Hội nghị Lý thuyết và Ứng dụng của Bảo mật và An toàn thông tin lần đầu đến Việt Nam

ASIACRYPT, một trong 3 hội nghị thường niên lớn nhất thế giới về mật mã do Hội mật mã thế giới (IACR), lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với sự chủ trì của GS Ngô Bảo Châu và GS Phan Dương Hiệu.

Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 8/12 tại khách sạn Intercontinental Hà Nội, thu hút khoảng 250 nhà khoa học từ gần 40 nước tham dự, trong đó có những nhà khoa học đầu ngành như Adi Shamir (giải thưởng Turing – giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực Khoa học máy tính), những người mở đường cho sự phát triển khoa học mật mã ở nhiều nước như Jacques Stern (Pháp), Tatsuaki Okamoto (Nhật Bản), Serge Vaudenay (Thuỵ Sỹ), những người có vai trò quan trọng cộng đồng như Christian Cachin (Chủ tịch Hội mật mã thế giới). 

Cùng với các nhà khoa học, hội nghị cũng là nơi nhiều công ty R&D và chính phủ tới tham dự. Năm nay ASIACRYPT có được sự quan tâm tài trợ từ cả các tổ chức khoa học, R&D quốc tế (XLIM, Microsoft, Intel, Google) và trong nước (Viettel, ECPAY, Microsoft, Cisco, VP9, FPT, EHN).

Ban tổ chức ASIACRYPT năm nay nhận được 240 công trình khoa học gửi tới. Sau 2 vòng phản biện và một vòng phản hồi của các tác giả, 67 công trình khoa học đã được lựa chọn để xuất bản và sẽ được trình bày cùng ba báo cáo mời tại hội nghị. Trong số này, nhiều công trình được thực hiện tại các trung tâm nghiên cứu mật mã có uy tín như Stanford, MIT, UCLA, Microsoft Research, Pennsylvania, San Diego, Brown University (Mỹ), ENS, Ecole Polytechnique, ENS Lyon, INRIA, Limoges, Rennes, CEA, Oranges, DGA, ANSSI (Pháp), Cambridge, Oxford, Royal Holloway, University College London, Bristol (Anh), EPFL, ETH Zurich (Thuỵ Sỹ), NTT, AIST (Nhật), Queensland, Wollongong, Qualcomm (Úc), NTU (Singapore), vv.

Trước thềm hội nghị, từ ngày 27/11 đến ngày 4/12, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, đơn vị tổ chức hội nghị, cũng đã tổ chức Trường CRYPTO “Mật mã: Nền tảng và xu hướng mới” thu hút 76 học viên, trong đó có 35 học viên quốc tế (từ Sri Lanka, Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hong Kong, Australia, Ma rốc, Italia) được CIMPA (Trung tâm Quốc tế về Toán cơ bản và Ứng dụng) tài trợ. Trường cũng thu hút được nhiều học viên từ các trung tâm nghiên cứu phát triển trong nước như Viettel, Học viện kỹ thuật mật mã, Viện Khoa học – Công nghệ mật mã…

Chiều 4/12 tại Nhà văn hóa trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ diễn ra bài giảng đại chúng của GS Adi Shamir về mật mã học hiện đại với hai phần: 40 năm mật mã hiện đại và những dự báo về các hướng phát triển; hướng nghiên cứu mới nhất của GS Adi Shamir trong năm nay. Adi Shamir – ‘S’ trong hệ mã hoá khoá công khai RSA – là người khởi đầu cho nhiều hướng nghiên cứu của mật mã hiện đại. Ngay sau khi Diffie, Hellman đưa ra khái niệm mật mã hoá khoá công khai vào năm 1976 – dấu mốc cho sự khai sinh của mật mã hiện đại, Rivest, Shamir và Adleman đã công bố một trong những hệ mã hoá khoá công khai đầu tiên vào năm 1977. Hệ mã RSA – lấy theo chữ cái tên của ba ông – hiện vẫn đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều ứng dụng của thực tế: bảo mật trong quân đội, giao dịch ngân hàng, trao đổi email v.v Mật mã hiện đại mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới: chữ ký điện tử (đã được nhiều nước cho phép sử dụng với giá trị pháp lý ngang với chữ ký thông thường); các sơ đồ định danh; v.v. Sự ra đời của mật mã hiện đại cũng thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực nghiên như lý thuyết số tính toán (computational number theory) vì độ an toàn của các sơ đồ như RSA dựa trên độ khó giải của các bài toán số học như phân tích số. Mật mã hiện đại, qua sự nghiên cứu tương tác giữa người bảo vệ an toàn và kẻ tấn công, cũng làm nảy sinh những khái niệm mới trong Khoa học máy tính như chứng minh tương tác (Interactive Proofs) – khái niệm vượt qua phạm vi của những chứng minh thông thường. Adi Shamir là một trong những người mở đường cho mật mã hiện đại, những công trình của ông mang tính bản lề. Bên cạnh hệ mã RSA, ông còn đề xuất sơ đồ chia sẻ bí mật (Shamir Secret Sharing), nơi bí mật được chia sẻ giữa nhiều người và chỉ khi có sự đồng thuận thì bí mật mới được tiết lộ – nền tảng cho nhiều ứng dụng thực tế, như trong bầu cử điện tử; đưa vào khái niệm mã hoá dựa trên danh tính (Identity-based Encryption) năm 1986 và hiện nay đó là một hướng nghiên cứu quan trọng của mật mã; tiên phong trong phá mã. Cùng Eli Biham, ông đề xuất khái niệm phá mã sai phân (Diffrential Cryptanalysis) được sử dụng phổ biến trong việc phá các hệ mã đối xứng; đóng góp lớn cho lĩnh vực độ phức tạp tính toán. Ông hoàn tất chứng minh IP = PSPACE, lập quan hệ tương đương giữa độ phức tạp theo thời gian của các chứng minh tương tác và độ phức tạp theo không gian của các chứng minh tĩnh cổ điển. Với những kết quả nền tảng và mở đường, Shamir đã được trao nhiều giải thưởng danh giá, đặc biệt là giải Turing – giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực Khoa học máy tính.

 

 

 

 

 

Tác giả