Giáo dục STEM: Yêu cầu cấp thiết của thị trường lao động

Hiện nay, lo ngại robot hóa và tự động hóa khiến cho tỷ lệ thất nghiệp lên đến 50%, thậm chí 70% của nhiều nhà kinh tế và công nghệ cách đây vài năm đang dần trở thành hiện thực. Ngày càng có nhiều công việc yêu cầu ít kỹ năng, lặp đi lặp lại, lương thấp bị thay thế bởi robot và quy trình tự động hóa. Tuy vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng STEM1 lại không đủ đáp ứng cho thị trường lao động, cả hiện tại và trong thập niên tới. Lao động giản đơn dần dần bị đào thải

Robot ngày càng có khả năng thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Fortune.com

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, trên toàn thế giới có khoảng 1,5 tỷ việc làm đòi hỏi ít kỹ năng, lương thấp, chiếm 46% tổng số việc làm. Trong số này, trên 70% tập trung ở các nước Nam Á và châu Phi vùng hạ Sahara. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á được dự báo là sẽ tiếp tục tăng ổn định. Ở một số ngành nghề, số lượng việc làm ngày càng giảm đi như ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt, khai khoáng, và chế tạo lắp ráp.

Đối với các nước phát triển, thất nghiệp cũng là bài toán hóc búa của các chính phủ vì quá trình robot hóa, tự động hóa diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, như nhận xét của MacAfee và Brynjolfsson (MIT). Nếu như các nước chậm phát triển chịu nhiều ảnh hưởng của robot hóa thì các nước phát triển chịu ảnh hưởng bởi cả robot hóa và tự động hóa các quy trình, nhất là các quy trình văn phòng, và hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng.

Cơn lốc robot hóa và tự động hóa được cho là xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau: công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển theo cấp số mũ, nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho R&D, chi phí đầu tư cho robot hóa và tự động hóa ngày càng rẻ, hiệu quả về mặt kinh tế tăng khi năng suất lao động tăng, tỷ lệ sai sót trong sản xuất giảm, và rút ngắn thời gian sản xuất.

Trong một báo cáo vào tháng 01/2016 của Citibank và Đại học Oxford, nhiều khả năng 77% việc làm ở Trung Quốc, 72% việc làm ở Thái Lan và 69% việc làm ở Ấn Độ sẽ được thay thế bằng robot và tự động hóa do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, trong đó có kỹ thuật in 3D. Những minh chứng cho quá trình robot hóa, tự động hóa ngày càng nhiều, có thể liệt kê ra một số trường hợp điển hình như sau: 1) Hãng Foxconn, một tập đoàn gia công chính cho Apple, Google và Amazon đã thay 60,000 công nhân bằng robot, 2) Hãng Adidas may giày bằng robot, dự kiến di chuyển các nhà máy về lại Đức, 3) Hãng SoftWear Automation (Hoa Kỳ) với máy khâu tự động, một sự đe dọa với  các xưởng may gia công ở các nước Nam Á và Đông Nam Á, 4) một lãnh đạo của tập đoàn McDonald nói rằng, nếu lương tối thiểu ở Hoa Kỳ tăng lên 15 USD/giờ, đầu tư cho một cánh tay robot giá 35000 USD sẽ hiệu quả hơn cho công việc đóng gói khoai tây chiên, 5) Các công việc có tính chất lặp đi lặp lại trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kế toán ở các nước phát triển được thay thế dần bằng các quy trình tự động hóa, các phòng giao dịch ngân hàng trong tương lai gần sẽ không tồn tại nữa vì IoTs.

Thị trường lao động cần nhiều STEM hơn

Mặc dù robot và tự động hóa quy trình “lấy đi” việc làm của rất nhiều người, nhưng chính điều này cũng tạo ra nhiều việc làm mới, đòi hỏi nguồn lực lao động phải có những thay đổi để thích ứng với các yêu cầu mới của thị trường lao động. Một nghiên cứu của một giáo sư MIT tiến hành ở một xưởng sản xuất của BMW cho thấy sự phối hợp giữa con người và robot đem lại hiệu suất cao hơn nếu chỉ có hoàn toàn con người hoặc hoàn toàn robot trong xưởng.

Đơn cử như Hoa Kỳ, một thị trường lao động lớn và trình độ phát triển cao, hiện đang có sự mất cân đối lớn giữa nhu cầu tuyển dụng lao động có STEM và nguồn cung lao động. Báo cáo việc làm tháng Năm vừa qua của Hoa Kỳ cho thấy hiện có khoảng 5,8 triệu việc làm tìm ứng viên, phần lớn công việc này liên quan đến STEM trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, số lượng việc làm gắn với STEM ở Hoa Kỳ chiếm khoảng 50%, và theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu tuyển dụng việc làm STEM ở Hoa Kỳ tăng mỗi năm khoảng 17%. Để bù cho phần thiếu hụt, Chính phủ Hoa Kỳ có những chính sách thu hút du học sinh và những lao động nước ngoài có gắn với STEM.

