Hai ý tưởng hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam được tài trợ

Hai trong số ba ý tưởng giành chiến thắng tại cuộc thi dành cho các nhóm khởi nghiệp được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hệ sinh thái khởi nghiệp Mê kông (Mekong Entrepreneurial Ecosystem Summit) thuộc về Việt Nam: CrowdFactory của Đỗ Trần Anh Minh – TechinAsia và  Mekong Agri Tigers Vũ Kim Anh – Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ khởi nghiệp (BSA). Cả hai dự án đều được cấp kinh phí tài trợ.  

Tại cuộc thi lần này, có 30 ý tưởng của các nhóm khởi nghiệp được đề xuất. Qua việc bình chọn một cách công khai, Ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hệ sinh thái khởi nghiệp Mê kông đã chọn ra được 10 ý tưởng xuất sắc nhất vào vòng chung kết, bao gồm một ý tưởng từ Lào, một ý tưởng từ Thái Lan, hai ý tưởng từ Campuchia, hai ý tưởng từ Myanmar và chủ nhà Việt Nam – bốn ý tưởng.

Theo quy định của Ban tổ chức, trên tinh thần sáng kiến chung dành cho khu vực, mỗi người khởi xướng ý tưởng có nhiệm vụ thuyết phục các đại biểu còn lại tham gia phát triển và hoàn thiện ý tưởng của mình, với điều kiện có ít nhất ba quốc gia cùng tham gia vào ý tưởng đó.

Buổi chấm thi chung kết đã diễn ra vào chiều ngày 13/6/2015 tại American Center (TP.HCM). Trong vòng bảy phút, mỗi đội có nhiệm vụ trình bày trước Hội đồng giám khảo những tác động của sáng kiến với cộng đồng khởi nghiệp, vai trò của các đối tác đến từ các quốc gia trong khu vực, tính bền vững của sáng kiến và kế hoạch tài chính để triển khai trong thực tế. Với thành phần đa dạng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và kinh nghiệm khác nhau từ mỗi quốc gia, các sáng kiến chung này đã đem lại nhiều gợi ý mới mẻ cho khả năng liên kết xuyên biên giới trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

Cuối cùng, ba trong số các ý tưởng này đã được Hội đồng giám khảo chọn trao kinh phí hỗ trợ thực hiện, đó là  CrowdFactory của Đỗ Trần Anh Minh – TechinAsia, Mekong’s Next Top Mentor của Souphaphone Souannavong (Nana) – Toh-Lao và  Mekong Agri Tigers của Vũ Kim Anh – BSA.

Ý tưởng CrowdFactory bao gồm ba hợp phần là CrowdPitch, CrowdCoach và CrowdData. CrowdPitch là hoạt động giúp các nhóm khởi nghiệp có cơ hội luyện tập giới thiệu dự án của mình trực tiếp đến cộng đồng. Sẽ có nhiều buổi được tổ chức hàng năm (tùy theo tình hình của từng nước) và mỗi buổi sẽ có bốn nhóm khởi nghiệp tham gia giới thiệu. Người xem trả tiền mua vé và 75% số tiền này sẽ được đầu tư trực tiếp cho nhóm khởi nghiệp mà họ yêu thích nhất. Thực chất, đây là hoạt động gọi quỹ cộng đồng trực tiếp.

CrowdCoach là hoạt động song hành cùng CrowdPitch. Người đạt thứ hạng cao nhất trong CrowdPitch sẽ được tham dự CrowdCoach, nơi họ có dịp trao đổi trực tiếp và được tư vấn sâu với bốn cố vấn trong thời lượng hai tiếng đồng hồ. Hoạt động này được hỗ trợ bởi CrowdData, là các tổ chức địa phương chuyên tập hợp các nhóm khởi nghiệp và cố vấn. Với data thu thập trong hoạt động của mình về hệ sinh thái, CrowdData hỗ trợ và đảm bảo sự vận hành lâu dài của các hoạt động thuộc CrowdFactory.

Sáng kiến của Đỗ Trần Anh Minh (TechinAsia) đã thu hút được các đối tác: SHIELD (Việt Nam), GET – Global Entrepreneurship (Thái Lan), Toh-Lao (Lào), MCIA (Myanmar), MYEA (Myanmar), Startup.vn (Việt Nam), SmallWorld (Campuchia).

Theo nhận định của ban giám khảo,  tác động của dự án rất rõ ràng, mang tính kết nối và tác động trực tiếp tới các nhóm khởi nghiệp. Số tiền nhận được từ mỗi buổi CrowdPitch không nhiều nhưng cơ hội để tương tác trực tiếp với công chúng đa dạng của cộng đồng khởi nghiệp lại rất rộng và liên tục. Mô hình đơn giản, dễ nhân rộng ở nhiều nước, quy mô vốn huy động cũng có điều kiện tăng lên khi tập hợp được đám đông tham gia có điều kiện tài chính tốt hơn. Tính cam kết và thuyết phục của nhóm rất cao. Không chỉ người đứng dầu nhóm (Đỗ Trần Anh Minh) nổi bật và quen thuộc trong cộng đồng khởi nghiệp mà còn có sự tham gia của các đối tác tin cậy khác trong khu vực. Vì vậy, ý tưởng đã nhận được kinh phí tài trợ là 7.500 đô la.

