FameLab: Tìm kiếm nhà truyền thông khoa học truyền cảm hứng
Trong năm cuối cùng được tổ chức trên toàn cầu với sự hợp tác cùng Hội đồng Anh, FameLab - một trong những cuộc thi về truyền thông khoa học lớn nhất trên thế giới, sẽ là phiên bản đặc biệt dưới hình thức trực tuyến "Cuộc thi FameLab Truyền thông về Biến đổi Khí hậu".
Phạm Hà My (Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam) là Quán quân FameLab Việt Nam 2017. Ảnh: euraxess
Sau 15 năm hợp tác, đây sẽ là năm cuối cùng cuộc thi FameLab được tổ chức trên toàn cầu với sự hợp tác cùng Hội đồng Anh. Nhằm kỷ niệm chặng đường này, ban tổ chức đã triển khai phiên bản đặc biệt mang tên Cuộc thi FameLab Truyền thông về Biến đổi Khí hậu cùng các buổi tương tác trực tuyến giữa những người tham gia trên toàn thế giới.
Cụ thể, ở Việt Nam, Cuộc thi FameLab hướng đến các cá nhân từ 21 tuổi trở lên, bao gồm các sinh viên, giáo viên (dạy môn khoa học và có bằng cấp về khoa học); nghiên cứu viên hiện đang có các đề tài nghiên cứu chuyên ngành hoặc nghiên cứu tổng hợp; cá nhân làm việc liên quan đến Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Y học, Toán học và Biến đổi khí hậu tại các tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện, tổ chức về môi trường, công ty khởi nghiệp công nghệ, lực lượng vũ trang, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp. Ứng viên tham gia cuộc thi sẽ quay một đoạn phim ngắn trong ba phút với phần tự thuyết trình bằng tiếng Anh về chủ đề “Tin vào Khoa học Khí hậu” (Trust in climate science). “Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến chia sẻ từ những người đam mê khoa học và mong muốn thu hút khán giả toàn cầu cùng hành động để chống lại biến đổi khí hậu”, Ban tổ chức cuộc thi cho biết.
Mười ứng viên gây được ấn tượng với ban giảm khảo qua cách kể chuyện khoa học hấp dẫn của mình sẽ được lựa chọn vào vòng chung kết, tiếp tục bước vào giai đoạn tiếp theo để tham gia khoá học trực tuyến kéo dài hai ngày cùng các nhà truyền thông khoa học hàng đầu thế giới để trau dồi các kỹ năng của mình. Những ứng viên lọt vào vòng chung kết sau đó sẽ đối đầu trực tiếp trên sân khấu trực tuyến để tìm ra giải nhất tại Vòng chung kết cuộc thi FameLab Truyền thông về Biến đổi Khí hậu. Sự kiện sẽ được phát trực tuyến trên kênh YouTube vào tháng Chín năm 2021.
Từ cuộc thi này, ứng viên đứng đầu cuộc thi FameLab Truyền thông về Biến đổi Khí hậu sẽ tiến tiếp vào Trận chung kết thi trực tiếp được tổ chức trực tuyến quy mô quốc tế diễn ra vào tháng 11 năm 2021.
FameLab sẽ không dừng lại
FameLab được Cheltenham Festivals khởi xướng vào năm 2005 trong Lễ hội Khoa học UKby Cheltenham. Đến năm 2007, nhà sáng lập cuộc thi đã hợp tác với Hội đồng Anh để lan tỏa cuộc thi này ra các nước trên thế giới. Kể từ đó đến nay, cuộc thi đã thu hút 40.000 người tham gia, với hơn 200 tổ chức đối tác hỗ trợ Famelab tại hơn 35 quốc gia, tiếp cận với hàng triệu người trên khắp thế giới. Những người thắng cuộc tại mỗi quốc gia sẽ cùng nhau tiến vào Chung kết FameLab Quốc tế – thường được tổ chức tại Festival Khoa học Cheltenham vào tháng 6 hằng năm. Có thể nói, FameLab Quốc tế đã trở thành một trong những cuộc thi về truyền thông khoa học lớn nhất trên thế giới, xây dựng một hệ sinh thái sôi nổi gồm các nhà khoa học và kỹ sư trong nhiều lĩnh vực.
