Gilauri và những giải pháp chống tham nhũng tại Grudia
Là một đất nước nhỏ bé nhưng Grudia chính là quê hương của Stalin, đồng thời là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ cho các thi hào Pushkin và Lermontov. Từng là một trong 15 nước cộng hòa của Liên Xô cũ, Grudia có những địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất thời Xô viết, chỉ dành cho các ủy viên Bộ Chính trị hay lãnh đạo cao cấp nhất Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, đất nước này rơi vào cảnh kiệt quệ và tăng trưởng âm. Tuy nhiên, ngày nay Grudia đã lột xác, tiến đến các tiêu chuẩn của EU nhờ vào những người lãnh đạo đầy tài năng, nhiệt huyết, và đặc biệt còn rất trẻ, mới chỉ hơn 30 tuổi. Trong đó phải kể đến vị Thủ tướng Nika Gilauri, một gương mặt không kém phần ấn tượng so với Tổng thống Justin Trudeau của Canada hay Emmanuel Macron của Pháp.
Thủ tướng Grudia Nika Gilauri.
Nika Gilauri sinh năm 1975, chỉ mới 29 tuổi khi bắt đầu sự nghiệp lãnh đạo cấp cao với vị trí Bộ trưởng Năng lượng. Ông đã đưa Grudia trong vòng tám năm từ một đất nước trì trệ trở thành một quán quân trong khu vực. Không những có tài lãnh đạo, ông còn thuyết phục người nghe bằng tiếng Anh lưu loát, với cách nói khúc triết, giản dị, dí dỏm, thẳng thắn và rất sắc bén trong trả lời các câu hỏi đặt ra.
Nika Gilauri bắt đầu nhiệm kỳ bốn năm làm Bộ trưởng Năng lượng (2004-2007) trong bối cảnh Grudia vẫn “nguyên sơ” như thời tiền sử, thường xuyên mất điện cả tháng. Sau đó, ông làm Bộ trưởng Tài chính (2007-2009), tiếp nhận một ngân khố rỗng không. Rồi đến chức Phó Thủ tướng thứ nhất (2008-2009) và Thủ tướng (2009-2012) khi đất nước có GDP tăng trưởng âm (-) 9%. Sau nhiệm kỳ của ông, Grudia trở thành nước xuất khẩu năng lượng, GDP tăng 25% với mức tăng có năm cao nhất tới 12%, năm cuối nhiệm kỳ (2012) tăng 8%, và hiện tăng 5% ổn định trong hai năm gần đây. Trước đây Grudia đứng trong nhóm các nước tham nhũng cao như Philippines, Việt Nam, Bangladesh v.v, nay chỉ xếp sau Mỹ và nhóm các nước ít tham nhũng nhất như các nước Bắc Âu, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore.
Vậy bằng cách nào Grudia có được những bước tiến thần kỳ như vậy dưới sự lãnh đạo của Gilauri? Câu trả lời là “Nếu không có tham nhũng thì tăng trưởng của toàn cầu sẽ gấp đôi” và “Chỉ cải cách mới mang lại phát triển”. Nhưng chống tham nhũng như thế nào và cải cách ra sao, đó mới là thách thức cho chính phủ. Dưới đây là những cách mà chính phủ của Thủ tướng Gilauri đã làm và những bài học ông rút ra để chia sẻ.
1. Các quan chức phải đoạn tuyệt và cách ly với doanh nghiệp. Nếu trước khi bước vào “cửa quan” mà có cổ phần hay kinh doanh gì thì phải tuyên thệ từ bỏ hết. Chính phủ thiết lập một hệ thống kiểm soát sự trung thực của cán bộ.
