Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam: Loay hoay tìm bản sắc

Các hệ sinh thái khởi nghiệp thành công trên thế giới đều có điểm chung đó là tìm ra được đặc trưng và biến nó thành lợi thế cạnh tranh. Vậy, làm sao để Việt Nam tìm ra bản sắc của mình?

Startup giới thiệu về sản phẩm tại Techfest 2018. Ảnh: TF.

Sau gần 15 năm từ khi thuật ngữ đổi mới sáng tạo (innovation) lần đầu tiên được thúc đẩy mạnh mẽ tại Việt Nam với sự cam kết từ Bộ Khoa học và Công nghệ, sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan (2009), cụm từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp giờ đây đã trở nên phổ biến trong xã hội1. 15 năm là cơ hội để ta nhìn lại một vài con số mang tính tham khảo mà quốc tế đánh giá sự xuất hiện của Việt Nam và các thành phố của Việt Nam trên bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới. 

Báo cáo Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2023 của Startup Blink, Việt Nam nằm trong top 60 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới nhưng giảm bốn bậc trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu so với 2022. 

Năm 2023, theo bảng xếp hạng của Startup Genome, thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam là thành phố duy nhất cả nước nằm trong nhóm 100 thị trường startup mới nổi của toàn cầu, cụ thể là nhóm 81-90. 

Những con số này có thể phần nào giúp chúng ta so sánh bản thân hiện tại so với quá khứ. Đồng thời nó cũng phản ánh vị trí của chúng ta trong mắt các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư trên toàn cầu. Tuy nhiên, chúng không nói lên được hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam có những đặc trưng gì, có những giá trị gì khác biệt và vượt trội so với những nơi khác để thu hút và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế, giải quyết những vấn đề mũi nhọn nào của cộng đồng và xã hội. 

Nhìn lại bản sắc và năng lực cạnh tranh của hệ sinh thái Việt Nam, nếu phải nêu đặc điểm nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sẽ rất khó tìm được những cụm từ đặc trưng như trên mà không gây tranh cãi.

Nhìn lại các thủ phủ lớn về khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới, có thể tóm tắt ngắn gọn những giá trị họ mang lại cho cộng đồng khởi nghiệp bằng những cụm từ mô tả đặc điểm ngắn gọn. Những lợi thế cạnh tranh này không tự nhiên mà có, nó là một quá trình trải nghiệm và đúc rút, đi tìm bản sắc của chính mình. Để từ đó, họ hình thành chiến lược bồi đắp cho nó trở thành lợi thế cạnh tranh khác biệt và bền vững. Hãy cùng theo dõi một số ví dụ dưới đây:

Thung lũng Silicon, Mỹ: (1) Chấp nhận rủi ro và tư duy kinh doanh; (2) Nguồn vốn mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần sẵn có cao; (3) Mạng lưới dày đặc các doanh nhân, cố vấn và cố vấn thành công; (4) Mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học hàng đầu như Stanford và UC Berkeley.

Các lĩnh vực vượt trội: Công nghệ nông nghiệp (số 1 thế giới); Công nghệ tài chính (số 1 thế giới).

Berlin, Đức: (1) Giá cả phải chăng, chi phí sinh hoạt thấp hơn so với các trung tâm khởi nghiệp khác ở châu Âu; (2) Cộng đồng đa dạng: Thu hút các doanh nhân từ nhiều nơi ở châu Âu; (3) Trung tâm văn hóa: Cảnh quan văn hóa phong phú và chất lượng cuộc sống; (4) Sáng kiến của chính phủ và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Các lĩnh vực vượt trội: Công nghệ sạch (Clean tech) xếp hạng 11 trên thế giới; Kinh tế biển (Blue Economy) thứ 38 trên thế giới; Công nghệ tài chính; Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu.

Bengaluru-Karnataka, Ấn Độ: thứ hạng 20 trên thế giới (1) Hệ sinh thái khởi nghiệp trưởng thành với nhiều kỳ lân và doanh nghiệp lớn; (2) Nhân lực chất lượng cao, kỹ năng trình độ tốt; (3) Sự hỗ trợ của chính phủ. 

