Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Bắc Trung Bộ

Ngày 17/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành đã tới Nghệ An tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào Khu vực Bắc Trung Bộ. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), và Tổ chức Xúc tiến Thương Mại Nhật Bản (JETRO).  

Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế. Dân số vùng là 11 triệu người, trong đó gần 6 triệu người trong độ tuổi lao động (13% cả nước). Bắc Trung Bộ có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, chiếm 60% trữ lượng quặng sắt, 80% thiếc, 100% cronit, và 40% đá vôi so với cả nước. Điều kiện tự nhiên của vùng thuận lợi cho việc phát triển nghề rừng và đánh bắt hải sản, với diện tích rừng của khu vực là 1.633 nghìn hecta, đường bờ biển dài 670 km. Đặc biệt, Bắc Trung Bộ có thế mạnh về khai thác ngành du lịch, với các danh thắng như khu Cố đô Huế, động Phong Nha, các bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò, Nhật Lệ, …

Về phát triển công nghiệp, trong những năm qua, các khu kinh tế lớn của vùng như Nghi Sơn và Vũng Áng đã được sự quan tâm đầu tư phát triển của các cấp chính quyền, qua đó thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Ấn Độ, Nhật, Đài Loan, … Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 9/2011, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực trên địa bàn là 189 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 19,1 tỷ USD, chiếm gần 10% của cả nước. 

Tuy nhiên, nhìn chung môi trường đầu tư của Bắc Trung Bộ hiện vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Mạng lưới giao thông đã hình thành từ lâu nhưng quy mô và chất lượng còn thấp. Để có nguồn tài chính cần thiết cho việc cải tạo, nâng cấp, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị cần nhanh chóng triển khai thành lập Quỹ bảo trì và Quỹ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo kinh nghiệm quốc tế, trước hết là Quỹ bảo trì đường bộ để kéo dài tuổi thọ công trình, tạo điều kiện giảm vốn đầu tư và nâng cấp. Bên cạnh đó là kiến nghị đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách Nhà nước (ví dụ theo hình thức PPP, BOT, hay BT), trong đó chú trọng khai thác quỹ đất theo hình thức Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho các đơn vị, cá nhân thuê khai thác để Nhà nước có vốn đầu tư và bảo trì.

Bộ Công thương chỉ ra thực trạng là công nghiệp hỗ trợ ở Bắc Trung Bộ, cũng như đa số các địa phương trên cả nước, hiện nay “gần như ở con số không”. Nguyên nhân do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, quy mô thị trường quá nhỏ bé, và các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia “hầu như chưa có”. Bộ Công thương khuyến nghị xây dựng Chương trình hành động về công nghiệp hỗ trợ, trong đó đẩy mạnh phát triển hệ thống doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực.

Quan điểm từ đại diện Vụ Quản lý các Khu Kinh tế – Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng Bắc Trung Bộ nên xây dựng phát triển ngành công nghiệp thép, nhưng theo ý kiến của Công ty Thép Kobe – hiện có dự án đầu tư trị giá 1 tỷ USD tại Nghệ An đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương – thì tiến độ dự án phát triển khai thác mỏ quặng Thạch Khê còn chậm trễ, chưa đảm bảo cung cấp nguồn quặng cần thiết.

Trong khi nhiều ý kiến tại Hội nghị còn khá chung chung, thì khuyến nghị của đại diện JETRO tương đối cụ thể và sắc nét, với ba đề xuất ngắn gọn cho lãnh đạo các tỉnh Bắc Trung Bộ: tập trung hỗ trợ cho các dự án đã đầu tư và đăng ký đầu tư; tạo nên những ví dụ điển hình về thành công trong đầu tư của doanh nghiệp; tận dụng tối đa các lợi thế từ những dự án đã đầu tư tại địa phương của mình.

Qua Hội nghị, cả hai đại diện cấp cao nhất của Ngân hàng Thế giới và ADB đều thể hiện cam kết cao trong việc hỗ trợ nguồn vốn cần thiết cho việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, qua đó giúp tăng cường khả năng kết nối nội bộ và liên vùng, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực Bắc Trung Bộ.  

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)