Giới trẻ Hong Kong bỏ nghề văn phòng theo nghề nông
Ling Yin Kung ngày ngày lui tới Society of Indigenous Learning, một nông trại cộng đồng rộng chừng 2.800m2 ở Sheng Shui lúc 9h sáng để thu hoạch rau củ.
Fai Hui làm có bắp tại nông trại hữu cơ Wildroots của ông.
Thu nhập của người đàn ông 29 tuổi này chỉ bằng một nửa so với thu nhập hồi anh còn làm tiếp viên hàng không. Nhưng đối với anh, thay đổi cách ăn của người dân ở Hong Kong, một đô thị phải nhập hơn 90% thực phẩm, là một đánh đổi đáng giá.
“Tôi muốn tìm ra một phương thức tự túc nhiều hơn vào lúc này, và để biết nhiều hơn về thực phẩm của thế giới – chớ không phải McDonald’s hay KFC”, anh nói. “Tôi không mua nổi một căn hộ. Nhưng rồi tôi tự hỏi, liệu mình có phải bỏ ra cả đời chỉ để mua một căn hộở Hong Kong”, Kung giải thích thêm.
Kung là một phần của thế hệ nông dân có ăn học ở Hong Kong. Ít người trong số họ có kinh nghiệm làm thứ công việc chân lấm tay bùn. Họ đang đánh đổi cuộc sống “cổ cồn trắng” để làm việc thủ công ngoài trời trong nhiều giờ liền. Một số bị vỡ mộng vì công việc văn phòng sạch sẽ, một số quay về với đất đai để bảo vệ một lối sống đang biến mất, trong khi một số khác chỉ đơn giản muốn làm điều gì đó có ý nghĩa cá nhân hơn.
Chưa có con số chính thức từ chính phủ, nhưng Kung ước tính có khoảng 100 người trẻ hiện đang dành ra ít nhất là bán thời gian để làm ở các nông trại khắp Hong Kong. Họ đối mặt với một trận chiến quyết liệt ở thành phố, nơi mà các nhà phát triển bất động sản đang quơ quào đất với những mức giá kỷ lục. Nhưng những người chấp nhận thách thức này đang sống cuộc đời mới với nghề nông.Họ đang góp phần làm cho nghề nông chậm suy thoái trong nhiều thập kỷ qua.
Ở Sheng Shui, Fai Hui là một trong những nông dân chứng tỏ điều đó có thể thành hiện thực. Ông nông dân 47 tuổi này dành chín tháng để làm quen với các dân làng địa phương, trước khi tìm được một lô đất rộng 3.250m2 để lập nông trại hữu cơ Wildroots, một không gian xanh có một hướng nhìn thấy núi, còn hướng kia là nhà cao tầng. Giờ đây Hui chia thời gian của ông làm hai phần: dành cho nông trại và đô thị, nơi ông mở các lớp huấn luyện cho sinh viên đại học và tư vấn cho các dự án canh tác trên sân thượng.
Khi phóng viên Coconuts HK đến thăm vào một ngày cuối tuần mới đây, Hui đang lui cui dùng cuốc vun gốc cho các cây bắp non. Ông thường làm việc chung với một nông dân “tập sự” Kit Wong, 38 tuổi, một nhà thiết kế đồ hoạ tự do, muốn gần gũi với thiên nhiên sau bao năm miệt mài 8 giờ mỗi ngày trước máy tính và Angeline Chan (26 tuổi), một nông dân tập sự khác đang dự tính bỏ nghề luật sư để theo học nghề nông. Họ đã làm quen với nông dân láng giềng vốn theo nghề từ những ngày nghề nông còn thịnh.
Mặc dầu hàng xóm không chia sẻ các phương pháp hữu cơ, nhưng Hui biết kiến thức ông ấy có được qua nhiều thập kỷ trồng rau xanh và hoa là vô giá. Những nông dân như Kit và Angeline là niềm hy vọng để giữ nghiệp nhà nông. “Vài năm nữa, ông ấy về hưu trong khi nhà ông ấy không ai nắm được bí quyết. Tuy không trồng những loại cây giống nhau, nhưng chúng tôi đã học hỏi nhiều điều của ông ấy”, Hui nói.
Đặng Kính (theo TGTT)