Các lĩnh vực vượt trội: Công nghệ nông nghiệp (đứng thứ 13 thế giới); Công nghệ tài chính –Fintech (đứng thứ 21 thế giới); Công nghệ đời sống (Life Sciences); Công nghệ sạch. 

Tel Aviv, Israel: (1) Mối liên hệ chặt chẽ giữa nghĩa vụ quân sự và văn hóa doanh nghiệp đã thúc đẩy các sản phẩm lưỡng dụng; (2) Khả năng chấp nhận rủi ro cao và hệ sinh thái trưởng thành; (3) Sự tập trung của chính phủ vào Đổi mới sáng tạo và hỗ trợ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm của startup và ưu đãi thuế. 

Các lĩnh vực vượt trội: Công nghệ sạch (Cleantech) thứ 2 thế giới; Công nghệ tài chính (Fintech) thứ 4 thế giới); Trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu (AI, Big Data); An ninh mạng (Cyber Security); Công nghệ đời sông (Life Sciences).

Kuala Lumpur, Malaysia: (1) Lực lượng lao động trẻ, có trình độ, độ tuổi trung bình ở Malaysia là 30,3 tuổi, chỉ số năng lực tiếng Anh EF 2022 xếp hạng 3 trong ASEAN và 24 trên toàn cầu; (2) Sự dễ dàng trong kinh doanh, chính sách thúc đẩy Malaysia thành trung tâm du mục kỹ thuật số; (3) Hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ đặc biệt là nguồn vốn và sự xuất hiện của các quỹ lớn. 

Các lĩnh vực vượt trội của Malaysia: Công nghệ tài chính (Fintech); Thương mại điện tử (E-commerce); Công nghệ sức khỏe (Health Tech).

Buenos Aires, Argentina: (1) Tài năng công nghệ do chính sách miễn học phí với những trường đại học nổi tiếng thế giới và trình độ tiếng Anh tốt; (2) Cộng đồng quốc tế đông đảo, điểm đến cho các du mục kỹ thuật số; (3) Vị trí thuận lợi đến các trung tâm khởi nghiệp lớn ở Mỹ 

Các lĩnh vực vượt trội: Công nghệ tài chính (Fintech); Blockchain; Công nghệ nông nghiệp và thực phẩm mới. 

Bắc Kinh, Trung Quốc:  Đứng thứ 7 trên thế giới trong năm 2023(1)Quy mô thị trường nội địa rộng lớn với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; (2) Sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc cho khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ; (3) Tăng trưởng nhanh, phát triển nhanh chóng và áp dụng các công nghệ mới; (4) Trọng tâm thương mại điện tử và các doanh nghiệp định hướng công nghệ.

Các lĩnh vực vượt trội: Công nghệ nông nghiệp (đứng thứ 8 thế giới); Công nghệ tài chính (đứng thứ 6 thế giới).

Nhìn lại bản sắc và năng lực cạnh tranh của hệ sinh thái Việt Nam, nếu phải nêu đặc điểm nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sẽ rất khó tìm được những cụm từ đặc trưng như trên mà không gây tranh cãi. Chẳng hạn, chúng ta thường được truyền thông trong nước và quốc tế đánh giá là có thế mạnh về nhân lực trẻ và tài năng. Tuy nhiên, có thế mạnh là một chuyện, có rất nhiều yếu tố khiến chúng ta chưa thể biến nó thành một lợi thế cạnh tranh. Cho dù trình độ chuyên môn của nhân lực công nghệ tại Việt Nam có nhỉnh hơn các quốc gia trong khu vực thì trình độ tiếng Anh lại là một điểm yếu không dễ gì khắc phục được trong thời gian ngắn. Ngay cả trong số những nhân lực ít ỏi có cả trình độ công nghệ và tiếng Anh tốt thì tư duy để trở thành một nhà sáng lập hoặc đồng sáng lập vẫn là một rào cản. Hay, xét về ngành, theo đánh giá của Startup Blink, ngành có thế mạnh của hai thành phố chính trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bao gồm: Công nghệ giáo dục và Công nghệ tài chính (Hà Nội); Thương mại điện tử và bán lẻ (thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, đó chỉ là trên khía cạnh gọi vốn. Để trở thành một thế mạnh thật sự, các ngành này, đặc biệt là Fintech, cần cam kết rất lớn của chính phủ trong việc tạo ra các vùng đệm (sandbox) của chính sách để kích thích và thử nghiệm những giải pháp mới, đột phá chưa từng có – điều mà Việt Nam loay hoay nhiều năm vẫn chưa thực hiện được. 

