Hỗ trợ pháp lý cho startup: Chính sách tốt nhưng không dễ thực hiện
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và vừa (DNNVV) 2017 đã quy định một trong các nội dung hỗ trợ DNNVV là “hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý”1. Với những người mới khởi nghiệp, cần đầu tư thời gian và nguồn lực vào phát triển sản phẩm, đây là một hỗ trợ có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, để thực hiện được nó không phải là chuyện đơn giản.
Một buổi trao đổi giữa những người từng nhận tài trợ của dự án IPP, theo đó, nhiều đại diện đến từ các quỹ đầu tư, vườn ươm, khóa tăng tốc khởi nghiệp đều cung cấp dịch vụ tư vấn luật cho startup. Nguồn ảnh: IPP.vn
Mới có hai tỉnh có kế hoạch triển khai
Đầu năm 2018, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật DNNVV 2017 (“Nghị định 39”), trong đó có hướng dẫn về hoạt động hỗ trợ thông tin và tư vấn, tuy nhiên lại không bao gồm nội dung hướng dẫn về hoạt động hỗ trợ pháp lý. Rất có khả năng trong thời gian tới, sẽ không có Nghị định hướng dẫn chi tiết đối với hoạt động hỗ trợ pháp lý mà các bộ, ngành, địa phương khi triển khai Luật DNNVV sẽ tự quy định cụ thể nội dung này sao cho phù hợp với đặc thù của mỗi ngành, địa phương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mới chỉ có Hà Nội và Quảng Trị công khai kế hoạch triển khai Luật DNNVV (đã được phân tích ở phần trên) và mỗi địa phương có một phương án riêng để triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý đối với DNNVV.
Với Hà Nội2, UBND Hà Nội đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện việc này. Nguồn kinh phí thực hiện trích từ nguồn kinh phí ngân sách thành phố cấp trong hoạt động chi thường xuyên hằng năm của các cơ quan, đơn vị và nguồn tài chính hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Quảng Trị còn có những quy định cụ thể hơn3. Theo đó, hằng năm, tỉnh sẽ bố trí 150 triệu/năm cho nội dung hỗ trợ thông tin và tư vấn pháp lý. Để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, tỉnh có kế hoạch bố trí mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật trên các lĩnh vực thuế, bảo hiểm, hợp đồng, đất đai, môi trường, giải quyết tranh chấp, về đầu tư và chính sách đầu tư của tỉnh. Doanh nghiệp được miễn chi phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên.
Mặc dù Nghị định 39 đề cập trực tiếp đến nội dung hỗ trợ pháp lý nhưng chúng tôi nhận thấy Nghị định này vẫn gián tiếp thể hiện điều này với DNNVV thông qua các quy định về hỗ trợ thông tin và tư vấn nói chung. Ví dụ, với nhóm DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp khi thực hiện việc chuyển đổi và được hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính (TTHC) thuế và kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày thành lập. Còn với nhóm DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (startup), các doanh nghiệp này có thể được hỗ trợ tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Với các quy định hiện hành tại Nghị định 39, có thể thấy các hỗ trợ pháp lý của nhà nước đối với DNNVV thường hướng tới giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho DNNVV khi thực hiện TTHC tại các cơ quan có thẩm quyền. Điều này cũng phù hợp với vai trò chủ thể cung cấp dịch vụ công của nhà nước. Cũng cần lưu ý rằng, kể cả với mục đích hỗ trợ pháp lý, nhà nước cũng không thể và không nên can thiệp vào quan hệ nội bộ hay quan hệ thương mại của doanh nghiệp mà DNNVV phải chủ động trong việc cân đối nguồn lực để giảm thiểu rủi ro pháp lý và giải quyết vấn đề pháp lý phát sinh trong các mối quan hệ này.
