Giải những bài toán mà cuộc sống cần

PGS. TS. Lê Văn Cảnh được sinh viên trong trường gọi giản dị hai tiếng “thầy Cảnh”. Còn với truyền thông, đa phần biết đến thầy qua danh hiệu khoa học Quả Cầu Vàng năm 2013 được Bộ KH&CN trao tặng nhờ nghiên cứu “Công nghệ tính toán ứng dụng vào kỹ thuật xây dựng” giúp việc thi công nền móng của một trung tâm thương mại ở Cần Thơ tiết kiệm hơn năm tỉ đồng.

Tìm hướng đột phá

Là một nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu định hướng ứng dụng, mục tiêu số một của PGS Cảnh là  xây dựng giải pháp thiết kế thi công kết cấu tiết kiệm tối đa chi phí cho chủ đầu tư và nhìn rộng ra là mang lợi ích chung cho xã hội. Đó là lý do tại sao năm 2009, ngay khi còn là một nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ tại Anh, anh đã cùng bốn người bạn tại Việt Nam thành lập Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Lập Việt với 10 thành viên, chuyên tham gia thiết kế, tư vấn giải pháp kết cấu và nền móng an toàn và tiết kiệm cho các công trình xây dựng. Với phương châm đảm bảo an toàn cao nhất với chi phí tối ưu, Lập Việt luôn suy nghĩ để đưa ra những giải pháp thiết kế phù hợp cho từng công trình dựa trên những nghiên cứu khoa học lý thuyết của PGS Cảnh kết hợp với trải nghiệm thực tế của đồng nghiệp. 

Sau gần sáu năm thành lập, từ một công ty non trẻ, đến nay nhân viên Lập Việt đã lên con số 50; doanh thu trong công tác tư vấn tăng từng năm theo tỷ lệ 50%, doanh số năm 2014 đạt 15 tỷ, và năm 2015 dự kiến đạt 20 tỷ. Và theo thời gian, với những công trình đã thực hiện như thiết kế tối ưu kết cấu cho bốn tháp chung cư cao 27 tầng tại Quận 8, TP. HCM, tiết kiệm hơn 40 tỷ đồng, Lập Việt không chỉ tạo dựng được uy tín với các đối tác trong nước mà còn thu hút được sự chú ý của các đối tác nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Khi được hỏi, chìa khóa trong công nghệ mà anh đã sử dụng tại công trình Trung tâm Thương mại Cần Thơ, PGS Cảnh cho biết, vấn đề nằm ở tính phục hồi độ ma sát của từng loại đất khác nhau. Thông thường kỹ sư xây dựng sẽ dùng máy ép công nghiệp ép cọc xuống với tải dừng ép theo tiêu chuẩn (1,5 – 2,5)Ptk, tức lực ép sẽ gấp 1,5 – 2,5 lần so với khả năng chịu lực theo thiết kế của nền móng. Thông số 1,5 hoặc 2,5 chính là hệ số an toàn chịu lực. 

Tuy nhiên, tải dừng ép này chỉ phù hợp với nền đất tốt, cọc có sức kháng mũi là chính. Đối với các khu vực nền đất yếu như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực đất yếu tại TP.HCM thì cọc làm việc chủ yếu là sức kháng hông (lực ma sát xung quanh thân cọc với đất nền) nên để đạt được tải dừng ép (1,5 – 2,5)Ptk thì cọc phải hạ vào đất nền rất sâu, gây ra các hiện tượng cọc siêu dài rất lãng phí. 

Thực nghiệm cũng cho thấy, đối với cọc ma sát chỉ cần lực dừng ép là (0,8 -1,2)Ptk và khi cho cọc nghỉ để phục hồi lực ma sát sau 7 – 10 ngày thì sức chịu tải giới hạn có thể lên (2,0-2,5) Ptk, tiết kiệm cho chủ đầu tư đến 20% – 50% chi phí cọc và thời gian thi công. 