Ý tưởng thứ hai được đánh giá cao là Mekong’s Next Top Mentor, đây là chương trình tư vấn khu vực kéo dài trong ba ngày, tổ chức tại Lào với sự tham gia của 50 đại diện từ Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia, Myanmar và Việt Nam. Các cố vấn chính là những ngôi sao khởi nghiệp từ Mekong (cụ thể là Patai, Krating và Tiwa từ Thái Lan; Nguyễn Hải Triều từ Việt Nam; và La Min Oo từ Myanmar). Đây cũng là cơ hội để kết nối các nhóm khởi nghiệp với nhà đầu tư. Mục tiêu của chương trình là tư vấn cho các nhóm khởi nghiệp với kinh nghiệm đa dạng của nhóm cố vấn, tác động đến cách tư duy của các nhóm khởi nghiệp công nghệ, cải thiện mối liên kết giữa các nhóm khởi nghiệp trong khu vực. Các nhóm khởi nghiệp này sẽ lại trở thành cố vấn cho các nhóm khởi nghiệp khác, đồng thời đóng góp kinh phí để tổ chức cho các chương trình tiếp theo.

Sáng kiến của Souphaphone Souannavong (Nana) – Toh-Lao thu hút được các đối tác trong khu vực: MCPA, I BIZ (Myanmar), HUBBA Co-working space, Phòng Thương mại tỉnh KhonKaen, PIMAN Group (Thái Lan). 

Ban giám khảo cho rằng, tác động của ý tưởng rõ rệt không chỉ đối với các nhóm khởi nghiệp mà cả với hệ sinh thái khởi nghiệp của Lào và khu vực. Tư vấn khởi nghiệp là hoạt động còn thiếu ở nhiều nước, ở nước có hoạt động này thì năng lực của cố vấn còn yếu và thiếu sự tổ chức, gắn kết. Thực tế này cũng phản ánh qua các buổi thảo luận trong Hội nghị. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Lào còn quá mới nên nỗ lực của nh1om này là rất đáng quý, cần được hỗ trợ. Hoạt động của nhóm sẽ góp phần kích hoạt và cuốn hút nhiều hơn sự tham gia của cộng đồng doanh nhân Lào vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Tính kết nối khu vực là có nhưng không nhiều tuy nhiên với mức độ phát triển của Lào thì có thể chấp nhận được.

Cũng như với CrowdFactory, Mekong’s Next Top Mentor nhận được 7.500 đô la tài trợ.

Ý tưởng thứ ba thuộc  về Mekong Agri Tigers của Vũ Kim Anh (BSA). Trong hai năm qua, BSA đã xây dựng và hỗ trợ hoạt động của 14 câu lạc bộ Sáng tạo Khởi nghiệp tại các tỉnh thành ở Việt Nam nhằm kết nối thanh niên tại khu vực nông thôn, cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong phát triển ý tưởng kinh doanh để khởi nghiệp, khuyến khích xây dựng sự nghiệp  ngay tại quê hương thay vì lên các đô thị lớn kiếm việc làm. Bên cạnh đó, BSA lập Câu lạc bộ Các nhà đầu tư thiên thần, nhằm hỗ trợ kinh nghiệm và tài chính cho các dự án Thanh niên nông thôn khởi nghiệp.

Từ Việt Nam, mô hình này có thể được nhân rộng tại các vùng nông thôn khác trong khu vực hạ lưu sông Mê kông để mở rộng và kết nối với mạng lưới cố vấn và nhà đầu tư thiên thần tại mỗi nước, qua đó, khơi luồng cho các hoạt động trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp và chia sẻ lợi ích xuyên biên giới.

Ý tưởng thu hút nhiều đối tác trong khu vực: Myanmar Women Entrepreneur Association, Myanmar Young Entrepreneur Association (Myanmar), Cambodia Women Entrepreneur Association, Cambodia Food Security Network (Campuchia), Department of SME Promotion và National University of Laos (Lào).

Trước ý tưởng này, Ban giám khảo nhận xét, đây là ý tưởng thiết thực vì khu vực hạ lưu sông Mê kông phần lớn người dân sống ở nông thôn và hoạt động nông nghiệp. Dự án được lựa chọn vì tính tác động cao và tiếp cận cộng đồng nông thôn đông đảo ở các nướcMê kông. Ở Việt Nam dự án đã thực sự hoạt động giúp ích cho thanh niên khởi nghiệp. Mô hình có thể triển khai thành công ở các nước khu vực với sự hướng dẫn chia sẻ của Việt Nam. Tính cam kết của nhóm thực hiện cao, thu hút được nhiều hội nữ doanh nhân và hội phụ nữ các nước còn lại tham gia, qua đó cho thấy khả năng kết nối khu vực tốt. TIGERS@Mekong đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp – nông thôn và các hoạt động có chiều sâu, có tính chất bền vững trong thời gian tới của Mekong Agri Tigers, mà cụ thể là khả năng kết nối cộng đồng khởi nghiệp công nghệ với thị trường nông nghiệp hiện nay đang hoàn toàn bị bỏ ngỏ tại các quốc gia Mê kông này.

Bam giám khảo đã quyết định tài trợ cho dự án 5.000 đô la.

Hội nghị thượng đỉnh Hệ sinh thái khởi nghiệp Mê kông, nằm trong khuôn khổ chương trình TIGERS@Mekong do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, được tổ chức để tạo cơ hội gặp gỡ và hình thành mối liên kết giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp của năm quốc gia với nhau. Thông qua mối liên kết này, các nguồn lực khởi nghiệp có thể được tập hợp, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn, thúc đẩy sự ra đời của các công ty mới dựa trên việc ứng dụng tiến bộ KHCN.

 

Tác giả