Hệ sinh thái khởi nghiệp rút gọn

Gần đây khi cụm từ khởi nghiệp trở thành sốt trên các diễn đàn, mặt báo, trong chương trình hành động và chính sách của rất nhiều cơ quan, tổ chức, thì đi kèm với nó là những phân tích về thực trạng non kém của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và những nỗ lực nhằm phát triển nó. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một khung tham chiếu về cấu phần của hệ sinh thái khởi nghiệp do Founder Institute (Mỹ) đưa ra như một bản thử nghiệm và mang tính chất tham khảo. Khung tham chiếu này cho thấy bức tranh chung của khởi nghiệp qua các giai đoạn, kèm theo đó là những đơn vị, tổ chức đang hỗ trợ hoặc đóng góp vào sự phát triển của khởi nghiệp tương ứng với từng giai đoạn đó.

Hệ sinh thái khởi nghiệp rút gọn của Founder Institute 

1. Các giai đoạn hỗ trợ startup

IDEA-STAGE (giai đoạn lên ý tưởng)

Ở giai đoạn này, các bạn trẻ/doanh nhân tương lai sẽ được truyền cảm hứng, được đào tạo hoặc học những kiến thức, thực hành, phát triển kỹ năng và thẩm định ý tưởng cũng như học cách xây dựng đội nhóm và bước đầu phát triển sản phẩm. 

Trong giai đoạn này, ba nội dung quan trọng được đề cập là:

Ai đang truyền cảm hứng để các bạn chọn con đường khởi nghiệp (báo chí, truyền thông, trường đại học, hay chính là các sự kiện mang tính truyền cảm hứng từ những doanh nhân thành đạt?)

Ai đang đóng vai trò giáo dục đào tạo để các bạn được trang bị những kỹ năng, thực hành và phát triển ý tưởng của mình? (ở đây, không chỉ có vai trò của các trường học mà còn có cả những trường và công ty đào tạo kinh doanh v.v).

Ai đang hỗ trợ các bạn thẩm định ý tưởng? Việc thẩm định ý tưởng đòi hỏi bạn phải có một đội, và những nguồn lực, vậy sự kiện nào hay tổ chức nào đang giúp bạn tìm được thành viên nhóm và cùng nhau triển khai dự án?

LAUNCH-STAGE (giai đoạn tung sản phẩm ra thị trường)

Ở giai đoạn này, các doanh nhân sẽ bước đầu xây dựng và chính thức hóa công ty, phát triển sản phẩm, lấy phản hồi của khách hàng để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. 

Launch Stage gồm 3 bước:

Bắt đầu: cần có kiến thức về luật pháp, tài chính và chỗ ngồi cho startup. Vậy ai đang cung cấp những dịch vụ chuyên sâu này?

Phát triển: Việc chính thức phát triển công ty đòi hỏi hình thành hệ thống kế toán, nhân sự (ở cấp độ đơn giản), và sự ươm mầm từ các chương trình vườn ươm và cố vấn khởi nghiệp

Tung sản phẩm ra thị trường: sự xuất hiện của các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, cố vấn hoặc cấp vốn mồi đóng vai trò quan trọng cho sự bùng nổ của startup. Những sự kiện kết nối, hướng dẫn startup thuyết trình, gặp gỡ nhà đầu tư đóng vai trò hết sức quan trọng với startup. 

GROWTH-STAGE (giai đoạn tăng trưởng)

Ở giai đoạn này, các khởi nghiệp chứng tỏ được bản thân, được cộng đồng ghi nhận và mở rộng quy mô. Đây chính là giai đoạn cần đến các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm và hỗ trợ networking. 

Khi đã được ghi nhận bởi thị trường, startup muốn tiến những bước xa hơn phải thiết lập quan hệ tốt hơn với các nhà đầu tư, tìm kiếm các nhà sáng lập mới để bổ sung vào đội ngũ. Những sự kiện, mạng lưới và tổ chức hỗ trợ kết nối nhà đầu tư đóng vai trò sống còn trong giai đoạn này. Một môi trường có sẵn những nhà đầu tư chủ động tìm đến startup thực sự sẽ là cơ hội lớn cho các startup và tiết kiệm nguồn lực cho họ rất nhiều. Ngược lại, khi thị trường còn thiếu vắng những nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc sự thiếu hiểu biết xuất phát từ cả hai bên thì cảnh tượng startup gõ cửa nhà đầu tư sẽ vẫn tồn tại và chứng tỏ một thị trường còn đang ở giai đoạn sơ khai.  