Nguồn lực chưa rõ ràng
Tuy nhiên từ quy định pháp luật đến thực thi trên thực tế là cả một quá trình đầy gian nan, đòi hỏi nguồn lực tài chính và con người cũng như nỗ lực và sự quyết tâm của từng bộ, ngành, địa phương. Dù triển khai theo hình thức nào thì việc bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động hỗ trợ cũng là một vấn đề các địa phương đều phải quan tâm, nếu không muốn nói là đặc biệt lưu ý. Hiện nay Nghị định 39 mới chỉ xác định nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước mà chưa quy định rõ về cơ chế huy động các nguồn lực khác trong xã hội để hỗ trợ cho DNNVV. Hơn nữa, trong các tài liệu của bộ hồ sơ Dự thảo Nghị định 39 được công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư4 không có tài liệu về đánh giá tác động của chính sách mà chỉ có dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định5. Do đó, khó có thể biết được dự kiến tác động về mặt kinh tế của các chính sách được đưa ra tại dự thảo Nghị định để mà ước tính mức ngân sách và tổng kinh phí cần thiết cho việc triển khai Nghị định này.
Ngoài thách thức về việc đảm bảo nguồn lực để thực thi (hiện vẫn còn chưa thực sự rõ ràng), thủ tục để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ và chất lượng của mạng lưới tư vấn cũng là những vấn đề đáng quan tâm. Trước hết cần khẳng định rằng, việc hỗ trợ cho toàn bộ DNNVV nói chung hay toàn bộ startup nói riêng trong cùng một thời điểm là bất khả thi bởi tính hữu hạn của nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước. Do đó Nghị định 39 đặt ra các nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, ví dụ như ưu tiên DNNVV do nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hay ưu tiên DNNVV nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện trước được hỗ trợ trước (first come first served)6. Riêng việc hỗ trợ startup sử dụng ngân sách nhà nước thì được thực hiện theo Đề án hỗ trợ DNNVV của từng bộ, ngành, địa phương (“Đề án”)7 và Nghị định 39 có quy định các phương thức nhất định để lựa chọn startup tham gia Đề án8. Ví dụ như các startup này đã phải được đầu tư, lựa chọn bởi các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cơ sở ươm tạo, các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; hoặc đã được nhận các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp; hoặc được lựa chọn trực tiếp bởi Hội đồng do cơ quan chủ trì Đề án thành lập (có tối thiểu 50% thành viên tham gia Hội đồng là các chuyên gia tư vấn độc lập trong nước và quốc tế, hiệp hội liên quan). Về cơ bản, các nguyên tắc, phương thức lựa chọn đối tượng hỗ trợ tại Nghị định 39 đã được quy định để đảm bảo tính khách quan và công bằng của việc lựa chọn, nhưng thực hiện hóa được các nguyên tắc này tùy thuộc vào sự cam kết của từng địa phương. Làm thế nào để sự hỗ trợ đến với doanh nghiệp kịp thời và phát huy lợi ích tối đa cho doanh nghiệp? Làm thế nào để không có tình trạng “chạy” để được vào danh sách hỗ trợ (vốn không phải là một câu chuyện hiếm của các dự án hỗ trợ)? Đây đều là những câu hỏi khó, đòi hỏi câu trả lời xuất phát phần nhiều từ cái tâm của người thực thi pháp luật.
Làm thế nào để xây dựng đội ngũ tư vấn
Một vấn đề khác mà chúng tôi quan ngại là chất lượng của mạng lưới tư vấn viên nói chung và đội ngũ tư vấn viên pháp lý nói riêng. Kế hoạch hỗ trợ DNNVV của Hà Nội và Quảng Trị đều trực tiếp hoặc gián tiếp nhắc đến việc xây dựng mạng lưới tư vấn viên/cộng tác viên để thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Nghị định 39 quy định mạng lưới tư vấn viên bao gồm tư vấn viên đã và đang hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành và tư vấn viên hình thành mới, đảm bảo nguyên tắc nhất định9. Cơ chế để xây dựng đội ngũ tư vấn viên đã được xác lập, tuy nhiên vấn đề quan ngại trong trường hợp này là làm thế nào để thu hút số lượng tư vấn viên đông đảo với trình độ chuyên môn cao, từ đó đảm bảo chất lượng tư vấn cho DNNVV, đặc biệt đặt trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ là hữu hạn.
