Hỗ trợ nông dân sau thu hồi đất

Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm có khoảng 73.000ha đất nông nghiệp được thu hồi. 5 năm qua, việc thu hồi đất đã tác động đến đời sống của 627.495 hộ, khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người dân nông thôn…

Với phần lớn các nước trên thế giới, đất nông nghiệp thuộc sở hữu cá nhân, muốn giải toả, người có nhu cầu phải thoả thuận trực tiếp với chủ sở hữu đất trên tinh thần “thuận mua, vừa bán”. Ở nước ta, trong quá trình thu hồi đất, vị thế người sử dụng đất nhiều khi bị xem nhẹ. Mặt khác, khi nhận tiền đền bù lớn chưa từng có, nhiều người đã dành phần lớn để xây sửa nhà cửa, mua sắm đồ đạc sinh hoạt đắt tiền, v.v… Khi tiền đền bù cạn, cảnh túng thiếu bắt đầu. Theo cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn thì 53% hộ nông dân bị thu hồi đất có thu nhập giảm, chỉ 13% số hộ được chuẩn bị trước thì thu nhập khá hơn.

Thực hiện nguyên tắc “nông dân bị thu hồi đất trong mọi trường hợp phải có cuộc sống tốt hơn, hoặc bằng trước khi bị thu hồi đất”, phương án quy hoạch sử dụng đất tốt là phải gắn với “giải quyết tốt cuộc sống”, thay vì chỉ đền bù một khoản tiền là xong. Khi quy hoạch được duyệt, Nhà nước nên ứng trước một khoản vốn đầu tư tập trung đào tạo chuyển đổi nghề. Khoản vốn ứng trước này sẽ được tính vào chi phí đền bù sau này, hoặc lấy từ khoản trừ vào tiền thuê đất của các nhà đầu tư, cũng có thể lấy từ một quỹ như là “Quỹ hỗ trợ người bị thu hồi đất”.

Khi thu hồi đất, không nên trả tiền đền bù một lúc mà có thể chuyển số tiền đó vào mua cổ phiếu của doanh nghiệp có sử dụng đất đã bị thu hồi. Phương án này theo tôi đem lại nhiều cái lợi:

-Giảm một khoản chi phí không nhỏ cho nhà đầu tư,

-Nông dân có cổ phiếu sẽ tích cực bảo vệ doanh nghiệp, tránh được nhiều xung đột,

-Hàng quý hoặc hàng năm, người nông dân được trả khoản cổ tức, vốn vẫn không bị mất đi, tránh cảnh tiêu xài phung phí.

Các doanh nghiệp muốn có đất đầu tư nên thu nhận một số nhân lực địa phương đã được đào tạo, số lao động chưa bố trí được việc làm cũng có thể tổ chức “Hợp tác xã dịch vụ” như phục vụ ăn uống, thu gom và xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, vận chuyển, cung cấp bao bì, đóng gói hàng hóa, v.v… Loại hình hợp tác xã dịch vụ của những người dân bị thu hồi đất này cần được Nhà nước giúp đỡ về nhiều mặt và được đăng ký kinh doanh như một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sử dụng khu đất bị thu hồi nên dành ưu tiên việc làm cho Hợp tác xã những việc mà thông thường phải thuê các doanh nghiệp ngoài vùng.

Hiện nay, giá đền bù thu hồi đất của nông dân mặc dầu đã sát giá thị trường nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá đất sau khi giải toả. Người bị thu hồi đất thường thiệt thòi trong khi người sử dụng đất thu hồi thường được lợi rất lớn. Để tránh sự bất bình đẳng đó, Nhà nước với tư cách đại diện cho chủ sở hữu đất có thể bảo vệ quyền lợi cho người bị thu hồi đất bằng cách, có thể là chia giá trị gia tăng của phần đất sau khi giải toả làm 5 phần: 3 phần cho nhà đầu tư, 2 phần cho người bị thu hồi đất, v.v…

Nguyễn Hoàn

Tác giả