Dự báo cả lạm phát và tăng trưởng đều rất thấp

Cả hai chỉ tiêu là tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế cùng được dự báo là sẽ vào khoảng 5% cho năm 2013, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ.

Đây là báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phục vụ cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Theo tính toán của ủy ban, lạm phát năm nay chỉ ở mức 5%, nếu chưa tính đến việc điều chỉnh giá do nhà nước quản lý và tác động chính sách.

Tính toán này dựa trên cơ sở tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 7 so với tháng 6 (0,27%), vẫn thấp hơn dư địa cho phép trong mỗi  tháng cuối năm (bình quân khoảng 0,76%).

Dư địa để thực hiện mục tiêu lạm phát thấp hơn năm ngoái (6,81%) còn khoảng trên 4% cho những tháng cuối năm, tương ứng với mức 0,76%/tháng.

Ủy ban cho rằng, với xu hướng tăng CPI như vậy, kết hợp với yếu tố giá cả hàng hóa thế giới được dự báo không có nhiều biến động từ nay đến cuối năm và sức mua trong nước vẫn còn yếu, thì kiểm soát  lạm phát  theo kế hoạch đề ra cho năm 2013 đang có những thuận lợi.

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, ủy ban cho rằng mục tiêu cả năm 5,5% vẫn là thách thức lớn căn cứ vào kết quả GDP 6 tháng đầu năm ở mức 4,9% so với cùng kỳ, là mức thấp so với nhiều năm trở lại đây.

Lý do cơ bản nhất liên quan đến tiêu dùng nội địa suy giảm. Bằng chứng là chỉ số doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm đạt 213 ngàn tỉ đồng, nếu loại trừ yếu tố giá tăng khoảng 5,2%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (6,7%).

“Sự suy yếu của cầu nội địa đang  tạo lực cản đáng kể cho tăng trưởng. Sản xuất của nền kinh tế vì vậy tiếp tục phải chịu sự chi phối lớn từ cầu tiêu dùng bên ngoài”, ủy ban nhận xét.

Phân tích chỉ số PMI-HSBC tháng 6/2013 cho thấy khá rõ về nhận định này. Cụ thể, khi lượng đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 6 sụt giảm, chỉ số PMI đã có tháng thứ 2 liên tiếp giảm dưới ngưỡng 50 điểm và ở mức thấp hơn tháng.

“Điều này cho thấy nền kinh tế sẽ khó có thể thực sự hồi phục ổn định khi cầu trong nước không được cải thiện”, báo cáo nhận xét.

Theo đánh giá của ủy ban, nguyên nhân chính khiến tổng cầu suy yếu là do tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp, vào khoảng 29,6% GDP trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (34,5% GDP).

Liên quan đến tỷ giá, ủy ban nhận xét tỷ giá có biến động trong một  thời gian ngắn chủ yếu là do yếu tố tâm lý.

Bên cạnh yếu tố tâm lý, tỷ giá biến động vì một số nguyên nhân khác như nhu cầu cân bằng, điều chỉnh trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp tăng; các nhà đầu tư nước ngoài điều chỉnh danh mục đầu tư và chốt lời (tính từ tháng 6 đến nửa đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã rút xấp xỉ khoảng 450 triệu đô la Mỹ trên thị trường trái phiếu và khoảng gần 100 triệu đô la Mỹ trên thị trường cổ phiếu).

Tuy nhiên, ủy ban cho rằng, sự biến động này chỉ mang tính nhất thời, cung – cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm vẫn ổn định, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng khá.

Tác giả