Học giả Pháp giới thiệu quá trình “đánh thức” Lục Vân Tiên bằng tranh màu

“Bản thảo bộ truyện Lục Vân Tiên bằng tranh màu, sản phẩm của ‘cuộc gặp gỡ’ từ xa của bốn nhân vật lịch sử Nguyễn Đình Chiểu, Abel des Michel, Eugene Gibelt và Lê Đức Trạch là ‘duy nhất’, có giá trị lớn cả về lịch sử, mỹ thuật và văn hoá”.

TS. Olivier Tessier giới thiệu về quá trình “tái tạo” cuốn Lục Vân Tiên bằng tranh màu.

Đó là nhận định của TS. Olivier Tessier, Trưởng đại diện của Viện Viễn đông Bác cổ tại TP.HCM trong buổi ra mắt cuốn sách “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” do ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tổ chức vào ngày 20/3 tại ĐH KHXH&NV Hà Nội.

Tại buổi ra mắt, các học giả Pháp và Việt Nam gồm GS. Michel Zink (Thư ký trọn đời của Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp), TS. Olivier Tessier, GS. Phan Huy Lê và GS. Trần Ngọc Vương (ĐH KHXH &NV Hà Nội) cùng giới thiệu về nguồn gốc lâu đời, quá trình phát hiện bản thảo cũng như phân tích giá trị lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ của có cuốn sách có số phận đặc biệt này.

GS. Phan Huy Lê giới thiệu quá trình “đánh thức” bản thảo đang nằm im lìm tại một thư khố ở Pháp. Vào năm 2011, trong một dịp tìm đọc tư liệu lịch sử Việt Nam tại các thư viện ở Pháp, ông được nghe giới thiệu một số tư liệu quý, trong đó có một bản thảo với những bức vẽ minh hoạ vô cùng tươi mới, đặc sắc, tinh tế, mặc dù đã được thực hiện cách đây hơn 100 năm. Ông nhớ lại: “Tôi thật sự ngạc nhiên khi tìm thấy cuốn sách có đề dòng chữ năm thứ nhất thời Đồng Khánh, ngay ở giữa có những câu thơ của Lục Vân Tiên bằng chữ Nôm, bốn phía xung quanh được minh hoạ bằng tranh một cách trung thành với nội dung tác phẩm. Sau cả thế kỷ nhưng màu sắc của cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn”. Ngay sau đó ông đã bàn với các đồng nghiệp Việt Nam và Pháp cùng đánh giá về giá trị thẩm mỹ, sử liệu của tập bản thảo này. Đến năm 2016 thì bản thảo này được xuất bản thành sách với 2 tập: 1 bản gốc bằng chữ hán nôm, 1 bản bằng chữ quốc ngữ, có dịch bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và chú thích của các nhà nghiên cứu. “Như vậy cuốn sách đã được ‘thức tỉnh’, mang tới người đọc sau 112 năm ngủ quên”, GS Lê nói.

TS. Olivier Tessier, người giữ vai trò trưởng nhóm biên tập cuốn sách cũng giới thiệu với cử tọa về giá trị của tác phẩm và quá trình hợp tác giữa nhiều cơ quan nghiên cứu khác nhau để cùng phân tích bản thảo, chuyển ngữ tác phẩm và in ấn. “Bản thảo bộ truyện Lục Vân Tiên bằng tranh màu là sản phẩm của ‘cuộc gặp gỡ’ từ xa của bốn nhân vật lịch sử Nguyễn Đình Chiểu, Abel des Michel, Eugene Gibelt và Lê Đức Trạch là ‘duy nhất’, có giá trị lớn cả về lịch sử, mỹ thuật và văn hoá”, ông nói. Để tác phẩm độc nhất này tiếp cận được với người đọc, các nhà nghiên cứu lịch sử ở Viện Viễn đông Bác cổ, Viện Hàn lâm văn khắc và văn chương Pháp, ĐH KHXH&NV Hà Nội đã cùng phân tích, dịch trong suốt hơn 3 năm. Riêng phần dịch sang tiếng Anh, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự hỗ trợ dịch thuật rất lớn từ Lãnh sự quán Mỹ tại TP. HCM.

TS. Tessier cho biết, trong thời gian tới, Viện Viễn Đông bác cổ sẽ tiến hành các dự án nghiên cứu, chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Pháp và tiếng Anh đối với một số tác phẩm có giá trị khác nữa để tiếp tục giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam rộng rãi hơn tới giới học thuật và công chúng quốc tế.


Phần chữ nôm của cuốn sách.

Hành trình hơn một thế kỷ của bản thảo Lục Vân Tiên bằng tranh màu:
Tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã được dịch sang tiếng Pháp từ năm 1864. Dựa trên bản in tiếng Pháp của Abel de Michel, viên sĩ quan hải quân Pháp Eugene Gibert nảy ra ý tưởng phác họa tác phẩm bằng tranh màu và giao cho Lê Đức Trạch, một họa sĩ của triều đình Huế thực hiện tác phẩm truyện thơ bằng tranh màu trong khoảng thời gian 1895 -1897. Trở về Pháp, ông đã trao tặng tác phẩm này cho Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn học Pháp vào năm 1899. Kể từ đó trong suốt hơn 110 năm, bản thảo nằm im lìm trong thư viện Viện hàn lâm Pháp, cho đến năm 2011 được Giáo sư Phan Huy Lê phát hiện. Với mong muốn giúp công chúng hiểu rõ giá trị đặc biệt về khoa học và mỹ thuật của bản thảo Truyện thơ Lục Vân Tiên bằng tranh màu, hai nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác cổ là TS. Pascal Bourdeaux và TS. Oliver Tessier đã tiến hành biên tập, chú giải để công bố bản thảo này bằng 3 ngôn ngữ: Việt-Anh-Pháp với nhan đề “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” (2 tập) và xuất bản vào năm 2016 (nhà xuất bản văn hóa văn nghệ TP.HCM ấn hành).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)