2. Chính phủ phải được tổ chức và điều hành như một doanh nghiệp, nghĩa là lương thưởng theo trách nhiệm và thành tích, ai không làm được sẽ bị sa thải ngay lập tức. Rất hạn chế sử dụng lãnh đạo và nhân viên từng làm trong hệ thống hành chính kiểu cũ vì họ vẫn giữ tư duy cũ và bám lấy hệ thống vận hành cũ như gia đình mình. Lương công chức rất cao, đảm bảo sự ổn định và đủ nuôi sống cả gia đình, qua đó giảm thiểu khả năng nảy sinh ý đồ tham nhũng. Theo điều tra thì phần lớn những cơ quan thời trước chỉ có khoảng năm cán bộ thực sự làm việc, những người khác chỉ là khâu nối chạy đèn cù vòng quanh năm người này, vậy nên Chính phủ mới sa thải hết, chỉ giữ lại những người thực sự làm việc và cho họ hưởng lương tương đương với cả cơ quan ngày trước. Một ví dụ khác là ngành cảnh sát giao thông. Toàn bộ cảnh sát bị sa thải chỉ trong một ngày. Ba tháng liền không có CSGT mà giao thông lại tốt lên. Sau sáu tháng, một cơ quan CSGT mới được thành lập. Trước đây bất kỳ một ai tham gia giao thông cũng phải tốn ít nhất 1USD/ngày cho CSGT mà không vì bất cứ sai phạm nào. Nay CSGT là tổ chức đứng thứ hai, chỉ sau Nhà thờ, chiếm được lòng tin cao nhất của xã hội. Đây thực sự là những liệu pháp mạnh, có thể quá mạnh, và có thể là một trong những lý do khiến Chính phủ của Gilauri đã thua trong cuộc bầu cử 2012. Bài học rút ra là Chính phủ cũng cần biết điểm dừng ở đâu trong các quyết sách cải cách của mình.
3. Đơn giản hóa các thủ tục và luật lệ. Khẩu hiệu là “đơn giản hóa chính là thủ tục thông minh nhất”. Đừng chờ CNTT phát triển và đừng ngụy biện là CNTT mới là đơn giản hóa. CNTT chỉ là bước tiếp theo, là công cụ cho quá trình đơn giản hóa thủ tục. Thủ tục càng đơn giản, nhân viên càng không có kẽ hở để tham nhũng. Rất nhiều ví dụ cho việc này, điển hình trong số đó là thủ tục hải quan. Nếu như năm 2004, xuất khẩu hàng đầu của Grudia là sắt phế liệu, thì năm 2014 là ôtô, mặc dù Grudia không có công nghiệp sản xuất hay lắp ráp ôtô. Nguyên nhân là thủ tục hải quan cho xuất nhập xe ở Grudia chỉ mất đúng 40 phút, do vậy cả khu vực đổ về Grudia để mua bán xe theo hình thức: nhập, mua rồi xuất ngay lập tức. Chính phủ không mấy quan tâm là liệu hàng hóa kiểu này có thực sự đáng được gọi là “xuất khẩu thứ thiệt” không, điều quan trọng là nó mang lại nguồn thu và tạo việc làm trong nước: kết quả thực tế là dịch vụ này đã tạo ra 20.000 việc làm và lượng thu thuế khổng lồ cho nhà nước.
4. Tạo lập một chính phủ vì dân phục vụ (citizen-oriented). Chính phủ không ôm đồm các dịch vụ. Chúng được thuê ngoài (outsourcing), theo đó được thực hiện hiệu quả hơn và chuyên nghiệp hơn. Các công ty cung cấp dịch vụ được yêu cầu tuyển nhân viên trẻ, có tiếng Anh, năng động. Do vậy chất lượng dịch vụ được nâng cao rất nhiều, mang đẳng cấp quốc tế.
5. Cải cách, tư nhân hóa và cổ phần hóa, tái đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên của cải cách về cơ sở hạ tầng. Chìa khóa thực hiện thành công việc này là bắt đầu cải cách từ hàng ngũ lãnh đạo các ngành và doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu các ngành đề xuất các dự án mới để Chính phủ xem xét đầu tư. Có mấy ví dụ được đưa ra. Trước hết là ngành đường sắt. Khi Grudia vừa có ý định tư nhân hóa đường sắt thì nước láng giềng Azerbaijan đã tiếp cận với quan điểm đặt giá cao bao nhiêu cũng mua. Chính phủ thấy nguy cơ rủi ro cao nên dừng ngay lại để tìm phương án khác. Lời giải rất đơn giản là không tư nhân hóa ngành đường sắt nhưng buộc doanh nghiệp nhà nước này phải phát hành trái phiếu trên thị trường châu Âu. Ngay lập tức, doanh nghiệp thay toàn bộ lãnh đạo, mọi thay đổi xảy ra chóng mặt: sạch sẽ, đúng giờ, an toàn… theo đúng tiêu chuẩn châu Âu. Ví dụ thứ hai là cải cách giáo dục. Nguyên tắc đầu tư là “tiền chạy theo sinh viên”. Nghĩa là thay vì cấp kinh phí cho các trường, Chính phủ phát voucher cho sinh viên (chu cấp học phí). Sinh viên có thể đi học bất cứ nơi đâu trong hay ngoài nước, bất cứ trường nào. Điều này tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các trường. Trường tốt sẽ có sinh viên đến và mang theo tiền đóng cho trường để sinh tồn. Trường kém sẽ phá sản tự đóng cửa. Sinh viên dễ dàng được nhập học, nhưng thi tốt nghiệp mới là quyết định. Ra trường sinh viên có được nhận vào làm việc hay không là phụ thuộc vào CV, bảng điểm và kết quả phỏng vấn việc làm. Vì vậy sinh viên phải chọn trường tốt, có tiếng tăm, chương trình đào tạo bài bản và toàn diện. Thêm vào đó hằng năm đích danh Tổng thống xếp hạng các trường: top 10% sẽ có giải thưởng, Hiệu trưởng các trường 10% cuối bảng sẽ bị sa thải. Ví dụ nữa là lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe, trong đó cải cách theo ba hướng: thiết lập các trung tâm y tế vùng theo nhóm (cluster) thay vì đầu tư dàn trải; tư nhân hóa; và áp dụng phương thức hợp tác công tư (PPP). An ninh năng lượng cũng là một lĩnh vực ưu tiên cao bị yêu cầu phải cải cách triệt để. Chính phủ Grudia đã rất sáng suốt chọn ra những lĩnh vực ưu tiên cải cách, đặc biệt đối với chất lượng dân số và cuộc sống.
