GART 6520: CLB robot có một không hai ở Việt Nam

Ở khu vực Đông Nam Á hiện nay mới có 2 CLB robot đủ khả năng tham gia FIRST Robotics Competition, cuộc thi robot quốc tế quy mô và thách thức về mặt kỹ thuật hàng đầu thế giới. Một trong hai CLB đó là Green Ams Robotics Team với biển số thi đấu 6520 của trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, hay gọi tắt là GART 6520.


Chuyên gia STEM của ĐH Quốc gia Singapore giao lưu với các thành viên GART 6520 tại hội thảo quốc tế về giáo dục STEM do ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức, Hà Nội, tháng 11/2019. Ảnh: ĐHS

Các nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đều chưa có CLB tham dự cuộc thi này. Ngay Singapore tuy tham gia từ năm 2014 nhưng đến năm 2019 mới bắt đầu lập thêm một đội nữa để thi đấu vòng loại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 3 tới ở Úc. 
GART 6520 được khởi động từ năm 2016 bởi các giáo viên và học sinh của nhà trường, sau khi tham dự trại hè robot ở Israel. Ban đầu GART 6520 chỉ có khoảng 20 học sinh và trong lần đầu tham gia giải FRC khu vực năm 2017, CLB đã đoạt giải Rookie Inspiration cho những hoạt động truyền cảm hứng. 
Trong mùa thi đấu FRC 2019, GART 6520 vào tới vòng tứ kết khu vực và các bạn trẻ học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm từ những trận thua do robot bị robot đối phương húc hỏng. Húc robot của đối phương để ngăn chặn là một nội dung thú vị, tăng độ khó và tạo sự khác biệt đậm chất thể thao của các giải đấu FRC. 
Hiện nay số thành viên GART 6520 đã tăng lên gần 100 và sẽ thi đấu 2 giải khu vực ở Úc vào tháng 3/2020 – hai giải vòng loại này được tổ chức liên tiếp để tăng cơ hội kiếm điểm cho các đội thi.
Để GART 6520  phát triển, ban giám hiệu nhà trường đã cấp cho CLB một phòng lab riêng rộng hơn 50 m2 và cử 5 giáo viên nhiều kinh nghiệm, trong đó có một thầy giáo là phó hiệu trưởng, làm cố vấn. Nhà trường cũng tích cực kêu gọi các nhà tài trợ và phụ huynh giúp đỡ tài chính, trang thiết bị, dụng cụ và cả chuyên môn cho CLB theo hình thức tự nguyện. 
Kể từ khi ra đời tới nay, được sự quan tâm của Đại sứ quán Israel, cứ đến hè là GART 6520 lại được cử gần 20 học sinh cùng học sinh một số trường THPT Việt Nam khác sang học trại hè robot ở “quốc gia khởi nghiệp” này trong thời gian gần hai tuần. Chính phủ Israel tài trợ tiền ăn ở và học trong thời gian trại hè robot, cha mẹ học sinh chỉ phải trả tiền vé máy bay. 

Chia sẻ tri thức giáo dục STEM với cộng đồng

Ngoài việc chuẩn bị cho giải đấu FRC 2020, GART 6520 còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để quảng bá giáo dục STEM tại các sự kiện như Ngày hội Toán học mở, Ngày hội STEM quốc gia cũng như địa phương với những bài trình diễn robot. 
Bên cạnh đó, từ mấy năm nay, các thành viên của GART 6520 còn thiết kế và điều hành các hoạt động khuyến STEM do Trung tâm Hoa Kỳ thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức cho các học sinh 12-14 tuổi như Trại Hè Robot (trong một tuần) và Techfair.  
Chia sẻ tri thức giáo dục STEM với cộng đồng chính là một nhiệm vụ quan trọng của các CLB robot tham gia FRC trên toàn cầu.  Mới đây nhất, từ cuối tháng 11/2019, GART 6520 bắt đầu “tour tình nguyện” hướng dẫn về robot, máy in 3D, và tái chế vật liệu… cho học sinh một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố, bao gồm Trường THCS Minh Khai và  THCS Thụy Phương ở quận Bắc Từ Liêm và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản ở quận Hoàn Kiếm.
Cũng trong chuỗi hoạt động này, các thành viên của GART 6520 đã bước đầu thử nghiệm mô hình dạy học STEM online: từ phòng lab robot GART 6520, hai học sinh khối 10 trường dùng Internet kết nối để giảng về STEM cho các học sinh lớp 8 đang ngồi ở Makerspace (phòng lab STEM) của thư viện THCS Minh Khai, cách trường chuyên Amsterdam gần 10km. Thử nghiệm trên đã thành công về mặt kỹ thuật, mở ra khả năng GART 6520 có thể chia sẻ tri thức về giáo dục STEM với nhiều trường học hơn, kể cả các trường ở xa.