Từ bản sắc đến lợi thế cạnh tranh

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và có một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa tìm ra bản sắc riêng và lợi thế cạnh tranh của mình. Điều này có thể là do một số nguyên nhân sau:

* Trình độ phát triển của hệ sinh thái còn chưa đồng đều: Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, với sự mất cân đối giữa các thành phố lớn và các khu vực khác. Các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển hơn, với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, trong khi các khu vực khác vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, kể cả những hệ sinh thái năng động nhất cả nước như Hà Nội và thành phố Hồ chí Minh, các yếu tố trong hệ sinh thái vẫn có sự chênh lệch rất lớn và nhiều yếu tố vẫn kém phát triển. Theo báo cáo của Startup Genome, một tổ chức chuyên đánh giá các hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới dựa trên sáu khía canh: hiệu suất, vốn, sự kết nối, tiếp cận thị trường, tri thức, tài năng và kinh nghiệm. Hai khía cạnh được đánh giá cao nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh là vốn (5/10) và tài năng và kinh nghiệm (7/10), các khía cạnh còn lại đều ở mức độ sơ khai 1/10. 

* Chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái: Những nỗ lực kết nối hệ sinh thái mới chỉ dừng lại ở việc hợp tác ngắn hạn, thiếu chiến lược dài hạn. Mặt khác, các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, và các trường đại học, vẫn chưa có sự kết nối thực sự chặt chẽ với nhau. Điều này khiến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận được với các nguồn lực cần thiết, bao gồm vốn, hỗ trợ kỹ thuật, và thị trường.

* Còn thiếu tầm nhìn kết nối toàn cầu: Hơn 5 triệu người Việt sống ở nước ngoài, trong đó hơn 600.000 Việt kiều là tri thức. Nhưng dường như các nỗ lực kết nối với cộng đồng này vẫn chưa thực sự mang lại kết quả đột phá như kỳ vọng để đưa Việt Nam ra thế giới. Các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam vẫn thiếu tầm nhìn toàn cầu cho sản phẩm dịch vụ của mình nên Việt Nam vẫn thiếu đi những doanh nghiệp khởi nghiệp lớn, có khả năng vươn ra thị trường quốc tế. Việt Nam với một lượng hiệp định thương mại song phương được ký kết rất nhiều, và được đánh giá là một điểm sáng của môi trường kinh doanh thì chính những doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước hầu như không mấy quan tâm và khai thác. 

Theo GS. Daniel Isenberg tại Đại học Harvard và Đại học Babson, những đặc điểm hoặc bản sắc của hệ sinh thái khởi nghiệp được hình thành bởi nhiều yếu tố khác nhau trong hệ sinh thái như văn hóa, chính sách của chính phủ, cơ sở giáo dục, thị trường đầu tư, v.v. Lợi thế cạnh tranh dựa trên bản sắc này cần phải được chính quốc gia đó nhận diện, có chiến lược nâng tầm và điều chỉnh để phù hợp với những thay đổi trên thị trường. Xác định được những điều này, Việt Nam mới có thể tập trung đầu tư và thu hút nguồn lực có mũi nhọn, tạo điều kiện tốt hơn cho những đổi mới sáng tạo xuất sắc có thể thành công, hình thành những giải pháp thực sự có ý nghĩa, không chỉ giải quyết được những vấn đề xã hội trong nước mà còn cả quốc tế. 

Sau 15 năm dũng cảm dò đường, thiết nghĩ đến lúc hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cần hiểu và tận dụng những điểm mạnh và đặc điểm riêng biệt giúp hệ sinh thái trở nên nổi bật. Để xây dựng bản sắc riêng cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, cần có sự nỗ lực của tất cả các thành phần trong hệ sinh thái. Dưới đây là một số gợi ý từ góc nhìn của tác giả:

Xác định điểm mạnh cốt lõi: Một số điểm mạnh cốt lõi của Việt Nam có tiềm năng đưa Việt Nam ra thị trường toàn cầu có thể kể đến công nghệ giáo dục, tiềm năng là công nghệ nông nghiệp, công nghệ sức khỏe, công nghệ sinh học và thực phẩm mới, công nghệ văn hóa. 

