Gặp lại nước Nga trên xứ người

Hàng năm cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, tôi lại da diết nhớ nước Nga, nơi tôi từng may mắn được học ở đó. Đáng tiếc là suốt hơn 20 năm qua tôi chưa có dịp trở lại Nga. Không ngờ tháng 11 năm 2002, tôi may mắn gặp lại người Nga và những kỷ vật vô giá về đất nước vĩ đại ấy, có điều không phải ở nước Nga

Chúng tôi có mặt tại trạm chờ xe buýt trên quảng trường Alexanderplatz lúc 5h30. Trời còn tối lắm, vùng trung tâm Berlin này ban ngày người xe đông vui tấp nập thế mà bây giờ vắng tanh vắng ngắt, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe lao vút qua. Đèn đường sáng trưng một vẻ ảm đạm. Một lúc sau thấy có ba bóng người đi lại từ phía ga metro. Một cô gái và hai ông bà già. “Ông chờ xe đi Roma phải không?” – cô gái hỏi tôi bằng tiếng Anh, chắc vì thấy tôi là người Châu Á. Tôi đáp vâng. Thì ra họ cũng mua Tour du lịch Italy 7 ngày do hãng Holiday Reisen tổ chức thường lệ hàng tuần, cùng chuyến đi ngày mồng 7 tháng 11 với chúng tôi.
Ba người kia nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga, thứ tiếng lâu lắm mới được nghe nên tôi cứ dỏng tai lên. Qua chuyện của họ, tôi biết cô gái tiễn bố mẹ đi du lịch. Khách đến đông dần. Đúng 6 giờ, một chiếc xe du lịch dài và cao, thành xe sơn sặc sỡ mấy chữ Holiday Reisen to tướng chạy đến bến đỗ lại. Người lái xe xuống soát vé rồi mời khách lên. Chúng tôi ngồi hàng ghế thứ ba, hàng bên kia là hai vợ chồng già người Nga. Xe chạy vòng vèo trong thành phố, đỗ lại mấy chỗ lấy thêm khách đã hẹn; khi ra đến đường cao tốc thì trời đã sáng. Xe rộng mà chỉ có chừng ba chục khách, hầu hết là phụ nữ Đức. Khoảng 8 giờ, xe đỗ lại một thị trấn nhỏ gần Leibzic khá lâu. Lúc xe chạy, tôi thấy lái xe đã thay người khác.

Xa lộ cao tốc Berlin-Munchen rộng mỗi chiều 3 làn, xe chạy rất êm, cốc cà phê đặt trên bàn con trước mặt không hề sóng ra ngoài. Sau hai lần lấy cà phê và đường từ bàn đặt bình cà phê bên cạnh toa-lét ở gần cửa lên xuống giữa xe, tôi thấy anh lái xe nói gì oang oang trong loa, rồi mấy người Đức ở hàng trên quay lại nhìn tôi. Xe chạy được chừng một giờ thì rẽ vào chỗ đỗ xe cách đường lớn chừng trăm mét để hành khách xuống nghỉ ngơi thư giãn, đi vệ sinh hoặc ăn uống mua sắm trong nhà hàng. Anh lái xe đến trước mặt tôi xổ ra một tràng tiếng Đức.


Nơi Phát xít Đức ký bản đầu hàng đồng minh

Tôi lắc đầu tỏ ý không hiểu. Anh lái xe cũng lắc đầu thất vọng. Tôi bèn dùng tiếng Nga hỏi hai vợ chồng người Nga xem anh ta nói gì. Hai ông bà cũng đáp họ không biết tiếng Đức. Thật ớn quá! Lúc ấy bỗng từ phía sau vang lên giọng tiếng Nga trong trẻo của một cô gái: “Ông là người nước nào? Ông biết tiếng Nga à? Thế thì để tôi giải thích giúp”. Thì ra anh lái xe yêu cầu tôi phải tự động trả tiền cà phê vào cái hộp ở chỗ bình cà phê. Tôi xin lỗi là không biết có lệ này, vì trên tuyến xe buýt Đan Mạch-Berlin tôi vừa đi hôm nọ, cà phê và đường thoải mái dùng không phải trả tiền. Rồi tôi lên xe nhét mấy đồng Euro vào hộp. Anh lái xe cười gật gật đầu, lại còn vẫy tay mời tôi lên ngồi ghế trên cùng bên cạnh anh ta để ngắm cảnh. Chúng tôi rất mừng vì đã có cô Ônga làm phiên dịch, nhẹ hẳn nỗi lo không hiểu nhau. Lo nhất là những lúc anh ta dặn mọi người xe đỗ ở đây bao lâu, mọi người đi đâu, làm gì, xe đợi chỗ nào, mấy giờ xe chạy…

Trong mấy lần dừng xe sau đấy, có mấy vị khách trên xe xúm lại hồ hởi hỏi tôi: “Người Việt Nam à? Khơraxô!” và bắt tay thân mật. Chao ơi, người Nga vẫn quý Việt Nam ta thế đấy. Việt Nam nổi tiếng vì đánh Mỹ nên cả thế giới đều biết. Một anh có nét mặt điển hình Nga, xưng tên là Ivan, đi cùng con trai 13 tuổi; hai bố con sống ở Berlin. Một anh cao gầy đi ủng da, thân thiện bắt tay chúng tôi và bảo: “Cứ gọi tôi là Nicôlai”.