Cộng đồng châu Âu cũng thấy được nhu cầu to lớn của thị trường lao động đối với STEM. Chương trình EU STEM Coalition cho biết, từ năm 2003 đến 2013, số lượng việc làm liên quan đến STEM tăng 12%, gấp ba lần với mức chung của EU. Tuy nhiên, nguồn lao động của châu Âu không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng liên quan quan đến STEM, nhất là trong lĩnh vực ICT.

Phát triển giáo dục STEM ở Việt Nam

Từ năm 2010, công ty DTT và anh Nguyễn Thế Trung, một người tâm huyết với giáo dục và công nghệ, đã đem chương trình STEM vào Việt Nam. Qua thời gian, tính hiệu quả của chương trình STEM đã thuyết phục được nhiều phụ huynh và học sinh: ở một số thành phố lớn, đã có các các trung tâm, câu lạc bộ theo mô hình STEM để hướng các bạn trẻ vui học và thực hành, tạo hứng thú với STEM.

Trong STEM, hai môn học quan trọng nhất là toán học và tin học (lập trình). Vì vậy để tạo sự yêu thích STEM, cần gợi mở cho học sinh thấy “vẻ đẹp” của tin học và toán học bên cạnh các ứng dụng khô khan. Thực tế cho thấy, các câu lạc bộ Robotics vận dụng kỹ năng lập trình và các đầu sách của Sputnik Education đang làm tốt công việc này và cần nhân rộng.

Trong một trao đổi gần đây với tác giả, GS Phạm Hi-Đức1, cho biết “chất liệu căn bản của STEM là con người, và Việt Nam có vẻ phù hợp vì truyền thống coi trọng việc học ở Việt Nam. Thêm vào đó, một số môn khoa học trong STEM được dạy lý thuyết khá tốt ở Việt Nam, minh chứng qua kết quả khảo sát PISA”.

Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, hướng phát triển giáo dục STEM có nhiều điều kiện thuận lợi. Nhờ có Internet, cơ hội tiếp cận các khóa học STEM cả lý thuyết và thực hành là như nhau ở các nước. Hiện có rất nhiều khóa học MOOC và các video hướng dẫn thực hành trên các trang web như YouTube. Không những thế, với kiến thức và kỹ năng STEM tốt, cơ hội việc làm rộng mở, không bị giới hạn về địa lý cho những công việc mang tính chất freelance, crowd working, tận dụng thời gian rảnh để giải đáp thắc mắc (như GotIt). Nói như vậy, có nghĩa một bạn trẻ ở Việt Nam hoàn toàn có thể học STEM và gia nhập thị trường lao động toàn cầu.

Tuy nhiên, theo GS Đức, một trở ngại trong việc học tập nói chung và STEM nói riêng, ở Việt Nam là quá coi trọng kiến thức đến từ người Thầy: “Việc học ngày nay phải đến từ ba nguồn: người Thầy, tự học (chẳng hạn qua mạng Internet), và thực hành ở hãng xưởng. Tùy giai đoạn và lĩnh vực mà vai trò của ba nguồn này khác nhau. Có khi Thầy chỉ có vai trò dẫn dắt chứ không truyền kiến thức được, vì chính Thầy có khi đã học cách đây cả chục năm. Những kiến thức trong STEM phát triển rất nhanh.”

Để đảm bảo cho sự phát triển thông minh, bền vững bao gồm tăng trưởng kinh tế và việc làm chất lượng cho thế hệ trẻ, cần có nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ sự phát triển của giáo dục STEM, trong đó việc lồng ghép STEM vào chương trình giáo dục chính thức, từ độ tuổi thấp nhất có thể, đang là điều cần thiết mà nhiều nước đang thực hiện. Mặc dù không có mô hình mẫu cho tất cả các quốc gia, nhưng cách tiếp cận “bottom-up”, hay xác định những nhân tố thúc đẩy chính cho STEM, mỗi quốc gia có câu trả lời cho riêng mình. Cũng cần lưu ý rằng, trong đào tạo STEM, không được quên các kỹ năng mềm đa dụng như giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp trong môi trường kinh doanh hiện đại, khả năng sáng tạo, khả năng linh hoạt và đầu óc doanh nhân. 

——————————————————————————————————-

1. Trưởng khoa tính toán định lượng & tài chính trường kỹ sư ECE Paris, chủ nhiệm chương trình tài chính định lượng tại viện JVN (Tp.HCM)
Tài liệu tham khảo:
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=8267&CategoryID=6
http://www.csreurope.org/sites/default/files/uploads/EU%20STEM%20Coalition%20-%20Brochure%202016.pdf
https://www.brookings.edu/wp-content/uploads/2016/06/TheHiddenSTEMEconomy610.pdf
http://www.ilo.org/wcmsp5/groups/ public/-dgreports/-dcomm/-publ/documents/publication/wcms_443480.pdf
http://www.ilo.org/wcmsp5/groups/ public/-dgreports/-dcomm/-publ/documents/publication/wcms_337069.pdf
http://www.oxfordmartin.ox.ac.uk/ downloads/reports/Citi_GPS_Technology_Work_2.pdf

Tác giả