Grab và chặng đường chinh phục thị trường Đông Nam Á

GrabTaxi hiển nhiên là một trong những startup “siêu sao” của khu vực Đông Nam Á – và họ đã không ngần ngại chứng tỏ điều này trong buổi ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới đầy sôi động vào cuối tháng 1 vừa qua, theo đó ứng dụng này sẽ mang một cái tên mới hấp dẫn hơn: Grab.

Một đêm thứ sáu. Trời mưa tầm tã. Bạn vừa rời khỏi quán nhậu và muốn tìm một chiếc taxi để về nhà. Nhưng phố phường vắng hoe. Bạn khổ sở loay hoay một mình trong màn mưa đêm lạnh giá.

Trên đây là một trong những tình huống phổ biến với nhiều người và là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của GrabTaxi tại Kuala Lumpur vào năm 2011 – CEO kiêm nhà sáng lập startup này, Anthony Tan, chia sẻ. Ba năm rưỡi sau đó, tính tới giờ ứng dụng này đã có tới 11 triệu lượt tải và 200.000 tài xế hoạt động trên 6 quốc gia. GrabTaxi đã trở thành một sự thách thức không nhỏ đối với “ông lớn” Uber. Tháng 10/2015, tạp chí TechinAsia cho hay ứng dụng có gốc gác từ Malaysia này không chỉ đang dần bắt kịp mà thậm chí còn có khả năng “vượt mặt” Uber trên thị trường Đông Nam Á.

GrabTaxi hiển nhiên là một trong những startup “siêu sao” của khu vực Đông Nam Á – và họ đã không ngần ngại chứng tỏ điều này trong buổi ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới đầy sôi động vào cuối tháng 1 vừa qua, theo đó ứng dụng này sẽ mang một cái tên mới hấp dẫn hơn: Grab.

Tuy vậy, song nhà đồng sáng lập Tan Hooi Ling lại thú thực rằng đằng sau thành công của họ không có điều gì bí mật cả. Tất cả vẫn chỉ nhờ vào lòng kiên trì mà thôi. Cô nói: “Nếu bạn muốn biết tại sao chúng tôi lại thành công đến vậy, thì lý do là đây: chúng tôi không ngừng nỗ lực. Chúng tôi không sáng tạo ra một mô hình nào rồi ngồi tưởng tượng rằng ngay khi vừa ra mắt nó đã đốn gục trái tim của tất cả mọi người.”

Triết lý hoạt động của công ty rất đơn giản: Hãy giải quyết những vấn đề xung quanh mình.

Và một trong những vấn đề đầu tiên mà Grab muốn giải quyết là vấn đề an toàn. Trước khi Grab ra đời, một phụ nữ trẻ như Tan Hooi Ling khi bắt taxi về khuya trên đường phố Kuala Lumpur thường sẽ phải vừa ngồi trên xe vừa giả vờ như đang nói chuyện qua điện thoại với một ai đó. Có thể coi đây là một cách “bắn tin” với người tài xế xa lạ đang ngồi sau vô-lăng rằng có người biết cô đang ngồi trong xe taxi và nếu có điều gì bất thường xảy ra thì người đó sẽ biết ngay. Sau khi ra mắt GrabTaxi ở Malaysia – ban đầu, ứng dụng này mang một cái tên rất “địa phương” là MyTeksi – ban lãnh đạo công ty nhận thấy đây là một nỗi sợ rất phổ biến ở các quốc gia khác như Thái Lan hay Philippines. Từ đó, họ quyết định mở rộng hoạt động sang các quốc gia này.

Để làm được điều đó, trước tiên phải nhận diện và “chẩn đoán” được một vấn đề mà người dân ở một khu vực gặp phải, sau đó tìm ra giải pháp đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của dân trong khu vực đó. Chẳng hạn, trong những ngày đầu hoạt động, các nhà sáng lập của Grab phải đi tới từng quán cà phê, địa điểm dừng chân quen thuộc của cánh tài xế taxi mỗi khi rảnh rỗi. Họ lại gần bắt chuyện rồi chạy thử ứng dụng và thuyết phục các tài xế thử dùng xem sao. Thậm chí họ còn phải hướng dẫn một số tài xế chưa quen công nghệ cách bật smartphone như thế nào!

Tan Hooi Ling nhớ lại: “Những buổi ban đầu ấy… ai cũng nghĩ rằng chúng tôi bị mất trí. Mà đúng là chúng tôi bị mất trí thật… nhưng theo một nghĩa tốt.”

Còn giờ đây, các đội phụ trách sản phẩm và thiết kế của Grab đang tích cực tìm đến với những hành khách và tài xế ở 6 quốc gia mà Grab hoạt động để tìm hiểu xem điều gì đã khiến họ sử dụng hay không sử dụng ứng dụng này.

“Bằng cách lắng nghe, chúng tôi có thể ngày càng phát triển thêm nữa”, Anthony Tan chia sẻ. Nhờ lắng nghe mà Grab đã có thể ra mắt ứng dụng gọi xe ôm đầu tiên trong khu vực, ban đầu là ở Việt Nam và sau đó mở rộng sang Indonesia. Hành khách ở các quốc gia này thường thích bắt xe ôm hơn taxi bởi xe máy có thể dễ dàng “luồn lách” qua những làn đường đông đúc. Hiện nay Grab đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ ứng dụng Go-Jek của Indonesia. Theo dự đoán của các nhà lãnh đạo Grab, tới cuối năm 2016, Go-Jek sẽ “nuốt gọn” 50% thị phần trong phân khúc gọi xe taxi/ xe ôm ở Indonesia. Có lẽ đây là một dự đoán có phần hơi quá, bởi những gì mà Grab đã và đang làm được gần đây đã giúp họ ngày càng vững chân hơn trên thị trường.

Mới đây nhất, Grab tổ chức Grab Freedom Day, một hoạt động quyên góp vốn để thành lập các phòng thí nghiệm có nhiệm vụ tìm ra các giải pháp di chuyển dành riêng cho người khuyết tật.

Liên tục đánh giá và điều chỉnh là một quá trình đầy mệt mỏi. Làm sao để kiên trì đây? Theo Tan Hooi Ling, niềm đam mê là nhân tố quan trọng nhất. Cô nói: “Với tất cả những ai đang nghĩ đến chuyện khởi nghiệp, theo tôi điều quan trọng nhất là bạn hãy nghĩ xem vì lý do gì mà bạn muốn khởi nghiệp. Trên chặng đường gian nan này, cách duy nhất để bạn đưa mình tiến lên phía trước là bạn phải có niềm đam mê.”

Bùi Trang dịch

Nguồn: http://inc-asean.com/grab-for-glory-how-a-malaysian-start-up-is-winning-against-uber/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)