Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về khả năng cạnh tranh

Năm nay Hoa kỳ đã vượt lên Hong Kong và trở thành quốc gia có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới.

“Trái tim” của nền kinh tế Hoa kỳ, Sở giao dịch chứng khoán New York ở Wall Street. Ảnh: Imago

Hoa Kỳ đã tái chiếm vị trí hàng đầu về khả năng cạnh tranh trên thế giới. Theo công bố lần thứ 30 của World Competitiveness Ranking của trường kinh tế tư nhân IMD thì nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có khả năng cạnh tranh lớn hơn nhiều so với những năm trước đây.

Từ vị trí thứ tư Hoa Kỳ đã vươn lên vị trí thứ nhất, năm ngoái Hồng Kông đứng đầu bảng, theo sau là Singapore, Hà lan và Thuỵ Sỹ. Top 5 nước đứng đầu thế giới về khả năng cạnh tranh của năm nay không thay đổi so với năm ngoái. 

Một nhóm các nhà kinh tế ở IMD, đứng đầu là Arturo Bris đã phân loại 63 nước theo bố nhóm tiêu chí: economic performance: tăng trưởng tính theo đầu người, cân đối thương mại, đầu tư trực tiếp, thất nghiệp, và các vấn đề khác; Government efficiency: tài chính công, chính sách tài khoá, luật pháp, thể chế, điều kiện xã hội; business efficiency: năng suất lao động, thị trường lao động, tài chính và infrastructures: cơ sở hạ tầng. Tổng cộng có 258 chỉ số đo bao gồm các dữ liệu thống kê từ điều tra “cứng” đối với các nền kinh tế và cả dữ liệu “mềm” rút ra từ các cuộc khảo sát các nhà quản lý có trách nhiệm liên quan.

Hạng 1

Kể từ khi có cuộc khảo sát đánh giá này của IMD, Hoa kỳ hầu như luôn là một trong số ba nước đứng đầu bảng xếp hạng. Trong năm nay Hoa Kỳ chiếm vị trí thứ nhất chủ yếu nhờ những chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô và phát triển hạ tầng cơ sở .

Hạng 2

Năm ngoái Hồng Kông chiếm vị trí đầu bảng. Hồng Kông là khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc có sức thu hút đặc biệt về hiệu quả quản lý doanh nghiệp và hành chính.

Hạng 3

Nhà nước Singapore luôn được đánh giá là vào hàng đầu. Nước này có nền quản lý hành chính có hiệu quả, có pháp luật “thân thiện” với kinh tế và đặc biệt là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ mạng lưới thương mại quốc tế ở đây.

Hạng 4

Hà Lan đứng hàng đầu châu Âu. Khả năng cạnh tranh của Hà lan đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây, năm 2015 Hà Lan còn xếp thứ 15.

Hạng 5

Thuỵ Sỹ, so với năm ngoái nước này xếp hạng 2 thì năm nay ít nhiều bị xuống hạng.

Hạng 6

Đan Mạch thuộc những nước tiến bộ rõ trong những năm gần đây. Đan Mạch có sự tăng trưởng vững chắc và đồng tiền của nước này khá ổn định.

Hạng 7

Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất có thứ hạng cao (cũng như có mức sống cao) nhờ lợi nhuận cao thu được từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.

Hạng 8

Như các nước Bắc Âu, Na uy đặc biệt có năng suất cao trong lĩnh vực kinh tế tư nhân và hoạt động quản lý có hiệu quả.

Hạng 9

Thuỵ Điển cũng giống  các nước Bắc Âu khác như Đan Mạch và Na Uy, có sự tăng trưởng vững chắc, ổn định.

Hạng 10

Canada không được hưởng lợi nhiều từ thương mại quốc tế, tuy nhiên nước này có các doanh nghiệp rất hiệu quả, có hạ tầng cơ sở công và nền giáo dục rất tốt.

Hạng 11

Nước Luxemburg bé nhỏ vốn được biết nhiều nhờ có vị trí tài chính rất hấp dẫn và có thu nhập bình quân đầu người cao đứng hàng thứ hai thế giới.

Hạng 12

Sau khi khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính, Ireland có sự tăng trưởng cao. Các doanh nghiệp của Ireland thuộc diện hoạt động có hiệu quả nhất và năng suất cao nhất thế giới.