Ở giai đoạn cấp vốn, không ai khác nhà đầu tư thiên thần, các quỹ tài chính tín dụng vi mô và các quỹ đầu tư mạo hiểm là những người chơi và hỗ trợ chính cho các startup. 

Vấn đề tăng trưởng đòi hỏi sự mở rộng về cả quy mô vật chất và nhân sự. Chỗ làm việc, con người, cơ cấu tổ chức đều cần có sự điều chỉnh. Câu hỏi đặt ra là ai trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang hỗ trợ/cung cấp những dịch vụ về chỗ ngồi, hay chương trình tăng tốc phục vụ tăng trưởng? Đội ngũ tư vấn và huấn luyện viên cao cấp có sẵn hay không? 

2. The Supporters (những người hỗ trợ)

Để mỗi bước đi của khởi nghiệp diễn ra suôn sẻ hơn, mọi hệ sinh thái khởi nghiệp đều cần những người hỗ trợ có đủ năng lực và nhiệt huyết. 

EVANGELISTS (người truyền giáo)

Đó chính là những doanh nhân thành đạt, họ không chỉ mang sứ mệnh dẫn đường, truyền cảm hứng mà còn đóng vai trò khai sáng cho các startup nhờ những trải nghiệm trên thị trường họ đã có. Họ cũng là người đôi khi kéo các ý tưởng trở về mặt đất để các startup suy nghĩ thực tế hơn và lường trước những vấn đề khó khăn có thể gặp phải khi khởi nghiệp. Ở giai đoạn này, nhiều người nhấn mạnh câu chuyện thành công, song trên thực tế, việc khuyến khích chấp nhận thất bại và học từ thất bại cũng là một cách làm tốt để dần xây dựng một tư duy tích cực và đúng đắn trong khởi nghiệp

GOVERNMENT (chính phủ)

Các tổ chức công đóng vai trò quan trọng trong cuộc chơi khởi nghiệp, họ không chỉ tạo khung chính sách mà còn hỗ trợ các cộng đồng khởi nghiệp đặc biệt trong giai đoạn hai. Mặt khác, chính phủ không nên là người xây mà nên là người phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. 

TALENT (nhân tài)

Chẳng doanh nghiệp nào sống sót nếu thiếu đi những nhân tài. Không chỉ các trường đại học, viện nghiên cứu mà cả những nhà tuyển dụng đều cần thu hút và nuôi dưỡng nhân tài cho chính sự phát triển của mình. Đó có lẽ là lý do rất nhiều trường đại học đang phát triển những vườn ươm khởi nghiệp của riêng mình. Song trên thực tế, rất nhiều vấn đề được đặt ra ở Việt Nam, ví dụ, họ có xu hướng làm tất cả trong một, có nghĩa là tự xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp nhỏ ngay trong trường/đơn vị mình. Khả năng liên kết kém giữa các cấu phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp khiến năng lực của nhiều đơn vị không có sự cải thiện và chồng chéo, không tận dụng được thế mạnh của những đơn vị sẵn có trong hệ sinh thái. 

3. Sản phẩm cuối cùng: Những câu chuyện thành công 

Để có một câu chuyện thành công cần rất nhiều thời gian. Sản phẩm của một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh chính là những thành công của startup. Người lãnh đạo của những startup thành công rất nên trở thành người truyền giáo. Hãy quan sát trong hệ sinh thái khởi nghiệp những câu chuyện thành công để điền vào phần này trong khung hệ sinh thái khởi nghiệp.

Cuối cùng, thay vì một ai đó trong hệ sinh thái khởi nghiệp là người sẽ xây dựng nó, mỗi thành phần hãy nhìn vào vai trò và sự hiện diện của mình để làm tốt nhất những gì mình đang làm và chủ động hợp tác với những cấu phần khác. Đơn giản bởi vì, hệ sinh thái đồng nghĩa với sự tự nhiên và bền vững. Không ai xây hệ sinh thái của rừng Amazon, quy định kích cỡ của các loài cây, hay ra lệnh cây này phải che chở cho cây kia, nhưng trên thực tế, những cái cây sẽ tìm cách sinh tồn, hỗ trợ và cạnh tranh lẫn nhau. Những yếu tố đất, nước của hệ sinh thái thực sự có thể duy trì bởi nỗ lực của tất cả những cấu phần trong đó. 

Tham khảo: http://fi.co/canvas_template

 

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)