Tại sao vậy? Điều này được PGS Cảnh lý giải, đối với cọc ma sát, sức chịu tải chủ yếu là lực ma sát giữa đất và cọc. Khi chúng ta ép, lực ma sát không thể hiện đúng qua thông số lực ép do nền đất bị phá hoại, sự xáo trộn cấu trúc của đất và tốc độ ép cọc. Sau khi ép xong từ 7-10 ngày, dưới tác động của trọng lượng bản thân, nền đất có xu hướng cố kết làm cho lực ma sát giữa đất và cọc được phục hồi, làm tăng sức chịu tải của cọc.

Nguyên tắc thì rất đơn giản, nhưng làm sao tính chính xác được khả năng chịu lực của cọc, làm sao thuyết phục chủ đầu tư tin tưởng vào giải pháp mà bạn đưa ra, đó là câu chuyện của năng lực, từ năng lực nghiên cứu khoa học đến năng lực thi công, PGS Cảnh chia sẻ.

Trong vai trò PGS hay kỹ sư…

Là một PGS trẻ và rất hút sinh viên trên giảng đường Khoa Kỹ thuật xây dựng, ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cũng như những đề tài nghiên cứu, tuy vậy PGS Cảnh tự nhận cái chất của mình vẫn là một anh kỹ sư. “Là một kỹ sư, tôi thích lăn lộn vào cuộc sống. Tôi muốn giải những bài toán mà cuộc sống cần, tôi muốn những công trình nghiên cứu của tôi, của sinh viên do tôi hướng dẫn sát sườn với nhu cầu của doanh nghiệp. Có như vậy, khoa học mới có thể tồn tại và phát triển. Đây cũng là nguyên tắc chung của khoa học thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam,” PGS Cảnh nói. 

“Những kiến thức từ công việc khi làm với Lập Việt giúp tôi rất nhiều trong việc giảng dạy. Bài giảng của tôi có tính thực tế nên mang tính thuyết phục cao. Lý thuyết tôi có, thực tế tôi cũng đã trải nghiệm ngay tại các công trình lớn nhỏ ở Việt Nam, những điều này đem lại sự chú ý và quan tâm của sinh viên. Nó giúp tôi biết mình nên nghiên cứu như thế nào, nên hướng dẫn sinh viên, học viên của mình nghiên cứu như thế nào. Và ngược lại, việc nghiên cứu với tư cách là một PGS giúp tôi có thể đưa ra các giải pháp thiết kế an toàn hơn, tiết kiệm hơn để đem lại lợi ích cho các công trình,” PGS Cảnh chia sẻ.

Về lâu dài, điều PGS Cảnh thật sự mong muốn là có hẳn một doanh nghiệp/công ty trong viện nghiên cứu hoặc trường đại học. Đây là một mô hình khá phổ biến trên thế giới với tên gọi công ty công nghệ spin-off, được hiểu là các công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh, và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu và bán sản phẩm ra thị trường qua các kênh phân phối thích hợp. Hoặc ở quy mô thấp hơn, công ty spin-off có thể là một kênh trung gian để tiếp tục phát triển công nghệ nhằm chuyển giao tới các doanh nghiệp sản xuất lớn hơn. “Mô hình này giúp các nhà khoa học toàn tâm toàn ý dành hết công sức cho nghiên cứu. Nó không chỉ tốt cho nhà khoa học mà còn tốt cho nhà trường, viện nghiên cứu và cả một nền khoa học”, PGS Cảnh cho biết.

Cùng với những mong muốn nêu trên, PGS Cảnh còn nghĩ tới việc xây dựng và phổ biến đại trà một phần mềm phân tích kết cấu và nền móng công trình ở trạng thái giới hạn của mình để đem lại sự thuận lợi cho các kỹ sư Việt. “Trên thế giới, phần mềm tính toán Plaxis rất nổi tiếng nhưng không dễ sử dụng ở các khía cạnh kỹ thuật, hàng rào ngôn ngữ và tài chính (chi phí mua bản quyền phần mềm này không dưới 5.000 USD). Tôi sẽ xây dựng một phần mềm phân tích và thiết kế kết cấu và nền móng ở trạng thái giới hạn phù hợp hơn cho cộng đồng kỹ sư Việt”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)