EU thiết lập hợp tác 11 tỉ euro dành cho bán dẫn tiên tiến

Các loại chip mà Sáng kiến châu Âu hướng đến có thể giúp ngăn ngừa những thiếu hụt bán dẫn và khiến cho châu Âu trở nên ít phụ thuộc hơn vào các công nghệ của Trung Quốc.

Châu Âu mới loan báo về chương trình Chip cho châu Âu (Chips for Europe), một hợp tác R&D trị giá 11 tỉ euro để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sản xuất các bộ vi xử lý.

Sáng kiến này được hình thành trên cơ sở là một phần của Đạo luật Chip nhằm mục tiêu giúp châu Âu có thể kiểm soát một phần năm thị trường thế giới vào cuối thập kỷ này. Hội đồng châu Âu ước tính, châu lục này sẽ phải nhân doanh số bán bộ vi xử lý hàng năm với hệ số 5 để đạt được mục tiêu đó.

“Sáng kiến Chip cho châu Âu liên quan chặt chẽ với Chương trình Horizon Europe và sẽ phụ thuộc vào các nghiên cứu và đổi mới sáng tạo tiếp theo để phát triển các chip thế hệ mới nhỏ hơn và hiệu quả năng lượng hơn”, Mariya Gabriel, thành viên Hội đồng EU phụ trách nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nói.

Kế hoạch này, được chủ tịch EU Ursula von der Leyen thông báo lần đầu tại bài phát biểu của bà trước các đại diện quốc gia thành viên EU vào tháng 9 năm ngoái, nhằm phản hồi lại tình trạng thiếu hụt vi chip của thế giới khiến các nhà sản xuất ô tô và các sản phẩm hàng hóa khác ở châu Âu giảm năng suất.

Pháp, quốc gia hiện tại nắm quyền chủ tịch Hội đồng châu Âu, đang cố gắng thuyết phục các quốc gia thành viên ủng hộ một mô hình mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ít phụ thuộc vào các công nghệ của Trung Quốc và Mỹ.

Trao đổi tại một hội thảo do Pháp chủ trì, thời điểm trước khi loan báo đạo luật về chip, Phó chủ tịch Hội đồng châu Âu Věra Jourová cho rằng, đại dịch COVID-19 đã khiến EU phải nghĩ lại về cách tiếp cận kinh tế của mình. “Đại dịch này là bằng chứng mới nhất nhắc nhở chúng ta là một kỷ nguyên của toàn cầu hóa tràn đầy niềm vui đã qua”, bà nói. Hiện tại, cần phải có một cách tiếp cận thận trọng để đảm bảo những gì bà ngụ ý là “tính vị kỷ quốc gia và lợi ích quốc gia” không cản trở hợp tác quốc tế.

Ngân sách 11 tỉ euro cho hợp tác về chip sẽ đến từ việc tái định hình những khoản tài trợ đang có trong chương trình nghiên cứu và số hóa châu Âu, Horizon Europe và Digital Europe.

Hội đồng châu Âu muốn tăng cường đầu tư cho nghiên cứu hiện có để tăng tốc sản xuất những bán dẫn tiên tiến, bằng việc tài trợ cho những dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mẫu, tập huấn các thành viên và thiết lập các cơ sở để thử nghiệm các thiết bị mới.

“Chúng ta cần chuyển đổi các kết quả nghiên cứu xuất sắc thành những đổi mới sáng tạo của ngành công nghiệp”, bà von der Leyen nhấn mạnh như vậy trong buổi loan báo về dự án chip. “Với Đạo luật Chip, chúng ta sẽ có thể tăng cường sức mạnh cho các nghiên cứu xuất sắc và giúp nó chuyển từ phòng thí nghiệm tới nhà xưởng – từ những căn phòng thực nghiệm tiêu chuẩn đến nơi sản xuất”, ủy viên phụ trách thương mại Thierry Breton bổ sung.

Về tổng thể, Đạo luật Chip được chờ đợi sẽ có khoảng hơn 43 tỉ euro đầu tư công và tư, cho phép EU lường trước và phản hồi với sự đứt gãy của chuỗi cung cấp tương lai.

Đạo luật Chip được xây dựng trên các sáng kiến đã có. Vào tháng 6 năm 2021, Hội đồng châu Âu thiết lập một liên minh công nghiệp về các bộ xử lý và bán dẫn, giờ đóng vai trò tư vấn trong Sáng kiến Chips for Europe.

Trước khi các quy định pháp lý mới có hiệu lực, Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên châu Âu sẽ  thảo luận và bỏ phiếu cho đề xuất của Hội đồng châu Âu.

Cristian Bușoi,chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu và công nghiệp của Nghị viện (ITRE), cho biết luật không được là các rào sản giữa châu Âu và các phần còn lại của thế giới. “Nhưng chúng tôi muốn xây dựng một cơ sở công nghiệp châu Âu thống nhất, bởi vì các con chip mang tính chiến lược và là vấn đề cốt lõi của những chuyển tiếp số hóa và khí hậu”, ông nói.

Thanh Phương tổng hợp

Nguồn bài và ảnh: https://sciencebusiness.net/news/eu-launch-eu11b-joint-undertaking-advanced-semiconductors

https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/european-chips-act

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)