Một anh to béo bụng phệ tự xưng là Ôlêch. Họ gần như chỉ hỏi tôi một câu: “Việt Nam bây giờ thế nào?” và đều rất vui khi thấy tôi trả lời bây giờ đời sống ở Việt Nam yên bình và sướng hơn trước nhiều lắm, hàng hóa ê hề, sẵn hơn cả cửa hàng GUM Matxcơva năm nào. Khi tôi hỏi ở Nga bây giờ ra sao, họ cũng nói thay đổi nhiều lắm, hàng hóa rất nhiều, rất sang, nhưng đời sống khó khăn hơn ngày xưa, trừ một số ít người giầu lên nhanh chóng. Ivan kể: “Cha tôi bây giờ về hưu phải đi làm gác cổng cho chính cái nhà máy ngày trước ông là giám đốc; lương hưu hai ông bà chỉ có giá trị chừng 50 đô la không đủ sống. Nhà máy đã bán cho tư nhân, tự nhiên tài sản nhà nước biến thành của tư nhân, thật vô lý hết sức. Đâu đâu cũng như vậy. Tôi thất nghiệp, phải dẫn con sang Đức kiếm ăn”. Anh nói ở Berlin có chừng 100 nghìn người Nga di cư, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán vặt hoặc làm thợ sửa xe.  Nicôlai làm nghề buôn rau tươi từ Hà Lan về bán ở Nga; nghề này vất vả nhưng kiếm ra tiền, nhất là mùa đông này Nga rất thiếu rau xanh, còn Hà Lan thì quanh năm sản xuất rau quả và hoa bán đi khắp thế giới. Nicôlai nói anh quý Việt Nam từ ngày còn đi học kia, hồi ấy Liên Xô chưa tan rã. Rồi anh chỉ xuống chân nói: “Đôi bốt da mềm này made in Vietnam tôi mua ở Berlin đây, chất lượng tốt và trông  khá đẹp đấy chứ. Ngày xưa làm gì có thấy hàng Việt Nam bán ở bên này”.
 
Ô


em bé VN trên tượng đài chiếc xe tăng T34ngoài cổng Museum Berlin Karlshort ở Berlin

lêch trông có vẻ kín đáo, nhưng cũng hỏi thăm chúng tôi nhiều chuyện. Cô Ônga thì hỏi kỹ quan hệ Việt Nam với Kitai (Trung Quốc) bây giờ thế nào. Lần đầu gặp nhau, chỉ thấy chúng tôi là người Việt Nam mà họ đã nhiệt tình như vậy. Chuyến đi chỉ có 7 ngày ngắn ngủi nhưng cũng đủ để chúng tôi quen thân nhau. Các bạn Nga hình như lâu lắm chẳng biết gì về Việt Nam. Báo ta cũng đăng tin Nga ít hơn ngày xưa. Dù sao, những người Nga đôn hậu vẫn giữ tình cảm tốt với Việt Nam. Khi chia tay tại bến xe Alexanderpltaz, Ivan còn cho tôi biết địa chỉ một Bảo tàng duy nhất ở Berlin có nhiều tư liệu về Liên Xô.

Rất may là Viện Bảo tàng ấy ở gần chỗ tôi trọ, cho nên tôi dành trọn hai ngày đến thăm. Không ngờ lại có một địa điểm quý giá như vậy ngay giữa lòng Berlin. Tòa biệt thự hai tầng xinh xắn ấy hồi cuối tháng 4 năm 1945 được Hồng quân Liên Xô dùng làm trụ sở quân quản Berlin. Tại đây đêm mồng 8 rạng sáng mồng 9 tháng 5, Nguyên soái Keitel, Đô đốc Von Friedburg và Trung tướng Stumff thay mặt quân đội Phát xít Đức đã hạ bút chính thức ký Biên bản đầu hàng Đồng minh. Nguyên soái Liên Xô Zhukov cùng Nguyên soái Anh Tedder tiếp nhận nghi thức ấy với sự chứng kiến của tướng Mỹ Spaatz và tướng Pháp De Lattre de Tassigny. Căn phòng lịch sử này được giữ nguyên trạng, kể cả các bình nước lọc cùng cốc pha lê trên mấy dãy bàn và 4 lá cờ cắm trên tường chính giữa phòng. Lễ ra mắt Chính phủ đầu tiên của nước CHDC Đức cũng diễn ra trong tòa nhà này ngày 10 tháng 10.1949, với sự có mặt của Đại tướng Liên Xô Chuikov. Từ năm 1967 đến 1994, tòa nhà được dùng làm Viện bảo tàng Quân đội Xô viết để kỷ niệm chiến dịch tấn công Berlin và Phát xít Đức đầu hàng. Sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi Đức, Chính phủ hai nước thỏa thuận dùng tòa nhà này làm Viện Bảo tàng quan hệ Xô-Đức và các sự kiện lịch sử về Đại chiến II.  Vô số hiện vật và tư liệu ghi lại lịch sử đại chiến II trưng bày tại đây. Phòng làm việc của Nguyên soái Zhukov được giữ nguyên với chiếc mũ trên bàn và chiếc áo nguyên soái đầy huân chương trên mắc áo. Các loại xe, pháo và vũ khí Hồng quân từng dùng để giải phòng Berlin bầy kín ngoài bãi. Một chiếc xe tăng T34 hùng dũng nằm trên bệ cao ngay bên trái cổng Bảo tàng, tháp pháo còn rõ nét sơn trắng dòng chữ tiếng Nga “Za Rôđinu” (Vì Tổ quốc).
Tại đây tôi thấy nhiều đoàn em nhỏ do các cô giáo dẫn đến xem, chắc là thay cho giờ học lịch sử. Người Đức văn minh không bao giờ lãng quên Liên Xô cùng những chiến công chói lọi chống phát xít cứu nhân loại của người Nga./.

Nguyễn Hải Hoành

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)