằm hỗ trợ cho các cuộc điều tra kế tiếp.

Sau khi Cục phát động dự án, nhiều công ty phần mềm GIS đã ra đời để theo đuổi các giải pháp về hệ dữ liệu theo yêu cầu từ Cục Thống kê. Cuối cùng, Hệ thống mã hóa và hiển thị địa lý tích hợp theo thuật toán topo (Topological Integrated Geographic Encode and Reference System – TIGER) đã ra đời và đã được sử dụng thành công trong cuộc điều tra dân số năm 1990. TIGER bao gồm dữ liệu địa lý của toàn bộ lãnh thổ và tất cả các đặc điểm địa lý cần thiết cho việc thu thập dữ liệu điều tra dân số và lập các bảng thống kê phân tích. Việc phải ghi chú thủ công và xử lý cùng lúc nhiều bản đồ đã lùi vào dĩ vãng. TIGER được đánh giá là “dự án lớn nhất và bao trùm toàn bộ các dự án GIS dân sự từng có”.

Thành công của TIGER đã dẫn tới nhu cầu xây dựng công cụ GIS riêng cho các tổ chức và làm bùng nổ ngành công nghiệp GIS. TIGER đã được phát triển và mua sắm để hỗ trợ và cải thiện quy trình tiến hành các Điều tra mười năm của Cục. Cuối cùng nó trở thành một công cụ đổi mới cho sự phát triển của cả ngành công nghiệp GIS. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho mua sắm công dùng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo rất nhiều cách, bằng việc tạo ra thị trường mới, đẩy cầu và cung cấp một nơi thử nghiệm cho các sản phẩm sáng tạo.

Khung pháp lý linh hoạt

Hoạt động mua sắm công của các cơ quan liên bang Mỹ không được tùy tiện mà phải tuân thủ một quy định khung Quy định mua sắm liên bang (Federal Acquisition Regulation – FAR), còn chính quyền các bang có quyền tự chủ cho hoạt động mua sắm của bang mình. Tuy vậy bản thân các bang khi thiết kế quy định mua sắm công vẫn thường tham khảo các nội dung trong FAR.

Cụ thể, FAR chỉ thiết lập các thủ tục và luật lệ chung mà các cơ quan liên bang cần tuân thủ, tuy nhiên những vấn đề kỹ thuật chi tiết lại được bỏ qua nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho các cơ quan tự quyết định những gì là cần thiết đối với mình. Ví dụ như FAR đề ra quy trình đánh giá tiêu chuẩn nhà cung ứng nhưng không liệt kê những tiêu chí nào dùng để đánh giá. Một số ngoại lệ cũng có thể được xem xét nếu cần thiết. Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan liên bang cũng có thể thay thế FAR bởi các quy định tương tự để điều chỉnh FAR phù hợp với đặc thù của họ, như Quy định mua sắm của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – AIDAR hay Quy định mua sắm của Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh – HHSAR.

Ngoài ra, còn một số văn bản có chức năng tương đương FAR như Sắc lệnh do Văn phòng Tổng thống ban hành và các thông tư và biên bản ghi nhớ của Phòng Quản lý và Ngân sách thuộc Nhà Trắng. Các văn bản này không thiết lập luật lệ nhưng hướng dẫn thủ tục cho các cơ quan liên bang. Trong giai đoạn 2006 – 2010, ba hạng mục mua sắm liên quan đến mua sắm đổi mới bao gồm: phát triển công nghệ truy cập, công nghệ vũ trụ và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chính phủ khuyến khích mua sắm và phát triển các giải pháp để đạt được các mục đích xã hội như bảo vệ môi trường, bảo tồn năng lượng, giúp đỡ các nhóm người thiệt thòi… Như vậy, có thể thấy tuy Chính phủ không định hướng thúc đẩy đổi mới qua mua sắm công nhưng bản thân các văn bản quy định và hướng dẫn của Mỹ đã định hướng các cơ quan chính phủ trong mua sắm các sản phẩm để đạt được những mục tiêu đổi mới sáng tạo.

Nguyên tắc hiệu quả chi phí và cạnh tranh công bằng

FAR có khung khá thông thoáng nhưng đòi hỏi bắt buộc tuân thủ hai nguyên tắc quan trọng – được coi là phần cố hữu trong tất cả các quyết định mua sắm, là nguyên tắc hiệu quả chi phí và cạnh tranh công bằng.

FAR đòi hỏi các cơ quan phải trình các tài liệu mô tả nhu cầu mua sắm công của mình với những yêu cầu rất chi tiết, điều này đảm bảo các cơ quan không mua sắm những hàng hóa, dịch vụ không cần thiết. Quy định kế toán cần tuân thủ cũng được hướng dẫn chi tiết giúp hạn chế việc công, viên chức sử dụng các tiểu xảo để thay đổi giá trị các khoản kê khai.

FAR dành một phần riêng trình này các nguyên tắc tính giá, phương pháp tính giá nhằm đảm bảo có được giá tốt nhất, tương đương thị trường nhất. Khi các cơ quan đã thực hiện đúng các quy định về kế toán và tài chính, thì việc chi phí mua sắm hàng hóa công cao hơn so với giá thị trường sẽ là vấn đề được đặt nghi vấn, và các cơ quan mua sắm công cần trình các giấy tờ giải trình.

Hiệu quả chi phí và cạnh tranh công bằng là hai yếu tố tương hỗ nhau. Cần cạnh tranh công bằng, minh bạch thì mới có thể lựa chọn được bên cung cấp tốt nhất với chi phí hiệu quả nhất.

Về cơ bản, FAR yêu cầu việc mua sắm công phải được đấu thầu công khai nhiều vòng. Ví dụ như khi Cục Hàng không Mỹ muốn phát triển hệ thống xử lý dữ liệu ADS-B, họ đã tổ chức một chuỗi các ngày hội công nghiệp nơi các công ty quan tâm sẽ tới và trình bày về ý tưởng phát triển ADS-B. Dựa vào những thông tin đó, Cục Hàng không Mỹ tham khảo sẽ cân nhắc, xây dựng kế hoạch chính thức cho việc phát triển ADS-B. Nhờ đó, thay vì bỏ kinh phí lớn để mua sắm thiết bị, Cục Hàng không đã tìm ra giải pháp thuê dịch vụ để tiết kiệm chi phí. Cục Hàng không cũng không cần phải lo lắng về chất lượng bởi nhà thầu – bên cung cấp dịch vụ sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo quy trình hoạt động trơn tru.
***
Không chỉ ở Mỹ, mua sắm công thúc đẩy đổi mới sáng tạo không mới trên thế giới và có nhiều bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi. Giống như Mỹ, Việt Nam không cần nâng tầm đổi mới sáng tạo trở thành nhiệm vụ của mua sắm công thì hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua việc mua sắm của chính quyền vẫn xuất hiện. Điều cần thiết là đã thiết lập khuôn khổ chính sách đủ chặt chẽ, chuẩn hóa quy định về mua sắm công. Đồng thời, trao quyền tự xác định chi tiết kỹ thuật và tiêu chuẩn đánh giá hạng mục mua sắm cho các đơn vị. Và, miễn là các nguyên tắc về hiệu quả chi phí và cạnh tranh công bằng còn được thực hiện nghiêm túc, đổi mới sáng tạo sẽ là kết quả mà các cơ quan nhận được.

Minh Thuận tổng hợp
Nguồn: N.S.Vonortas (2011), Public Procurement and Innovation in the United State Federal Acquisition Regulation, 2005 Edition
https://www.census.gov/newsroom/press-releases/2014/cb14-208.html

Tác giả