Mặt khác, cần phát triển các sản phẩm và dịch vụ có tính giải quyết vấn đề cho người dùng và xã hội Việt Nam và giao lưu tích cực với thị trường ASEAN. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ có thể giải quyết các vấn đề thực tế của người dùng và xã hội Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với rất nhiều vấn đề về môi trường và xã hội. Thị trường Việt Nam có thể làm tiền đề cho các giải pháp công nghệ tạo tác động của doanh nghiệp trong nước, trước khi mang ra thị trường quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam cần hiện diện mạnh mẽ hơn ở thị trường nội địa và thị trường khu vực ASEAN như vai trò của những doanh nghiệp cửa ngõ. Thị trường 600 triệu dân ASEAN sẽ là một bệ phóng vững chắc cho tầm nhìn khu vực và toàn cầu của các giải pháp. 

Xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa độc đáo của hệ sinh thái: Việc phát triển văn hóa của hệ sinh thái khởi nghiệp cần thời gian nuôi dưỡng và cần những chính sách phù hợp từ chính quyền trung ương và địa phương. Văn hóa thân thiện của người Việt có thể là một điểm sáng trong thu hút các du mục kỹ thuật số đến Việt Nam để khởi nghiệp. 

Các startup địa phương tại buổi ra mắt làng công nghệ sinh thái trong khuôn khổ Techfest tháng 10/2022. Ảnh: Kinh tế Sài gòn.

Nên đưa ra những sáng kiến và đăng cai tổ chức các sự kiện, hội nghị và gặp gỡ để tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nhân, nhà đầu tư và cố vấn trên toàn thế giới. Với những sáng kiến này, Việt Nam có thể thu hút nhân tài và đầu tư toàn cầu trên diện rộng, song song với phát triển các chương trình thu hút nhân tài, nhà đầu tư và quan hệ đối tác quốc tế theo chiều sâu, từ đó thể hiện sức hấp dẫn toàn cầu của hệ sinh thái.

Khắc phục và phát huy điểm mạnh cũng là điểm yếu của hệ thống giáo dục Việt Nam: Phát huy mạng lưới nhân tài nhưng cũng đồng Hợp tác với các tổ chức giáo dục để cung cấp các chương trình nuôi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp và khuyến khích sự phát triển của các công ty khởi nghiệp. 

Xây dựng thương hiệu hệ sinh thái: Phát triển bản sắc thương hiệu mạnh mẽ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, có thể bao gồm câu chuyện, biểu tượng và tài liệu tiếp thị hấp dẫn để truyền đạt đề xuất giá trị độc đáo của nó. 

Đo lường và đánh giá: Bằng những dữ liệu có độ tin cậy cao về hệ sinh thái, có khả năng cập nhật thường xuyên, liên tục, và sử dụng dữ liệu này để đánh giá và tinh chỉnh các chiến lược và cải thiện hệ sinh thái. 

Thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập để Phát triển bền vững: Tạo ra các sáng kiến và chương trình nhằm thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập trong hệ sinh thái, thúc đẩy một môi trường chào đón các cá nhân từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Nhấn mạnh các hoạt động bền vững, chẳng hạn như công nghệ xanh hoặc các sáng kiến tác động xã hội, để thu hút các nhà đầu tư và khởi nghiệp có ý thức về môi trường và xã hội.

Bằng cách giải quyết một cách có hệ thống các khía cạnh này và liên tục cải tiến các chiến lược dựa trên phản hồi và số liệu hiệu suất, hệ sinh thái khởi nghiệp có thể xây dựng bản sắc riêng biệt và biến nó thành lợi thế cạnh tranh thu hút nhân tài, nhà đầu tư và cơ hội toàn cầu.□

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

———

1 Người viết sử dụng mốc Dự án đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan được khởi động tại Việt Nam năm 2009 (https://most.gov.vn/vn/tin-tuc/8904/khoi-dong-du-an-doi-moi-sang-tao-viet-nam–phan-lan.aspx)

Tác giả

(Visited 50 times, 1 visits today)