EFF và những vụ kiện chưa có tiền lệ
Trước cả khi The New York Times, Washington Post, Los Angeles Times tung ra loạt phóng sự về chương trình nghe lén điện thoại và đọc trộm e-mail của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) vào cuối năm 2005 thì trong tiểu thuyết Pháo đài số viết từ năm 1998, tác giả Dan Brown đã mô tả hết sức tỉ mỉ công việc này của NSA và cả những “va chạm” giữa NSA với EFF (The Electronic Frontier Foundation)- một tổ chức đòi quyền tự do ngôn luận trên mạng internet hết sức mạnh mẽ. Giống như trong Pháo đài số, trên thực tế, EFF liên tục tiến hành các vụ kiện chưa từng có tiền lệ để chống lại “khả năng nghe trộm thông tin trong một chế độ chuyên chế của các cơ quan chính phủ”.
Sở Mật vụ nghi ngờ Công ty Trò chơi điện tử Steve Jackson là nơi phát tán E911 nên đã tiến hành tịch thu nhiều thiết bị điện tử của công ty, bao gồm cả hệ thống bảng tin điện tử (electronic bulletin board system), tiền thân của thư điện tử ngày nay, mà không cần sự cho phép của cơ quan luật pháp. Do sự cố này, Steve Jackson đã buộc phải cho thôi việc một nửa số nhân viên của mình và công việc kinh doanh của ông gần như phá sản. Mãi đến cuối tháng 7 năm 1990, sau khi không tìm thấy dấu vết nào của E911, Sở Mật vụ mới đem các thiết bị điện tử trả cho công ty.
Nhận lại thiết bị, Steve Jackson mới phát hiện toàn bộ thư điện tử trong hệ thống bảng tin điện tử đã bị đọc trộm. Vô cùng tức giận, ông quyết định kiện Sở Mật vụ. Trước sự kiện này, ba thành viên của cộng đồng IT là Mitch Kapor, John Perry Barlow, và John Gilmore tuyên bố sẽ giúp Steve Jackson. Họ lập ra EFF, có trụ sở ở TP San Francisco, Caliornia, và đâm đơn kiện Sở Mật vụ dưới danh nghĩa đại diện cho Steve Jackson. Kết quả, tại phiên toà tổ chức vào năm 1993, Steve Jackson đã giành phần thắng: ông được nhận 50 nghìn USD bồi thường thiệt hại, và 250 nghìn USD cho các chi phí kiện tụng. Phiên toà cũng đồng thời kết luận, Sở Mật vụ đã tịch thu các thiết bị của Công ty Trò chơi điện tử Steve Jackson một cách thiếu cẩn trọng và không tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý. Đây cũng là lần đầu tiên có một phiên toà chỉ ra rằng, các e-mail cũng cần được bảo vệ ít nhất là như các cuộc điện đàm, và các cơ quan an ninh đều phải xin phép cơ quan luật pháp mỗi khi muốn thâm nhập hộp thư điện tử của ai đó.
Pháo đài số: cuốn sách lấy cảm hứng từ cuộc đối đầu giữa EFF và NSA |
Sau đó, EFF cũng rất thành công trong vụ giúp Dan Bernstein kiện Chính phủ Mỹ. Bernstein, nghiên cứu sinh ngành toán của trường ĐH California, bị cấm tung lên mạng một phần mềm mật mã (encryption software) do anh tự viết ra, giúp người sử dụng bảo vệ bí mật các văn bản của mình bằng cách biến chúng thành mật mã. Trước đó, mật mã bị chính phủ liệt vào danh sách các loại vũ khí phải kiểm soát , bên cạnh bom và súng phun lửa… Các công ty và các cá nhân muốn xuất khẩu những mặt hàng trong danh sách này, bao gồm cả phần mềm mật mã, cần phải được sự cho phép của Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao đã thật sự làm khó Bernstein khi cho biết, anh cần phải có giấy phép xuất khẩu vũ khí trước khi tung phần mềm mật mã của mình lên mạng; và họ cũng nói luôn, họ sẽ từ chối cấp cho Bernstein một giấy phép như vậy bởi vì “vũ khí” của anh ta quá nguy hiểm.