Đơn cử như với trường hợp tư vấn pháp luật, một sự thật cần nhìn nhận là luật sư giỏi thì không thiếu việc. Hiện nay không rõ mức hỗ trợ của Đề án dành cho đội ngũ tư vấn viên là bao nhiêu nhưng nếu lấy tương tự trường hợp của luật sư tham gia trợ giúp viên pháp lý (được hưởng thù lao từ 0,08 – 0,15 mức lương cơ sở, tương đương với từ 100.000VND đến 200.000VND10 cho 1 văn bản tư vấn pháp luật tùy tính chất phức tạp và nội dung của vụ việc) thì quả là một thách thức cho cơ quan nhà nước trong việc thu hút đội ngũ luật sư nếu chỉ dựa vào yếu tố kinh phí hỗ trợ. Do đó, để những luật sư giỏi bỏ thời gian làm hồ sơ, đăng ký trở thành thành viên của mạng lưới tư vấn viên, điều này đòi hỏi một thứ gì đó lớn hơn kinh phí hỗ trợ. Có thể sẽ có những luật sư tham gia vào mạng lưới tư vấn viên xuất phát từ cái tâm của người hành nghề luật sư, từ mong muốn cống hiến cho xã. Bên cạnh đó, cũng có thể sẽ có những luật sư có cái nhìn “kinh tế” hơn, và coi việc tham gia mạng lưới như một hình thức marketing cho luật sư hay một cơ hội tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Thậm chí nếu Liên đoàn Luật sư đưa ra hướng dẫn chấp nhận việc luật sư tham gia mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ DNNVV sẽ được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý bắt buộc tối thiểu với luật sư trong một năm (pro-bono)11, có lẽ sẽ có nhiều hơn nữa luật sư tham gia vào mạng lưới tư vấn viên pháp lý dành cho DNNVV. Vấn đề là cơ quan chủ quản Đề án phải xác định được những nhóm tư vấn viên tiềm năng (và đương nhiên phải đảm bảo chất lượng) cũng như định ra chiến lược thu hút sự tham gia phù hợp đối với từng nhóm tư vấn viên này.
Cần phải thừa nhận hỗ trợ pháp lý cho DNNVV là một chính sách tốt, xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên đó chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong chiến lược hỗ trợ DNNVV mà đã đặt ra những thách thức không hề nhỏ về nguồn lực tài chính hay yếu tố con người. Hơn nữa, thay vì đưa ra những hỗ trợ trực tiếp, điều quan trọng là nhà nước phải làm sao để doanh nghiệp thực sự chủ động trong việc phòng ngừa các rủi ro pháp lý và giải quyết các vấn đề pháp lý của chính mình bởi “việc mình hồ dễ để ai đo lường”.
——-
Chú thích
1 Luật Hỗ trợ DNNVV 2017, Điều 14, khoản 3
2 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 9/5/2018 triển khai thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xem chi tiết tại http://business.gov.vn/tabid/1356/catid/1136/item/58529/ha-nội-triển-khai-thực-hiện-luật-hỗ-trợ-dnnvv.aspx
3 Ngày 28/7/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND về hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 – 2021. Xem chi tiết tại http://business.gov.vn/tabid/1356/catid/1136/item/58630/quảng-trị-đề-an-hỗ-trợ-phat-triển-doanh-nghiệp-khởi-nghiệp-doanh-nghiệp-giai-đoạn-2018-2021.aspx
4 Xem tại đường dẫn http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=38307&idcm=140
5 Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, cơ quan đề nghị xây dựng nghị định có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị định sau khi được Chính phủ thông qua. Các nội dung về đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng nghị định là một tài liệu bắt buộc phải có trong bộ hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định và bộ hồ sơ này phải được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của cơ quan đề nghị xây dựng nghị định trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.
6 Nghị định 39, Điều 4
7 Đề án này do mỗi Bộ, cơ quan ngang bộ và mỗi tỉnh, thành phố tự xây dựng trên cơ sở tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
8 Nghị định 39, Điều 20
9 Nghị định 39, Điều 13, khoản 4, điểm a. Cụ thể nguyên tắc: đối với cá nhân tư vấn phải đảm bảo về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, trình độ đào tạo, phù hợp và đáp ứng nhu cầu của DNNVV; đối với tổ chức phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và phù hợp với nhu cầu của DNNVV.
10 Theo quy định tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng
11 Theo Quyết định 93/QĐ-BTV của Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày 9/10/2014 ban hành quy định thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư, luật sư có nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý ít nhất một ngày làm việc/năm (8 giờ/ngày). Tuy nhiên, đối tượng hưởng lợi trong trường hợp này không phải là DNNVV mà là người được hưởng trợ giúp pháp lý theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý như người nghèo, người có công với cách mạng, người già, người chưa thành niên…