———–
Ông Gilauri có bài nói chuyện tại Ngân hàng Phát triển châu Á ngày 17/3/2017 và tạo ấn tượng mạnh khi nhanh chóng và sắc sảo trả lời các câu hỏi đặt ra. Sau đây là một số nội dung hỏi đáp cụ thể:
Câu hỏi: ADB hay các nhà tài trợ khác có thể làm gì để giúp Grudia và các nước nói chung, đấu tranh chống tham nhũng thành công?
Trả lời: Có ba yếu tố trong chống tham nhũng: (i) Chống tham nhũng phải được Chính phủ nhận thức như là căn bệnh nội tại, là vấn đề quốc gia chứ không được trông chờ cứu giúp bên ngoài, (ii) Xã hội đã chán ngán và bất bình cực điểm với tham nhũng, và (iii) Lãnh đạo đất nước phải là người trong sạch với bộ máy giúp việc có năng lực. Nếu không có ba yếu tố này, ADB hay bất cứ định chế tài chính quốc tế nào cũng không giúp được gì.
Làm thế nào để thay đổi Grudia từ một xã hội dựa trên văn hóa ứng xử (kiểu phương Đông) sang xã hội dựa trên luật pháp?
Giáo dục và nhận thức, cộng với thành tựu kinh tế. Nếu như cách đây 10 năm hỏi các cậu bé muốn làm gì khi lớn lên thì hơn 90% sẽ bảo: muốn thành đại gia (hay đứng đầu các tổ chức Mafia theo tiếng Grudia), còn 99% các cô bé sẽ bảo muốn trở thành vợ của các đại gia. Chỉ sau sáu năm, cũng với câu hỏi đó, các học sinh trả lời là muốn trở thành cảnh sát, luật sư, bác sỹ hay nhà ngoại giao. Rõ ràng xã hội đã thay đổi một cách căn bản.
Liệu chính phủ trong sạch mà ngài đã thiết lập có đứng vững được lâu? Liệu bao lâu nữa Grudia sẽ được như Singapore?
Chắc chắn là có, dù hiện nay có Tổng thống và Thủ tướng khác. Khi đã có một chính phủ trong sạch nhận được sự tín nhiệm của nhân dân thì xã hội sẽ không bao giờ chấp nhận để tham nhũng quay trở lại. Họ đã thấy sự khác biệt và họ không cho phép tham nhũng xảy ra nữa. Tôi tin tưởng rằng những cải cách tôi thực hiện sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Nhưng Chính phủ mới cần tiếp tục cải cách, không bao giờ được phép thỏa mãn và dừng cải cách, phải cải cách những thứ đã được cải cách. Cải cách tạo ra thời cơ. Chỉ có cải cách mới có tăng trưởng. Hiện nay Grudia đang tăng trưởng 3-4%/năm. Phải đạt mức tăng trưởng 7-8% thì mới có thể trở thành Singapore được.
Xin cám ơn!
————
*TS. Trần Thị Thanh Phương, Chuyên gia môi trường cao cấp, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Bài viết này được tác giả lược ghi theo phát biểu của Thủ tướng Grudia Nika Gilauri tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ngày 17/03/2017.
Chú thích:
Số liệu và thông tin sử dụng trong bài được tham khảo tại website www.reformatics.com
Sách tham khảo: Nika Gilauri, Practical Economics: Economic Transformation and Government Reform in Georgia 2004–2012, Palgrave Macmillan, 2017.