Phiên toà diễn ra vào năm 1995 đã kết luận rằng, phần mềm mật mã cũng là một đối tượng được bảo vệ bởi Tu chính thứ nhất (một phần của Luật về các quyền của Mỹ, không cho phép QH xâm phạm vào sáu quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp)… Phiên toà phúc thẩm một lần nữa khẳng định kết luận “kiểm soát việc công bố trên mạng phần mềm mật mã là vi phạm quyền tự do ngôn luận”. Kết quả, Chính phủ đã phải thay đổi nguyên tắc kiểm soát xuất khẩu của mình. Ngày nay, bất kỳ cá nhân nào ở Mỹ cũng có thể “xuất khẩu” các phần mật mã bằng cách phổ biến trên mạng mà không cần phải xin phép chính quyền. Một lần nữa, EFF đã đấu tranh thành công cho quyền lợi của các công dân trên mạng thông qua một phiên toà chưa có tiền lệ.
Gần đây nhất, ngày 31-1-2006, EFF đã đâm đơn kiện AT&T, một công ty viễn thông khổng lồ ở Mỹ, vì cho rằng công ty này xâm phạm quyền bí mật cá nhân của các khách hàng khi hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) trong một chương trình nghe lén điện thoại và đọc trộm e-mail lớn nhất từ trước đến nay mà không cần sự cho phép của cơ quan luật pháp.
Tháng 12 năm 2005, báo chí Mỹ, trong đó có The New York Times, Washington Post và Los Angeles Times, tung ra loạt phóng sự về chương trình này, cho biết, chương trình được Tổng thống Mỹ đồng ý ít nhất là từ năm 2001 và giao cho NSA tiến hành. NSA đã sử dụng những máy tính cực mạnh để nghe lén các cuộc điện đàm và đọc trộm e-mail của những người có “hành vi đáng ngờ”, liên quan đến khủng bố.
Nhưng chính quyền không hành động đơn độc, họ đã yêu cầu sự hậu thuẫn từ những công ty viễn thông lớn để tiến hành chương trình này. Với hàng triệu lượt khách hàng gọi điện thoại và truy cập internet thông qua dịch vụ của mình mỗi ngày, AT&T nắm trong tay một trong những kho dữ liệu lớn nhất thế giới. Đơn kiện của EFF buộc tội AT&T đã mở cửa kho dữ liệu của mình cho NSA và một số cơ quan khác của chính phủ truy cập vào, tiết lộ nội dung các trao đổi trên điện thoại hoặc qua e-mail của khách hàng, xâm phạm trắng trợn quyền tự do cá nhân của họ và những người được họ gọi điện hay trao đổi e-mail.
Thay mặt khách hàng của AT&T và các tầng lớp dân chúng, EFF yêu cầu chính phủ phải chấm dứt chương trình theo dõi bất hợp pháp này và đòi AT&T phải chịu trách nhiệm về việc hợp tác với chương trình gián điệp quốc nội của chính phủ , vì hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền tự do cơ bản của người dân Mỹ.
Vào ngày 31 tháng 3 và ngày 5 tháng 4 vừa qua, EFF đã trình toà các tài liệu tố cáo hành vi bất hợp pháp của AT&T. Trong số đó, phải kể đến lời chứng của Mark Klein- một kỹ sư đã về hưu của AT&T, và J. Scott Marcus- một chuyên gia viễn thông từng làm việc tại Uỷ ban Viễn thông Liên bang. Do tính nhạy cảm của vấn đề và do phải tuân thủ các nguyên tắc của toà án, EFF tạm thời chưa công bố rộng rãi những tài liệu này, tuy nhiên, EFF đã đề nghị toà cho phép công bố càng sớm càng tốt.
