Hé lộ nguồn gốc của dòng chữ bí ẩn trên bức “Tiếng thét”
Dòng chữ “Chỉ có thể được vẽ bởi một kẻ điên” trên tác phẩm liệu có phải chỉ do một ai đó viết bậy vào nhằm chế nhạo Edvard Munch?
Chụp ảnh hồng ngoại bức tranh. Ảnh: Annar Bjorgli/Courtesy The National Museum Of Norway
Năm 1904, một nhà phê bình người Đan Mạch khi xem xét bức Tiếng thét (The Scream) của Edvard Munch, ông đã phát hiện ra một dòng chữ viết tay mờ nhạt ở góc trái bức tranh với nội dung “Chỉ có thể được vẽ bởi một kẻ điên”. Kể từ đó, mọi người vẫn nghĩ rằng một ai đó đã viết bậy vào tranh nhằm chế nhạo người họa sĩ khốn khổ nổi tiếng này.
Tuy nhiên, một phân tích mới đây của Bảo tàng Quốc gia Na Uy đã tiết lộ những dòng chữ này do chính Munch viết nên.
Trong thời gian chuẩn bị khánh thành bảo tàng sau một thời gian tu sửa – dự kiến sẽ mở cửa lại tại Oslo vào năm 2022, Bảo tàng Munch đã hợp tác với các nhà khoa học để thực hiện nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ bí ẩn về phiên bản gốc năm 1893 của bức tranh Tiếng thét. Thông qua việc sử dụng công nghệ hồng ngoại để phân tích chữ viết tay và so sánh nó với chữ trong nhật ký và thư của Munch các nhà nghiên cứu đã xác định rằng Munch thực sự là tác giả của dòng chữ này. Có thể ông đã viết cụm từ này vào năm 1895 hoặc ngay sau đó để đáp lại những lời chỉ trích nhắm vào bản thân, sau khi ông triển lãm Tiếng thét lần đầu tiên tại quê hương ông, Kristiania (sau này là Oslo).
Dòng chữ “Kan kun være malet af en gal mand”, dịch từ tiếng Đan Mạch có nghĩa là “Chỉ có thể được vẽ bởi một kẻ điên”. Ảnh: Studart.
Người xem đã choáng váng trước sự thống khổ hiện hữu trong bức tranh, và một số người suy đoán rằng nhân vật đang la hét giữa cơn cuồng nộ ấy hẳn phải là người nghệ sĩ. Trong một cuộc thảo luận về tác phẩm này tại Hiệp hội Sinh viên, sinh viên y khoa trẻ tuổi Johan Scharffenberg thậm chí còn tuyên bố rằng tác phẩm này cho thấy Munch không phải là người có đầu óc bình thường. Munch đã nhắc lại những lời chỉ trích này nhiều lần trong các bức thư và nhật ký của mình.
“Ông ấy đã vô cùng tổn thương khi những người chỉ trích tác phẩm đặt dấu chấm hỏi về mức độ tỉnh táo của ông, và gọi những bức tranh do ông sáng tác là nỗi ô nhục”, người phụ trách Bảo tàng Quốc gia, Mai Britt Guleng, chia sẻ với ARTnews. “Bệnh tâm thần là một vấn đề nhức nhối đối với Munch, bởi gia đình ông ấy có tiền sử bệnh tâm thần.” Cả cha và chị gái của Munch đều bị trầm cảm, và về sau họ cũng được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần phân liệt. Munch thừa nhận rằng ông không có một tuổi thơ hạnh phúc lẫn một cuộc sống trưởng thành suôn sẻ. “Bệnh tật, sự mất trí, và cái chết là những thiên thần đã hạ cánh đến chiếc nôi của tôi, và kể từ đó đã theo tôi đến suốt cuộc đời”, ông từng viết. Munch trở nên suy sụp hơn vì chứng nghiện rượu của mình, ông cuối cùng đã phải nhập viện sau khi bị suy nhược thần kinh vào năm 1908.
Rõ ràng ông ấy đã phải vật lộn với chứng trầm cảm, sự mất mát và lo âu trong những bức tranh của mình, ẩn hiện trong đó là bóng ma về tình yêu và gia đình đã mất. Trong nhật ký của mình, Munch đã hình dung về Tiếng thét khi đi dạo vào lúc hoàng hôn ở Kristiania. Vào khoảnh khắc lặng nhìn những đám mây đỏ như máu, ông cảm nhận được “tiếng thét vô tận từ thiên nhiên vọng đến”. Từ năm 1893 đến năm 1910, Munch đã vẽ bốn bản của Tiếng thét trên các chất liệu khác nhau, cũng như một số bản về cùng chủ đề.
Nhìn về kiệt tác của mình, Munch chia sẻ mục tiêu của ông là “nghiên cứu về linh hồn, nghĩa là nghiên cứu về bản thân tôi.”
Anh Thư dịch
Nguồn: Edvard Munch Authored Mysterious Writing on ‘The Scream,’ New Analysis Reveals