Hackathon Việt Nam 2014: Cơ hội khởi nghiệp cho các kỹ sư CNTT

Nói về cuộc thi CNTT Hackathon năm 2014 trong hai ngày 1 và 2/8 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, cuộc thi là cơ hội để từ đó các thí sinh, có thể hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) trên thế giới, Việt Nam đang trỗi dậy là một quốc gia có mức độ sử dụng internet tăng cao với sự thành lập của hàng loạt công ty khởi nghiệp để đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Nhằm hỗ trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp này, một dự án dài hơi đang được thực hiện bởi quỹ đầu tư Formation 8 với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN Việt Nam (thông qua Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ – FIRST với vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới), Silicon Valley và cộng đồng doanh nhân trẻ.

Nằm trong khuôn khổ dự án này, sáng 1/8, sự kiện Hackathon Việt Nam 2014 đã được tổ chức đồng thời tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Được khởi động từ tháng 6/2014, Hackathon đã thu hút sự quan tâm của hơn 1.000 thí sinh là các kĩ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam trong lĩnh vực CNTT tham gia. Sau hơn một tháng làm việc, ban tổ chức đã lựa chọn ra 400 cá nhân xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết.

Trong vòng thi chung kết, dưới sự giúp đỡ của những kĩ sư hàng đầu tại Silicon Valley, thí sinh đã cùng nhau lập trình theo nhóm liên tục trong vòng 24 giờ để tìm ra các đội xuất sắc. Sản phẩm của cuộc thi (phần mềm ứng dụng, game mobile, trò chơi trực tuyến…) sẽ được ban tổ chức đánh giá, xem xét để có hướng phát triển mới nếu như có tính thực tiễn cao.

Giá trị giải thưởng cuộc thi bao gồm: giải nhất là một chuyến đi học tập, khảo sát tại các doanh nghiệp CNTT tại thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) dành cho hai đội đạt giải nhất; hai giải nhì trị giá 800 triệu đồng; và hai giải ba trị giá 500 triệu đồng; giải thưởng được chia đều cho các đội ở hai điểm thi.

Kết quả, giải nhất tại Hà Nội được trao cho đội Voicepedia với ý tưởng “Sử dụng giọng nói để truy cập tìm kiếm thông tin tại Wikipedia”. Tại TP HCM, giải nhất đã thuộc về đội Tapay với ý tưởng “giúp người dùng không cần đến tiền mặt hay thẻ khi mua bán, giao dịch; tất cả các thông tin từ người dùng sẽ được mã hóa bằng app điện thoại và chuyển đến một máy chủ. Máy chủ sẽ đưa dữ liệu đến các cửa hàng, khách sạn, shop,… Khi đó việc thanh toán chỉ đơn thuần là thao tác trên điện thoại, giúp tiết kiệm thời gian của người sử dụng”.

Trả lời phỏng vấn tại Lễ khai mạc cuộc thi, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cho rằng cuộc thi là cơ hội để từ đó các thí sinh, có thể hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Sau này, những doanh nghiệp đó sẽ đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT và công nghệ phần mềm trong nước.

“Hackathon Việt Nam được xem là nơi các bạn trẻ thể hiện đam mê sáng tạo của mình; phô diễn năng lực liên kết nhóm; và đặc biệt là chứng minh được khả năng biến những đam mê thành sản phẩm cụ thể để tranh tài. Hackathon Việt Nam cũng là nơi phát đi thông điệp với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam năng động, sáng tạo, và đang nỗ lực phát triển đất nước bằng tri thức, KH&CN,” ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ KH&CN sẽ đưa Hackathon Việt Nam trở thành một điểm hẹn trong những năm tiếp theo cho cộng đồng sáng tạo trong nước được tranh tài, học hỏi và liên kết chặt chẽ với nhau và kết nối với thế giới.

Tác giả