Các giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Điện lực trao đổi kinh nghiệm thiết kế và lập trình điều khiển robot với các thành viên của GART 6520 tại Ngày hội Toán học mở, Hà Nội, tháng 11/2019. Ảnh: ĐHS

Học qua các trải nghiệm thực làm, qua những thất bại khi thi đấu, qua những sai lầm khi thiết kế chế tạo robot, và qua các hoạt động STEM tại cộng đồng – GART 6520 dần trưởng thành theo những cách đó.
Tháng 10/2019, trong lần đến ĐH Bách Khoa Hà Nội thỉnh giảng, chuyên gia robot hàng đầu thế giới – GS John Hollerbach (ĐH Utah, Mỹ) – sau khi được nghe kể Việt Nam có CLB robot tham gia cuộc thi FRC thì đã hỏi ngay biển số đăng ký của CLB bởi ông cũng tham gia gây dựng hệ thống cuộc thi FRC cho bang Utah. 
Sau khi xem các ảnh thi đấu của GART 6520 ở giải FRC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2019, GS Hollerbach hết sức đánh giá cao việc một trường THPT của Việt Nam đã cố gắng gây dựng được CLB robot riêng để tham gia cuộc thi robot tầm cao như FRC. Ông còn thiện chí mời GART 6520 tham dự vòng loại của cuộc thi FRC ở bang Utah nếu các bạn trẻ thấy tham gia thi đấu ở đó vui thích hơn. □

Đôi điều về độ khó của giải đấu robot FRC
FRC được thành lập từ năm 1989 ở Mỹ bởi các chuyên gia robot. Tham gia thi đấu tại giải này, các học sinh trung học có thể học cách thiết kế và chế tạo robot có kích thước khá lớn và giống với robot công nghiệp. Trên thế giới có nhiều cuộc thi robot dành cho học sinh nhưng FRC được coi là một trong các cuộc thi khó nhất vì những lý do sau:
1- Kích thước và khối lượng của robot tự chế tạo khá lớn: chiều cao tối đa 2m và nặng gần 60kg.
2- Đề thi hằng năm theo các chủ đề khác nhau và được công bố trước khi thi đấu 60 ngày, chỉ vừa đủ để các đội thi có thể thiết kế, chế tạo và thử nghiệm nhanh 1 con robot.
3- Hình thức thi đấu vừa cạnh tranh vừa hợp tác rất cao ở cả cuộc thi khu vực và vòng chung kết giải thế giới: mỗi trận đấu thường có 6 robot bất kỳ tham gia và được chia làm hai đội; các robot phải “đưa bóng vào các rổ” để ghi điểm trong điều kiện được phép húc nhau, cản phá đúng luật trên sàn đấu kích thước lớn tới 8m X 16m trong khoảng 3 phút; sau đó các robot phải quay về leo dốc thẳng đứng cao khoảng 30-50cm để tiếp tục ghi điểm. Những quy định về kích thước, khối lượng của robot và nội dung thi trên sân đấu lớn như vậy làm cho cuộc thi trở nên rất khó ngay cả với học sinh Mỹ vốn đã được tiếp xúc khá lâu với nhiều thể loại sân chơi robot. Ở giải đấu khu vực, với sự tham gia của 60-80 đội, mỗi đội thường thi đấu 14 trận.
4- Các CLB phải vượt qua vòng loại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ở Úc rồi mới được dự vòng chung kết ở Mỹ .
5- Các CLB phải tự gây quỹ để chuẩn bị cho việc thi đấu. Thế giới hiện có gần 4.000 CLB robot tham gia cuộc thi FRC ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ có khoảng 3.000 CLB, Canada có khoảng 250 CLB, Trung Quốc có khoảng 80 CLB…

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)