Hạng 13

Trung Quốc không chỉ là người khổng lồ về kinh tế xét theo các giá trị tuyệt đối. Kinh tế Trung Quốc phát triển năng động và liên tục làm cho quốc gia đông dân nhất thế giới ngày càng có thứ hạng IMD ngày càng cao hơn.

Hạng 14

Tiểu vương quốc Qatar có lợi thế chủ yếu nhờ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Cũng như các nước khác ở vùng vịnh, Qatar đang nỗ lực đa dạng hoá nền kinh tế của mình.

Hạng 15

Trong những năm qua khả năng cạnh tranh của Đức liên tục bị giảm sút nhẹ.

Theo kết quả điều tra năm nay thì Hoa kỳ đã vươn lên trở lại là nhờ các dữ liệu tăng trưởng kinh tế  cao và hạ tầng cơ sở phát triển. Xét về ảnh hưởng của chính phủ dưới thời tổng thống Donald Trump từ đầu năm 2017 đến nay có tác động như thế nào đến thứ hạng cạnh tranh, nhà kinh tế trưởng IMD  Christos Cabolis  cho rằng: “Không phải những thành tựu của năm nay đều là kết quả của sự điều hành của chính phủ mới trong một năm, mà nó là kết quả của cả một quá trình trước đó”.

Theo Bris, một xu hướng chung có ý nghĩa quyết định về lâu dài là: Để thay đổi khả năng cạnh tranh của mình, thì các nước đều đi theo các con đường khác nhau. Trong khi có nước đặc biệt chú ý đến yếu tố hạ tầng cơ sở thì có nước lại đặc biệt chú ý đến khâu quản lý hiệu quả hành chính công.

Thí dụ Hồng Kông là số 1 về hiệu quả với công tác hành chính và đời sống kinh doanh. Trong khi đó Hà lan lại theo đuổi một lối đi “cân bằng” về khả năng cạnh tranh, trong cả bốn thứ hạng Hà Lan đều ở vị trí hàng đầu.

Trong số Top 10 của bảng xếp hạng thì các nước phía bắc rõ ràng là mạnh hơn: Đan mạch (xếp hạng 6) Na uy (8) và Thuỵ Điển (9). Nền kinh tế các nước này đặc biệt mạnh vì năng suất cao của kinh tế tư nhân và sự quản lý.

Về trường hợp Trung Quốc, xếp thứ 13 – theo Bris chính là nhờ đầu tư công vào hạ tầng cơ sở cũng như việc cải thiện điều kiện khung về pháp lý. Năm ngoái  Trung Quốc xếp thứ 18 và cách đây 4 năm đứng thứ 23.

Đức xếp thứ 15 trong bảng xếp hạng năm nay, và những năm gần đây đều cho thấy xu hướng đi xuống liên tục của nước này về khả năng cạnh tranh. Năm  2014 Đức còn xếp hạng 6. Đức bị xuống hạng chủ yếu là do chính sách thuế không thân thiện với doanh nghiệp (riêng chỉ số này, nước Đức xếp thứ 58 trong các nền kinh tế tham gia khảo sát). Hệ thống giáo dục của Đức xếp hạng 32 trong tổng số 63 nước. Con số này cho thấy một tương lai không mấy sáng sủa cho khả năng cạnh tranh của Đức. Cho đến nay công tác đào tạo nguồn nhân lực của Đức và trình độ giáo dục của Đức luôn được đánh giá cao.

Không riêng gì Đức mà phần đông các nước Tây Âu năm nay và mấy năm gần đây đều có sự tụt hạng, tuy nhiên các nước này vẫn đang ở trình độ kinh tế rất cao.

Một số nước có xu hướng đi lên – tuy nhiên vẫn ở trình độ kinh tế thấp – thí dụ một số nước ở Đông và Trung Âu, nhất là Ba Lan (38 lên 34), Slovenia (43 lên 37) và Hung (52 lên 47). Còn Hungary đã giảm mức thuế đối với doanh nghiệp và năng suất lao động bình quân đang tăng lên .

Nhận xét chung về khả năng cạnh tranh của các nước, Cabolis cho rằng: “Có mối quan hệ nhân quả rất rõ ràng giữa sự cởi mở của nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đó”.

Hoài Nam dịch
Nguồn: https://www.wiwo.de/politik/konjunktur/imd-world-competitiveness-ranking-die-usa-sind-weltmeister-der-wettbewerbsfaehigkeit/22590502.html

Tác giả