Không chỉ Việt Nam, Hội đồng Anh còn lan tỏa cuộc thi đến các nước Albania, Azerbaijan, Bangladesh, Bosnia và Herzegovina, Botswana, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Jordan, Kazakhstan, Mexico, Nepal, Pakistan, Peru, Philippines, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda.
Kể từ lần đầu đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2015, FameLab đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và kỹ sư trẻ tuổi. FameLab trở thành một bệ phóng vững chắc khi nhiều thí sinh đã lựa chọn khoa học như một sự nghiệp riêng cho mình sau khi bước ra từ cuộc thi. Đơn cử như Cao Minh Tâm – cựu thí sinh FameLab 2015 hiện đang là giáo viên STEM tại Học viện Sáng tạo S3 hay Nguyễn Kiều Trang – cựu thí sinh FameLab 2015, Lương Trung Tiến – cựu thí sinh FameLab 2016 hiện cũng đang giảng dạy khoa học tại Trung tâm AmericanSTEM Việt Nam.
Bên cạnh đó, Lương Trung Tiến cùng một số người bạn của mình đã sáng lập ra dự án “Táy máy tò mò”, thông qua kênh Youtube để giải thích các sự kiện, hiện tượng khoa học thú vị trong cuộc sống và hướng dẫn thực hiện những thí nghiệm ấn tượng, tự tạo ra những đồ dùng hữu ích trong cuộc sống hằng ngày.
Nhìn lại tác động của FameLab Quốc tế, ông Adrian Fenton, Cố vấn cao cấp về Khoa học tại Hội đồng Anh chia sẻ: “Khoa học là một phần quan trọng để hiểu về thế giới của chúng ta. Khoa học tác động đến tất cả các nền văn hóa trên toàn cầu, vì vậy việc nuôi dưỡng những kỹ năng như truyền thông khoa học một cách hiệu quả là một thành tựu ý nghĩa của FameLab Quốc tế.”
Nhà nghiên cứu đến từ Thụy Sĩ Sauradeep Majumdar đã trở thành quán quân cuộc thi FameLab Quốc tế 2020. Ahmad Maani từ Qatar và Rebecca Ellis từ Vương quốc Anh là Á quân, và Gabriela Ramos Leal từ Brazil đoạt giải thí sinh được khán giả yêu thích nhất. Ảnh: Still Moving Media
Đồng tình với ý kiến này, bà Ali Mawle, Giám đốc Học tập và Tương tác Công chúng tại Cheltenham Festivals cho biết: “FameLab đã xây dựng được lòng tin trong các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và công chúng, đồng thời kết nối các nhà khoa học trẻ trên khắp thế giới. Rất nhiều người người đã đóng góp vào thành công của chương trình và tạo ra một gia đình FameLab toàn cầu. 15 năm nữa, rất nhiều thứ sẽ thay đổi. Chúng ta có thể tự hào nhìn lại những gì FameLab đã đạt được và đón chờ những thử thách mới.”
Dù vậy, Cheltenham Festivals cho biết họ sẽ cam kết hợp tác làm việc, ủng hộ thế hệ các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong tương lai và cung cấp nền tảng cho những tài năng mới. Cả hai tổ chức đều mong muốn duy trì di sản từ FameLab, đặc biệt là trong việc hỗ trợ sự phát triển của các nhà nghiên cứu trẻ bao gồm các kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. “Hợp tác hiệu quả lần này sẽ gợi mở những hợp tác tiềm năng mới trong tương lai”, ban tổ chức cho biết.
Các cá nhân tham gia cuộc thi cần gửi bài dự thi trực tuyến trước 23:59 ngày 27 tháng Bảy năm 2021 (giờ Vương quốc Anh) tại đường link: www.britishcouncil.org/education/he-science/famelab-climate-change-communicators/enter
(Visited 1 times, 1 visits today)