Ngày 15 tháng 5, Chính phủ Mỹ ra văn bản đề nghị toà án bác vụ kiện của EFF. EFF không được tham khảo văn bản này, nhưng theo một bài báo đăng công khai, Chính phủ nói rằng, cần phải chấm dứt ngay vụ kiện AT&T bởi vì bất kỳ điều tra nào liên quan đến việc AT&T có vi phạm luật hay không cũng đều có thể làm lộ bí mật quốc gia và ảnh hưởng đến an ninh của đất nước.
Dù thất bại ở phiên toà “không được xử” này thì vấn đề EFF xới lên từ vụ kiện đã kịp thu hút mối quan tâm của rất nhiều người dân Mỹ. Sau sự kiện 11-9, nhiều người dân Mỹ nói rằng, họ sẵn sàng hy sinh một phần tự do cá nhân để đổi lấy an toàn cho cả cộng đồng, nhưng trong cuộc khảo sát hồi tháng 5 vừa qua do tờ Newsweek tiến hành, có đến 53% người dân Mỹ cho rằng, việc NSA nghe lén điện thoại và đọc trộm e-mail đã xâm phạm nghiêm trọng tự do cá nhân.
Điều đáng ngạc nhiên là trước khi báo chí tiết lộ chương trình nghe lén điện thoại và đọc trộm e-mail của Chính phủ thì trong tiểu thuyết Pháo đài số viết từ năm 1998, tác giả Dan Brown đã mô tả hết sức tỉ mỉ hoạt động này của NSA và cả những “va chạm” giữa NSA và EFF. NSA thì cho rằng mình có quyền đọc e-mail của bất cứ đối tượng nào đáng ngờ- tất cả là vì sự an toàn của cộng đồng, nhưng công việc “ý nghĩa” này không phải lúc nào cũng được cộng đồng đánh giá đúng và thông cảm. Còn EFF được mô tả là một tổ chức đòi quyền tự do ngôn luận trên mạng internet hết sức mạnh mẽ và tuyên truyền về những mối đe doạ khi sống trong thế giới số.
Dan Brown kể rằng, có lần, một sinh viên đã bị Sở Mật vụ giải đi ngay giữa giờ giảng của ông chỉ vì anh này gửi e-mail cho bạn nói rằng, anh căm ghét Tổng thống Clinton và muốn ám sát Tổng thống. Sở Mật vụ bắt giữ anh sinh viên để xác minh những gì anh ta nói chỉ là chuyện phiếm hay thật sự là chuyện nghiêm túc. Sau vài cuộc tra vấn, Sở Mật vụ kết luận, anh sinh viên hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, điều làm nhà văn phải suy nghĩ mãi là tại sao Sở Mật vụ lại biết những điều anh ta viết trong e-mail. Qua tìm hiểu, ông được biết, NSA có những siêu máy tính có thể “quét” ra những e-mail mà ở đó các từ “giết” và “Clinton” có thể cùng đứng trong một câu. Chính từ sự việc này, Dan Brown nảy ra ý định viết Pháo đài số.
Bản thân Dan Brown cho rằng, tự do cá nhân khó có thể tồn tại trong thời đại số ngày nay. Tuy nhiên, theo ông điều này có khi lại đem lại những tác động tuyệt vời mà chúng ta chưa tưởng tượng ra. “Nó có thể làm cho xã hội trở nên đạo đức hơn. Nếu chúng ta biết mình luôn bị giám sát, hành vi của chúng ta chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn. Hãy thử nghĩ xem… nếu cả thành phố biết bạn lẻn lên mạng internet để nhìn trộm rình mò đời tư các ngôi sao, chẳng thà bạn làm việc gì khác còn hơn, tỉ như nằm cuộn tròn với một cuốn sách thú vị trong tay”- ông nói.